Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017

Tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, quyết liệt hành động, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017. Đồng thời, môi trường sản xuất kinh doanh được cải thiện, lạm phát được kiềm chế, dòng vốn đầu tư dồi dào, tiêu dùng dân cư tăng trưởng tích cực; nhiều doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực đổi mới sáng tạo, chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… vì vậy, tình hình kinh tế – xã hội 10 tháng đầu năm đã đạt được kết quả khả quan trên các lĩnh vực.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Sản xuất vụ mùa năm 2017, đầu vụ thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, mặc dù nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng có mưa xen kẽ, sau khi gieo trồng, nông dân tích cực chăm bón nên lúa bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh nhanh và tập trung; tuy nhiên ở giai đoạn cuối vụ mưa nhiều làm cho một số cây rau mầu bị dập nát, thối rễ, sâu bệnh phát sinh; đồng thời mưa nhiều ở giai đoạn lúa trỗ bông, làm cho cây lúa vào chắc kém, tỷ lệ nép cao, bệnh lem nép hạt phát triển mạnh.

Đến nay, cơ bản diện tích lúa mùa trên địa bản tỉnh đã thu hoạch xong. Sơ bộ năng suất lúa vụ mùa ước đạt 45,06 tạ/ha, giảm  19,6% (-11 tạ/ha) so với vụ mùa năm 2016. Năng suất lúa vụ mùa năm nay đạt thấp nhất trong nhiều năm gần đây, ngoài nguyên nhân thời tiết (mưa nhiều ở giai đoạn lúa trỗ bông) còn do sâu bệnh xuất hiện sớm với mật độ cao hơn so với trung bình nhiều năm như: bệnh nấm lùn sọc đen, bạc lá, rầy nâu… đồng thời, một số diện tích bị ảnh hưởng nặng do chuột phá hoại.

Thời tiết nóng ấm, mưa rào xen kẽ bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh như héo rũ, phấn trắng, giả sương mai phát sinh gây hại cho cây trồng. Do đó, hầu hết các loại cây rau vụ mùa cho năng suất thấp hơn so với cùng kỳ.

Sản xuất vụ đông năm 2018, thời tiết bất thuận, lượng mưa nhiều, đất ướt gây khó khăn cho công tác làm đất gieo trồng cây vụ đông. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 15/10/2017, tổng diện tích gieo trồng cây rau mầu vụ đông của toàn tỉnh ước đạt 5.911 ha, giảm 2,4% (-147 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây khoai lang ước đạt 120 ha, giảm 4%, cây rau các loại ước đạt 4.672 ha, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2016.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng 10, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra.

Hiệu quả chăn nuôi gia cầm đạt khá, số lượng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016, nhất là chăn nuôi gà. Tổng đàn gia cầm ước đạt 12.000 nghìn con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 9.300 nghìn con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 3.300 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, chăn nuôi lợn vẫn gặp nhiều khó khăn, giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn duy trì ở mức thấp, người chăn nuôi thua lỗ. Tổng đàn lợn thịt ước đạt 479.000 con, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.260 con, giảm 2,5%; đàn bò ước đạt 19.960 con, giảm 1,7%  so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 10 ước đạt 43 tấn, giảm 4,4%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 7.136 tấn, giảm 12,7%.

1.3. Thủy sản

Trong tháng 10 sản xuất thủy sản của tỉnh vẫn duy trì ổn định và phát triển, công tác quản lý môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh các loại thủy sản đạt hiệu quả cao, dịch bệnh được khống chế, chỉ xảy ra ở một số ít diện tích. Phương thức nuôi thâm canh thủy sản của nông dân có nhiều tiến bộ; chú trọng đầu tư giống, thức ăn công nghiệp, sản xuất mang tính hàng hóa tập trung, mạnh dạn đầu tư đặc biệt là giống mới và loài đặc sản.

Trong tháng thời tiết khá thuận lợi, số giờ nắng trung bình trong ngày cao, có mưa rào là điều kiện tốt cho sinh trưởng và phát triển của cá; vì vậy, việc thu hoạch cá thương phẩm và thả giống nuôi vụ mới không gặp khó khăn.

Việc nuôi cá lồng trên sông vẫn tiếp tục được duy trì ổn định, với các chủng loại giống đa dạng như diêu hồng, rô phi đơn tính, cá lăng, trắm cỏ và cá chép nuôi giòn.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được thế và lực sẵn có, tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan; nhiều doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất…

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6%; trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 11,8%. Ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 8,7% nguyên nhân là do Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đã đại tu xong các dây truyền sản xuất và đưa vào vận hành ổn định trở lại, cùng với việc Bộ Công Thương đã có Quyết định về việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/10/2017  để phục vụ việc huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện khí trong các tháng cuối năm 2017. Do thời tiết mưa nhiều đã làm sản lượng đá khai thác giảm 3,6%, quặng sắt và tinh sắt chưa nung kết giảm 21,4%, làm cho chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 4,8% so với tháng trước.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,0%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 22,9%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,4%;

Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 9,3%, 6 tháng tăng 8,7%, 9 tháng tăng 11,2%),

cao

hơn so với mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2016; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,4%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 14,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 1,1%; công nghiệp khai khoáng giảm 11,6%.

Trước tiên, phải kể đến là ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học,thời gian trở lại đây ngành này đang có tốc độ tăng trưởng khá cao với mức tăng 36,1%, một số công ty lớn như: Công ty TNHH điện tử Umc Việt Nam, Công ty TNHH Aiden Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam… đều có lượng sản xuất tăng cao.

Ngành sản xuất kim loại tăng 25,7%, ngoài tác động nhu cầu thị trường tăng còn do công ty Cổ phần thép Hòa Phát đang hoạt động tối đa công suất thiết kế nên sản lượng sắt thép không hợp kim cán phẳng không gia công tăng 130,1%.

Tương tự, sản phẩm may mặc, giày dép do có ưu thế về nhân công giá rẻ, thị trường xuất khẩu ổn định đã kéo theo sản lượng sản xuất tăng, trong đó: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 11,1%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 26,0%; áo phông (T- shirt), áo may ô và các loại áo khác tăng 36,0%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 33,6%.

Cùng với đó, các sản phẩm như thức ăn cho gia súc, than cốc, sản phẩm bằng plastic, sản phẩm đinh, ốc, vít, thiết bị dây dẫn điện, bộ phận và thiết bị cho xe có động cơ cũng có lượng sản xuất ổn định, cụ thể như: thức ăn cho gia súc tăng 11,1%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 33,2%; đinh, đinh mũ, ghim dập trừ ghim dập dạng mảnh tăng 20,2%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác tăng 12,3%; dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế < 1000V tăng 29,4%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 9,96%; bộ phận thiết bị điện khác dùng cho xe có động cơ tăng 10,6%.

3. Hoạt động đầu tư

Ước tháng 10 năm 2017, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 190,7 tỷ đồng, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 115,1 tỷ đồng, giảm 18,0% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, xã đạt 75,6 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ước 10 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.408,6 tỷ đồng, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 898,5 tỷ đồng, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 428,6 tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ, vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 81,5 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 9, có 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép; tính đến ngày 15/10 có thêm 01 dự án được cấp giấy phép. Trong 10 tháng đầu năm có 36 dự án được cấp giấy phép với số vốn đầu tư đăng ký đạt 197,9 triệu USD.

Trong 03 tháng cuối năm, Tỉnh tiếp tục chú trọng khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đối với các công trình giao thông, cung cấp điện, nước, bệnh viện, trường học, dạy nghề… quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài từ những nước tiên tiến, có tiềm lực tài chính khoa học và công nghệ cao, các tập đoàn lớn có uy tín trên thế giới nhằm thu hút những dự án có sản phẩm giá trị lớn, chứa hàm lượng khoa học công nghệ và chất xám cao, thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 10 tháng đầu năm 2017, ước đạt 10.844 tỷ đồng, bằng 86,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, thu nội địa 8.477 tỷ đồng, bằng 80,8% dự toán năm và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016, thu qua hải quan 2.368 tỷ đồng, bằng 112,8% dự toán năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 651 tỷ đồng, bằng 62,6% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.681 tỷ đồng, bằng 53,6%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 2.038 tỷ đồng, bằng 106,1%; thu tiền sử dụng đất đạt 1.106 tỷ đồng, bằng 170,2%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 24 tỷ đồng, bằng 89,1%; tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 171 tỷ đồng, bằng 95,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 514 tỷ đồng, bằng 79,1%; lệ phí trước bạ đạt 254 tỷ đồng, bằng 59,9%; phí lệ phí khác đạt 1.037 tỷ đồng, bằng 174,9% so với dự toán.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/10, ước đạt 11.086 tỷ đồng, bằng 113,1% dự toán năm; trong đó, chi đầu tư phát triển 2.155 tỷ đồng, bằng 158,8%, chi thường xuyên 8.929 tỷ đồng, bằng 108,6% so với dự toán.

Trong chi thường xuyên, chi an ninh đạt 612 tỷ đồng, bằng 948,2% dự toán; chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 2.667 tỷ đồng, bằng 79,1%; chi y tế đạt 245 tỷ đồng, bằng 33,1%; chi đảm bảo xã hội đạt 1.659 tỷ đồng, bằng 261,7%; chi quản lý hành chính đạt 1.540 tỷ đồng, bằng 102,6%.

5. Thương mại, dịch vụ

5.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 4.088,0 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,4% và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm ước đạt 38.997 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo loại hình kinh tế;

– Khu vực kinh tế nhà nước đạt 180 tỷ đồng, chiếm 0,5% và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước;

– Kinh tế tập thể đạt 256 tỷ đồng, chiếm 0,7% và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước;

– Kinh tế cá thể đạt 24.314 tỷ đồng, chiếm 62,3% và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước;

– Kinh tế tư nhân đạt 13.608 tỷ đồng, chiếm 34,9% và tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước;

– Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 639 tỷ đồng, chiếm 1,6% và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo ngành kinh tế;

– Doanh thu bán lẻ đạt 32.253 tỷ đồng, chiếm 82,7% và tăng 12,6% so với cùng kỳ; trong đó ngành lương thực, thực phẩm tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,1%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 18,8%.

– Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.851 tỷ đồng, chiếm 7,3% và tăng 9,0% so với cùng kỳ.

– Doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 10,6 tỷ đồng, chiếm 0,03% và tăng 17,6% so với cùng kỳ.

– Doanh thu dịch vụ khác đạt 3.883 tỷ đồng, chiếm 10,0% tổng mức và tăng 10,7% so với cùng kỳ.

5.2. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 10 ước đạt 619 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,6%; trong đó, vận tải hành khách đạt 108 tỷ đồng giảm 0,2%; vận tải hàng hoá đạt 466 tỷ đồng tăng 0,8%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 44 tỷ đồng tăng 0,5%. Tính theo ngành đường vận tải đường bộ đạt 466,6 tỷ đồng  tăng 0,3%; vận tải đường biển đạt 15,6 tỷ đồng và cơ bản ổn định; vận tải đường thủy nội địa đạt 136,9 tỷ đồng tăng 1,6%.

Doanh thu vận tải, kho bãi 10 tháng đầu năm đạt 5.949 tỷ đồng. So với cùng kỳ tăng 10,5%, trong đó: vận tải hành khách đạt 1.068 tỷ đồng tăng 10,5%; vận tải hàng hoá  đạt 4.465 tỷ đồng tăng 10,7%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 416 tỷ đồng tăng 8,9%. Chia theo ngành đường vận tải đường bộ đạt 4.513 tỷ đồng tăng 11,2%; vận tải đường biển đạt 149 tỷ đồng tăng 0,1% ; vận tải đường thủy nội địa đạt 1.287 tỷ đồng tăng 9,4%. Chia theo thành phần kinh tế: Kinh tế tư nhân tăng 9,8%; kinh tế cá thể tăng 11,3%;  kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5%.

Trong tháng 10 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt xấp xỉ 2,0 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 5,1%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 132,6 triệu hành khách.km, tăng 9,6%.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 10 ước đạt 5,5 triệu tấn, so với tháng trước tăng 1,1%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 381,3 triệu tấn.km, tăng 1,0%.

Dự ước 10 tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển đạt 19,5 triệu lượt hành khách, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,0%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 1.191,4 triệu hành khách.km, tăng 9,6%vn

Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 54,4 triệu tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,7%, trong đó: đường bộ ước đạt 30,5 triệu tấn, tăng 10,8%; đường sông ước đạt 23,3 triệu tấn, tăng 8,7%; đường biển ước đạt 0,6 triệu tấn, tăng 0,3%.

Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 3.814,0 triệu tấn.km, so với cùng kỳ tăng 8,6%, trong đó: đường bộ ước đạt 1.210,4 triệu tấn.km, tăng 10,6%; đường sông ước đạt 2.290,4 triệu tấn.km, tăng 8,8%; đường biển ước đạt 313,2 triệu tấn.km, tăng 0,1%.

Để tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoanh 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh, cần kết hợp và khai thác tốt hệ thống giao thông, đặc biệt trong việc kết nối với các tỉnh lân cận; phát triển mạng lưới xe buýt nội tỉnh và lân cận; bảo đảm an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

6. Tổng quan thị trường, giá cả

Tình hình giá cả thị trường tháng 10 năm 2017 vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 3,21%; trong đó, các nhóm lương thực; đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt, VLXD tăng khá; cá biệt, nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục có mức tăng rất cao.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,35% so với tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 1,07%; so với tháng cùng kỳ năm trước tăng 3,3%; nguyên nhân làm cho CPI tăng là do tác động các yếu tố chủ yếu sau:

– Do ảnh hưởng của bão, lũ nên giá thóc, gạo tăng cao, dự kiến năng suất lúa vụ này đạt thấp do nhiều diện tích lúa bị ngập và sâu bệnh;

– Giá rau, củ quả do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều xong nắng nóng làm cho nhiều diện tích rau, củ bị hỏng. bên cạnh đó, một số nhóm rau, củ lỗi mùa nên giá tăng cao;

– Giá xăng, dầu tăng mặc dù 2 đợt gần đây giá giảm nhẹ nhưng tính chung giá bình quân tháng vẫn cao hơn tháng trước (xăng tăng 122 đồng/lít; dầu hỏa tăng 517 đồng/lít; dầu diezen tăng 410 đồng/lít);

– Mặc dù 2 kỳ sau giá sắt, thép đã giảm nhưng so tháng trước vẫn tăng nhẹ do kỳ đầu giá tăng cao;

– Giá ga đun tăng, loại ga Pettolimex bình 12 kg tăng bình quân 30.000 đồng/bình nên đã làm chỉ số mặt hàng này tăng 9,56% so với tháng trước.