Năm 2023 tình hình thế giới diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine và Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; lạm phát, lãi suất, nợ công cao. Tình hình trong nước, trong tỉnh mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những tồn tại, khó khăn trong nội tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; chi phí đầu vào tăng; thị trường bất động sản trầm lắng.
Trong bối cảnh đó Hải Dương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực; dự kiến có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.
- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương năm 2023 ước đạt 8,16%; cao thứ 13/63 cả nước và thứ 6/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng (năm 2022 đạt 9,12%; cao thứ 26/63 cả nước và thứ 8/11 Vùng ĐBSH); trong đó:
– Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,08%, đóng góp 0,41 điểm%;
– Công nghiệp tăng 9,21% đóng góp 4,55 điểm%;
– Xây dựng tăng 7,66%, đóng góp 0,39 điểm%;
– Dịch vụ tăng 7,39%, đóng góp 1,97 điểm%;
– Thuế sản phẩm tăng 9,53%, đóng góp 0,83 điểm%.
Tăng trưởng của Tỉnh bứt phá mạnh mẽ trong quý IV (tăng 10,88%; đóng góp 2,94 điểm% vào tăng trưởng của năm) nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và quyết tâm giải ngân, thu hút đầu tư của chính quyền các cấp.
Quy mô kinh tế của Tỉnh ước đạt 184.123 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước (đứng sau Nghệ An và đứng trước Bắc Giang). GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 94,1 triệu đồng/người (tương ứng 3.950 USD/người); đứng thứ 16/63 cả nước (tăng 1 bậc so với năm trước), nhưng vẫn đứng thứ 7/11 Vùng ĐBSH.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng: Khu vực 1 tiếp tục giảm, khu vực 2 tăng; tuy nhiên, tỷ trọng khu vực 3 vẫn có xu hướng giảm cho thấy nền kinh tế trong Tỉnh vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, kinh tế dịch vụ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong các năm tiếp theo.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 21.069 tỷ đồng; tăng 19,2% so với dự toán giao, tăng 5,4% so với năm trước, trong đó, Thu nội địa ước đạt 18.200 tỷ đồng, tăng 19,9% dự toán giao, bằng 8,3% so với thực hiện năm trước.
Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước đến ngày 15/12/2023 ước đạt 17.722 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, chủ yếu tăng chi do thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ phát sinh trong năm và kinh phí bổ sung thực hiện cải cách tiền lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP; Nghị định 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
- Hoạt động tài chính, ngân hàng
Hoạt động ngân hàng ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Ước đến 31/12/2023 tổng nguồn vốn huy động đạt 188.789 tỷ đồng, tăng 15%; tổng dư nợ tín dụng đạt 131.687 tỷ đồng, tăng 7%. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm từ 1,5-2,1%/năm so với cuối năm trước đối với các kỳ hạn.
- Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,23% so với tháng trước; tăng 5,63% so với tháng 12 năm trước; bình quân cả năm 2023 tăng 4,62% so với bình quân cùng kỳ. CPI tăng trong năm 2023 chủ yếu do:
– Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 23,53% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 4,25 điểm%; trong đó, nhóm nhà ở tăng 35,5%; điện sinh hoạt tăng 4,69%;
– Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,09%, làm CPI chung tăng 0,16% điểm%.
– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,68%, làm CPI chung tăng 0,04 điểm%; trong đó, đồ uống không cồn tăng 3,11%; rượu, bia tăng 2,26%;
– Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,23%, làm CPI chung tăng 0,18 điểm%; trong đó, thuốc các loại tăng 4,15%; dịch vụ y tế tăng 1,75%;
– Ở chiều ngược lại, nhóm hàng giảm giá như: nhóm hàng giao thông giảm 3,75%, làm CPI chung giảm 0,39 điểm%; giảm chủ yếu do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu trong nước.
Giá vàng có xu hướng tăng mạnh trong tháng 12, chỉ số giá vàng tăng 3,60% so tháng trước; tăng 14,31% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023 giá vàng tăng 5,44%.
Giá Đô la Mỹ tháng 12 giảm 0,44% so với tháng trước; tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023 tăng 2,03%.
Chỉ số giá sản xuất trong năm 2023 hầu hết có xu hướng tăng nhẹ: Giá sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,16%; giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng tăng 1,04%; giá sản xuất dịch vụ tăng 4,26%; giá cước vận tải, kho bãi tăng 3,50%. Riêng chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,45%; giá xuất khẩu hàng hoá theo USD giảm 0,53%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá theo USD giảm 4,73%; nguyên nhân giảm chủ yếu do cầu giảm trong khi nguồn cung dồi dào.
- Hoạt động xây dựng, đầu tư
Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 34.487 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (theo giá so sánh tăng 7,5%).
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 ước đạt 55.674 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt 8.067 tỷ đồng, tăng 2,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 34.750 tỷ đồng, tăng 3,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 12.857 tỷ đồng, tăng 11,1%. Năm 2023 cho thấy đầu tư ở khu vực hộ dân cư có mức giảm sút đáng kể.
Thu hút đầu tư năm 2023 đạt kết quả tốt; cụ thể:
– Thu hút đầu tư nước ngoài: Tổng vốn đăng ký đạt 1 tỷ 216 triệu USD, tăng gấp 3,3 lần so với năm trước; cao nhất kể từ năm 2011. Toàn tỉnh hiện có 534 dự án FDI, với vốn đăng ký là 10,1 tỷ USD, trong đó trong KCN có 284 dự án với số vốn 5,9 tỷ USD, ngoài KCN có 250 dự án với số vốn 4,2 tỷ USD;
– Đầu tư trong nước: Tổng vốn đăng ký là 11 nghìn 675 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với năm trước, trong đó: chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho 47 dự án, với tổng vốn đăng ký 7.355 tỷ đồng; thông báo chấm dứt hoạt động 03 dự án.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng đạt 4,08%; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,45% tương đương tăng 287 tỷ đồng (tăng chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi); ngành thủy sản tăng 7,47% tương đương tăng 112 tỷ đồng; riêng hoạt động dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nên ít tác động đến tăng trưởng của ngành.
Về trồng trọt, dù diện tích gieo trồng giảm 1,1% do diện tích đất nông nghiệp giảm, nhưng do năng suất cây trồng tiếp tục duy trì ở mức cao và việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hoá sản phẩm đã giúp giá trị sản phẩm trồng trọt tăng 1,9%.
Năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 62,8 tạ/ha, giảm 0,7% (-0,4 tạ/ha); sản lượng lúa ước đạt 679.976 tấn, giảm 1,9% (-13,4 tấn) so với năm trước. Năng suất rau các loại đạt 261,8 tạ/ha, tăng 0,5% (+1,3 tạ/ha); tăng đều ở các vụ trong năm; trong đó, cải các loại 244,9 tạ/ha (+2,4 tạ/ha), bắp cải 456,9 tạ/ha (+5,4 tạ/ha), dưa hấu 278,2 tạ/ha (+4,2 tạ/ha), dưa chuột 305,6 tạ/ha (+3,5 tạ/ha),…
Diện tích trồng cây lâu năm đạt 22.687 ha, tăng 0,9% (+205 ha) so với năm trước; trong đó, diện tích cây ăn quả chiếm 95,8%. Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, diện tích trồng cây vải hiện có là 8.859 ha, giảm 0,3% (-26 ha); giảm do diện tích vải già cỗi, không mang lại hiệu quả kinh tế đã được thay thế bằng các loại cây ăn quả khác. Sản lượng vải sơ bộ đạt 57.550 tấn, giảm 5,1% (-3.091 tấn).
Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tăng trưởng khá. Giá bán sản phẩm đầu ra duy trì ổn định ở mức cao, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt khá cao, người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư mở rông qui mô chăn nuôi nên số lượng, sản lượng các loại vật nuôi tăng cao; trong đó:
– Tổng đàn lợn ước tại thời điểm 31/12/2023 đạt 436.780 con, tăng 3,3% (+13.834 con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợn thịt đạt 296.780 con chiếm 67,9% tổng đàn, tăng 3,6% (+10.361 con); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 67.860 tấn, tăng 7,3% so với năm trước.
– Đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) ước tại thời điểm 31/12/2023 đạt 16.709 nghìn con, tăng 4,7% (+752 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà đạt 12.330 nghìn con tăng 3,1% (+374 nghìn con). Sản lượng thịt gia cầm đạt 71.501 tấn, tăng 7,9% (+5.231 tấn); trong đó, sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 55.374 tấn, tăng 6,5% (+3.365 tấn).
Sản xuất lâm nghiệp: Diện tích rừng được trồng mới trong năm ước đạt 240 ha, tăng 112 ha so với cùng kỳ năm trước; trồng mới được 440 nghìn cây phân tán, so với năm trước tăng 4 nghìn cây.
Tổng diện tích rừng sản xuất khai thác đạt khoảng 210 ha, tăng 60 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán sơ bộ đạt 11.000 m3, tăng 27,2% so với năm trước, sản lượng gỗ khai thác tập trung nhiều ở 6 tháng cuối năm; sản lượng khai thác củi sơ bộ đạt 63.000 ster, tăng 15,3%.
Sản xuất thuỷ sản: Sản lượng thủy sản ước đạt 105.669 tấn, tăng 8,0% (+7.793 tấn) so với năm trước; trong đó, thuỷ sản nuôi trồng đạt 103.395 tấn, tăng 7,7% (+7.420 tấn); thuỷ sản khai thác đạt 2.274 tấn, tăng 19,6%.
Khai thác thủy sản nội địa tăng cao là do trong quý IV sản lượng thuỷ sản khác tăng 74,6%; do sản lượng rươi, cáy (thu hoạch từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12) tăng cao. Trong những năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã triển khai mở rộng mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác rươi, cáy trong nội đồng mang lại hiệu cao là động lực làm người dân tham gia mô hình.
Sản lượng cá lồng cả ước đạt 24.097 tấn chiếm 23,5% tổng sản lượng cá nuôi trồng, tăng 8,1% so với năm trước. Sản xuất giống thuỷ sản trong năm ước đạt 1.807 triệu con, tăng 11,8% (+190 triệu con).
- Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế thế giới, do thiếu đơn hàng xuất khẩu. Dù vậy, xu hướng phục hồi đã trở lên rõ ràng hơn trong các tháng cuối năm khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng liên tục từ tháng 8 đến nay, tháng sau tăng cao hơn tháng trước (tháng 11 +11,2%; tháng 12 +11,9% so với cùng kỳ năm trước).
Tính chung cả năm 2023, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,3% so với cùng kỳ; trong đó, quý IV tăng 10,4%. Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh như sau:
- Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 20,6% so với cùng kỳ; tăng cao do sản lượng xe ô tô tăng 42,5%; bộ dây điện cho xe ô tô tăng 14,0%…;
- Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng điện sản xuất cả năm tăng 17,6%;
- Ngành sản xuất kim loại tăng 4,4%, do thị trường tiêu thụ thép đã dấu hiệu khởi sắc hơn, nên những tháng cuối năm sản lượng của ngành tăng trở lại;
- Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 9,6%; trong đó sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 11,2% so với cùng kỳ;
- Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, tăng 4,6%; trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 5,6%;
- Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, clanke) giảm 5,6% do thị trường tiêu thụ trong nước khó khăn, không có đơn hàng xuất khẩu.
– Ngành may mặc, giày dép giảm lần lượt 2,8% và 0,1% do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát. Đồng thời, Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa… Từ giữa quý III/2023 tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực (quý IV tăng lần lượt 9,9% và 12,9%), nhưng tính chung cả năm vẫn giảm nhẹ so với năm trước.
- Thương mại, giá cả, dịch vụ
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 95.224 tỷ đồng, tăng 15,4% (loại trừ yếu tố giá tăng 12,2%) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, quý IV tăng 14,3%. Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng; dù tốc độ tăng có xu hướng giảm nhưng mức giảm không lớn và vẫn duy trì tốc độ tăng ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước (cả nước 11 tháng +10,1%). Chia ra:
– Doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 79.341 tỷ đồng, tăng 16,9%; trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 27.072 tỷ đồng, tăng 21,4%, là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 11.259 tỷ đồng, tăng 20,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 10.171 tỷ đồng, tăng 6,7%.
– Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 15.883 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ; trong đó: Dịch vụ lưu trú đạt 358 tỷ đồng, tăng 10,6%; dịch vụ ăn uống đạt 5.254 tỷ đồng, tăng 16,2%; dịch vụ khác đạt 10.183 tỷ đồng, tăng 4,4%.
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 12.394 tỷ đồng, tăng 15,4% (loại trừ yếu tố giá tăng 11,5%) so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 2.209 tỷ đồng, tăng 36,9%; vận tải hàng hoá đạt 7.494 tỷ đồng, tăng 10,6%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2.622 tỷ đồng, tăng 14,6%.
Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 9.801 triệu USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn, có mức giảm sâu như: Hàng dệt may giảm 8,6%; giày dép các loại giảm 7,5%; xi măng, sắt thép giảm 3,8%; linh kiện điện tử và máy văn phòng giảm 2,4%; chỉ có phụ tùng ô tô tăng 10,9%.
Giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 7.837 triệu USD giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu cho sản xuất như: Phụ kiện, linh kiện điện tử giảm 6,0%; vải và nguyên phụ liệu may mặc giảm 4,6%; giầy dép các loại giảm 1,4%; chỉ có ô tô và phụ tùng ô tô tăng 11,4%./.