BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2024 TỈNH HẢI DƯƠNG  

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” nhằm khẩn trương, kiên quyết khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập; quyết tâm nỗ lực hoàn thành đạt và vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 08/12/2023.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Do thời tiết đầu vụ thuận lợi cho khâu làm đất nên vụ đông năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng được 22.390 ha, tăng 1,75% (+385 ha) so với vụ đông năm trước; một số cây trồng có diện tích tăng nhiều là: Cây hành củ 6.094 ha, tăng 5,34% (+309 ha); cây ngô 1.446 ha, tăng 7,3% (+98 ha); cây dưa chuột 342, tăng 13,2% (+40 ha); cây cà chua 497 ha, tăng 6% (+28 ha)…

Cơ cấu cây trồng vụ đông tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau các loại có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, quy vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo nhu cầu thị trường xuất khẩu và cung cấp cho các thành phố lớn, khu vực miền trung.

Về năng suất, sản lượng vụ đông: Diễn biến thời tiết khá thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, giá bán rau khá cao và ổn định nên nhiều diện tích rau ngắn ngày được tăng hệ số lần trồng như cải các loại, su hào, hành hoa,… nên năng suất sẽ tăng khá. Cây hành củ là cây chủ lực vụ đông, do diện tích và năng suất đều tăng khá, nên sản lượng dự kiến sẽ tăng cao so với vụ đông trước.

1.2. Chăn nuôi

Công tác phòng trừ dịch bệnh được quan tâm chú trọng nên dịch bệnh không xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm.

Lợn: Chăn nuôi lợn tiếp tục có xu hướng tăng khá. Chăn nuôi lợn trong các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển tốt do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra; công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường cũng có hiệu quả cao hơn so với mô hình chăn nuôi nhỏ, lẻ.

 Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/01/2024 ước đạt 297.000 con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số con lợn thịt xuất chuồng tháng 01 ước đạt 53.582 con, tăng 3,4%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 5.592 tấn, tăng 4,4%.

Gia cầm: Đàn gia cầm tăng khá là do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra, đàn gà được duy trì và phát triển tốt.

Giá bán thịt gà hơi đang duy trì ở mức khá cao, hiệu quả kinh tế đạt khá, người chăn nuôi đã đầu tư mở rộng qui mô nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi vịt đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra, giá thịt vịt hơi xuất chuồng giảm, hiệu quả kinh tế đạt thấp, người chăn nuôi thu hẹp qui mô sản xuất, dự ước trong thời gian tới đàn vịt có xu hướng tăng trưởng chậm.

Tại thời điểm 31/01/2024, đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 16.393 nghìn con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm gồm (gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) tháng 01 ước đạt 5.774 tấn, tăng 4,0%, sản lượng trứng gia cầm (bao gồm cả trứng chim cút) ước đạt 50.858 nghìn quả, tăng 2,8%.

Trâu, bò: Đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, tại thời điểm 31/01/2024 đàn trâu ước đạt 5.460 con, tăng 0,65%; đàn bò ước đạt 14.410 con, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Số con trâu, bò xuất chuồng tháng 01 ước đạt 793 con, tăng 1,9%, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 216 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng sản xuất thủy sản ổn định; không có dịch bệnh phát sinh; diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi, nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.

 Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt. Mô hình nuôi cá siêu thâm canh cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao được mở rộng ở các địa phương; giá bán sản phẩm đầu ra có xu hướng tăng, người nông dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để nuôi cá mật độ cao. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 01 ước tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, sức cầu đã quay trở lại do tồn kho ở các thị trường xuất khẩu giảm. Sản xuất đang dần được cải thiện khi có thêm nhiều đơn hàng mới. Trong tháng, doanh nghiệp đang gấp rút để hoàn tất các đơn hàng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài. Đồng thời, cùng kỳ năm trước hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi số ngày nghỉ tết Nguyên đán, nên chỉ số sản xuất tháng 01/2024 tăng cao so với cùng kỳ.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 102,1%, trong đó: khai khoáng bằng 102,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 100,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải bằng 100,0%. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà bằng 114,6% do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, để dành nước (thuỷ điện) cho đổ ải vụ đông xuân và các tháng cao điểm mùa khô.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 bằng 136,5%; tăng cao do chênh lệch về số ngày làm việc thực tế và tăng ở hầu hết các ngành; cụ thể một số ngành công nghiệp chủ yếu:

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 53,8%; làm chỉ số chung tăng 10,8 điểm%. Sau khoảng thời gian “trầm lắng” ngành điện tử được kỳ vọng tăng trưởng trở lại do nhu cầu smartphone và các thiết bị thông tin giải trí.

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 39,5%; làm chỉ số chung tăng 10,9 điểm%; trong đó: bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 51,1%; bộ phận thiết bị điện sử dụng cho xe có động cơ tăng 47,2%. Riêng xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên giảm 22,2% do chính sách ưu đãi trước bạ 50% dành cho xe lắp ráp trong nước đã hết hiệu lực. Ngoài ra, tình hình kinh tế thiếu ổn định và kỳ vọng tăng thu nhập không cao đã buộc người tiêu dùng cẩn trọng hơn trong việc mua sắm các tài sản lớn.

– Nhóm ngành sản xuất trang phục, giày dép tăng lần lượt 32,1% và 49,1%, làm chỉ số chung tăng 2,9 điểm%. Từ quý IV/2023 đến nay, số lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có chuyển biến khi thị trường xuất khẩu lớn nhất đã khởi sắc hơn.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 39,5%, làm chỉ số chung tăng 2,2 điểm%. Thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, số lượng đàn vật nuôi tăng lên vì vậy nhu cầu đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi được đảm bảo.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 27,1%, làm chỉ số chung tăng 2,8 điểm%. Do dự báo ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm để để dành nước (thuỷ điện) phát điện cho các tháng cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, tổ máy S6 của nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã khắc phục xong sự cố và đưa vào vận hành từ quý IV/2023 nên sản lượng điện sản xuất tháng 01/2024 tăng cao so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, cũng có một số ngành công nghiệp tăng thấp; nếu loại trừ nguyên nhân chênh lệch số ngày làm việc do nghỉ tết, thì sản lượng sản xuất so với cùng kỳ giảm, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của toàn ngành đó là:

– Ngành sản xuất kim loại tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối năm 2023 đến nay, giá thép và sức mua đã phục hồi nhưng còn chậm. Thị trường trong nước bao gồm cả khu vực dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tích cực. Thị trường xuất khẩu phục hồi tại EU và Mỹ đã tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, thép xuất khẩu, qua đó giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp được cải thiện.

– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thị trường bất động sản dự báo phục hồi trong năm 2024 nhưng các tháng đầu năm vẫn có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với cầu, kênh xuất khẩu cũng khó tăng do áp lực cạnh tranh từ nhiều quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Dự báo trong 6 tháng đầu năm ngành cũng sẽ có chuyển biến theo hướng tích cực, tuy nhiên tốc độ phục hồi không cao.

– Ngành khai khoáng giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, một số vùng khai thác đã hết hạn, một số doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng hoặc chuyển ngành; thời gian qua, UBND tỉnh đã cho đấu thầu khai thác một số mỏ đá làm vật liệu xây dựng, tuy nhiêu hầu hết các gói thầu này đang trong giai đoạn thẩm định, thăm dò, chưa có sản phẩm khai thác.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 dự ước bằng 101,0% so với tháng trước, bằng 100,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,5%; dệt tăng 0,9%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 1,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastis tăng 5,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 1,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 8,9%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng kỳ năm trước là: Khai khoáng khác giảm 2,7%; sản xuất trang phục giảm 5,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 2,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 7,4%..

3. Hoạt động đầu tư

Năm 2024, sau khi có phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hải Dương đã xây dựng phương án phân bổ ngân sách các cấp. Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý toàn tỉnh là 6.332 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh là 4.506 tỷ đồng, chiếm 71,2%; vốn ngân sách cấp huyện là 1.578 tỷ đồng, chiếm 24,9%; vốn ngân sách cấp xã là 248 tỷ đồng, chiếm 3,9%.

Ước tháng 01, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 252 tỷ đồng, đạt 4,0% kế hoạch năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 165 tỷ đồng, tăng 60,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 75 tỷ đồng, giảm 32,8%; vốn ngân sách cấp xã đạt 12 tỷ đồng, giảm 22,7%.

* Một số công trình lớn thực hiện trong tháng như:

– Dự án Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 391 đoạn từ thành phố Hải Dương đến đường trục Đông – Tây, tỉnh Hải Dương (2022-2025 với tổng mức đầu tư 1.392,7 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 1/2024 là 14 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 113,8 tỷ đồng, ước đạt 8,2% tổng mức đầu tư;

–  Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Bắc – Nam, huyện Thanh Miện giai đoạn 1 (2022-2025 với tổng  mức đầu tư 397,8 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 1/2024 là 10 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 229,2 tỷ đồng, ước đạt 57,6% tổng mức đầu tư;

–  Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương (2021-2024 với tổng mức đầu tư là 1.778,9 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 1/2024 đạt 20,1 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 1.037,5 tỷ đồng, ước đạt 58,3% tổng mức đầu tư;

 – Dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với QL 37, thành phố Chí Linh (2022-2025 với tổng mức đầu tư là 469,8 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 1/2024 đạt 15 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 215 tỷ đồng, ước đạt 45,8% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng Cầu Vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với Quốc lộ 5 (2023-2025 với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 1/2024 đạt 13,4 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 49,5 tỷ đồng, ước đạt 8,3% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nhu cầu mua sắm tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do đây là tháng giáp tết, nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao. Đồng thời, nguồn cung hàng hóa luôn được đảm bảo; giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu ổn định.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 ước đạt 8.771 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 01 đạt 1.327 tỷ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 01 ước đạt 7.201 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm mặt hàng chiêm tỷ trọng lớn, tăng cao là:

– Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 2.747 tỷ đồng, tăng 29,8%,

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 893 tỷ đồng, tăng 15,5%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 834 tỷ đồng, tăng 3,2%;

– Xăng, dầu các loại đạt 734 tỷ đồng, tăng 18,1%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 01 ước đạt 1.569 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 23,4% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 27 tỷ đồng, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ ăn uống đạt 602 tỷ đồng, tăng 31,6%;

– Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 12 tỷ đồng, tăng 46,6%;

– Dịch vụ khác đạt 928 tỷ đồng, tăng 17,9%. 

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 01 ước đạt 1.327 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 32,2% so với cùng kỳ; trong đó:

– Vận tải hành khách đạt 192 tỷ đồng, tăng 24,5%; so với cùng kỳ năm trước;

– Vận tải hàng hoá đạt 804 tỷ đồng, tăng 33,3%;

– Dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 317 tỷ đồng tăng 35,1%.

5. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 5,08% so với tháng 01 năm trước; khu vực thành thị có mức độ tăng giá thấp hơn khu vực nông thôn (TT: +0,06%; NT: +0,07%). So với tháng trước, có 05 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 05 nhóm giảm giá, riêng nhóm giáo dục giữ giá ổn định. Các nhóm hàng chính tác động nhiều đến CPI gồm có:

– Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 0,58%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,11 điểm%; nguyên nhân là do giá điện sinh hoạt tăng 1,20% làm CPI tăng 0,04 điểm%; giá ga tăng 4,48%, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm%;

– Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch, giảm 0,61%, tác động làm CPI chung giảm 0,02 điểm%; giảm chủ yếu ở mặt hàng thiết bị văn hóa như ti vi giảm 0,63%;

– Nhóm dịch vụ du lịch trọn gói giảm 5,17% làm CPI giảm 0,02 điểm%;

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% làm CPI giảm 0,04 điểm%; giảm chủ yếu ở mặt hàng thực phẩm giảm 0,58%.

Giá vàng tháng 01 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 2,31% so tháng trước; tăng 16,31% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 01 tháng năm 2024 tăng 16,31%. Tính đến ngày 23/01/2024, bình quân giá vàng là 6.326 ngàn đồng/chỉ và tăng 143 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 6.310 – 6.370 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 01 tăng 0,31% so với tháng trước; tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.454.231 đồng/100USD, tăng 7.654đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương giao động từ 2.450.000 -2.460.000 đồng/100USD.

6. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tính đến hết ngày 15/01 ước đạt 741 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa ước đạt 637 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 104 tỷ đồng. Ước tính trong tháng 01, tổng thu NSNN đạt 1.861 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 1.619 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 242 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/01 ước đạt 278 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3,7 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 273 tỷ đồng. Ước tính trong tháng 01, chi NSNN đạt 1.254 tỷ đồng, tăng 13,2% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 55,6 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 1.159 tỷ đồng./.

Download báo cáo.