BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 TỈNH HẢI DƯƠNG

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, làm cho nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức thấp, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn được nhiều quốc gia thực hiện, biến đổi khí hậu, biến động giá hàng hoá nguyên liệu… ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong nước, nền kinh tế hồi phục còn khá “yếu” nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng chưa chuyển biến tích cực. Tiêu dùng trong nước trong 6 tháng đầu năm đang duy trì ở mức khá, nhưng có xu hướng tăng đã chậm lại trong quý III.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 9 tháng đầu năm vẫn sẽ cao hơn mặt bằng chung cả nước, nhưng chênh lệch đã giảm xuống[1]. Trong quý III, sản xuất công nghiệp tăng chậm lại, thương mại dịch vụ tăng cao hơn so với quý II do tăng lương cơ sở, nhưng các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất có xu hướng tăng chậm lại.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 9 tháng đầu năm ước tăng 7,0%; trong đó, 6 tháng đầu năm sơ bộ tăng 7,1%; quý III ước tăng 6,8%. Tăng trưởng từng ngành cụ thể như sau:

– NLTS tăng 3,15% (đóng góp 0,32 điểm%);

– Công nghiệp tăng 7,82% (đóng góp 3,87 điểm%);

–  Xây dựng tăng 5,87% (đóng góp 0,29 điểm%);

– Dịch vụ tăng 6,45% (đóng góp 1,71 điểm%);

– Thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 9,17% (đóng góp 0,82 điểm%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khá chủ yếu do hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản ổn định, không sẩy ra dịch bệnh, giá bán sản phẩm tăng, hiệu quả kinh tế đạt khá, người chăn nuôi tập trung tái đàn, mở rộng qui mô sản xuất.

Hoạt động sản xuất công nghiệp của Tỉnh có dấu hiệu hồi phục từ nửa cuối tháng 8, khi chỉ số sản xuất công nghiệp và giá trị nhập khẩu hàng hoá đều tăng nhưng  mức độ phục hồi còn rất “yếu”; tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III đạt 4,88% cao hơn quý II 0,64 điểm%.

Hoạt động xây dựng tăng trưởng 5,9%; tăng do một số dự án phát triển hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng bước đầu triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công cũng có chuyển biến nhờ các giải pháp: Điều chỉnh kế hoạch vốn cho từng dự án, công trình cụ thể; báo cáo kết quả thực hiện giải ngân vốn hằng tháng và dự kiến tháng tiếp theo; chủ cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng giải ngân, chậm giải ngân để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, giải ngân nhanh.

Các ngành dịch vụ tăng 6,5%; trong đó, 6 tháng đầu năm tăng 6,0%; quý III tăng 7,3%. Hoạt động thương mại vẫn duy trì mức tăng khá (+11,4%) tương đương quý II dù gặp nhiều yếu tố bất lợi do ảnh hưởng của giá hàng hoá nguyên liệu có xu hướng tăng (dầu thô, lương thực…) đã tác động đến giá bán. Hoạt động vận tải quý III tăng cao hơn quý II do vận tải hàng hoá tăng cao hơn các quý trước theo nhu xuất, nhập khẩu hàng hoá phục vụ sản xuất. Các hoạt động lưu trú, ăn uống (+8,3%); tài chính ngân hàng (+7,9%); dịch vụ hỗ trợ (+5,6%); hoạt động kinh doanh bất động sản (-7,7%) đều tăng, giảm thấp hơn các quý trước do tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân.

Một số ngành dịch vụ tăng trưởng cao trong quý III do tác động từ tăng lương cơ sở từ 01/7/2023 và các nhiệm vụ chi ngân sách đã được giải ngân trong quý như: Quản lý nhà nước (quý III +5,9%; 9 tháng +3,5%); giáo dục và đào tạo (quý III +2,6%; 9 tháng +1,0%), y tế (quý III +5,3%; 9 tháng +2,1%).

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tháng 9 đạt 1.676 tỷ đồng; nâng tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 30/9 ước đạt 14.540 tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán năm; tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 12.317 tỷ đồng (+3,1%), thu qua Hải quan đạt 2.199 tỷ đồng (+6,0%).

Tổng chi ngân sách nhà nước đến hết ngày 30/9 ước đạt 12.518 tỷ đồng, bằng 80,4% dự toán năm; tăng 1,2% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.777 tỷ đồng (-6,2%); chi thường xuyên đạt 8.689 tỷ đồng (+4,5%).

2.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tích cực thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như giảm lãi suất vay, cơ cấu thời hạn trả nợ,… 

Đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 183.860 tỷ đồng, tăng 12,0% so với thời điểm cuối năm 2022; tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 126.760 tỷ đồng, tăng 3,0% so với thời điểm cuối năm 2022; tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cho vay đối với lĩnh tiềm ẩn rủi ro. Nợ xấu nội bảng chiếm 0,8% tổng dư nợ tín dụng; mặt bằng lãi suất giảm so với cuối năm 2022.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

3.1. Trồng trọt

a) Cây hàng năm

Vụ đông xuân diễn biến thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân giảm 1,2% (-1.066 ha); trong đó, diện tích lúa chiêm giảm 1,3% (-723 ha). Năng suất lúa chiêm sơ bộ đạt 66,5 tạ/ha, giảm 0,8% (-0,6 tạ/ha) so với năm trước, tuy nhiên vẫn là một trong những năm được mùa; năng suất một số loại cây rau màu chủ yếu cơ bản đều cao hơn so với vụ đông xuân năm trước.

Vụ mùa có thời tiết nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng vẫn có mưa xen kẽ nên lúa bén rễ hồi xanh nhanh và phát triển tốt, sâu bệnh gây hại ở mức thấp hơn so với năm trước. Diện tích gieo trồng vụ mùa đạt 63.831 ha, giảm 0,9% (-603 ha) so với năm trước; nguyên nhân chủ yếu là do một số diện tích đất được chuyển sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản và đất phi nông nghiệp (xây dựng hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp; xây dựng khu đô thị,…).

Năng suất lúa mùa dự kiến đạt 60,0 tạ/ha, tăng 1,1% (+0,6 tạ/ha). Các loại rau màu vụ mùa cho năng suất trung bình ước đạt 234,7 tạ/ha, tăng 1,2%; sản lượng ước đạt 159.701 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

b) Cây lâu năm

Diện tích trồng cây lâu năm 9 tháng ước đạt 22.657 ha, tăng 0,8% (+186 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây ăn quả 21.749 ha, cây lấy quả chứa dầu 113 ha, chè 94 ha, cây lâu năm khác 607 ha. Một số loại cây trồng có diện tích tăng cao so với năm trước như: Cây chuối tăng 1,2% (+32 ha); cây ổi tăng 2,3% (+55 ha).

Ước sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như: Xoài 3.600 tấn, tăng 7,27%; chuối 55.350 tấn, tăng 9,51%; ổi 61.000 tấn, tăng 7,02%. Riêng sản lượng vải (đã thu hoạch trong quý II) sơ bộ đạt 57.550 tấn, giảm 5,1% (-3.091 tấn) so với năm trước. Trà vải sớm thời tiết không thuận lợi, trong giai đoạn đậu quả, chủ yếu là nắng nóng, ít mưa, khi đậu quả có hiện tượng hạt rỗng, rụng quả non, do đó sản lượng trà sớm giảm khá mạnh.

3.2. Chăn nuôi

Trong 9 tháng năm 2023, chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá; không có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Ước đến thời điểm 30/9/2023:

– Đàn trâu đạt 5.460 con, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng 683 tấn, tăng 0,1%. Đàn bò ước đạt 14.500 con, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 1.299 tấn, tăng 1,6%.

– Đàn lợn ước đạt 425.830 con, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó lợn thịt ước đạt 291.500 con, tăng 3,5%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 50.543 tấn, tăng 7,3%.

– Đàn gia cầm ước đạt 16.700 nghìn con, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 12.580 nghìn con tăng 2,9%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 52.238 tấn, tăng 5,5%; sản lượng trứng ước đạt trên 464,6 triệu quả, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

3.3. Lâm nghiệp

Ước tính 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 7.200 m3, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước;  tăng chủ yếu do diện tích rừng sản xuất đến tuổi được khai thác cao hơn. Sản lượng khai thác củi ước đạt 47.000 ster, tăng 19,2%; do tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán tăng. Các sản phẩm lâm sản khác như tre, nhựa thông, măng tươi, mộc nhĩ…tăng không lớn so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng nhỏ nên không ảnh hưởng đến giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp.

3.4. Thủy sản

Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất thủy sản ổn định nên tăng khá. Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi, nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

Sản lượng khai thác thủy sản nội địa 9 tháng ước đạt 1.100 tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, do các sản phẩm thuỷ sản tự nhiên ngày càng khan hiếm.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng đầu năm ước đạt 76.400 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cá là loài được nuôi trồng chủ yếu (chiếm 99,9% sản lượng thủy sản nuôi trồng), sản lượng ước đạt 76.337 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá lồng ước đạt 16.647 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; tăng mạnh do thời tiết tương đối thuận lợi, lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển, không phát sinh dịch bệnh.

4. Sản xuất công nghiệp

Bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp do: Chiến sự Nga – Ukraine, giá cả tăng cao, thu nhập sụt giảm làm sức mua yếu, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước… gây ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ chưa thể phát huy tác dụng ngay, do cần thời gian tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất. Một số ngành sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Sắt thép, xi măng, sản xuất than cốc, thiết bị điện… tăng trưởng âm trong nhiều tháng liên tiếp đã “kéo” ngược tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong 9 tháng đầu năm chỉ ở mức tăng thấp so với nhiều năm gần đây.

4.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Ước tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 102,1% so với tháng trước và bằng 107,3% so với cùng kỳ. Trong đó, điểm sáng góp phần vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh là ngành sản xuất xe ô tô và bộ phận phụ trợ (+21,4%); sản xuất nhiệt điện (+8,1); sản xuất thức ăn chăn nuôi (+7,5%). Ngoài ra, các ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi sau khoảng thời gian dài gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng thì đến cuối tháng 8 và sang đầu tháng 9 tình hình này đã có chuyển biến tích cực. Do nhu cầu mua sắm mùa lễ hội cuối năm tăng cùng với hiệu ứng mức nền 2022 thấp nên so với cùng kỳ chỉ số sản xuất tháng 9/2023 của các ngành này đã có tăng trưởng nhẹ, chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm của nhiều tháng qua.

Ước tính quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 105,2% so với cùng kỳ; tăng thấp hơn 1,0 điểm% so với tốc độ tăng của quý II, tuy nhiên, công nghiệp chế biến, chế tạo quý III vẫn duy trì mức tăng tương đương quý II (+4,1%). Theo ngành kinh tế, khai khoáng bằng 42,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 104,1%; sản xuất và phân phối điện bằng 116,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải bằng 106,3%. Qua theo dõi tình hình sản xuất công nghiệp các tháng của Tỉnh có thể nhận thấy “ điểm đáy” tăng trưởng rơi vào thời điểm đầu quý III khi chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng tăng thấp nhất.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp tăng 7,7% (cùng kỳ năm trước tăng 13,4%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 17,1%; cung cấp nước, thu gom, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,6%; riêng ngành khai khoáng vẫn duy trì mức giảm 51,7% (bằng 48,3%), do nhiều vùng khai thác đá đã hết hạn cấp phép, doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc chuyển ngành sản xuất. Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 22,4% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 4,3 điểm%; trong đó, sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên tăng 83,2% so với cùng kỳ do Công ty TNHH Ford Việt Nam tăng thêm năng lực sản xuất và có thêm dòng xe mới với lượng tiêu thụ khá cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm là bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ cũng có mức tăng trưởng khá như bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 16,8%; bộ phận thiết bị điện khác dùng cho xe có động cơ tăng 18,3%.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17,1% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 2,4 điểm%. Thời tiết nắng nóng bất thường làm cho nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao, hiện tượng EL Nino nên lượng mưa thấp, mực nước tại các hồ thủy điện phía Bắc khô cạn đúng cao điểm sử dụng điện mùa hè tạo điều kiện cho các nhà máy nhiệt điện than trong tỉnh phát tối đa công suất, điện sản xuất tăng 18,4% (quý II +25,9%; quý III +17,8%).

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,2% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 0,5 điểm%; trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 12,6% so với cùng kỳ. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm, giá bán các sản phẩm chăn nuôi đã tăng cao hơn mức người chăn nuôi có lãi; mô hình chăn nuôi có xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng khá.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 4,2% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 1,0 điểm%; trong đó: bản mạch điện tử bằng 101,1%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy,… bằng 108,7%… Hiệu ứng mức nền thấp của các tháng đầu năm không còn, trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… là các nguyên nhân chính làm tăng trưởng của ngành không cao như kỳ vọng.

– Ngành sản xuất kim loại tăng 0,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 5,6% làm chỉ số chung giảm 0,1 điểm%. Do hoạt động đầu tư, xây dựng sụt giảm nên từ nửa cuối năm 2022 đến nay nhu cầu thị trường ở mức thấp. Công ty CP Thép Hoà Phát phải ngừng 1 lò cao từ cuối năm 2022 đến đầu tháng 6/2023 và theo kế hoạch từ cuối tháng 9 sẽ dừng 01 lò cao khác để bảo dưỡng; Công ty TNHH MTV Vicem Xi măng Hoàng Thạch cũng ngừng 01 lò sản xuất clanke từ quý I và chưa có kế hoạch hoạt động trở lại.

– Ngành may mặc, giày dép, sản xuất gỗ, sản xuất đồ chơi lần lượt giảm 6,7%; 4,1%; 11,3%; 3,0%, tác động làm chỉ số chung giảm 0,6 điểm%, do tình hình lạm phát, sức mua yếu ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ giãn việc và không có được tăng ca. Trong quý III đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhưng sản lượng của các ngành này vẫn ở mức thấp. Từ nay đến cuối năm, thị trường thế giới chưa rõ tín hiệu phục hồi nên đóng góp của nhóm ngành này vào tăng trưởng chung là rất hạn chế.

  – Ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất máy móc, thiết bị giảm lần lượt 30,2% và 6,1% làm chỉ số chung giảm 1,6 điểm%. Nguyên nhân do nhu cầu thị trường xuất khẩu suy giảm mạnh, sản phẩm không phù hợp thị trường trong nước.

4.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2023 dự ước bằng 100,6% so với tháng trước, bằng 92,0% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 93,9%. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Các ngành sử dụng lao động trong 9 tháng đầu năm giảm là: Khai khoáng -66,6%; sản xuất trang phục -14,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan -5,7%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ -24,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy -0,2%; sản xuất than cốc -16,8%; sản xuất thiết bị điện -25,5%…

Các ngành sử dụng lao động trong 9 tháng đầu năm tăng là: Sản xuất, chế biến thực phẩm +2,5%; sản xuất đồ uống +2,4%; dệt +6,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu +3,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn +2,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học +0,7%; sản xuất xe có động cơ +7,1%…

5. Hoạt động xây dựng, đầu tư

5.1. Xây dựng

Quý III, mặc dù giá một số vật liệu có xu hướng giảm, nhưng hoạt động xây dựng chỉ tăng nhẹ do nhu cầu đầu tư thấp, bất động sản còn “trầm lắng”. Một số dự án đầu tư mới ở giai đoạn hoàn thiện pháp lý, giải phóng mặt bằng nên chưa phát sinh xây dựng cơ bản.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành quý III ước đạt 9.056 tỷ đồng; tính chung 9 tháng đầu năm ước đạt23.849 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh quý III ước đạt 5.785 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh ước đạt 15.201 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công trình nhà ở tăng 9,4%; công trình nhà không để ở tăng 0,3%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 8,8%; công trình xây dựng chuyên dụng giảm 4,3%.

Một số công trình trọng điểm, góp phần quan trọng cải thiện hạ tầng kỹ thuật của tỉnh như: Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư 390 Thanh Hải GĐ2; hạ tầng kỹ thuật dân cư nới xã Vĩnh Hồng Bình giang, các hạng mục phụ trợ thuộc Khu liên hợp thể thao thị xã Kinh Môn…

5.2. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Ước tính quý III, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 14.919 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.954 tỷ đồng, giảm 14,6%; vốn ngoài nhà nước đạt 9.367 tỷ đồng, giảm 3,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.598 tỷ đồng, tăng 14,1%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 38.478 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước đạt 4.431 tỷ đồng, giảm 9,5%; vốn ngoài nhà nước đạt 24.883 tỷ đồng, tăng 3,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9.164 tỷ đồng, tăng 13,5%.

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng đầu năm ước đạt 3.096 tỷ đồng, chiếm 69,9% vốn nhà nước trên địa bàn;  phần vốn còn lại là vốn ngân sách trung ương, vốn doanh nghiệp nhà nước. Việc thực hiện vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý hiện còn chậm, ước đạt 52,9% kế hoạch, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh tăng thấp còn do vốn đầu tư khu vực hộ dân cư chiếm tỷ trọng cao ( hơn 40%) nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường suy giảm tác động liên hoàn đến chuỗi sản xuất, kinh doanh làm cho các hộ cá thể trở lên dè dặt.

Vốn đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao là điểm tích cực nhất trong bức tranh đầu tư hiện nay. Đây là thành quả có được trong gần 02 năm gần đây tỉnh Hải Dương nỗ lực thu hút đầu tư, cam kết sẽ luôn gắn bó, đồng hành và tiếp tục dành sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

5.3. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đã và đang khẳng định năng lực thu hút nguồn vốn lớn vào các khu công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.

Thu hút đầu tư trong nước được 97 dự án, trong đó đã chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho 18 dự án nằm ngoài các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 1.989 tỷ đồng. Đã thu hồi, chấm dứt hoạt động của 11 dự án.

Thu hút đầu tư nước ngoài tính đến 20/9 đạt 340 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 82,9% kế hoạch năm. Tỉnh đã cấp phép cho 50 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 222,5 triệu USD, điều chỉnh tăng 116,5 triệu USD cho 26 lượt dự án, còn lại là vốn mua cổ phần của 9 lượt góp vốn. Các dự án FDI đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện toàn tỉnh có 516 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 9,42 tỷ USD.

Về phát triển doanh nghiệp, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới cho 1.865 doanh nghiệp, tăng 29,9%, với tổng vốn đăng ký đạt 10.864 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, có 281 doanh nghiệp giải thể; 1.018 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 2,5%; 684 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 12,5%. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 19.438 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 220 nghìn tỷ đồng.

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm, do giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đang biến động mạnh đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động, qua đó đã ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường của người dân. Song, với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ, nên hoạt động thương mại đã có những tín hiệu khởi sắc.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 69.208 tỷ đồng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 9.016 tỷ đồng, tăng 15,4%.

6.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 9 ước đạt 6.763 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,3% và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ước quý III, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 19.995 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 6.845 tỷ đồng, tăng 21,4%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 21,9%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.487 tỷ đồng, tăng 2,7%; nhóm xăng, dầu các loại đạt 1.928 tỷ đồng, tăng 22,9%;…

Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 57.573 tỷ đồng tăng 16,7% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 33,4% trong tổng số và đạt 19.231 tỷ đồng, tăng 20,7%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,3% trong tổng số, đạt 8.229 tỷ đồng, tăng 19,3%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 7.511 tỷ đồng, tăng 8,2%.

6.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 1.357 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 5,0% so với cùng kỳ.

Ước quý III, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 4.039 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 93 tỷ đồng, tăng 14,1%; dịch vụ ăn uống đạt 1.332 tỷ đồng, tăng 13,7%; dịch vụ khác đạt 2.591 tỷ đồng, tăng 5,7%.

Tính chung 9 tháng, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 11.636 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 259 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 3.795 tỷ đồng, tăng 15,3%; dịch vụ khác đạt 7.518 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. 

6.3. Vận tải

Doanh thu vận tải tháng 9 ước đạt 1.106 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 37,6%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 10,4%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 17,1%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 14,6%.

Ước quý III, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 3.245 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 566 tỷ đồng, tăng 27,0%; doanh thu vận tải hàng hoá đạt 1.962 tỷ đồng, tăng 9,3%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 699 tỷ đồng, tăng 14,3%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát đạt 18 tỷ đồng, tăng 12,7%.

Ước tính 9 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 9.016 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 37,6%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 10,4%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 14,6%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 14,1%.

7. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

Giá trị hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 7.288 triệu USD, đạt 62,0% kế hoạch năm; giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng, giá trị hàng hóa xuất khẩu các tháng đều giảm so với cùng kỳ năm trước; dự kiến tháng 9, giá trị hàng hoá xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng 8, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm ước đạt 5.804 triệu USD, đạt 58,9% kế hoạch năm; giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tháng 9 dự kiến đạt gần 900 triệu USD, tăng 8,6% so với tháng 8, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

8. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,35% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 5,45% và tăng 6,26% so với tháng 12/2022. Bình quân 9 tháng đầu năm tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng giá ở khu vực thành thị tăng thấp hơn khu vực nông thôn.

So với tháng trước, có 04 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá và 07 nhóm tăng giá. Nhóm giao thông tăng giá cao nhất với 1,46% làm cho CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm; nhóm nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,37% làm cho CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31% làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm; nhóm giáo dục tăng 0,44%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,02%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06% và nhóm hàng hóa khác tăng 0,16%.

Nguyên nhân tăng chủ yếu là chỉ số giá nhóm giao thông tháng 9/2023 tăng 1,46% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm tăng chủ yếu ở các mặt hàng như giá xăng tăng 3,55%; dầu diezel tăng 5,96%; dầu mỡ nhờn tăng 0,10%; dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 1,66%; phụ tùng tăng 0,84%.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 9/2023 tăng 0,44% so với tháng trước chủ yếu do năm hoc 2023 – 2024 học sinh các khối học chương trình sách giáo khoa mới, theo đó sách giáo khoa tăng 6,50% so với tháng trước; giá bút viết các loại tăng 0,55%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,09%.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31% so với tháng trước chủ yếu tăng ở nhóm lương thực tăng 1,63%; bột mì và ngũ cốc khác tăng 7,08%; lương thực chế biến tăng 0,41%; thịt gia cầm tăng 1,11%; thịt chế biến tăng 0,13%; trứng các loại tăng 1,99%; thủy sản chế biến tăng 0,84%…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có chỉ số giá giảm so với tháng trước: rượu bia các loại giảm 0,46%; quần áo may sẵn giảm 0,13%; giầy dép các loại giảm 0,19%; dịch vụ may mặc giảm 0,06%; thiết bị điện thoại giảm 0,22%; thiết bị văn hóa giảm 0,06%; dịch vụ thể thao giảm 2,67%…

Chỉ số giá vàng tháng 9 tăng 0,60% so tháng trước; tăng 10,15% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 9 tháng tăng 3,43%. Tính đến ngày 23/9/2023, bình quân giá vàng là 5.721 ngàn đồng/ 1 chỉ và tăng 34 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.700- 5.740 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 9 tăng 1,53% so với tháng trước; tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 2,51%.  Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.428.593 đồng/100USD, tăng 36.637 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.415.000 -2.440.000 đồng/100USD.  

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III tăng 0,40% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm tăng 1,17% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý III giảm 0,92% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm giảm 0,08%.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng quý III giảm 0,81% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm tăng tăng 1,05%.

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III tăng 3,38% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm tăng 4,03%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 1,92% và tăng 3,34%.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá theo USD quý III giảm 2,18% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm giảm 1,07% so với cùng kỳ; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá theo USD giảm 6,72% và giảm 4,82%./.

[1] Dự kiến 9 tháng bằng 1,6 lần cả nước; trong khi 6 tháng đầu năm bằng 1,95 lần cả nước.