BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 11 NĂM 2023 TỈNH HẢI DƯƠNG

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Vụ mùa: Diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, năng suất lúa vụ mùa ước đạt 61,0 tạ/ha, tăng 2,76% (+1,64 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thóc sơ bộ đạt 329.583 tấn, tăng 1,59% (+5.173 tấn).

Các loại rau màu vụ mùa cho năng suất trung bình ước đạt 234,78 tạ/ha, tăng 1,24% (+2,88 tạ/ha); sản lượng ước đạt 159.744 tấn, tăng 2,31% (+3.607 tấn) so với cùng kỳ năm trước; một số loại cây trồng chiếm diện tích lớn như: dưa hấu, dưa lê, bầu, bí xanh,… đều có năng suất tăng cao.

Vụ đông 2024: Đầu vụ thời tiết khá thuận lợi, các địa phương đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để làm đất gieo trồng cây vụ đông. Ước tính đến hết tháng 11, tổng diện tích gieo trồng cây rau mầu vụ đông đạt trên 21.000 ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây hành, tỏi tăng 3%, cây su hào tăng 4%, bắp cải tăng 2,5%, cây cà rốt tăng 1,5%… Trong tháng 11, thời tiết hanh khô tạo điều kiện thuận lợi cho công tác làm đất, vì vậy tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2024 ước đạt 22.670 ha, tăng 3% (+665 ha) so với năm nay.

1.2. Chăn nuôi

Các cơ sở chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch cơ bản không xảy ra; giá bán thịt gia súc, gia cầm ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khá nên người chăn nuôi có xu hướng đầu tư mở rộng qui mô nuôi.

Trâu, bò: Ước tại thời điểm 30/11/2023 đàn trâu đạt 5.480 con, tăng 1,1%; đàn bò đạt 14.450 con, tăng1,8% so với cùng kỳ năm trước.. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 205 tấn, tăng 2,4%; tính chung 11 tháng đạt 2.436 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lợn: Ước tại thời điểm 30/11/2023 tổng đàn lợn đạt 435.979 con tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó lợn thịt đạt 296.200 con, tăng 4,1%; số lợn thịt xuất chuồng tháng 11 ước đạt 54.000 con, tăng 3,5%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 5.700 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, số con lợn thịt xuất chuồng đạt 588.934 con, tăng 4,4%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 61.850 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Gia cầm: Uớc tại thời điểm 30/11/2023, đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) đạt 16.739 nghìn con, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 5.980 tấn, tăng 7,0%; sản lượng trứng gia cầm (bao gồm cả trứng chim cút) đạt 50.480 nghìn quả, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 65.577 tấn, tăng 7,9%; sản lượng trứng đạt 571.262 nghìn quả, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Sản xuất thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trong tháng ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được thực hiện thường xuyên nên không có dịch bệnh phát sinh; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.

Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính… diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

2. Sản xuất công nghiệp

Những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khá nhiều khó khăn, thách thức do thiếu đơn hàng xuất khẩu. Từ quý III, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng còn rất “yếu”, chưa rõ ràng. Bước sang quý IV, xu hướng phục hồi đã trở lên rõ ràng hơn, khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng liên tục trong nhiều tháng (tăng từ tháng 8 đến nay, tháng 11 tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước).

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng 103,6%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo bằng 101,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng bằng 117,3%.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 110,7%. Đây là tháng có mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay (ngoại trừ tháng 2 có tháng cùng kỳ nghỉ Tết nguyên đán). Nguyên nhân là do một số ngành có mức tăng trưởng cao và khá cao như ngành sản xuất kim loại, sản xuất than cốc do mức nền cùng kỳ năm trước thấp nên chỉ số tháng 11/2023 tăng cao. Thêm vào đó, các ngành điện tử, may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi đã có chuyển biến tốt hơn do cuối năm là mùa mua sắm, nhu cầu trong nước và xuất khẩu với các mặt hàng này tăng lên. Nhóm ngành sản xuất ô tô và bộ phận phụ trợ; sản xuất và phân phối điện; sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá.

Tính chung 11 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp bằng 107,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 21,1%, tác động làm ngành công nghiệp tăng 3,32 điểm%. Bên cạnh các sản phẩm là bộ phận phụ trợ vẫn tăng trưởng ổn định thì sản phẩm xe có động cơ không còn đạt mức tăng trưởng cao như các tháng đầu năm do hiệu ứng mức nền thấp của năm 2022 không còn.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,7%, tác động làm ngành công nghiệp tăng 2,29 điểm%. Do lượng mưa thấp đã làm mực nước tại các hồ thủy điện miền Bắc trong những tháng mùa khô rất thấp, nên các nhà máy nhiệt điện được huy động sản lượng cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 9,4%, tác động làm công nghiệp tăng 0,49 điểm%; trong đó sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 11,3%. Thời gian qua dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, giá thịt hơi ổn định trong khi giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm; mô hình chăn nuôi có xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng. Đồng thời, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, tăng sản lượng sản xuất.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 4,1%, tác động làm công nghiệp tăng 0,95 điểm%. Ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… nên sản lượng sản xuất các sản phẩm điện tử chịu ảnh hưởng.

– Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 6,6%; làm công nghiệp giảm 0,15 điểm%. Do hoạt động đầu tư, xây dựng sụt giảm, đặt biệt là xây dựng trong khu vực dân cư giảm mạnh nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng không cao.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2023 dự ước bằng 100,5% so với tháng trước, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 11 tháng đầu năm bằng 93,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Một số ngành có lượng lao động 11 tháng đầu năm giảm nhiều so với cùng kỳ là: Khai khoáng khác (- 68,7%); sản xuất trang phục (-15,2%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-6,6%); chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ (-24,9%); sản xuất than cốc (-17,2%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (-3,5%); sản xuất thiết bị điện (-25,0%).

Các ngành sử dụng lao động tăng trong 11 tháng đầu năm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,8%; sản xuất đồ uống tăng 2,8%; dệt tăng 7,2%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 3,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 2,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 0,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 6,6%…

3. Hoạt động đầu tư

Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch năm, trong những tháng cuối năm, tỉnh Hải Dương đang gấp rút thi công các dự án nhằm tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ước thực hiện tháng 11, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 828 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 467 tỷ đồng, tăng 26,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 322 tỷ đồng, tăng 9,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 39 tỷ đồng, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11, tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý có chuyển biến tích cực, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm và một số dự án đầu tư lớn được đẩy nhanh, đạt kết quả khá. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng đầu năm 2023, thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý chưa đạt so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.639 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,7% kế hoạch năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.289 tỷ đồng, tăng 6,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 2.030 tỷ đồng, giảm 5,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 319 tỷ đồng, giảm 27,0% so với cùng kỳ năm trước. Một số công trình có vốn đầu tư thực hiện trong tháng 11 đạt cao như:

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 11/2023 đạt 87,9 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 50,1% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng khu dân cư mới phía Tây, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, ước thực hiện tháng 11/2023 là 42,9 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư thực hiện ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 94,8% tổng mức đầu tư;

– Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh, ước thực hiện trong tháng 11/2023 đạt 42,1 tỷ đồng, chiếm 9% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 17,5% tổng mức đầu tư;

– Cải tạo, nâng cấp đường 395 (đoạn từ km16+750+km23+920) và đường dẫn đầu cầu cậy, đường tránh qua KDC xã Long Xuyên kết nối sang huyện Gia Lộc, ước thực hiện tháng 11/2023 là 41,1 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 17,3% tổng mức đầu tư.

– Dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với QL 37, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 11/2023 đạt 30,4 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 36,7% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường trục Bắc – Nam, huyện Thanh Miện (giai đoạn 1), ước thực hiện trong tháng 11/2023 đạt 25,8 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 47,1% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng 11, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá, hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường bình ổn.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tháng 11 đạt 8.572 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước, tăng 14,0% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 11 đạt 1.125 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 86.182 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 16,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng 14,7%; doanh thu dịch vụ khác tăng 5,1%. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 11.240 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 11 ước đạt 7.180 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 71.776 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ tăng chủ yếu do:

– Nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (33,9%) và tăng cao nhất (+21,1%) do chuyển dịch cơ cấu tiêu dùng các mặt hàng có giá trị cao ngày càng tăng, việc tiêu thụ thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm sạch, an toàn ngày càng lớn, nhu cầu sử dụng gạo, ngũ cốc giảm;

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình cũng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (14,2%) và tăng 19,9%; tăng do nhu cầu mua sắm, thay đổi trang thiết bị trong dân cư tăng;

– Nhóm xăng dầu các loại tăng 21,0% do nhu cầu đi lại của người dân tăng sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11 ước đạt 1.392 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 11 tháng ước đạt 14.406 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 5.045 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ đạt 80,1 tỷ đồng, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ khác đạt 9.281 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. 

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 11, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 1.125 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,4% và tăng 14,5% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 192 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 680 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 10,4% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 246 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Mười một tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 11.240 tỷ đồng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 37,3%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 10,6%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 14,3%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 14,3%.

4.4. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

Giá trị hàng hóa xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 8.818 triệu USD, đạt 75,0% kế hoạch năm; giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các tháng 9, 10 và 11 giá trị hàng hóa xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm ước đạt 7.094 triệu USD, đạt 72,1% kế hoạch năm; giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các tháng 8, 9, 10 và 11 giá trị hàng hóa nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá đã tăng trở lại trong các tháng cuối năm, nhưng tốc độ tăng còn thấp nên kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cả năm 2023 không thể đạt được.

5. Giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,23% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 5,49% và tăng 5,87% so với tháng 12/2022. Bình quân 11 tháng đầu năm tăng 4,53% so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng giá ở khu vực thành thị tăng thấp hơn khu vực nông thôn.

So với tháng trước, có một số mặt hàng tăng giá so với tháng trước: gạo tăng 6,04%; lương thực chế biến tăng 1,50%; dịch vụ y tế tăng 11,00%, dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,76%… Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao do thực hiện theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ trưởng quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp. Có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá, trong đó tác động lớn đến CPI có:

– Giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,94% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,29%; chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm giảm 1,88% so với tháng trước làm cho CPI giảm 0,42%; một số mặt hàng giảm nhiều như: ngô, sắn, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, các loại rau bắp cải, xu hào, khoai tây, rau dạng quả củ;

– Giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,47% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,08% chủ yếu do giá điện sinh hoạt giảm 1,94% do thời tiết chuyển sang mùa đông lên người dân sử dụng điện ít hơn; ga và các loại chất đốt khác giảm 1,28%;

Giá vàng tháng 11 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 3,79% so tháng trước; tăng 11,32% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 4,67%. Tính đến ngày 23/11/2023, bình quân giá vàng là 5.968 ngàn đồng/1 chỉ và tăng 218 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.950 – 5.980 ngàn đồng/chỉ.

Giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,03% so với tháng trước; giảm 1,20% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 2,11%.  Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.457.308 đồng/100USD, giảm 819 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.445.000 -2.465.000 đồng/100USD.  

6. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết ngày 15/11 đạt 16.677 tỷ đồng; ước đến đến 30/11 đạt 17.350 tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán năm, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 14.778 tỷ đồng (-3,4%), thu qua Hải quan đạt 2.537 tỷ đồng (-7,6%).

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/11 ước đạt 14.758 tỷ đồng, ước đến 30/11 đạt 15.240 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.413 tỷ đồng (-12,0%), chi thường xuyên đạt 10.774 tỷ đồng (+7,0%).