BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 10 NĂM 2023 TỈNH HẢI DƯƠNG  

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 là tập trung thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa trà sớm và trung đã chín; chăm sóc và cung cấp đủ nước tưới cho diện tích cây vụ Đông năm 2024 đã trồng; đẩy mạnh mở rộng diện tích cây vụ Đông chủ lực: Cà rốt, hành tỏi, khoai tây, rau ăn lá…; phòng trừ dịch bệnh trên đàn lợn và gia cầm.

1.1. Trồng trọt

Vụ mùa: Tổng diện tích gieo trồng đạt 63.831 ha, giảm 0,94% (-603 ha) so với vụ mùa năm trước. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do một số diện tích đất trồng cây hàng năm được chuyển sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản và đất phi nông nghiệp (xây dựng đường vành đai, đường quốc lộ; xây dựng khu đô thị,…).

Đến nay các địa phương cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa, cây rau màu vụ mùa; trong đó, diện tích lúa đã thu hoạch ước đạt 53.000 ha, bằng 96% diện tích gieo trồng. Năng suất ước đạt 60,0 tạ/ha, tăng 1,1% (+0,6 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Các loại rau màu vụ mùa năng suất trung bình ước đạt 234,7 tạ/ha, tăng 1,2% (+2,8 tạ/ha); sản lượng ước đạt 159.701 tấn, tăng 2,3% (+3.564 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Vụ đông năm 2024: Diễn biến thời tiết đầu vụ khá thuận lợi để làm đất gieo trồng cây vụ đông. Tính đến 15/10, tổng diện tích gieo trồng cây rau mầu vụ đông ước đạt trên 11.000 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây ngô tăng 2,5%, cây su hào tăng 4%, bắp cải tăng 3%, cây cà rốt tăng 2%…

1.2. Chăn nuôi

Giá bán thịt hơi xuất chuồng từ đầu tháng có xu hướng giảm do tâm lý lo ngại dịch tả châu Phi; dù hiện nay giá bán đã tăng nhẹ nhưng vẫn chưa phục hồi về được mức giá trước đây. Vì vậy, việc đầu tư tái đàn, mở rộng qui mô sản xuất đã chững lại, sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thịt gia súc, gia cầm vào thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Trâu, bò: Ước tại thời điểm 01/11/2023; đàn trâu đạt 5.500 con, tương đương so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 10 tháng đạt 757 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn bò đạt 14.500 con, tăng 0,8%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 10 tháng đạt 1.432 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lợn: Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 01/11/2023 ước đạt 295.000 con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng đạt 56.011 tấn, tăng 7,0%.

Gia cầm: Giá bán thịt gia cầm hơi xuất chuồng tiếp tục duy trì ở mức cao, hiệu quả chăn nuôi tốt, người chăn nuôi đầu tư tái đàn, tăng chu kỳ nuôi nên sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm ước tại thời điểm 01/11/2023 đạt 16.600 nghìn con, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 12.400 nghìn con tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất 10 tháng đạt 58.711 tấn, tăng 6,5%; sản lượng trứng đạt gần 515 nghìn quả, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Lâm nghiệp

Trong tháng 10, diện tích rừng trồng mới ước đạt 20 ha, tăng 5 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chủ yếu là diện tích rừng trồng cây keo và bạch đàn trắng thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 310 ha, tăng 8 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước gần 3.000 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 29 nghìn cây, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.030 m3, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do diện tích rừng sản xuất đến tuổi được khai thác cao hơn cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác củi ước đạt 5.800 ster, so với cùng kỳ năm trước, tăng 14,4%. Các sản phẩm lâm sản khác như tre, nhựa thông, măng tươi, mộc nhĩ…tăng giảm không lớn so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh.

1.4. Sản xuất thuỷ sản

Trong tháng 10 năm 2023, sản xuất thủy sản tương đối ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên không có dịch bệnh phát sinh.

 Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá; lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển. Hiện nay, giống cá nuôi lồng chủ yếu là giống cá chất lượng cao như cá lăng, cá Diêu hồng, cá Trắm giòn, Chép giòn được các hộ đầu tư nuôi thả vì chất lượng cá ngon, được nhiều nhà hàng, thực khách chọn lựa.

2. Sản xuất công nghiệp

Những tháng cuối năm sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn, khá nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng, tìm kiếm đơn hàng từng tháng, chờ tín hiệu thị trường tốt hơn.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 99,7% (giảm 0,3%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 4,0%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải …giảm 2,9%.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 107,3%. Một số ngành sản xuất quan trọng như sắt thép, xi măng, sản xuất than cốc, thiết bị điện… tiếp tục tăng trưởng âm; đồng thời, ngành sản xuất điện tử, lắp ráp ô tô, chế biến thực phẩm, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… tăng chậm lại. Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao phải kể đến như: Thức ăn gia súc +11,7%, xe ô tô từ 5 người trở lên +66,5%, bộ dây điện cho xe có động cơ +14,9%, điện sản xuất +18,3%.

Tính chung 10 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp bằng 107,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 21,8%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 3,46 điểm%; trong đó, sản phẩm xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên bằng 166,5%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ bằng 114,9%. Do hiệu ứng mức nền thấp của sản phẩm xe ô tô lắp ráp những tháng đầu năm không còn nên mức tăng của ngành đang chậm lại.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17,0%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 2,42 điểm% so với cùng kỳ năm trước. Do năm nay, tình hình nắng nóng kéo dài, hiện tượng EL Nino, lượng mưa thấp đã làm mực nước tại các hồ thủy điện miền Bắc trong những tháng mùa khô rất thấp. Vì vậy để đảm bảo điện sản xuất và tiêu dùng, các nhà máy nhiệt điện được huy động sản lượng cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện. Uớc sản lượng điện sản xuất trong10 tháng đầu năm tăng 18,3%.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 9,7%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,5 điểm%; trong đó sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 11,7%. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát; giá thịt hơi ổn định ở mức “có lãi”; giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm; mô hình chăn nuôi dịch chuyển từ quy mô nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, tăng sản lượng sản xuất như Công ty CP dinh dưỡng quốc tế CNC, Công ty TNHH Haid Hải Dương… đã có tác động tích cực.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, do hiệu ứng mức nền thấp của các tháng đầu năm không còn trong khi nhu cầu giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… vì suy thoái kinh tế và lạm phát nên sản lượng sản xuất trong 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,84 điểm%; trong đó, mạch điện tử tăng 1,5%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy… tăng 6,1%…

– Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và ngành sản xuất kim loại giảm lần lượt 5,9% và 0,5%; làm chỉ số chung giảm 0,19 điểm%. Do hoạt động đầu tư, xây dựng sụt giảm nên nhu cầu nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng ít. Công ty CP Thép Hoà Phát đã ngừng 01 lò cao từ cuối năm 2022 đến đầu tháng 6/2023; từ 15/9/2023 dừng tiếp 01 lò cao khác để bảo dưỡng; Công ty TNHH MTV Vicem Xi măng Hoàng Thạch cũng ngừng 01 lò sản xuất clanke từ quý I/2023 nên sản lượng xi măng, sắt thép, gạch xây dựng lần lượt giảm 4,8%; 1,3% và 2,6%.

– Sản xuất than cốc năm giảm 17,1%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,19 điểm% do sản lượng ngành thép giảm.

– Ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi lần lượt giảm 5,0%; 3,3% và 1,7%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,43 điểm%. Hầu hết doanh nghiệp trong các ngành này thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ giãn việc hoặc làm việc luân phiên, do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát.

– Ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất máy móc, thiết bị giảm lần lượt 30,5% và 6,9%; làm chỉ số chung giảm 1,66 điểm%. Nguyên nhân cũng do số lượng đơn hàng suy giảm mạnh.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2023 tăng 0,4% so với tháng trước; nhưng vẫn giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng đầu năm giảm 6,7%.

Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như: May mặc (-15,1%); da giày (-6,3%); lắp ráp điện tử (-0,4%); sản xuất đồ chơi (-9,2%)… phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Ngược lại, các ngành sử dụng lao động tăng lại sử dụng ít lao động như: Thức ăn chăn nuôi (+2,6%); sản xuất ô tô (+6,8%); sản xuất điện (+0,4%)…

3. Hoạt động đầu tư

Mặc dù UBND tỉnh, các ngành liên quan đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thực hiện, thi công các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp so với cùng kỳ năm trước và kế hoạch cả năm.

Ước thực hiện tháng 10: Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 480 tỷ đồng, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh giảm 34,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện giảm 16,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng đầu năm: Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.546 tỷ đồng, giảm 12,0% so với cùng kỳ năm trước, đạt 46,9% kế hoạch năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.587 tỷ đồng, giảm 11,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.678 tỷ đồng, giảm 9,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 281 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Một số công trình có vốn đầu tư thực hiện trong tháng 10 đạt cao như:

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 10/2023 đạt 48,2 tỷ đồng, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 43,5% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với QL 37, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 10/2023 đạt 26,4 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 29,9% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường trục Bắc – Nam, huyện Thanh Miện (giai đoạn 1), ước thực hiện trong tháng 10/2023 đạt 40,2 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 44,8% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn, ước thực hiện trong tháng 10/2023 là 46,5 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 98,8% tổng mức đầu tư;

– Cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối thành phố Hải Dương với vùng huyện Cẩm giàng, huyện Bình giang, ước thực hiện tháng 10/2023 là 23,2 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư thực hiện ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 86,3% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng 10, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá; nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; thị trường bình ổn, lưu thông hàng hóa thuận lợi. Các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, sức mua tiêu dùng tăng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất…

Tháng 10: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.288 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 13,4% so cùng kỳ năm trước; Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi đạt 1.115 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 77.510 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước (bán lẻ tăng 16,6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 15,4%; dịch vụ khác tăng 5,7%); doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 10.122 tỷ đồng, tăng 15,3%.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 10 ước đạt 6.919 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 64.503 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 33,6% trong tổng số và đạt 21.659 tỷ đồng, tăng 20,7%;

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,3% trong tổng số, đạt 9.213 tỷ đồng, tăng 19,6%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 8.359 tỷ đồng, tăng 7,4%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 ước đạt 1.369 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 10 tháng ước đạt 13.007 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 291 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ ăn uống đạt 4.255 tỷ đồng, tăng 15,1%;

– Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ đạt 72 tỷ đồng, tăng 52,4%.

– Dịch vụ khác đạt 8.389 tỷ đồng, tăng 5,7%. 

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 10, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 1.115 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,7% và tăng 15,1% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 191 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 675 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước, tăng 10,6% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 243 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước, tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 10.122 tỷ đồng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 36,9%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 10,4%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 14,5%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 14,0%.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,59% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,82%; khu vực nông thôn giảm 0,46%); tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước và bình quân so với cùng kỳ tăng 4,43%. Có nhiều nhóm hàng chính giảm giá đã tác động nhiều đến CPI như:

– Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 1,74% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,20 điểm%; chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho giá xăng dầu tháng 10 giảm 4,34% so với tháng trước, trong đó giá xăng giảm 4,63%; giá dầu diezen giảm 0,72%.

– Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,58% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,29 điểm%; chủ yếu do giá điện sinh hoạt giảm 2,57% do thời tiết chuyển sang thu lên người dân sử dụng điện ít hơn; nhà ở cho thuê giảm 2,49%; nước sinh hoạt giảm 0,27%.

– Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,37% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,37 điểm%; chủ yếu do giá thực phẩm giảm 0,63%  như: Thịt gia súc giảm 2,84%; trứng các loại giảm 1,71%; dầu mỡ ăn và chất béo giảm 1,35%….

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá tăng so với tháng trước: gạo tăng 1,44%; lương thực chế biến tăng 0,36%; thủy sản chế biến tăng 1,76%; ga đun tăng 4,78%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,27%….

Giá vàng tháng 10 tăng theo giá vàng thế giới, làm cho chỉ số giá vàng tăng 0,51% so tháng trước; tăng 9,61% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng đầu năm tăng 4,02%. Tính đến ngày 23/10/2023, bình quân giá vàng là 5.750 ngàn đồng/1 chỉ và tăng 29 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.730 – 5.770 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này tăng 1,22% so với tháng trước; tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,45%. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.458.127 đồng/100USD, tăng 29.534 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.440.000 -2.470.000 đồng/100USD.  

6. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết ngày 15/10 đạt 14.055 tỷ đồng. Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 10 đạt 14.918 tỷ đồng, bằng 84,5% dự toán năm, bằng 92,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 12.683 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 2.208 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/10 đạt 13.295 tỷ đồng. Ước tổng chi ngân sách nhà nước đến hết tháng 10 đạt 13.731 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.893 tỷ đồng (giảm 10,0%), chi thường xuyên đạt 9.785 tỷ đồng (tăng 7,1%)./.