Tóm tắt kết quả chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2016 (TĐT) được thực hiện trên phạm vi cả nước vào thời điểm 01/7/2016 theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Tổng điều tra tiến hành thu thập thông tin ở hơn 450.000 hộ dân cư; 1.138 trang trại và 227 xã.

 

1. Thành tựu phát triển kinh tế – xã hội nông thôn
a) Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và môi trường nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại
       

Trong 5 năm 2011-2016, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng. Chất lượng đường giao thông nông thôn được nâng cấp với tốc độ khá nhanh. Số xã có tỷ lệ đường giao thông nội bộ xã, liên thôn; đường nội bộ thôn, ngõ xóm được nhựa/bê tông hóa đạt 100% tăng nhanh. Tại thời điểm 01/7/2016, toàn tỉnh có 191 xã, chiếm 84% có đường liên xã được nhựa/bê tông hóa 100%, tăng 56 xã (+25% số xã) so với năm 2011; 29 xã, chiếm 13% có tỷ lệ đường được nhựa/bê tông hóa từ 75% đến dưới 100%; Tính chung toàn tỉnh, số xã có đường nội bộ thôn/khu dân cư, ngõ xóm được nhựa/bê tông hóa đạt 100% là 169 xã, chiếm 74,5%, tăng 33 xã, tăng 15 điểm % so với năm 2011; đạt tỷ lệ từ 75% đến dưới 100% là 47 xã, chiếm 20,7%.

Hệ thống trường học các cấp được kiên cố hóa tăng lên, giảm số trường bán kiến cố. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2016, tỷ lệ các trường được xây dựng kiên cố đều tăng so với năm 2011. Năm 2016, tỷ lệ trường trung học cơ sở được xây dựng kiên cố là 98,22%, tăng 1,38%, trường tiểu học là 99,15%, tăng 0,85%, trường mầm non là 90,17%, tăng 17,87% so với năm 2011; tỷ lệ các trường bán kiên cố giảm đi tương ứng.

 Hệ thống y tế xã phát triển cả về số lượng cơ sở y tế tư nhân, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, cơ sở vật chất và các trang thiết bị khám chữa bệnh. Đến ngày 01/7/ 2016, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo bộ tiêu chí ban hành theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế  là 131 xã, bằng 57,71% tổng số xã; 106 xã, chiếm 46,7% có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân (cả nước 33,8%), 219 xã, chiếm 96,47% số xã có cửa hàng dược phẩm (nhà thuốc) phục vụ bán thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, tăng 6,82% (+ 14 cửa hàng) so với năm 2011.

Hệ thống mạng lưới kinh doanh Internet tư nhân ở nông thôn phát triển nhanh. Tại thời điểm 01/7/ 2016, có 164 xã, chiếm 72,25%  có điểm kinh doanh Internet tư nhân (năm 2011 là 68,6%, năm 2006 đạt 50,8%), trong đó huyện Nam Sách có tỷ lệ cao nhất là 100%, tiếp đến là huyện Kinh Môn 95,5% và thấp nhất là thị xã Chí Linh 50,0%.

Hệ thống công trình cấp nước sạch ở nông thôn được các địa phương quan tâm đầu tư phát triển mạnh. Năm 2016, toàn tỉnh có 78 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chiếm 34,36%, tăng 21 xã so với năm 2011; hệ thống cấp nước sạch đã được phủ kín đến hầu hết các thôn.

Vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện, hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn được các cơ sở quan tâm đầu tư mở rộng. Năm 2016, toàn tỉnh có 212 xã có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải, chiếm tỷ lệ 93,39% (năm 2011 có 83,8%) và có 980 thôn có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải, chiếm 90,32%.

b) Cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nghề phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng

Tại thời điểm 01/7/2016, khu vực nông thôn có trên 421 nghìn hộ, tăng 4,8%; trên 1.271 nghìn nhân khẩu, giảm 0,4%; gần 648 nghìn người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. So với năm 2011, tăng trên 19 nghìn hộ, giảm trên 37 nghìn người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. Số hộ và số lao động nông thôn trong những năm vừa qua không chỉ biến động về lượng, mà có sự chuyển dịch nhanh sang hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của hộ ở khu vực nông thôn đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực: số hộ nông nghiệp giảm mạnh và số hộ công nghiệp tăng nhanh. Cơ cấu loại hộ khu vực nông thôn năm 2016 so với kết quả TĐT năm 2011:

+ Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,8 %, giảm 20 điểm%;

+ Hộ CN-XD chiếm  31,5 %, tăng 12,9điểm %;

+ Hộ thương nghiệp,vận tải, dịch vụ khác chiếm 16,5%, tăng 2,7điểm %;

+ Hộ khác chiếm 13,2 %, tăng 4,4 điểm %.

Phân bổ lao động làm việc trong những năm vừa qua cũng thể hiện việc cơ cấu lại kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tại thời điểm 01/7/2016, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hoạt động chính: nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,96%, giảm 16,36 điểm %; công nghiệp, xây dựng chiếm 44,2%, tăng 12,78 điểm %; các ngành dịch vụ chiếm 20,52%, tăng 2,9 điểm % so với năm 2011.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo xu hướng trên còn thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu hộ theo thu nhập. Tại thời điểm 01/7/2016, có hơn 117 nghìn hộ có thu nhập lớn nhất từ nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 12 tháng qua, chiếm 27,9% tổng số hộ nông thôn, giảm 15,1 điểm % so với năm 2011; hơn 236 nghìn hộ có thu nhập lớn nhất từ hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 56,1% và tăng 12,3 điểm %; gần 68 nghìn hộ có thu nhập lớn nhất từ các nguồn khác, chiếm 16%, tăng 2,8 điểm% so với năm 2011.

c) Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện sâu rộng ở các địa phương, đạt kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi

Theo kết quả Tổng điều tra, đến thời điểm 1.7.2016, toàn tỉnh có 46 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 20,35% tổng số xã. Tổng số tiêu chí nông thôn mới của Hải Dương đạt 3.362 tiêu chí, bình quân đạt 14,9 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân toàn quốc là 12,7 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; có 79 xã, chiếm 35% đạt trên 15 tiêu chí; một số tiêu chí cơ bản của chương trình có tỷ lệ xã đạt cao: Giáo dục 215/227 xã, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 215/227 xã, An ninh trật tự 207/227, Thu thập 153/227 xã, hộ nghèo 113/227 xã, môi trường 158/227.

d) Đời sống dân cư nông thôn được cải thiện

Tại thời điểm 01/7/2016, tỷ lệ hộ gia đình có xe ô tô là 1,36%, có xe máy đạt 75,05%, có xe đạp điện đạt 15,56%. Các đồ dùng lâu bền, thiết yếu, hiện đại phục vụ đời sống của hộ ở khu vực nông thôn tăng nhanh trong 5 năm qua như: tỷ lệ hộ sử dụng ti vi là 95,63%, hộ sử dụng máy giặt là 39,08%, tăng 29,23%, hộ sử dụng máy điều hòa là 22,20%, hộ sử dụng tủ lạnh là 81,79%, tăng 42,05%, hộ sử dụng máy vi tính là 13,76%, tăng 7,47% so với năm 2011.

Năm 2016, tỷ lệ số hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống  đạt tới 77,75%, tăng 61,57 điểm% so với năm 2011; Các hộ gia đình ở nông thôn đã giảm sử dụng chất đốt rơm, rạ, gỗ, củi, thay vào đó là các nguồn năng lượng sạch, vệ sinh hơn như ga, điện, bioga,…

e) Bộ máy lãnh đạo xã được tăng cường là điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của việc thực hiện các chính sách về phát triển nông thôn, nông nghiệp

Tại thời điểm 01/7/2016, các xã có 910 cán bộ chủ chốt, bình quân mỗi xã có 4 người (Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND). Trong tổng số cán bộ xã nêu trên có 24 cán bộ nữ, chiếm 2,63%, tăng 1,13 điểm % so với năm 2011; bình quân mỗi xã có 0,105 cán bộ chủ chốt là nữ, tăng 1,13% cán bộ nữ/xã so với năm 2011.

Thành tựu nổi bật về kiện toàn bộ máy lãnh đạo xã trong những năm vừa qua là trình độ của cán bộ chủ chốt đã nâng lên đáng kể. Năm 2016, tỷ lệ cán bộ có bằng cấp đại học và trên đại học tăng từ 27,7% năm 2011 lên 53,63% năm 2016. Tỷ lệ cán bộ trung cấp, cao đẳng giảm từ 60,40% năm 2011 xuống 43,96% năm 2016. Tỷ lệ cán bộ có trình độ lý luận chính trị tăng từ 99,45% năm 2011lên 99,89% năm 2016.

         2. Thành tựu phát  triển nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Sản xuất đang được cơ cấu lại về hình thức tổ chức và quy mô sản xuất

Quá trình cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong giai đoạn 2011-2016 thể hiện trước hết ở kết quả cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất theo hướng số trang trại tăng nhanh, số hộ ngày càng giảm mạnh. Theo kết quả tổng điều tra, tại thời điểm 31//12/2016, trên địa bàn tỉnh có 1.138 trang trại, tăng 850 trang trại (tăng 295,13%) so với năm 2011. Trong khi đó, số hộ có hoạt động chính sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 256.235 (năm 2011) hộ xuống còn 176.876 hộ (năm 2016), bình quân mỗi năm giảm 7,14%.

Đối với hộ sản xuất, tại thời điểm 01/7/2016, lĩnh vực trồng trọt toàn tỉnh có 312.228 hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp có quy mô dưới 0,5 ha, chiếm 94,9%, giảm 2,4 điểm % so với năm 2011; trong chăn nuôi, số hộ nuôi lợn dưới 10 con là 19.992 hộ, chiếm 47,5%, giảm 15,2 điểm %, Số hộ nuôi gà dưới 100 con là 172.191 hộ, chiếm 95,62%, giảm 0,3 điểm % so với năm 2011.

b) Ruộng đất được tích tụ với khâu đột phá là dồn điền đổi thửa, chỉnh tranh đồng ruộng

Tính đến 01/7/2016, toàn tỉnh có 176 xã tiến hành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 77,5% tổng số xã. Diện tích đã dồn điền đổi thửa là 48.002 ha, chiếm 89% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhờ dồn điền đổi thửa nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả tỉnh đã tăng từ 420 m2 năm 2011 lên 582 m2 năm 2016. Năm 2016, số thửa bình quân một hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 2,8 thửa, giảm gần 2 thửa so với năm 2011.

c) Sản xuất hàng hóa tập trung qui mô lớn, hình thành các cánh đồng chuyên canh lớn

Theo kết quả Tổng điều tra, năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 74 cánh đồng lớn, tổng diện tích gieo trồng của cánh đồng lớn đạt 3.872 ha, trong đó diện tích trồng lúa 3.600 ha, chiếm 93%. Diện tích gieo trồng bình quân một cánh đồng đạt 52,3 ha, trong đó cánh đồng lúa đạt 56,2 ha; cánh đồng vải đạt 17,4 ha; cánh đồng na đạt 25,0 ha; toàn tỉnh có 21.832 hộ tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, bình quân số hộ tham gia một cánh đồng lớn là 295 hộ/cánh đồng; Tỷ lệ diện tích gieo trồng theo mô hình cánh đồng lớn  được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của tỉnh trung bình đạt 8,55 %.

d)  Tỷ lệ cơ giới hóa tăng nhanh, đặc biệt khâu thu hoạch, gieo trồng

Trong 5 năm (2011-2016), UBND tỉnh, các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; thực hiện dồn điền, đổi thửa; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hệ thống giao thông nội đồng… tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất. Theo kết quả tổng điều tra năm 2016, toản tỉnh có 11.220 máy làm đất, tăng 9,6%; 125.958 máy bơm nước, tăng 102,5%; bình phun thuốc sâu có động cơ 83.555 cái, tăng 642% so với năm 2011. Năm 2016, có 99 máy gieo sạ, 900 máy gặt đập liên hợp (năm 2011 số lượng các loại máy gieo sạ, máy gặt đập liên hợp rất nhỏ).

Số liệu Tổng điều tra 2016 chung toàn tỉnh cho thấy, cơ giới hóa được ứng dụng nhanh vào sản xuất lúa: làm đất bằng máy trên 95%, gặt lúa bằng máy trên 90% tổng diện tích lúa toàn tỉnh. Nhiều mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy máy và thu hoạch bằng máy giúp năng suất tăng hơn lúa cấy thủ công từ 8-10%, hiệu quả kinh tế tăng trên 10%.

e) Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng ở nhiều địa phương

Năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 165 ha vải VietGAP với sản lượng 1.500 tấn, tăng 68,95 ha so với năm 2015 (96,05 ha), trong đó có 11 mô hình được cấp mã số xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Eu. Ngoài ra tỉnh còn có một số mô hình sản xuất theo quy trình VietGap như: có 20 ha mô hình sản xuất cam ở 2 huyện Kinh Môn (15 ha) và Thị xã Chí Linh  (5 ha); có 50 ha ổi ở huyện Ninh Giang (20 ha) và huyện Thanh Hà (30 ha); có 30 ha na ở thị xã Chí Linh.

g) Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển có hiệu quả

Trong giai đoạn 2011-2016, kinh tế trang trại phát triển với tốc độ nhanh. Tại thời điểm 01/7/2016, có 1.138 trang trại, tăng 295,13% so với năm 2011, bình quân mỗi năm tăng 31,6%.

Các trang trại đã sử dụng 1.153,7ha đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 300,5 % so với năm 2011; bình quân một trang trại sử dụng 1,014 ha. Các trang trại đã sử dụng 2.895 lao động, tăng 173,6% so với năm 2011. Số lượng gia súc, gia cầm của các trang trại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đàn của toàn tỉnh. Tại thời điểm 1/7/2016, các trang trại chăn nuôi có 108.197 con lợn, chiếm 17% tổng đàn toàn tỉnh; 1.629,3 nghìn con gia cầm, chiếm 17,1% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cung cấp cho xã hội.

Về hiệu quả, ngoài tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, các trang trại còn sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành thu được trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2016 của các trang trại đạt 2.533 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2011; giá trị sản phẩm, dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt 2.510 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2011./.