BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 7 NĂM 2023 TỈNH HẢI DƯƠNG

Trong tháng 7, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tập trung thu hoạch cây rau mầu vụ chiêm xuân và gieo cấy lúa cũng như các cây rau màu vụ mùa. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, tăng thấp hơn dự báo và chưa có dấu hiệu phục hồi. Hoạt động thương mại, dịch vụ đang tăng chậm lại so với các tháng đầu năm, lạm phát có xu hướng tăng.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Ước đến hết tháng 7, toàn tỉnh gieo cấy được gần 54.000 ha lúa vụ mùa, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích cấy bằng máy đạt trên 12.000 ha, diện tích gieo thẳng đạt trên 40.000 ha; gieo trồng được gần 2.000 ha rau màu hè thu, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Công tác gieo trồng cây vụ mùa năm nay được các ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; việc gieo cấy lúa mùa cơ bản đảm bảo cơ cấu giống, trong khung thời vụ theo kế hoạch.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm trong tỉnh ổn định, không sẩy ra dịch bệnh nên đàn gia cầm phát triển tốt. Chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, được duy trì phát triển khá.

Trâu, bò: Ước tại thời điểm 01/8/2023 đàn trâu đạt 5.450 con, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 14.250 con, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 7 tháng đầu năm đạt 526 tấn, giảm 1,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 1.033 tấn, tăng 1,2%.

Lợn: Chăn nuôi lợn tiếp tục được các hộ chăn nuôi đầu tư mở rộng sản xuất; ước tại thời điểm 01/8/2023 đàn lợn thịt đạt 282.670 con, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 5.682 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng đầu năm đạt 37.882 tấn, tăng 4,6%.

Gia cầm: Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.970 nghìn con, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 11.820 nghìn con tăng 1,1%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 5.800 tấn, tăng 2,7%; tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 39.736 tấn, tăng 4,8%.

1.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản tiếp tục ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ năm trước; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như: Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính…

Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ước đạt trên 12.450 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt trên 9.000 tấn, tăng 7,0%.

2. Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 7, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi; nguy cơ suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội do lạm phát và lãi suất tăng trên thế giới ảnh hưởng ngày càng nhiều đến Việt Nam. Một số ngành sản xuất trọng điểm của Tỉnh như may mặc, giày dép, sắt thép, xi măng, sản xuất than cốc, thiết bị điện… tiếp tục tăng trưởng âm trong khi các ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, lắp ráp ô tô, nhiệt điện, sản xuất máy móc, thiết bị… đang tăng trưởng chậm lại.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, sản xuất công nghiệp giảm 1,3%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,1%; sản xuất và phân phối điện giảm 11,7% do phải dừng để sửa chữa và bảo dưỡng.

So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 7 ước tăng 1,0% do nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng chậm lại. Điển hình là ngành sản xuất và phân phối điện, chỉ số sản xuất tháng 5, tháng 6 tăng cao nhưng sang tháng 7 chỉ bằng 109,0% so với cùng kỳ. Năm nay, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương tiến hành sửa chữa định kỳ vào tháng 7, trong khi năm trước là tháng 8; trong khi đó Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại gặp sự cố ở một tổ máy vẫn chưa được khắc phục nên sản lượng điện sản xuất tháng 7/2023 tăng 109,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,7%, tác động làm tăng 6,21 điểm%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%, làm chỉ số chung tăng 1,57 điểm%. Một số ngành có tỷ trọng lớn, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 23,0%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 6,68 điểm%; trong đó, sản phẩm xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên gấp 2,1 lần; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 13,6%.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 5,8%, tác động làm chỉ số chung tăng 1,31 điểm%; trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 2,4%; bộ phận của các linh kiện điện tử khác tăng 8,3%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy,… tăng 13,9%…

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,0%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,61 điểm%; trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 14,7%.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%, tác động làm số chung tăng 1,57 điểm%; trong đó, điện sản xuất tăng 17,5%, điện thương phẩm tăng 5,7%.

– Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và ngành sản xuất kim loại giảm lần lượt 4,8% và 1,5%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,22 điểm%. Từ cuối tháng 5/2022 đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục duy trì sự trầm lắng nhất là tình trạng đóng băng khu vực nhà ở kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng không cao; sản lượng thép, xi măng giảm lần lượt 2,5% và 6,7%

– Ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất máy móc, thiết bị, tính giảm lần lượt 31,1% và 3,8%; làm chỉ số chung giảm 1,4 điểm%. Nguyên nhân là do sản xuất máy phát điện và máy bơm, máy rửa áp lực cao xuất khẩu sang thị trường Mỹ suy giảm mạnh.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2023 dự ước bằng 100,3% so với tháng trước, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 94,8%. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Một số ngành có lượng lao động 7 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ là khai khoáng khác bằng 37,0%; sản xuất trang phục bằng 86,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan bằng 96,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ bằng 76,6%; sản xuất than cốc bằng 82,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại bằng 97,4%; sản xuất thiết bị điện bằng 75,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu bằng 96,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 91,1%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 7 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 102,4%; sản xuất đồ uống bằng 102,2%; dệt bằng 105,7%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất bằng 100,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 102,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 101,7%; sản xuất xe có động cơ bằng 108,3%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế bằng 108,8%…

3. Hoạt động đầu tư, xây dựng

Ước thực hiện tháng 7 năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 378,1 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 169,1 tỷ đồng, giảm 22,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 178,9 tỷ đồng, giảm 18,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 30,1 tỷ đồng, giảm 31,5%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.098 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 35,9% kế hoạch; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 949,2 tỷ đồng, tăng 1,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 976,3 tỷ đồng, giảm 9,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 172,5 tỷ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

Việc giải ngân vốn đầu tư công đến nay còn chậm là do vướng mắc về quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ dự án; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai dự án còn chưa kịp thời. Một số nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu về tư vấn thiết kế, giám sát xây dựng… Mặt khác, vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất nhưng hiện tại thị trường bất động sản trầm lắng nên cấp huyện, xã không đủ nguồn vốn triển khai dự án theo tiến độ. Một số những vướng mắc trên đã là cản trở làm chậm thời gian triển khai dẫn đến chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, tạo nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công.

Một số công trình có vốn đầu tư thực hiện trong tháng 7 đạt cao như:

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 7/2023 đạt 47,7 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 714,4 tỷ đồng, đạt 40,2% tổng mức đầu tư;

– Cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối thành phố Hải Dương với vùng huyện Cẩm giàng, Bình giang, ước thực hiện trong tháng 7/2023 đạt 25,1 tỷ đồng, chiếm 14% tổng vốn đầu tư thựchiện thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 607,8 tỷ đồng, ước đạt 52,5% tổng mức đầu tư;

– Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 7/2023 đạt 24,4 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 533,4 tỷ đồng, đạt 30,1% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường trục Bắc – Nam, huyện Thanh Miện (giai đoạn 1), ước thực hiện trong tháng 7/2023 đạt 20,8 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 59,6 tỷ đồng, đạt 15% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với QL 37, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 7/2023 đạt 15,3 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 112,8 tỷ đồng, đạt 24% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá, thị trường hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường. Tuy nhiên tốc dộ tăng các ngành dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm lại do thu nhập người lao động sụt giảm, giá tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu chậm lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tháng 7 đạt 7.877 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi đạt 1.079 tỷ đồng, tăng 13,4%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 53.050 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 6.850 tỷ đồng, tăng 16,3%.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 7 ước đạt 6.548 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 44.124 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 33,1% trong tổng số và đạt 14.604 tỷ đồng, tăng 20,4%;

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,3% trong tổng số, đạt 6.301 tỷ đồng, tăng 18,5%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 5.849 tỷ đồng, tăng 10,1%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 7 ước đạt 1.329 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 7 tháng ước đạt 8.925 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 197 tỷ đồng, chiếm 2,2% trong tổng số, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ ăn uống đạt 2.896 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng số, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ khác đạt 5.784 tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng số, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. 

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 7, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 1.079 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,6% và tăng 13,4% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 190 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 659 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng trước, tăng 10,3% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 224 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Bảy tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 6.850 tỷ đồng tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 41,0%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 11,0%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 14,4%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 14,5%.

5. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,47% so với tháng trước tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước; khu vực thành thị tăng giá thấp hơn khu vực nông thôn. Bình quân 7 tháng đầu năm CPI tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, có 06 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 04 nhóm giảm giá, riêng nhóm giáo dục có giá ổn định so với tháng trước. Trong 06 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cao nhất với 3,74% làm cho CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,11% làm cho CPI chung tăng 0,20 điểm phần trăm; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54%; nhóm giao thông tăng 0,10%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01% và nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 0,04%.

Nguyên nhân tăng chủ yếu là chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tháng 7/2023 tăng 1,11% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,20 điểm phần trăm tăng chủ yếu ở các mặt hàng như điện sinh hoạt tăng 7,68%, tác động tăng 0,27 điểm phần trăm do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên; nước sinh hoạt tăng 0,61%; dầu hỏa tăng 3,66%.

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 7 tăng 3,74% so với tháng trước, tác động chung làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm, tăng chủ yếu ở dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 20,81%, tác động tăng 0,12 điểm phần trăm do nhà nước tăng lương; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 1,13%; đồ dùng cá nhân tăng 0,10%.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7 tăng 0,54% so với tháng trước, tác động chung làm cho CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm, tăng chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm tăng 0,67% như thịt gia súc tăng 2,01%; thịt gia cầm tăng 0,50%; thịt chế biến tăng 0,79%; trứng các loại tăng 0,67%; rau tươi khô và chế biến tăng 5,37%…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có chỉ số giá giảm so với tháng trước: quả tươi, chế biến giảm 6,56%; rượu, bia các loại giảm 0,13%; may mặc, mũ nón giầy dép giảm 0,04%; thiết bị điện thoại giảm 0,16%; thiết bị văn hóa giảm 1,57%; dịch vụ thể thao giảm 1,35%…

Giá vàng tháng 7 giảm theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng giảm 0,23% so tháng trước; tăng 5,26% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 2,00%. Tính đến ngày 23/7/2023, bình quân giá vàng là 5.644 ngàn đồng/ 1 chỉ và giảm 13 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.640- 5.650 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này tăng 0,54% so với tháng trước; tăng 1,32% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 2,61%.  Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.379.077 đồng/100USD, tăng 12.873 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.375.000 -2.385.000 đồng/100USD.  

6. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết ngày 15/7 ước đạt 10.839 tỷ đồng. Ước tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết tháng 7 đạt 11.956 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 9.918 tỷ đồng (giảm 2,9%); thu qua Hải quan đạt 2.017 tỷ đồng (tăng 26,6%).

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/7 ước đạt 9.000 tỷ đồng. Ước tổng chi ngân sách nhà nước ước đến hết tháng 7 đạt 9.491 tỷ đồng, bằng 98,3% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.935 tỷ đồng (giảm 8,2%); chi thường xuyên đạt 6.517 tỷ đồng (tăng 1,0%).