BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 TỈNH HẢI DƯƠNG

Nhu cầu thế giới tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp, sản xuất công nghiệp chậm lại. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn tăng khá ổn định là điểm tựa giúp tăng trưởng của Việt Nam có thể vẫn đạt 6% trong năm 2023[1]. Dự báo tăng trưởng quý II của cả nước sẽ cao hơn quý I (+3,32%) nhưng sẽ cao hơn không nhiều.

Đối với tỉnh Hải Dương, tăng trưởng vẫn sẽ cao hơn mặt bằng chung cả nước do hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng khá cao ở một số ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn như: Chế biến thực phẩm; sản xuất ô tô và phụ tùng; sản xuất và phân phối điện. Đồng thời một số ngành dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định.

1. Tăng trưởng kinh tế

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 7,23% cao thứ 15/63 cả nước; trong đó, ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,79% (đóng góp 0,22 điểm%); Công nghiệp tăng 9,19% (đóng góp 4,51 điểm%); Xây dựng tăng 5,88% (đóng góp 0,27 điểm%); Dịch vụ tăng 6,09% (đóng góp 1,60 điểm%); thuế sản phẩm tăng 8,37% (đóng góp 0,63 điểm%).

Tăng trưởng trong quý I sơ bộ tăng 8,02% (trước đó ước +8,35%)[2] do sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng khá cao (+10,5%); các ngành dịch vụ tăng 6,6% do các hoạt động xã hội sôi động trở lại.

Tăng trưởng quý II ước tăng 6,52% thấp hơn khá nhiều so với quý I, trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu, kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái; đây là mức tăng thấp hơn khá nhiều so với thời điểm chưa có dịch bệnh (giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt 9,1%/năm). Tăng trưởng cụ thể các ngành là: NLTS +1,7%; Công nghiệp +8,1%; Xây dựng +5,9%; Dịch vụ +5,6%. Một số nguyên nhân “kéo” chậm tăng trưởng quý II lại so với quý I là do:

– Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại ở hầu hết các nhóm ngành phục vụ  xuất khẩu, do nhu cầu thị trường yếu đi ở các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, EU, Nhật Bản) khi kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Trong nước lãi suất được điều chỉnh giảm, nhưng điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt hơn, lãi suất vẫn cao.

– Tăng trưởng của khu vực dịch vụ chậm lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau dịch Covid-19 yếu đi; du lịch tiếp tục phục hồi (nhờ du khách Trung Quốc) nhưng không phải thế mạnh của Tỉnh, nên tác động rất ít đến tăng trưởng.

Mặc dù tăng trưởng của quý II (so với cùng kỳ) thấp hơn quý I nhưng nếu so sánh giữa hai quý vẫn sẽ nhận thấy quy mô GRDP quý II tăng 2,6% so với quý I; trong đó, công nghiệp tăng 8,8%.

Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,79%; thấp hơn so với dự kiến chủ yếu do hoạt động trồng trọt gặp nhiều khó khăn khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp; thời tiết không thuận ở một số thời điểm đã làm cho năng suất lúa Chiêm, cây vải và một số cây trồng vụ Đông giảm, kéo theo sản lượng giảm, như: Lúa giảm 2,9%; Vải giảm 4,4%; Hành củ giảm 1,2%; Tỏi giảm 3,1%; Su hào giảm 8,6%. Chăn nuôi có dấu hiệu chững lại (so với đầu năm) nhưng vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ; tuy nhiên, nuôi trồng thuỷ sản tiêp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ sau dịch như năm 2022.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,19%; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,8%. Sản xuất công nghiệp ghi nhận một số điểm sáng giúp tăng trưởng công nghiệp của tỉnh thuộc nhóm tăng cao của cả nước (thứ 16/63); đó là: Sản xuất xe có động cơ và linh kiện ô tô tăng 24,3%; Sản xuất điện tử tăng 6,9%; Sản xuất, chế biến thực phẩm (thức ăn chăn nuôi) tăng 12,9%; Sản xuất và phân phối điện tăng 18,3%.

Tuy nhiên, tăng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn năm trước khá nhiều (6T.2022: +16,2%); nguyên nhân chủ yếu do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, xuất khẩu giảm; các ngành chịu tác động lớn là: May mặc giảm 11,1%; da giày giảm 5,5%; chế biến gỗ giảm 12,5%; sản xuất than cốc giảm 25,4%; sản xuất kim loại giảm 1,1%; SX thiết bị điện -32,7%.

Giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 5,9%; đây là tốc độ tăng thấp so với kế hoạch đề ra. Các nguyên nhân chủ yếu:

– Giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới đạt tỷ lệ trên 20%;

– Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trong thời gian qua khá thấp, vướng mắc về thủ tục hành chính làm cho việc thực hiện các dự án đầu tư chậm, chủ yếu là các dự án cũ còn tồn động, dự án mở rộng sản xuất, ít dự án mới (giai đoạn 2021-2022 thu hút được 34 dự án mới, so với năm 2020 có 32 dự án mới, năm 2019 có 67 dự án mới);

– Thị trường bất động sản đóng băng, thủ tục pháp lý nhiều dự án khu dân cư vướng mắc nên đầu tư xây dựng trong dân cư cũng không cao, có xu hướng giảm trong quý II.

Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 6,09%; trong đó, hoạt động thương mại (+12,8%); vận tải (+9,4%); lưu trú ăn uống (+8,8%); tài chính ngân hàng (+8,0%) tiếp tục duy trì tăng trưởng khá; các ngành kinh doanh bất động sản (+1,2%); giáo dục (+0,1%); y tế (+0,1%) tăng thấp, riêng ngành thông tin truyền thông giảm 3,8%.

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2023 ước tính đạt 9.136 tỷ đồng, bằng 96,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa đạt 7.476 tỷ đồng, bằng 91,2%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 252 tỷ đồng, bằng 97,2% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.431 tỷ đồng, tăng 93,4%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.407 tỷ đồng, bằng 93,3%; thu thuế thu nhập cá nhân 570 tỷ đồng, bằng 91,8%; thu thuế bảo vệ môi trường 227 tỷ đồng, bằng 46,9%; các khoản thu về nhà, đất 913 tỷ đồng, bằng 31,9%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm 15/6/2023 ước tính đạt 7.447 tỷ đồng, bằng 99,0% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.082 tỷ đồng, bằng 98,1%; chi đầu tư phát triển 2.356 tỷ đồng, tăng 0,8%.

2.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm túc chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ và không để xảy ra mất an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng. Mặt bằng lãi suất bình quân giảm; tổng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay tập trung vào ngành, lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất, kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc; nợ xấu trong tầm kiểm soát. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng được vận hành thông suốt, an toàn; chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.

Ước tổng nguồn vốn huy động đạt 174.014 tỷ đồng, tăng 6,0% so với cuối năm 2022 và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng 127.995 tỷ đồng, tăng 4,0% so với cuối năm 2022 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản thuận lợi trong các tháng đầu năm nhưng thời tiết không thuận ở một số thời điểm nên năng suất, sản lượng một số loại cây trồng không đạt cao như các ước tính trước đây; chăn nuôi gia cầm ổn định, chăn nuôi lợn đang phục hồi và duy trì mức tăng cao; nuôi trồng thuỷ sản vẫn duy trì và phát triển khá, đặc biệt là phương thức nuôi cá lồng phát triển mạnh. Giá bán các loại nông sản khá cao và ổn định.

3.1. Trồng trọt

Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 86.467 ha, giảm 1,22% (-1.066 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông giảm 349 ha, vụ chiêm giảm 717 ha); trong đó, diện tích vụ đông 22.005 ha, chiếm 25,4%; vụ chiêm xuân 64.462 ha, chiếm 74,6%.

Trong cơ cấu diện tích gieo trồng vụ đông xuân, cây lúa chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 62,8% và đang có xu hướng giảm qua các năm[3], tiếp đó là nhóm cây rau, đậu, hoa đạt 28,8%, các nhóm cây còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ không đáng kể.

Năng suất lúa chiêm xuân sơ bộ đạt 66,5 tạ/ha, giảm 0,8% (-0,6 tạ/ha), nhưng đây vẫn là một năm được mùa. Năng suất một số loại cây rau màu chủ yếu đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước; làm cho sản lượng cao hơn so năm trước.

Cây lâu năm: Diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 22.598 ha, tăng 0,65% (+146 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích cây ăn quả ước đạt 21.695 ha và tăng 132 ha; diện tích một số cây ăn quả chủ lực như sau: Cây vải đạt 8.880 ha, giảm 0,06% (-6 ha); Cây chuối ước đạt 2.630 ha, tăng 0,69% (+18 ha); cây ổi ước đạt 2.500 ha, tăng 2,46% (+60 ha).

Do năng suất giảm nên sản lượng Vải ước đạt 58.000 tấn, giảm 4,4% (-2.641 tấn) so với năm trước. Tuy nhiên, sản lượng một số loại cây ăn quả khác tăng khá như sau: Xoài ước đạt 1.8500 tấn, tăng 8,1%; chuối ước đạt 34.300 tấn, tăng 4,8%; ổi ước đạt 36.800 tấn, tăng 1,24% so với cùng kỳ năm trước.

3.2. Chăn nuôi

Trong 6 tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm khá ổn định, không phát sinh dịch bệnh; chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn nhưng tổng đàn cơ bản vẫn tăng so với cùng kỳ. Các địa phương triển khai nhiều giải pháp tái đàn lợn, khuyến khích đầu tư sản xuất con giống; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết để sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thương phẩm; thực hiện các chính sách hỗ trợ chăn nuôi và tái đàn.

Tổng đàn lợn tại thời điểm 31/6/2023 ước đạt 419.391 con, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 32.263 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng đàn gia cầm tại thời điểm 31/6/2023 ước đạt 16.000 nghìn con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, đàn gà ước đạt 11.853 nghìn con tăng 3,7%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 33.936 tấn, tăng 5,2%; sản lượng trứng ước đạt trên 305.000 nghìn quả, tăng 3,3%.

Đàn trâu ước đạt 5.440 con, tương đương so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 451 tấn, giảm 1,2%.

Tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt 14.300 con, tương đương so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 900 tấn, tăng 1,0%.

3.3. Thủy sản

Sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt 51.082 tấn, tăng 7,1%; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 50.332 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong những năm gần đây, nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao, một số hộ đầu tư mở rộng qui mô nuôi, số lồng nuôi tăng mạnh qua các năm; vì vậy, sản lượng cá lồng ước đạt 10.891 tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước

4. Sản xuất công nghiệp

Do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm, lãi suất biến động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhưng với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ đà tăng trưởng khá.

4.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng 6, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng 105,6% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 99,7%; ngành sản xuất, phân phối điện bằng 169,5%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải bằng 101,1%. Nguyên nhân công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với tháng trước ngoài lý do đơn hàng giảm sút, thì tình trạng thiếu điện sản xuất cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp.

Quý II năm 2023 so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng chậm lại so với quý đầu năm (quý I bằng 112,3%, quý II bằng 106,1%). Một số ngành chủ lực là điểm sáng trong quý I nhưng trong quý II tăng chậm. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,0% (sản lượng điện tăng 27,6%).

Tính chung 6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp của Tỉnh bằng 109,0% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành sản xuất trọng điểm như may mặc, giày dép, sắt thép, xi măng, sản xuất than cốc, thiết bị điện… từ đầu năm đến nay hầu như giữ đà tăng trưởng âm đã tác động ngược chiều đến chỉ số chung toàn ngành công nghiệp. Một số ngành có tỷ trọng lớn, tốc độ tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 24,3% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 7,03 điểm%. Với việc thị trường ô tô trong nước đang có nhiều dư địa tăng trưởng, Công ty TNHH Ford Việt Nam ra mắt dòng xe mới, số lượng xe sản xuất và tiêu thụ tăng cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm là bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ cũng có mức tăng trưởng khá như bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ 6 tháng đầu năm bằng 113,7% so với cùng kỳ.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,3% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 1,65 điểm%. Do năm nay thời tiết nắng nóng bất thường, nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao. Cùng với đó, các hồ thủy điện phía Bắc khô cạn nên hầu hết các nhà máy thủy điện tại đây phải tạm ngừng cấp phát điện. Vì vậy để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong nước, các nhà máy nhiệt điện được ưu tiên tối đa công suất. Dự ước sản lượng điện 6 tháng đầu năm tăng 19,6% so với cùng kỳ.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,9% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 0,66 điểm%; trong đó sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 15,9%.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tăng 6,9% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 1,56 điểm%; trong đó, sản phẩm máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy,… tăng 16,4% so với cùng kỳ… Xu hướng học tập và làm việc online tăng nhanh, nên nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử kể cả trong và ngoài nước tăng. Bên cạnh đó, một số dự án mới đi vào hoạt động như Công ty TNHH Doosan Electro-materials VN, Dự án sản xuất TK Precision technology Việt Nam,… cũng góp phần vào mức tăng chung của ngành công nghiệp.

Một số ngành có mức tăng trưởng thấp (hoặc giảm) tác động trái chiều đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như:

– Ngành sản xuất kim loại và các sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm lần lượt 1,1% và 2,7%. Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu vật liệu xây dựng không cao. Từ cuối năm 2022 đến nay, Công ty CP Thép Hoà Phát phải ngừng 1 lò cao; Công ty TNHH MTV Vicem Xi măng Hoàng Thạch cũng ngừng 1 lò sản xuất clanke trong quý I, vì vậy sản lượng thép, xi măng 6 tháng đầu năm giảm lần lượt bằng 1,9% và 4,5%.

– Ngành may mặc, giày dép do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm. Trong ngắn hạn, thị trường thế giới phục hồi chậm, việc Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa… Hầu hết doanh nghiệp may mặc, da giày thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. Sản lượng của ngành may mặc và sản xuất giày dép lần lượt giảm 11,1% và 5,5%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,78 điểm%.

– Sản xuất than cốc giảm sâu (-25,4%), do một lò cao luyện thép của Công ty CP Thép Hòa Phát vẫn đang tạm dừng; tác động làm chỉ số chung giảm 0,29 điểm%.

– Ngành sản xuất thiết bị điện giảm 32,7%; làm chỉ số chung giảm 1,20 điểm%. Nguyên nhân là do một doanh nghiệp lớn trong ngành là Công ty TNHH Ducar Việt Nam chủ yếu sản xuất máy phát điện để xuất sang thị trường Mỹ, nhưng từ cuối năm 2022 tới nay, thị trường này bị ảnh hưởng bởi lạm phát, số lượng đơn hàng suy giảm mạnh.

4.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2023 dự ước bằng 99,9% so với tháng trước, bằng 91,8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 95,6%. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động như: Khai khoáng khác bằng 38,9%; sản xuất trang phục bằng 87,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan bằng 97,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy bằng 99,5%; sản xuất than cốc bằng 82,6%; sản xuất thiết bị điện bằng 75,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 91,3%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 102,6%; sản xuất đồ uống bằng 102,3%; dệt bằng 105,6%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất bằng 100,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 102,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 103,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu bằng 101,1%; sản xuất xe có động cơ bằng 107,8%…

5. Hoạt động xây dựng, đầu tư

5.1. Hoạt động xây dựng

Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được thực hiện nhưng hiệu quả mang lại chưa cao; đồng thời thủ tục pháp lý nhiều dự án khu dân cư vướng mắc nên đầu tư xây dựng trong dân cư cũng không cao như các năm trước. Nhiều dự án vướng mắc về thủ tục hành chính làm cho việc thực hiện các dự án đầu tư chậm.

Giá trị tăng thêm ngành xây dựng đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại công trình: Công trình nhà ở tăng 9,2%; công trình nhà không để ở tăng 4,4%; công trình kỹ thuật dân tăng 0,7%; giảm 5,3% so với cùng kỳ.

5.2. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước

Thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, Ban quản lý dự án đầu tư Tỉnh và chủ đầu tư các dự án đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Thực hiện tháng 6, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 335,3 tỷ đồng, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 154,6 tỷ đồng, giảm 8,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 150,6 tỷ đồng, giảm 16,7%; vốn ngân sách cấp xã đạt 30,1 tỷ đồng, giảm 33,7%.

Ước tính quý II, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 968,2 tỷ đồng, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 444,1 tỷ đồng, tăng 7,0%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 437,5 tỷ đồng, giảm 6,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 86,6 tỷ đồng, giảm 31,7%.

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư công thực hiện đạt 1.716 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch năm; trong đó, tỷ lệ vốn đã giải ngân (tính đến 31/5/2023) đạt 20,5% và đạt 23,3% so với tổng vốn đã phân bổ chi tiết.

5.3. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Ước thực hiện quý II, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 12.168 tỷ đồng, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.386 tỷ đồng, giảm 8,3%; vốn ngoài nhà nước đạt 7.962 tỷ đồng, giảm 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.817 tỷ đồng, tăng 9,1%.

Tính chung 6 tháng năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 22.435 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó:

– Vốn nhà nước đạt 2.404 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

– Vốn ngoài nhà nước đạt 14.603 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngoài nhà nước tập trung chủ yếu ở khu vực hộ dân cư khi chiếm 64,8%. Do cầu tiêu dùng giảm nên hoạt đầu tư cho sản xuất của các hộ kinh doanh cá thể giảm theo. Đồng thời, nhu cầu đầu tư xây dựng của hộ dân cư cũng tăng thấp.

– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.438 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

5.4. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường, chuẩn bị tốt các nội dung để gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thu hút đầu tư trong nước đạt 3.418 tỷ đồng, tăng trên 14 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư mới 06 dự án (ngoài KCN), tổng vốn đăng ký 535 tỷ đồng (tăng 2,2 lần). Thông báo chấm dứt hoạt động 04 dự án (trong đó, 03 dự án trong KCN).

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 215,3 triệu USD giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cấp mới 32 dự án, tổng vốn đăng ký 160 triệu USD, tăng 6,3 lần. Lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các dự án FDI mới chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức… Mặc dù thu hút FDI không tăng so với năm trước nhưng lại có nhiều dự án FDI cấp mới (tăng 4,5 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về số vốn đăng ký) so với cùng kỳ năm trước.

Về phát triển doanh nghiệp, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 952 doanh nghiệp (tăng 10,7%), với tổng vốn điều lệ đăng ký 8.205 tỷ đồng (tăng 136%); có 436 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (bằng 79,6% so với cùng kỳ năm trước), 755 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (giảm 24%). Kiện toàn Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh và tổ giúp việc; xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 6 và 6 tháng đầu năm vẫn tăng nhưng có xu hướng chậm lại. Dù bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động giảm, đã tác động đến sức mua của thị trường; nhưng với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất kịp thời nên hoạt động thương mại, dịch vụ chịu tác động không lớn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tháng 6 đạt 7.660 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 13,1% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.118 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 37.527 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 16,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 4.924 tỷ đồng, tăng 7,2%.

6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 6 ước đạt 6.347 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng: Lương thực, thực phẩm đạt 2.115 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 909 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước….

Doanh thu bán lẻ hàng hoá quý I đạt 18.660 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ; quý II ước đạt 18.876 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.527 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: Lương thực, thực phẩm (là nhóm có tỷ trọng cao nhất: 32,9%) đạt 12.359 tỷ đồng, tăng 21,3%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 5.361 tỷ đồng, tăng 17,9%.

6.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 6 ước đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 6,1% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ lưu trú tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 5,8% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ; dịch vụ khác tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Doanh thu quý I đạt 3.685 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ; quý II ước đạt 3.906 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 7.591 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 166 tỷ đồng, chiếm 2,2% trong tổng số và tăng 10,8% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 2.461 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng số và tăng 16,1%; dịch vụ khác đạt 4.925 tỷ đồng, chiếm 64,9% tổng số, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

6.3. Vận tải

Ước quý II, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 2.861 tỷ đồng, tăng 11,3%; trong đó: vận tải hành khách đạt 548 tỷ đồng, tăng 41,9%; vận tải hàng hoá đạt 1.719 tỷ đồng, tăng 7,6%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 578 tỷ đồng, tăng 1,1%.

Ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 5.698 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; phân theo ngành hoạt động, vận tải hành khách đạt 1.061 tỷ đồng, tăng 45,5 %; vận tải hàng hoá đạt 3.440 tỷ đồng, tăng 10,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt  1.167 tỷ đồng, tăng 13,6%.

6.4. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá

Uớc 6 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 4.427 triệu USD, bằng 37,7% kế hoạch năm; giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu trong các tháng đầu năm nay đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 02 cao hơn, do năm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 02/2022).

Hoạt động nhập khẩu cũng giảm sâu so với cùng kỳ, nguyên nhân do nhu cầu xuất khẩu giảm kéo theo nhập khẩu nguyên vật liệu giảm theo. Ước tính 6 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 3.696 triệu USD, bằng 37,5% kế hoạch năm; giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

7. BC KTXH 6T.2023 tinh Hai Duong (bieu)Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,71%; khu vực nông thôn tăng 0,31%); tăng 4,70% so với cùng kỳ năm trước và bình quân so với cùng kỳ tăng 4,05%.

So với tháng trước, có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 02 nhóm giảm giá, riêng nhóm giáo dục có giá ổn định so với tháng trước. Trong 08 nhóm hàng tăng giá, nhóm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 3,09% làm cho CPI chung tăng 0,56 điểm phần trăm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,45% làm cho CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22%; nhóm giao thông tăng 0,20%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06% và nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 0,05%.

Giá vàng tháng này giảm theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng giảm 0,86% so tháng trước; tăng 2,84% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 1,47%. Tính đến ngày 23/6/2023, bình quân giá vàng là 5.657 ngàn đồng/ 1 chỉ và giảm 49 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.650- 5.665 ngàn đồng/chỉ. Ngược với giá Vàng, giá Đô la Mỹ tháng này cũng có xu hướng tăng, với mức tăng 0,12% và tăng 2.944 đồng/100USD so với tháng trước.

Về chỉ số giá sản xuất, Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II/2023 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 1,55% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý II giảm 0,19% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm tăng 0,33%.

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý II tăng 3,81% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm tăng 4,21%;

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng quý II giảm 0,43% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm tăng tăng 2,0%.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý II/2023 giảm 0,69% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm giảm 0,52% so với cùng kỳ; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 4,41% và giảm 3,85%./.

[1] Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6 năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

[2] Thấp hơn so với số ước tính do kỳ vọng về tăng trưởng công nghiệp thấp hơn dự kiến, khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái, xuất khẩu giảm khá “sâu” chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

[3] Năm 2022 là 62,9%; năm 2021 là 63,6%; năm 2020 là 64,4%.

Biểu số liệu.