1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Trồng trọt
Diện tích gieo trồng vụ Chiêm xuân năm 2023 toàn tỉnh đạt 64.462 ha, giảm 1,1% (-717 ha) so với vụ Chiêm xuân năm trước; trong đó, diện tích lúa Chiêm đạt 54.295 ha, giảm 1,3%; cây rau, đậu, hoa các loại đạt 6.973 ha, tăng 0,2%.
Năng suất lúa vụ chiêm xuân ước đạt 67,1 tạ/ha, tương đương so với vụ chiêm năm trước; sản lượng ước đạt 364.320 tấn, giảm 1,3% (-4.688 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất rau các loại ước tính đạt 259,27 tạ/ha, tăng 0,1% (+0,2 tạ/ha); sản lượng ước đạt 172.958 tấn, tăng 0,83% (+1.423 tấn).
Diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 22.598 ha, tăng 0,7% (+146 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích trồng cây ăn quả 21.695 ha, chiếm 96,0%. Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, diện tích ước đạt 8.880 ha, giảm 0,1% (-6 ha). Một số diện tích trồng vải già cỗi, cho thu hoạch kém ở thành phố Chí Linh đã chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn và một số loại cây ăn quả khác như: Nhãn, na, mít,… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Diễn biến thời tiết ở giai đoạn cây vải phân hóa mầm hoa và ra hoa khá thuận lợi, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn so với năm trước; vì vậy năng suất vải ước cao hơn năm trước. Ước sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như: Vải 65.000 tấn, tăng 7,2% (+4.359 tấn); Xoài 1.750 tấn, tăng 2,22%; Chuối 33.850 tấn, tăng 3,45%; Ổi 36.800 tấn, tăng 1,24%.
1.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn phát triển khá tốt. Ước tại thời điềm 01/6/2023; tổng đàn lợn thịt 282.590 con, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 5.362 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm ước đạt 15.970 nghìn con, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 11.840 nghìn con tăng 3,6%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 5.781 tấn, tăng 6%; sản lượng trứng ước đạt trên 51.680 nghìn quả, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
3.3. Thuỷ sản
Trong tháng 5, sản xuất thủy sản phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh, giá bán sản phẩm các loại thủy sản ít biến động. Diện tích thuỷ sản nuôi trồng ước đạt trên 12.450 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt trên 10.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
Trong tháng 5, hoạt động sản xuất công nghiệp của nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm; đồng thời, Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu chính. Dù một số ngành như: Chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ kim loại (cơ khí); sản xuất ô tô; sản xuất và phân phối điện đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nhìn chung khu vực công nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 so với tháng trước bằng 103,1%; trong đó, một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 56,4% (do yếu tố mùa vụ làm nhu cầu tiêu thụ nước giải khát tăng); sản xuất than cốc tăng 16,0%; sản xuất kim loại tăng 14,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 5,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%.
So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp tháng 5 bằng 107,3%. Sản xuất ở một số ngành trọng điểm chưa tăng trở lại đã tác động ngược chiều đến chỉ số chung toàn ngành như: Sản xuất trang phục bằng 88,4%; sản xuất than cốc bằng 86,7%; sản xuất thiết bị điện bằng 59,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại bằng 98,9%. Tuy nhiên điểm sáng từ: Chế biến thực phẩm (+12,7%); sản xuất xe có động cơ (+23,7%); sản xuất và phân phối điện (+14,5%) đã giúp hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá cao.
Tính chung 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp bằng 109,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:
– Ngành sản xuất xe có động cơ, sản lượng 5 tháng đầu năm tăng 24,9%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 6,2 điểm%; trong đó, xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên tăng 145,0%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 11,7 %.
– Ngành sản xuất điện tử tăng 8,3%, tác động làm chỉ số chung tăng 1,5 điểm%; trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 4,3%; Máy kết hợp in, quét, fax, copy… tăng 21,0%. Một số dự án mới đi vào hoạt động trong các tháng đầu năm như Công ty TNHH Doosan Electro-materials VN, Dự án sản xuất TK Precision technology Việt Nam, Dự án Công ty TNHH Linh kiện điện tử Wanshih (Việt Nam)… đã góp phần vào mức tăng chung của ngành.
– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 13,7%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,8 điểm%; trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 17,0%. Với việc dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt; xu hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng khá cao.
– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,7% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 1,1 điểm%. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng do thời tiết nắng nóng và các hồ thuỷ điện thiếu nước; đồng thời, giá than nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm, nên sản lượng (nhiệt) điện sản xuất dự ước có mức tăng trưởng cao.
Một số ngành có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm, đã tác động trái chiều đến mức tăng trưởng chung; đó là:
– Ngành sản xuất kim loại và các sản phẩm từ khoáng phi kim loại sản lượng 5 tháng đầu năm bằng 100,9% và 98,6%. Do thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án khu dân cư vướng thủ tục pháp lý, kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng không cao. Từ đầu năm đến nay, Công ty CP Thép Hoà Phát phải ngừng 01 lò cao, Công ty TNHH MTV Vicem Xi măng Hoàng Thạch cũng ngừng 01 lò sản xuất clanke trong quý I, nên sản lượng thép, xi măng đều giảm lần lượt 0,1% và 2,8%.
– Ngành may mặc, giày dép do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm; trong ngắn hạn chưa có tín hiệu phục hồi; đồng thời Trung Quốc mở cửa trở lại làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa… Hầu hết doanh nghiệp may mặc, da giày thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. Sản lượng của 2 ngành này lần lượt giảm 9,3% và 3,8%, tác động làm chỉ số chung giảm 0,7 điểm%.
– Sản xuất than cốc giảm 26,8%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,3 điểm%. Nguyên nhân do một lò cao luyện thép của Công ty CP Thép Hòa Phát vẫn đang tạm dừng từ đầu năm.
– Ngành sản xuất thiết bị điện giảm 31,2% làm chỉ số chung giảm 1,2 điểm%. Nguyên nhân là do một doanh nghiệp lớn trong ngành là Công ty TNHH Ducar Việt Nam chủ yếu sản xuất máy phát điện để xuất sang thị trường Mỹ, nhưng từ cuối năm 2022 tới nay, thị trường này bị ảnh hưởng bởi lạm phát, số lượng đơn hàng suy giảm mạnh.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2023 dự ước bằng 100,6% so với tháng trước, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 96,4%.
Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.
Một số ngành có lượng lao động 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ là khai khoáng khác bằng 42,3%; sản xuất trang phục bằng 88,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan bằng 98,5%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ bằng 78,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy bằng 98,0%; sản xuất than cốc bằng 82,0%; sản xuất thiết bị điện bằng 77,5%…
Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 103,5%; sản xuất đồ uống bằng 101,7%; dệt bằng 105,8%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất bằng 101,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 102,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 104,4%; sản xuất xe có động cơ bằng 107,7%…
3. Hoạt động đầu tư, xây dựng
Ước tháng 5, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 337 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 151 tỷ đồng, tăng 8,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 156 tỷ đồng, tăng 3,4%; vốn ngân sách cấp xã đạt 29 tỷ đồng, giảm 29,2%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.395 tỷ đồng, đạt 23,9% kế hoạch năm, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 628 tỷ đồng, tăng 14,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 655 tỷ đồng, giảm 2,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 112 tỷ đồng, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm đẩy mạnh đầu tư công trong tổng thể các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, tỉnh tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.
Một số công trình có vốn đầu tư thực hiện trong tháng 5 đạt cao như:
– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 5/2023 đạt 31,8 tỷ đồng, chiếm 21% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 629,6 tỷ đồng, đạt 35,4% tổng mức đầu tư;
– Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 5/2023 đạt 50,3 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đến nay ước đạt 546,4 tỷ đồng, đạt 83,5% tổng mức đầu tư;
– Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 5/2023 đạt 11,3 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 488,1 tỷ đồng, đạt 27,5% tổng mức đầu tư;
– Dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với QL 37, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 5/2023 đạt 14,3 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 86,3 tỷ đồng, đạt 18,4% tổng mức đầu tư;
– Xây dựng đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn, ước thực hiện trong tháng 5/2023 là 20,7 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 708,2 tỷ đồng, ước đạt 80% tổng mức đầu tư…
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Tháng 5, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực duy trì mức tăng trưởng khá. Trên thị trường, các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường do nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Dù tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng cơ bản vẫn được kiểm soát tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá cao.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 7.473 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 5 đạt 951 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 36.765 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 4.731 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
4.1. Bán lẻ hàng hoá
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 5 ước đạt 6.171 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 30.487 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:
– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 36,3%; đạt 11.079 tỷ đồng, tăng 21,5%;
– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 12,6%; đạt 3.846 tỷ đồng, tăng 10,8%;
– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 3.436 tỷ đồng, tăng 17,6%.
4.2. Dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5 ước đạt 1.302 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 6.278 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:
– Dịch vụ lưu trú đạt 136 tỷ đồng, chiếm 2,2%; tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước;
– Dịch vụ ăn uống đạt 2.033 tỷ đồng, chiếm 32,4%; tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước;
– Dịch vụ khác đạt 4.075 tỷ đồng, chiếm 64,9%; tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
4.3. Vận tải, kho bãi
Tháng 5, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 951 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước; tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó: Vận tải hành khách tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 46,6% so với cùng kỳ năm trước; Vận tải hàng hoá tăng 1,0% so với tháng trước, tăng 9,6% so với cùng kỳ; Dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 1,0% so với tháng trước, tăng 2,9% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 4.731 tỷ đồng tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 48,1%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 11,9%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 16,7%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 15,0%.
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,29% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,13%; khu vực nông thôn tăng 0,38%); tăng 4,92% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 3,92%.
So với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 03 nhóm giảm giá, riêng nhóm giáo dục có giá ổn định so với tháng trước. Trong 07 nhóm hàng tăng giá, nhóm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 2,83% làm cho CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28% làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm; nhóm may mặc mũ nón, giầy dép tăng 0,02%; nhóm thiết bị đồ dùng tăng 0,18%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,24% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%.
Nguyên nhân tăng chủ yếu là chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tháng 5/2023 tăng 2,83% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,51 điểm%; tăng chủ yếu do giá nhà ở cho thuê tăng 4,44%, tác động tăng 0,44 điểm% do nhu cầu của người dân tăng; đồng thời giá nước sinh hoạt tăng 0,60%; điện sinh hoạt cũng tăng 1,91%.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5/2023 tăng 0,28% so với tháng trước, tác động chung làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, tăng chủ yếu ở các mặt hàng lương thực tăng 0,46%; thịt lợn tăng 1,73%; thịt chế biến tăng 0,43%; mỡ động vật tăng 2,41%; bắp cải tăng 8,08%; xu hào tăng 34,01%; khoai tây tăng 2,27%; rau gia vị tươi khô tăng 2,76%…
Chỉ số nhóm văn hóa giải trí và du lịch tháng 5/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tác động chung làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, tăng chủ yếu ở các mặt hàng như phí truyền hình và Internet tăng 0,20%; dụng cụ thể dục, thể thao tăng 0,46%; đồ chơi trẻ em tăng 0,19%; du lịch trong nước tăng 3,44%; du lịch nước ngoài tăng 2,50%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước: bột mì và ngũ cốc khác giảm 0,71%; thịt gia cầm giảm 0,39%; trứng các loại giảm 0,68%; hoa quả tươi chế biến giảm 4,28%; chè, cà phê, ca cao giảm 0,12%; rượu, bia giảm 0,16%; dịch vụ may mặc giảm 0,06%; dầu hỏa giảm 5,94%; xăng giảm 7,65%; dầu diezel giảm 7,91%…
Giá vàng tháng 5 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 1,28% so tháng trước; tăng 2,90% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng năm 2023 tăng 1,20%. Tính đến ngày 23/5/2023, bình quân giá vàng là 5.706 ngàn đồng/ 1 chỉ và tăng 72 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.697- 5.715 ngàn đồng/chỉ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,05% so với tháng trước; tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng năm 2023 tăng 3,12%. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.363.260 đồng/100USD, giảm 1.296 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.355.000 -2.370.000 đồng/100USD.
6. Thu, Chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/5 ước đạt 7.738 tỷ đồng. Ước tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết tháng 5 đạt 8.819 tỷ đồng, bằng 50,0% dự toán năm, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 7.473 tỷ đồng (giảm 5,4%), thu qua Hải quan đạt 1.328 tỷ đồng (tăng 17,0%).
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/5 ước đạt 6.289 tỷ đồng. Ước tổng chi ngân sách nhà nước ước đến hết tháng 5 đạt 7.056 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.079 tỷ đồng (giảm 3,8%), chi thường xuyên đạt 4.968 tỷ đồng (tăng 10,2%).