Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I năm 2022 tỉnh Hải Dương

Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo đạt 3,5%; thấp hơn đáng kể (giảm 1%) so với các thời điểm dự báo cuối năm 2021, do lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng. Giá các mặt hàng năng lượng và lương thực, thực phẩm dự báo sẽ duy trì ở mức cao như hiện tại trong phần lớn thời gian của năm 2022. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay được dự báo vẫn đạt 6,5%; cao nhất khu vực Asean.

Tỉnh Hải Dương xác định năm 2022 cần “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” và xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2022 là 10%. Vì vậy, cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn đế hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển dịch vụ thông minh an toàn với dịch bệnh.

I. KINH TẾ

Trong quý I, với đà phục hồi nhanh trên tất cả các lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tính đạt trên 14%. Có được kết quả như vậy là do:

– Sản xuất vụ đông tích cực với diện tích gieo trồng tăng, năng suất đạt khá nhưng vẫn giảm nhẹ so với năm trước; chăn nuôi lợn tiếp tục tăng; nuôi trồng thuỷ sản duy trì và phát triển ổn định.

– Sản xuất công nghiệp tăng cao với các ngành trọng điểm tăng trên 20% như: Sản xuất trang phục; da, giày; điện tử, máy vi tính; thiết bị điện; xe có động cơ; sản xuất và phân phối điện.

– Hoạt động xây dựng tăng mạnh do giải ngân vốn đầu tư công gấp 2 lần và vốn đầu tư khu vực FDI gấp 1,5 lần.

– Hoạt động dịch vụ phục hồi nhờ áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch nhằm “thích ứng linh hoạt”; các hoạt động ăn uống, vận tải hành khách, kinh doanh bất động sản, dịch vụ hành chính hỗ trợ, vui chơi giải trí tăng cao.

Sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát, Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đang tiến tới “thích ứng an toàn, linh hoạt”. Đồng thời, nhờ dư địa tăng trưởng của năm trước, kết hợp với nhu cầu xuất khẩu hàng hoá và tiêu dùng tăng cao, nên hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I có nhiều thuận lợi. Mặt khác, năm 2021 tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh với gần 50% số ngày trong quý phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 (quý I năm trước tăng trưởng âm 1,9%).

Nếu so sánh quý I năm nay với quý I năm 2020 thì tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt bình quân 5,8%. Mức tăng này cao hơn dự báo của cả nước nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng cả năm 2021 (+8,6%). Điều này cho thấy mức tăng trưởng hơn 14% của quý I năm nay tuy rất cao nhưng chỉ bù đắp được một phần ảnh hưởng dịch bệnh của năm trước.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I chủ yếu là thu hoạch rau, màu vụ đông; gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau mầu vụ chiêm xuân, chăm sóc và bảo vệ ăn quả.

1.1 Trồng trọt

Vụ đông năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng được 22.354 ha, tăng 2,5% (+543 ha) so với vụ đông năm 2021. Một số cây trồng có diện tích gieo trồng tăng nhiều so với vụ đông năm 2021 như: cải các loại (+300 ha), su hào (+93 ha), bắp cải (+31 ha), cà rốt (+55 ha), súp lơ (+72 ha), bí đỏ (+108 ha), tỏi lấy củ (+83 ha)… Bên cạnh đó, diện tích một số cây trồng vụ đông cũng giảm như: ngô (-24 ha), khoai tây (-253 ha), hành củ (-182 ha), củ đậu (-34 ha)…

Trong cơ cấu cây rau màu vụ đông tiếp tục có sự phân chia giữa các địa phương, tạo ra nét riêng biệt góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như: huyện Kinh Môn, Nam Sách trồng hành củ và mủa (hành lá); huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành chuyên trồng các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ, củ đậu; huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, thành phố Chí Linh chuyên trồng cà rốt…

Năng suất rau các loại sơ bộ đạt 269,9 tạ/ha, giảm 2,1% (-5,8 tạ/ha) so với vụ đông năm 2021. Năng suất một số loại cây trồng chủ lực: cải các loại 266,8 tạ/ha (+1,6 tạ/ha), su hào 371,7 tạ/ha (+8,6 tạ/ha), hành củ 161,2 tạ/ha (-7,4 tạ/ha), cà rốt 478,9 tạ/ha (-28,7 tạ/ha), bắp cải 497,9 tạ/ha (-16,2 tạ/ha), củ đậu 655,1 tạ/ha     (-24,3 tạ/ha)…

Sản lượng rau các loại sơ bộ đạt 480.017 tấn, tăng 1,1% (+5.162 tấn); nguyên nhân tăng chủ yếu do diện tích tăng.

Sản xuất vụ chiêm xuân năm nay có những thuân lợi cơ bản đó là, thời tiết nắng ấm, rét đậm, rét hại không kéo dài, nguồn nước đổ ải dồi dào, đồng thời các địa phương đã chủ động trong khâu chuẩn bị, sớm bơm nước đổ ải, làm đất, giống, phân bón, vật tư nông nghiệp được các ngành chuẩn bị khá đầy đủ nên hầu hết diện tích lúa, rau mầu được gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng xong diện tích lúa và cây rau mầu vụ chiêm xuân; tổng diện tích gieo trồng ước đạt 65.500 ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa chiêm xuân ước đạt gần 55.000 ha (chiếm 84% diện tích); đợt rét đậm trong tháng 2 đã ảnh hưởng xấu đến cây lúa, trên 1.000 ha lúa mới gieo cấy đã bị chết rét phải gieo cấy lại. Mặc dù năng suất lúa (ở những diện tích phải gieo cấy lại) hầu như sẽ không ảnh hưởng, nhưng sẽ phát sinh thêm chi phí, làm giảm hiệu quả sản xuất.

1.2 Chăn nuôi

Trâu, bò: Ước tại thời điểm 31/3/2022 đàn trâu ước đạt 5.530 con, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I ước đạt 240 tấn, tăng 5,9%. Tổng đàn bò ước đạt 16.100 con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý I ước đạt 479 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợn: Quý I năm 2022, chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường hiệu quả. Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/3/2022 ước đạt 264.550 con, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021; số con lợn thịt xuất chuồng quý I ước đạt 151.560 con, tăng 16,7%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 15.840 tấn, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021.

 Gia cầm: Tại thời điểm 31/3/2022, tổng đàn gia cầm ước đạt 15.126 nghìn con tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng  quý I ước đạt 16.000 tấn, tăng 5,1%; sản lượng trứng ước đạt 145.590 nghìn quả, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra thịt         gia cầm khá thuận lợi, giá bán thịt gia cầm hơi ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khá, người chăn nuôi tiếp tục đầu tư tái đàn, dự ước trong thời gian tới đàn gia cầm duy trì ổn định.

1.3. Thuỷ sản

Trong quý I, sản xuất thủy sản phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính…

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản mặt nước đạt thấp do giá bán sản phẩm đầu ra giảm mạnh và duy trì ở mức thấp, người nuôi trồng hạn chế đầu tư mở rộng qui mô nuôi. Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 12.000 ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng thủy sản quý I ước đạt 28.909 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ; tăng chủ yếu từ phương thức nuôi lồng/bè.

2. Sản xuất công nghiệp

Tiếp đà tăng từ đầu năm, bước sang tháng ba, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều cơ hội để tăng tốc, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được duy trì. Dẫu vậy, để có thể “bứt tốc” trong những tháng tới, ngành công nghiệp cần phải vượt qua không ít khó khăn, đó là diễn biến của dịch bệnh, cùng với áp lực tăng giá từ nguyên nhiên liệu đầu vào, nhất là giá xăng, dầu.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2022 bằng 113,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 128,3% so với tháng trước (nguyên nhân là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay rơi vào đầu tháng 2). Tính chung cả quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 122,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng bằng 75,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 121,1%; ngành sản xuất và phân phối điện bằng 135,0%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải bằng 104,9%.

Trong nhóm ngành chế biến, chế tạo, hầu hết các ngành công nghiệp đều có sản lượng sản xuất quý I tăng cao, nhiều ngành trọng điểm tăng trên 20%; cụ thể:

– Ngành sản xuất linh kiện điện tử do hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành tập trung tại huyện Cẩm Giàng nên trong quý I/2021 sản lượng của các đơn vị này sụt giảm sâu; chỉ số sản xuất quý I/2022 của ngành bằng 123,7% so với cùng kỳ, trong đó mạch điện tử tích hợp bằng 116,6%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên như in, fax, coppy… bằng 130,7%… Một số doanh nghiệp có doanh thu quý I tăng cao như Công ty TNHH Công Nghiệp Brother Việt Nam ước tăng 43,4% cùng kỳ; Công ty TNHH Điện Tử UMC tăng 17,0%; Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam tăng 84,9%…

– Ngành sản xuất xe có động cơ, chỉ số sản xuất quý I/2022 bằng 121,4% so với cùng kỳ; sản phẩm chính là xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên tăng 88,3%; do Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dòng xe mới vào hoạt động từ tháng 6/2021.

– Ngành sản xuất kim loại quý I/2022 bằng 109,6%, trong đó sản phẩm sắt thép các loại tăng 9,9%. Hiện nay nhu cầu thép vật liệu tiếp tục tăng do Chính Phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; vì vậy, sản lượng thép tăng mạnh. Tuy nhiên do Công ty CP Thép Hoà Phát đã hoạt động tối đa công suất thiết kế nên tốc độ tăng trưởng của ngành không cao như các ngành khác.

– Các sản xuất thiết bị điện, sản xuất máy móc thiết bị và sản xuất, chế biến thức phẩm duy trì tốc độ tăng khá cao, có chỉ số sản xuất quý I/2022 lần lượt là 122,1%; 141,3% và 115,9%. Một số sản phẩm chính đó là: dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế < 1000V bằng 149,7%; bơm nước một tầng bằng 142,3%; máy khâu loại khác trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình bằng 166,5%; thức ăn cho gia súc bằng 116,2%… Các doanh nghiệp có doanh thu tăng cao đó là Công ty TNHH Công nghệ Ducar dự ước quý I/2022 đạt 1.667 tỷ đồng, bằng 195,9% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Hitachi Cable đạt 422 tỷ, bằng 195,8%; Công ty TNHH MTV Masan HD đạt 522 tỷ đồng, bằng 126,8%; CT TNHH Leong Hup Feedmill Việt Nam đạt 378 tỷ đồng, bằng 142,7%…

Đối với ngành sản xuất và phân phối điện quý I/2022 bằng 135,0%. Trong quý I năm trước, nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương mới đưa vào hoạt động 01 tổ máy (từ giữa tháng 4/2021 mới chính thức hoạt động cả 2 tổ máy), nên sản lượng điện sản xuất vẫn tăng rất cao (+38,0%).

Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện cũng đang gặp một số khó khăn cần sớm khắc phục. Từ giữa tháng 02 đến nay số ca mắc mới trong các doanh nghiệp tăng cao, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Song song với đó là việc giá các nguyên nhiên vật liệu liệu đầu vào như sắt, thép và xăng dầu… tăng cao; chi phí về logistic như vận tải, bảo quản hàng hóa, xuất nhập khẩu cũng tăng, gây áp lực không nhỏ tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Một số ngành sản xuất chưa hồi phục hoàn toàn, tăng trưởng quý I vẫn “âm” đó là: Ngành khai khoáng bằng 75,1%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 94,6%; thoát nước và xử lý nước thải bằng 90,1%… Ngoài ra, ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tuy vẫn tăng (+0,6%) nhưng mức tăng rất thấp, lại chiếm tỷ trọng khá lớn nên vô hình chung đã tác động trái chiều tới chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh (nguyên nhân do tình trạng thiếu nguyên liệu than nhập khẩu nên sản lượng clanke và xi măng của Công ty xi măng Phúc Sơn sụt giảm sâu).

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp quý I năm nay tăng rất cao, nguyên nhân chính là do cùng kỳ năm 2021 sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề khi hầu hết các địa phương trong tỉnh đều phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 từ 20 đến 50 ngày. Điều này thể hiện rõ khi chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 9,7%; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,2%; đều thấp hơn bình quân cả năm 2021.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/3/2022 dự ước bằng 102,1% so với tháng trước, bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 113,6%; dệt bằng 120,0%; sản xuất trang phục bằng 105,7%; sản xuất da bằng 110,8%; sản xuất kim loại bằng 104,5%; sản xuất máy móc thiết bị bằng 106,1%; sản xuất xe có động cơ bằng 109,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 110,4%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động tháng 3/2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: khai khoáng khác bằng 43,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 96,8%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu bằng 98,6%.

3. Hoạt động đầu tư, xây dựng

Xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.

3.1. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I ước đạt 760,3 tỷ đồng, đạt 14,6% kế hoạch năm, tăng 129,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 306,9 tỷ đồng, tăng 119,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 386,5 tỷ đồng, tăng 15,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 66,8 tỷ đồng, tăng 153,8%.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I năm 2022 ước đạt 10.818 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 979 tỷ đồng, tăng 55,4%; vốn ngoài nhà nước đạt 5.804 tỷ đồng, tăng 15,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.035 tỷ đồng, tăng 46,1%.

3.2. Hoạt động xây dựng

Công tác quản lý xây dựng đã được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn. Ngành xây dựng tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định của Trung ương; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Trong quý I,  các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, nhu cầu xây dựng nhà và các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh, sửa chữa, xây mới ở khu vực dân cư có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá so sánh) quý I ước đạt 3.572 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Công trình nhà ở ước đạt 2.039 tỷ đồng, tăng 0,7%; công trình nhà không để ở ước đạt 827 tỷ đồng, tăng 34,0%; công trình kỹ thuật dân dụng ước đạt 514 tỷ đồng, tăng 72,8%; công trình xây dựng chuyên dụng ước đạt 192 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ.

Hoạt động xây dựng quý I tăng cao là do cùng kỳ năm trước, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh; hầu hết các địa phương trong tỉnh Hải Dương đã thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 15 và 16.

3.3. Thu hút đầu tư

Năm 2022, Hải Dương lấy chủ đề năm là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”; vì vậy, công tác xúc tiến đầu tư có nhiều điểm nổi bật, không diễn ra tuần tự như mọi năm. Tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh.

Thu hút đầu tư nước ngoài: Trong quý I, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 89,2 triệu USD bằng 62% so với cùng kỳ năm 2021 trong đó:

– Cấp mới cho 02 dự án với số vốn đăng ký 1,5 triệu USD (02 dự án nằm ngoài KCN), bằng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

– Điều chỉnh tăng vốn cho 08 lượt dự án, với số vốn 85,6 triệu USD (02 dự án ngoài KCN vốn tăng 9 triệu USD; 06 dự án trong KCN vốn tăng 76,6 triệu USD) bằng 84,0% cùng kỳ năm 2021. Một số dự án tăng vốn khá như: Dự án nhôm định hình của Công ty TNHH LMS Vina tăng 30 triệu USD, dự án của Công ty TNHH Hitachia Cable Việt Nam tăng 39,3 triệu USD .

– Có 02 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị góp vốn 2,1 triệu USD.

3.4. Phát triển doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3 có 344 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký 2.624 tỷ đồng, tăng 44,5% về số lượng, tăng 77,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp đăng ký quay lại hoạt động tăng cao với 297 doanh nghiệp, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Có 40 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 11%; 417 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 34,1%.

Duy trì thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính xuống còn 02 ngày làm việc (giảm 01 ngày so với quy định). Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng điện tử đạt gần 70%; tăng 10,5% so với cuối năm 2021, đảm bảo giải quyết đúng hạn hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 3 và quý I năm 2022 khá khởi sắc, nhiều ngành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh. Sau thời gian dài bị “kìm nén” do các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, nên dịp Tết Nguyên đán năm nay người dân tích cực mua sắm, thăm thân, du lịch… trong gần 2 năm qua. Chỉ sau Tết, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng của các ngành dịch vụ mới có phần chững lại.

Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm trước là thời điểm toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 thì hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ vẫn khởi sắc rất rõ nét. Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng quý I đạt 21.686 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải quý I ước đạt đạt 2.363 tỷ đồng tăng 34,2%.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước đạt 6.168 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 18.592 tỷ đồng, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 38,4% trong tổng số và đạt 7.135 tỷ đồng, tăng 16,3%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 20,8% trong tổng số, đạt 3.869 tỷ đồng, tăng 12,2%;

– Nhóm ô tô các loại đạt 1.857 tỷ đồng, tăng 8,6%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 3 ước đạt 1.109 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quý I ước đạt 3.094 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 66 tỷ đồng, chiếm 2,1% trong tổng số, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ ăn uống đạt 790 tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng số, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ khác đạt 2.235 tỷ đồng, chiếm 72,2% tổng số, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 3, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 822 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 14,0% và tăng 40,1% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 120 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 525 tỷ đồng, tăng 13,9% so với tháng trước, tăng 39,3% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 173 tỷ đồng, tăng 23,7% so với tháng trước, tăng 39,4% so với cùng kỳ.

Quý I, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 2.363 tỷ đồng tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 37,3%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 33,5%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 34,0%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 30,8%.

Nguyên nhân dẫn đến hoạt động vận tải có mức tăng trưởng khá là do quý I năm 2021 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15,16 của Chính phủ lên các hoạt động vận tải hành khách gần như “đóng băng”; vận tải hàng hoá giảm mạnh.

4.4 Chỉ số giá tiêu dùng

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,67% so với tháng trước; tăng 1,93% so với tháng 12 năm trước; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ. Giá tiêu dùng tháng 3 ở khu vực thành thị tăng thấp hơn khu vực nông thôn (thành thị tăng 0,55%, nông thôn tăng 0,74%).

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng này, hầu hết các nhóm hàng chính đều tăng nhẹ, có 06 nhóm tăng, 02 nhóm giảm cụ thể: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; Giao thông tăng 5,12%; Văn hóa, giải trí, và du lịch tăng 0,11% và hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,50%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%.

Giá vàng tháng này biến động phức tạp với xu hướng tăng cao. Giá vàng so với tháng trước tăng 3,64%; giá vàng bình quân trong tháng là 5.603 ngàn đồng/chỉ, tăng 197 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước. Cùng với giá Vàng, giá Đô la Mỹ tháng này cũng có xu hướng tăng nhẹ (+0,67%) và tăng 15 đồng/USD so với tháng trước.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1.Văn hóa, thể thao

Ngày 01/3, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ công bố, giới thiệu và phát hành Bộ sách “Lịch sử tỉnh Hải Dương từ khởi thủy đến năm 2015”. Bộ sách gồm 4 tập, với trên 2.000 trang mang đậm dấu ấn xã hội, văn hóa, trí tuệ của người Hải Dương ở nhiều giai đoạn lịch sử, cùng nhiều hình ảnh minh họa với nội dung sâu sắc, sách đã tái hiện lại quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của con người xứ Đông trên vùng đất Hải Dương.

Sáng 18/3, tại Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Lễ trao giải báo chí Nguyễn Lương Bằng lần thứ V (giai đoạn 2016-2020). Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng mang tên người chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, người con quê hương Hải Dương, người sáng lập báo Công Nông, tờ báo Cách mạng đầu tiên ở Hải Dương. Đây là giải báo chí cao nhất của tỉnh dành cho những tác phẩm báo chí xuất sắc viết về Hải Dương.

Theo kế hoạch, môn bóng bàn trong chương trình SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu Hải Dương. Để phục vụ hoạt động này, UBND tỉnh đã thành lập Ban tổ chức địa phương đăng cai tổ chức môn bóng bàn trong chương trình SEA Games 31 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương làm Trưởng ban. Chiều 10/3, Ban tổ chức môn bóng bàn trong chương SEA Games 31 họp thống nhất dự thảo kế hoạch tổ chức môn bóng bàn trong chương trình Đại hội tại tỉnh Hải Dương.

Tại Giải bơi – lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2022, đoàn Hải Dương đã  giành 4 tấm huy chương vàng, 2 huy chương bạc của đều thuộc về kình ngư Phạm Thị Thu. Với thành tích này, Hải Dương xếp thứ 4/17 đoàn thi đấu, tăng 1 bậc so với giải năm ngoái. Nữ kình ngư Phạm Thị Thu là kiện tướng quốc gia từ nhiều năm nay và là thành viên đội tuyển bơi – lặn Việt Nam.

Đến ngày 19/3, đã có hai huyện Nam Sách và Cẩm Giàng hoàn thành tổ chức lễ khai mạc Đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở. Theo kế hoạch Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX năm 2022 sẽ diễn ra trong tháng 8, các địa phương trong tỉnh cần hoàn thành Đại hội thể dục thể thao các cấp xong tháng 6.

2. Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ 16 giờ ngày 21/02/2022 đến 16 giờ ngày 20/3/2022 toàn tỉnh ghi nhận 95.105 ca bệnh; trong tổng số ca mắc có 39.218 trường hợp F1, 31.264 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 21.980 trường hợp ho sốt cộng đồng, 2.371  trường hợp sàng lọc bệnh viện, 266 trường hợp từ tỉnh khác về, 6 trường hợp nhập cảnh, 82 ca tử vong.

Tính đến ngày 8/3 (tròn một năm triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19), Hải Dương đã tiêm 3.301.017 mũi vaccine cho người dân; trong đó 99,0% số người từ đủ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, 97,1% tiêm đủ 2 mũi và 37,7% tiêm 3 mũi. Toàn tỉnh có 99,3% số trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm 1 mũi, 97,6% tiêm 2 mũi. Kết quả tiêm chủng đã bước đầu tạo miễn dịch cộng đồng, hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Tuy nhiên, Hải Dương hiện vẫn còn trên 10.000 người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19; phần lớn là người thuộc diện già yếu, chống chỉ định, mắc bệnh cấp tính…

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, hệ thống “phần mềm quản lý, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà” đã ghi nhận hồ sơ của gần 150.000 bệnh nhân; trong đó, 113.000 bệnh nhân điều trị tại nhà; 6.500 bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế; 30.000 bệnh nhân đã kết thúc điều trị.

3. Giáo dục

Hiện nay, một số trường trung học cơ sở trong tỉnh đã cho học sinh khối lớp 9 đi học trực tiếp, còn một số trường vẫn dạy học trực tuyến, các trường tổ chức kiểm tra giữa kỳ chủ động áp dụng đan xen 2 hình thức kiểm tra trực tiếp và trực tuyến, nếu lớp có trên 35 học sinh thì chia ra 2 phòng kiểm tra và bố trí đủ giáo viên coi thi. Theo kế hoạch, từ tuần học thứ 26- 28 (từ 14/3- 2/4), các trường sẽ lần lượt tổ chức kiểm tra giữa kỳ cho học sinh khối lớp 9.

Hiện nay, đa số các trường trong tỉnh đều có kế hoạch cho học sinh đến trường học trực tiếp từ đầu tháng 4 để đảm bảo kế hoạch học tập, ôn thi và kiểm tra cuối năm học.

Ngày 17/3, Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo môn thi chính thức vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022- 2023. Đó là 3 môn độc lập: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.

4. Bảo vệ môi trường

Vi phạm môi trường: Trong tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 15,35 triệu đồng, hầu hết các vụ vi phạm là vất rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi  trường.

Tính chung 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 111 vụ vi phạm môi trường, số tiền phạt 1.303,50 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Hải Dương có khoảng 1.000 ha lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 2, giá trị thiệt hại khoảng 6.925 triệu đồng.

5. Trật tự an toàn xã hội

Trật tự an toàn Xã hội: Thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm từ nửa cuối tháng 02 đến nửa đầu tháng 3/2022, lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã triệt phá, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật.

Trong đó có các vụ nổi cộm như: Vụ đối tượng mang theo hung khí tự chế, sử dụng xe máy chạy tốc độ cao thực hiện các hành vi lạng lách, đánh võng, gây sự với người đi đường và các nhóm thanh niên khác đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Dương đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 06 bị can; vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn 2 huyện Cẩm Giàng và Gia Lộc ngày 11/3 đã bắt giữ 4 đối.

Về tai nạn cháy, nổ: Trong tháng 3 và quý I năm nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nổ nào.

Về tai nạn giao thông: Tháng 3 trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 08 người, bị thương 01 người. Tính chung quý I năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 35 người, làm bị thương 13 người; so với cùng kỳ năm 2021, số vụ không tăng không giảm, số người chết giảm 02 người (-5.4%), số người bị thương giảm 07 người (-35%); 100% là tai nạn giao thông đường bộ; đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông.

Trên các tuyến quốc lộ xảy ra 13 vụ, làm chết 10 người và bị thương 02 người; các tuyến đường tỉnh xảy ra 08 vụ, làm chết 08 người và bị thương 01 người; giao thông nông thôn và đường huyện xảy ra 08 vụ, làm chết 08 người, bị thương 01 người và giao thông đô thị xảy ra 13 vụ, làm chết 09 người, bị thương 08 người.