Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm năm 2022, tỉnh Hải Dương

Trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều điểm sáng rất tích cực. Trong Bốn tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp tăng 20,4%; hoạt động đầu tư, xây dựng có nhiều điểm sáng tích cực với nhiều công trình dự án lớn, trọng điểm, công trình hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh được khởi công; hoạt động dịch vụ khởi sắc, tất cả các ngành kinh doanh đã được mở cửa trở lại; cây lúa vụ Chiêm xuân có diện tích gieo trồng giảm so với vụ Chiêm năm trước, nhưng vụ Đông năng suất, sản lượng đều tăng khá; đàn lợn, đàn gia cầm tăng khá cao; đời sống nhân dân ổn định, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng sơ bộ đạt 65.083 ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích lúa chiêm đạt 54.954 ha, giảm 1,5%; rau các loại đạt 922 ha, tăng 6%. Diện tích gieo trồng cây lúa giảm (819 ha) là do: chuyển sang trồng cây hàng năm khác, cây lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển mục đích sử dụng đất (xây dựng khu công nghiệp, đường giao thông, mở rộng khu dân cư); và một số diện tích chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản.

Tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện chăm sóc cho toàn bộ diện tích cây lúa đợt 2. Vụ chiêm xuân năm nay lượng mưa thấp hơn trung bình hàng năm nên lúa chiêm xuân sinh trưởng và phát triển kém hơn năm trước.

Về cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều, diễn biến thời tiết năm nay khá thuận lợi. Cây vải phân hóa mầm hoa tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao; riêng tại huyện Thanh Hà, tỷ lệ đậu quả của cây vải ước đạt trên 95%, tương đương năm ngoái là năm được mùa.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm trong tỉnh ổn định, không xẩy ra dịch bệnh nên đàn gia cầm phát triển tốt. Chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh.

Ước thời điểm 30/4/2022: Tổng đàn lợn thịt đạt 259.000 con, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 4 ước đạt 5.219 tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn gia cầm ước đạt 15.448 nghìn con, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 11.310 nghìn con tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 4 ước đạt 5.270 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng ước đạt trên 50.050 nghìn quả, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn trâu ước đạt 5.470 con, tăng 3,1%; đàn bò ước đạt 15.200 con, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 4 ước đạt 78 tấn, tăng 3,2%; sản lượng thịt bò ước đạt 148 tấn, tăng 2%.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng 4, sản xuất thủy sản phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh, phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như: Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính…

Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 12.000 ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt trên 9.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ 2021.

2. Sản xuất công nghiệp

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh được khôi phục ở hầu hết các ngành; nhu cầu sử dụng lao động và sản lượng sản xuất đều tăng; các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 bằng 109,5%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 111,1%; là ngành sản xuất và phân phối điện bằng 101,0% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải bằng 100,9%.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 bằng 112,3%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 109,9%; là ngành sản xuất và phân phối điện bằng 130,4% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải bằng 117,2%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp (tính theo phương pháp chỉ số) tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành sản xuất quan trọng có chỉ số sản xuất tăng cao đó là:

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 38,0%. Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương chính thức hoạt động cả 2 tổ máy từ tháng 4/2021, nên tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nền kinh tế đang trên đà hồi phục sau đại dịch nên nhu cầu về điện năng tiêu thụ tăng; sản lượng điện thương phẩm 4 tháng đầu năm cũng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 18,8%; trong đó: Mạch điện tử tích hợp tăng 14,7%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy, fax… tăng 12,6%. Đa số các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 nên sản lượng sụt giảm trong quý I/2021, vì vậy so với cùng kỳ chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của ngành tăng khá cao.

– Cùng với nguyên nhân tương tự như sản xuất điện tử, các ngành: Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Sản xuất thiết bị điện; Sản xuất máy móc, thiết bị tăng lần lượt 19,2%; 20,6% và 39,8%.

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 16,4%; trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên tăng 111,5% (gấp 2 lần). Nguyên nhân do công ty TNHH Ford Việt Nam đưa dây chuyền sản xuất dòng xe mới vào hoạt động từ tháng 6/2021.

– Ngành sản xuất kim loại tăng 10,6%; trong đó, sản phẩm sắt thép các loại tăng 11,0%. Hiện nay, nhu cầu sắt, thép, vật liệu vẫn ở mức cao; cùng với việc Chính Phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đã làm sản lượng thép tiêu thụ tăng mạnh. Mặt khác, Công ty CP Thép Hoà Phát đã hoạt động tối đa công suất thiết kế nên tốc độ tăng trưởng của ngành chỉ duy trì được như hiện nay.

Bên cạnh những ngành sản xuất tăng trưởng cao, có một số ngành giảm so với cùng kỳ; đó là:

– Khai khoáng (chủ yếu là khai thác cát, đá) do một số doanh nghiệp ngừng hoạt động vì đã hết hạn cấp phép, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn (công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương; sản lượng 4 tháng đầu năm chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm trước) nên sản xuất của ngành giảm 18,8%.

– Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 0,5% so với cùng kỳ. Sản xuất clanke xi măng và xi măng portland giảm 7,9%; nguyên nhân do Công ty xi măng Phúc Sơn thiếu nguyên liệu than (nhập khẩu) nên phải tạm ngừng sản xuất clanke. Công ty CP giầy Cẩm Bình đang phải ngừng sản xuất gạch do ô nhiễm môi trường.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 30/4/2022 dự ước bằng 102,1% so với tháng trước, bằng 107,2% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 114,1%; dệt bằng 122,1%; sản xuất trang phục bằng 102,5%; sản xuất da bằng 115,4%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy bằng 129,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 109,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 105,5%; sản xuất thiết bị điện bằng 107,4%; sản xuất máy móc thiết bị khác bằng 109,6%; sản xuất xe có động cơ bằng 111,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 108,5%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động tháng 4/2022 giảm so với cùng kỳ năm trước là: khai khoáng khác bằng 43,8%; thoát nước và xử lý nước thải bằng 97,8%.

3. Hoạt động đầu tư

Phát huy những kết quả đạt được trong giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 (tỷ lệ giải ngân tỉnh Hải Dương đạt 91,6% đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố); UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành ngay từ đầu năm phải quyết liệt hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt; đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án lớn của tỉnh và dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh.

Ước tháng 4, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 256 tỷ đồng, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 118 tỷ đồng, chiếm 46,0%, tăng 56,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 117 tỷ đồng, chiếm 45,8%, tăng 58,5%; cấp xã ước đạt 21 tỷ đồng, chiếm 8,2%, tăng 69,1%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.006 tỷ đồng, đạt 19,4% kế hoạch năm, tăng 104,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 426 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch năm, tăng 98,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 494 tỷ đồng, đạt 19,4% kế hoạch năm, tăng 106,0%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 87 tỷ đồng, đạt 19,7% kế hoạch năm, tăng 124,2%.

Một số công trình lớn mới khởi công trên địa bàn tỉnh như:

– Đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn (2021-2023 với tổng mức đầu tư 885,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4 là 21,2 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đạt 141,1 tỷ đồng, ước đạt 15,9% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin Trung tâm dữ liệu của tỉnh cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh (2021-2024 với tổng mức đầu tư là 449,6 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 4 đạt 12,3 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đạt 54,0 tỷ đồng, ước đạt 12,0% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và quốc lộ 5 (2020-2023 với tổng mức đầu tư 427,4 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4 là 19,9 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đạt 278,5 tỷ đồng, ước đạt 65,2% tổng mức đầu tư;

– Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (2019-2022 với tổng mức đầu tư là 715,4 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4 đạt 7,2 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đạt 293,7 tỷ đồng, ước đạt 41,1% tổng mức đầu tư.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng 4, các hoạt động thương mại dịch vụ cơ bản không chịu ảnh hưởng bởi dịch covid-19, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định; các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống, dịch vụ karaoke… đã được mở cửa trở lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 7.296 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm đạt 28.412 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4 ước đạt 6.311 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 24.898 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 38,5% trong tổng số và đạt 9.598 tỷ đồng, tăng 14,6%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 20,7% trong tổng số, đạt 5.160 tỷ đồng, tăng 11,8%;

– Nhóm ô tô các loại đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 9,1%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 4 ước đạt 985 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

  Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm ước đạt 3.514 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: Dịch vụ lưu trú đạt 90 tỷ đồng, chiếm 2,5% trong tổng số, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống đạt 1.145 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng số, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ khác đạt 2.274 tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng số, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 4, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 783 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,4% và tăng 19,1% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 109 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 495 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước, tăng 18,4% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 175 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 3.089 tỷ đồng tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 34,6%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 30,9%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 31,3%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 28,2%.

Nguyên nhân làm cho hoạt động vận tải có mức tăng trưởng khá là do cùng kỳ năm trước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, nên hoạt động vận tải bị ảnh hưởng lớn. Năm nay, trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”, các hoạt động đi lại, lưu thông hàng hoá được thuận lợi, thông suốt.

4.4 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 4 giảm 0,1% so với tháng trước; nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng thực phẩm giảm 1,14%. Trong số 11 nhóm mặt hàng tính CPI, có 03 nhóm giảm cụ thể như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82% (trong đó, lượng thực +0,25%; thực phẩm -1,14%); Giao thông giảm 0,39%; Bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,57% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Tác động lớn nhất làm cho CPI tăng là do giá xăng dầu tăng cao, làm nhóm giao thông (trong CPI) tăng 16,57%; đồng thời, tác động gián tiếp, làm cho nhiều nhóm hàng hoá khác tăng theo. Ngoài ra, ảnh hưởng từ thị trường thế giới nên giá lương thực cũng tăng 2,46%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,59%.

Giá vàng (nhẫn tròn 99,99%) tháng này giảm 0,02% so với tháng trước; giá vàng bình quân trong tháng là 5.602 ngàn đồng/chỉ, giảm 1 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước; bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,76% so với bình quân cùng kỳ.

Ngược với giá Vàng, giá Đô la Mỹ tháng này cũng có xu hướng tăng nhẹ, tăng 0,18% và tăng 4.133 đồng/100USD so với tháng trước; bình quân 4 tháng đầu năm giảm 0,92% so với bình quân cùng kỳ.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Ngày 26/3 UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lễ công bố ngày Chuyển đổi số với chủ đề “Chuyển đổi số hiện thực hoá khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương”; đồng thời, lựa chọn ngày 26/3 hàng năm là ngày chuyển đổi số. Ngày Chuyển đổi số là sự kiện văn hoá giúp người dân, doanh nghiệp và tuổi trẻ được hòa mình vào không khí của sáng tạo và đổi mới được tiếp cận với những ứng dụng mới nhất của chuyển đổi số; đồng thời, giới thiệu ứng dụng dành cho người dân và khai trương website về chuyển đổi số của tỉnh.

Từ đầu tháng 07/4 – 09/4, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX diễn ra môn thi đấu đầu tiên của Đại hội là môn “cầu lông”. Ngoài cầu lông, Đại hội TDTT lần thứ IX gồm các môn: vật, cờ tướng, bóng bàn, việt dã, đua thuyền chải, điền kinh, bắn súng hơi, pencak silat, bóng chuyền nam, bóng đá nữ, bóng đá nam, bơi, võ thuật cổ truyền, bóng chuyền hơi, bóng chuyền bãi biển, quần vợt và cờ vua.

Hải Dương là địa phương đăng cai tổ chức thi đấu môn bóng bàn trong chương trình SEA Games 31, ngày 14/4, Ban Tổ chức tại Hải Dương họp rà soát nhiệm vụ của các tiểu ban. Việc chuẩn bị điều kiện ăn ở, thi đấu, địa điểm tập luyện cho 8 đoàn vận động viên được rà soát cụ thể. Công tác trang trí, khánh tiết và các hoạt động xúc tiến du lịch, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch trong chương trình SEA Games cũng được gấp rút hoàn thiện.

Có 3 tay vợt của Hải Dương trong danh sách đội tuyển bóng bàn Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 diễn ra từ ngày 13/5 – 20/5, cả 3 tay vợt đều có kinh nghiệm thi đấu quốc tế và đều là đương kim vô địch tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân năm 2021.

2. Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ 16 giờ ngày 21/03/2022 đến 16 giờ ngày 18/4/2022 toàn tỉnh ghi nhận 41.901 ca bệnh; trong tổng số ca mắc: Có 15.174 trường hợp F1; 12.885 trường hợp sàng lọc cộng đồng; 12.233 trường hợp ho sốt cộng đồng; 1.602 trường hợp sàng lọc bệnh viện, 7 trường hợp từ tỉnh khác về; ghi nhận 15 ca tử vong.

Sau khi được Bộ y tế cấp vaccine Moderna cho Hải Dương để tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. UBND tỉnh có quyết định phân bổ số vaccine này cho các địa phương trong tỉnh. Số vaccine này sẽ được ưu tiên tiêm cho trẻ học lớp 4, lớp 5 và sẽ hạ dần độ tuổi.

Ngày 19/4 chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm tuổi từ 5 đến 12 tuổi làm điểm tại trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương), sau đó rút kinh nghiệm và triển khai đồng loạt. Việc tiêm phòng đợt này sẽ hoàn thành trước ngày 10/5/2022.

3. Giáo dục

Đến ngày 4/4 tất cả các trường mầm non ở các địa phương còn lại đón trẻ trở lại trường. Như vậy đến thời điểm hiện tại toàn bộ các bậc học trong tỉnh đã đón học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022- 2023 sẽ diễn ra từ ngày 6/6 đến 8/6.

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021- 2022, Hải Dương có 3 học sinh lọt vào vòng 2 để thi chọn đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ Olympic khu vực và quốc tế năm 2022.

4. Bảo vệ môi trường

Vi phạm môi trường: Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 425,1 triệu đồng, các lỗi vi phạm chủ yếu là khai thác cát trái phép, xả thải, vất rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi  trường. Điển hình là vụ Công ty CP Thế Giới (cụm công nghiệp Tân Dân, Chí Linh) thải bụi khí ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải bụi 2,35 lần quy chuẩn kỹ thuật về chất thải bị xử phạt vi phạm hành chính 325 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động 112 ngày; buộc phải rà soát, cải tạo công trình xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Tính chung 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 133 vụ vi phạm môi trường, số tiền phạt 1.728,6 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không phát sinh.

5. Trật tự an toàn xã hội

Trật tự an toàn Xã hội: Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm từ nửa cuối tháng 03 đến nửa đầu tháng 4, lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã triệt phá, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật.

Trong đó có các vụ nổi cộm như: Vụ việc đối tượng sử dụng xe máy đuổi đánh nhau trên một số tuyến phố, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Dương ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, xử lý về hành vi Gây rối trật tự công cộng đối với 21 đối tượng; Vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn thị trấn Kẻ Sặt đã bị công an huyện Bình Giang phối hợp với với phòng Cảnh sát ma túy Công an tỉnh đấu tranh triệt phá, khởi tố 4 đối tượng; Một điểm phức tạp về ma túy tại khu 5 thị trấn Thanh Hà vừa bị phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hải Dương triệt xóa thành công, đối tượng trong vụ án từng có 02 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy tại khu vực kho, xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hồng Ngọc và Liên Phát Hưng ở thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách. Vụ cháy không gay thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản hiện chưa có thống kê.

Về tai nạn giao thông; Tháng 4/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 12 người, bị thương 08 người.

Tính chung 4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 57 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 47 người, làm bị thương 21 người; trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 56 vụ làm 46 người chết, 21 người bị thương; đường sắt xảy ra 01 vụ làm 01 người tử vong; đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn và va chạm gia thông tăng 04 vụ (7,5%), số người chết không tăng, không giảm, số người bị thương giảm 04 người (-16%).