Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 12 và cả năm 2022 tỉnh Hải Dương

Năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường. Nền kinh tế thế giới cũng chịu tác động tiêu cực, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm khi thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, lạm phát đạt đỉnh và giá hàng hoá có xu hướng giảm. Trong nước, hai động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước đều đang chững lại. Xuất khẩu bị ảnh hưởng do nhu cầu từ thị trường thế giới yếu đi. Nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng đang chậm lại do tài chính bị thắt chặt hơn và áp lực thu nhập, việc làm, lạm phát gia tăng.

Trong bối cảnh đó, tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 của tỉnh Hải Dương đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; kinh tế có sự phục hồi khá, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,0% (KH năm từ 10% trở lên); thu ngân sách nhà nước vượt 30% dự toán năm; thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định.

  1. KINH TẾ
  2. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

1.1 Tăng trưởng kinh tế

Ước tính, tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá 2010) tỉnh Hải Dương năm 2022 đạt 9,0%; cao thứ 27/63 cả nước và thứ 8/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội 8,89%; Ninh Bình 8,62%; Bắc Ninh 7,39%). Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) đạt 3,4%; công nghiệp – xây dựng là 11,8% (công nghiệp +12,0%, xây dựng +9,8%); dịch vụ tăng 7,7%; thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 3,1%.

Đóng góp vào tăng trưởng chung 9,0%, nhóm ngành NLTS đóng góp 0,35 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 6,29 điểm% (trong đó, công nghiệp đóng góp 5,78 điểm%, xây dựng đóng góp 0,51 điểm%); dịch vụ đóng góp 2,08 điểm%; thuế và trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,28 điểm%; Cụ thể:

– Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,4%; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,9% tương đương tăng 231 tỷ đồng; ngành thủy sản tăng 6,0% tương đương tăng 83 tỷ đồng; riêng hoạt động dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nên ít tác động đến tăng trưởng của ngành.

– Ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,8%, đóng góp 6,29 điểm% vào tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong quý I nhưng bắt đầu chậm lại trong quý II và quý III khi chi phí đầu vào cho sản xuất tăng và thị trường thế giới có nhiều biến động; bước sang đến quý IV (+5,7%) tăng tương đối thấp khi chịu tác động lớn hơn từ tình hình kinh tế thế giới, kết hợp lãi suất ngân hàng tăng, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực. Hoạt động xây dựng tăng khá cao trong 6 tháng đầu năm nhưng gặp nhiều khó khăn từ quý III do tác động từ hoạt động thu hút đầu tư thấp và nhiều công trình trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ chưa thực hiện xây dựng cơ bản.

– Ngành dịch vụ tăng 7,7% đóng góp 2,08 điểm% vào tăng trưởng; nguyên nhân chủ yếu do tình hình kinh tế xã hội đã phục hồi khá nhanh sau dịch bệnh. Các ngành dịch vụ như vận tải kho bãi (+14,5%), lưu trú, ăn uống (+12,7%), tài chính ngân hàng bảo hiểm (+9,7%), thương mại bán lẻ (+8,6%), thông tin truyền thông (+7,8%) là những điểm sáng tích cực giúp khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng.

1.2. Quy mô kinh tế và cơ cấu kinh tế

Quy mô nền kinh tế năm 2022 (theo giá hiện hành) ước đạt 169.179 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 86,9 triệu đồng, tương đương 3.746 USD.

Cơ cấu theo ngành kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm dần do đặc thù có tăng trưởng thấp, vì hạn chế về khả năng sinh trưởng cây trồng, vật nuôi và quỹ đất giảm. Tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng khá nhanh do vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tỷ trọng các ngành dịch vụ giảm nhanh trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh nên tăng trưởng thấp. Nhìn chung, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu theo hướng giảm tỷ trọng các ngành NLTS, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cơ cấu kinh tế theo loại hình kinh tế: Tăng trưởng của tỉnh vẫn chủ yếu dựa khu vực vốn đầu tư nước ngoài do các dự án FDI có lợi thế về vốn, trang thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến và có sẵn chuỗi cung ứng – tiêu thụ sản phẩm ở quy mô lớn. Số lượng dự án FDI của Tỉnh hiện nay (lũy kế còn hiệu lực) 496 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 9.227 triệu USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong KCN 259 dự án, số vốn đăng ký đạt 5.041,7 triệu USD; ngoài KCN 237 dự án, số vốn đăng ký đạt 4.185,3 triệu USD). Tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 7.600 triệu USD.

Khu vực Nhà nước chiếm tỷ trọng khá thấp (17,0% 0) và có xu hướng giảm do: (1) Doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất hiện có; (2) khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước không được tăng lượng cơ bản, lại phải thắt chặt chi tiêu thường xuyên.

Khu vực ngoài nhà nước có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đóng góp của khu vực ngoài nhà nước ổn định trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng hiện có; tỷ trọng trong GRDP chiếm khoảng 49,1%.

  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2.1. Cây hàng năm

Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 151.967 ha, giảm 0,4% (-668 ha) so với năm trước; trong đó, vụ đông xuân đạt 87.533 ha, giảm 0,2% (-135 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông tăng 543 ha, vụ chiêm xuân giảm 678 ha); vụ mùa đạt 64.434 ha giảm 0,8% (-533 ha). Trong tổng diện tích gieo trồng, diện tích vụ đông là 22.354 ha, chiếm 14,7%; vụ chiêm xuân 65.179 ha, chiếm 42,9%; mùa mùa 64.434 ha, chiếm 42,4%.

Lúa là cây trồng chính trong nhóm cây hàng năm chiếm 72,2% tổng diện tích gieo trồng, diện tích lúa đạt 109.670 ha, giảm 1,2% (-1.301 ha). Tỷ trọng lúa chất lượng cao có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 63,23, tăng 0,8% (+0,5 tạ/ha); sản lượng lúa ước đạt 693.660 tấn, giảm 0,5% so với năm trước.

Diện tích rau các loại 31.109 ha, chiếm 20,5%, tăng 1,9% (+567 ha), trong đó cải các loại 3.396 ha, tăng 9,1% (+282 ha), hành hoa, hành củ 6.204 ha, giảm 1,9% (-123 ha)…so với năm trước.

Năng suất rau các loại 260,38 tạ/ha, giảm 1,2% (-3,26 tạ/ha)… so với năm trước. Nhìn chung đa số năng suất rau các loại đều giảm hơn so với năm trước, chủ yếu là giảm ở vụ Đông như: hành củ 166,13 tạ/ha (-2,34 tạ/ha), cà rốt 469,98 tạ/ha (-15,0 tạ/ha), bắp cải đạt 452,43 tạ/ha (-15,66 tạ/ha), súp lơ 262,08 tạ/ha (-2,03 tạ/ha), dưa hấu 276,21 tạ/ha (-3,11 tạ/ha), …

Sản lượng rau các loại năm 2022 ước đạt trên 810 ngàn tấn, tăng 0,6% (+4.814 tấn). Sản lượng rau các loại tăng là do hai yếu tố: Do năng suất giảm 1,2% làm sản lượng giảm 10.134 tấn; diện tích gieo trồng tăng 1,9% làm cho sản lượng tăng 14.948 tấn so với năm trước.

2.2. Cây lâu năm

Tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh năm 2022 đạt 22.482 ha, tăng 0,4% (+90 ha) so với năm trước. Trong tổng diện tích trồng cây lâu năm, diện tích trồng cây ăn quả đạt 21.591 ha, chiếm 96,0% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh; diện tích cây lâu năm khác đạt 592 ha, chiếm 2,6%, các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu, diện tích cây gia vị, dược liệu và cây chè búp chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, tổng diện tích trồng cây vải hiện có toàn tỉnh năm 2022 là 8.885 ha, giảm 0,7% (-65 ha) so với năm trước. Diện tích trồng vải có xu hướng giảm do một số diện tích trồng vải đã già cỗi năng suất đạt thấp, đã được người dân chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị hơn.

Sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh năm 2022 đều tăng hơn so với năm trước như: Sản lượng vải đạt 61.000 tấn, tăng 11,1%; sản lượng nhãn đạt 13.532 tấn, tăng 8,8%; sản lượng xoài ước đạt 3.380 tấn, tăng 1,5%; sản lượng chuối ước đạt 70.433 tấn, tăng 2,3%; ổi sản lượng ước đạt 78.307 tấn, tăng 5,1%; sản lượng na ước đạt 15.528 tấn, tăng 0,2%; sản lượng cam ước đạt 9.366 tấn, tăng 0,1%; sản lượng bưởi ước đạt 12.190 tấn, tăng 6,6% so với năm trước.

2.3. Chăn nuôi

Năm 2022, việc tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện khá hiệu quả. Chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường hiệu quả. Chăn nuôi gia cầm tăng khá, không có dịch bệnh xảy ra, đàn gia cầm được duy trì và phát triển tốt.

Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/12/2022 ước đạt 284.155 con chiếm 66% tổng đàn, tăng 13,4% (+33.630 con); số con lợn thịt xuất chuồng năm 2022 ước đạt 606.000 con, tăng 11,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 62.046 tấn, tăng 11,5% so với năm trước.

Tổng đàn gia cầm ước đạt trên 16.300 nghìn con, tăng 5,8%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 65.619 tấn, tăng 7,1% so với năm trước; trong đó đàn gà ước đạt 12.300 nghìn con tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 51.900 tấn, tăng 7,5%.

Đàn trâu trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, tại thời điểm 31/12/2022 đàn trâu ước đạt 5.700 con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Số con trâu xuất chuồng năm 2022 ước đạt 2.821 con, tăng 4,9%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 965 tấn, tăng 5,7% so với năm trước.

Tổng đàn bò toàn tỉnh thời điểm 31/12/2022 ước đạt 15.000 con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số con bò xuất chuồng năm 2022 ước đạt 7.234 con, tăng 3,1%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.781 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.

2.4. Sản xuất lâm nghiệp

Năm 2022, phong trào trồng rừng và chăm sóc nuôi dưỡng rừng trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn được duy trì và phát triển, diện tích rừng được trồng mới trong năm ước đạt 130 ha, trong đó chủ yếu là diện tích rừng trồng sản xuất đã được khai thác năm 2021 và đầu năm 2022. Công tác bảo vệ phát triển rừng trong những năm qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm và chú trọng thực hiện, toàn tỉnh ước tính có 592 ha diện tích rừng trồng được chăm sóc, so với năm trước tăng 19 ha; trong đó, rừng trồng được chăm sóc khu vực nhà nước là 72 ha, còn lại là diện tích rừng trồng cây keo thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 5.940 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Năm 2022, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 7.550 m3, tăng 51,8% so với năm trước; sản lượng khai thác củi ước đạt 54.855 ster, so với năm trước tăng 4,4%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán.

2.5. Sản xuất thuỷ sản

Sản lượng thủy sản năm 2022 sơ bộ đạt 97.119 tấn, tăng 6,1% (+5.559 tấn) so với năm trước; trong đó, thuỷ sản nuôi trồng đạt 95.277 tấn, tăng 6,3%. Cá là loài thủy sản được nuôi trồng chủ yếu sản lượng đạt 95.188 tấn, chiếm 99,9% sản lượng thủy sản nuôi trồng, tăng 6,3% so với năm trước.

Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá. Tổng sản lượng cá lồng năm 2022 sơ bộ đạt 21.913 tấn chiếm 23,0% tổng sản lượng cá nuôi trồng, tăng 15,3% (+2.907 tấn) so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân sản lượng cá lồng ước tăng mạnh là do thời tiết trong năm tương đối thuận lợi, lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển, ít phát sinh dịch bệnh.

Nhìn chung, nuôi trồng thuỷ sản năm nay ổn định, sản lượng thủy sản đạt mức tăng khá. Phương thức nuôi cá lồng phát triển mạnh do mang lại hiệu quả kinh tế cao; cơ cấu giống cá được chuyển dịch tích cực, những giống cá có chất lượng thịt, giá bán cao được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thay thế những giống cá truyền thống có chất lượng giá trị thấp.

  1. Sản xuất công nghiệp

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là diễn biến liên quan đến cuộc xung đột quân sự tại Nga – Ucraina làm cho lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng ảnh hưởng, thương mại sụt giảm. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn giữ vai trò chủ đạo và đạt mức tăng trưởng khá cao (+12,0%).

3.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Ước tháng 12, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 101,6% so với tháng trước và bằng 106,2% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ, ngành khai khoáng bằng 78,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 104,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà bằng 120,5%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải bằng 103,8%.

Ước tính quý IV, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 105,9% so với cùng kỳ. Đây là quý có chỉ số thấp nhất trong năm. Nguyên nhân trong quý này các đơn hàng bị sụt giảm do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh. Không chỉ thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp hiện giờ cũng đang phải đối mặt với khó khăn vì thiếu vốn do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh. Cụ thể, ngành khai khoáng bằng 78,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 104,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, điều hòa bằng 114,5%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải bằng 106,1%.

Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 111,3% so với cùng kỳ. Dù sản xuất công nghiệp năm nay tăng thấp hơn năm trước nhưng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có mức tăng cao hơn đáng kể cho thấy các ngành công nghiệp cơ bản đã phục hồi tốt sau dịch bệnh. Tuy nhiên đà tăng của các quý trong năm 2022 lại giảm dần về cuối năm (quý I +23,9%, quý II +10,2%, quý III +9,2%, ước quý IV +5,9%) báo hiệu nhiều khó khăn trong năm 2023. Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh như sau:

– Ngành sản xuất linh kiện điện tử (chiếm 14,6% GTSX công nghiệp toàn tỉnh) chỉ số sản xuất năm 2022 bằng 118,3% so với cùng kỳ, trong đó mạch điện tử tích hợp bằng 110,2%; bộ phận của các linh kiện điện tử khác chưa được phân vào đâu bằng 120,9%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên như in, fax, copy… bằng 125,5%. Nguyên nhân là do thị trường trong nước và thế giới đang có sự hồi phục, nhu cầu về linh kiện điện tử tăng. Ngoài ra do các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên nhiều đơn hàng sản xuất đã được chuyển dịch sang Việt Nam.

– Ngành sản xuất xe có động cơ (chiếm 12,4% GTSX công nghiệp toàn tỉnh), chỉ số sản xuất năm 2022 bằng 113,6% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên bằng 223,4%. Thời gian qua, nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô đang có sự hồi phục rõ nét so với giai đoạn 2020-2021. Với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước, cộng với hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng là điều kiện để người tiêu dùng tiếp tục mua sắm, tạo sự thúc đẩy tăng trưởng cho ngành sản xuất xe có động cơ và các bộ phận phụ trợ. Cùng với đó, việc Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa 2 dòng xe mới là Ford Ranger 2023 và Ford Territory 2023 vào sản xuất đã làm sản lượng xe lắp ráp và tiêu thụ tăng cao.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (chủ yếu là sản xuất thức ăn chăn nuôi, chiếm 8,2% GTSX công nghiệp toàn tỉnh), chỉ số sản xuất năm 2022 bằng 111,6% so với cùng kỳ, trong đó thức ăn chăn nuôi bằng 112,8%. Do ngành chăn nuôi trong nước phát triển ổn định, dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt dẫn tới sản lượng sản xuất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi được đảm bảo. Ngoài ra một số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất cũng góp phần tích cực vào mức tăng trưởng của ngành.

– Nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (chiếm 3,5% GTSX công nghiệp toàn tỉnh) cũng đang có mức tăng trưởng khá cao khi năm 2022 chỉ số sản xuất bằng 124,1% so với cùng kỳ. Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này là doanh nghiệp trong nước với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tuy nhiên số lượng lại khá lớn, chiếm gần 19% tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Vì vậy sự tăng trưởng của nhóm ngành này cho thấy các doanh nghiệp vốn được cho là bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch cũng đã có sự hồi phục và thích nghi trong điều kiện mới.

– Nhóm ngành dệt, may mặc, giày dép (chiếm 11,7% GTSX công nghiệp toàn tỉnh) mặc dù ghi nhận tình trạng sụt giảm đơn hàng từ giữa quý III nhưng tính chung cả năm 2022 sản lượng sản xuất của nhóm ngành này vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ với mức tăng lần lượt là 116,1%; 111,2% và 114,9%. Những tháng đầu năm do tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nên hoạt động xuất khẩu của nhóm ngành này được đẩy mạnh. Tuy nhiên từ giữa quý III trở lại đây, các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu đang chững lại; áp lực lạm phát, khủng hoảng năng lượng, thiên tai đã buộc người dân thắt chặt chi tiêu. Nhiều đơn đặt hàng bị huỷ hoặc hoãn gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp trong ngành. Theo dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn cho tới quý III năm 2023.

– Đối với ngành sản xuất và phân phối điện (chiếm 5,0% GTSX công nghiệp toàn tỉnh), chỉ số sản xuất năm 2022 bằng 110,0% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay lượng nước tại các đập thuỷ điện tương đối dồi dào, sản lượng điện phát ra ổn định. Bên cạnh đó giá than trong nước và thế giới tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất của ngành nhiệt điện tăng theo. Ngoài ra trong năm, do Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại gặp sự cố ở 1 dây truyền chưa được khắc phục; Công ty TNHH Điện lực Jack Hải Dương tiến hành sửa chữa định kỳ lần đầu nên sản lượng điện sản xuất khó đạt được mức sản lượng như kế hoạch đầu năm.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất do đang gặp khá nhiều khó khăn nên nên mức tăng không cao hoặc tăng trưởng âm, điển hình như:

– Ngành sản xuất kim loại (chiếm 19,0% GTSX công nghiệp toàn tỉnh), chỉ số sản xuất năm 2022 bằng 94,7%. Trong những tháng cuối năm, nhu cầu về kim loại suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than tăng cao (cao gấp 3 lần thời điểm bình thường); tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.

– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (chủ yếu là sản xuất xi măng, clanhke, chiếm 4,3% GTSX công nghiệp toàn tỉnh) do thị trường xây dựng những tháng cuối năm không phục hồi như kỳ vọng nên sản lượng năm 2022 bằng 100,5% so với cùng kỳ.

– Ngành khai khoáng, sản lượng năm 2022 bằng 81,4% so với cùng kỳ, do nhiều vùng khai thác đã hết hạn cấp phép trong khi chính sách của nhà nước là hạn chế cấp phép trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên không thể tái tạo dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể hoặc chuyển đổi sang ngành sản xuất kinh doanh khác khá lớn.

3.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/12/2022 dự ước bằng 100,2% so với tháng trước, bằng 100,4% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm, lao động ngành công nghiệp bằng 103,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó một số ngành có lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 108,9%; sản xuất đồ uống bằng 105,4%; dệt bằng 110,8%; sản xuất trang phục bằng 101,6%; sản xuất da bằng 108,3%; sản xuất hóa chất bằng 106,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 105,0%; sản xuất xe có động cơ bằng 106,9%…

Các ngành có lượng lao động giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: khai khoáng khác bằng 50,0%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ bằng 97,4%; sản xuất than cốc bằng 94,7%; sản xuất kim loại bằng 99,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 93,9%, thoát nước và xử lý nước thải bằng 99,5%…

  1. Tình hình phát triển doanh nghiệp

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung vào hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và tạo đà phát triển; phát triển mạnh kinh tế tư nhân thực sự là một động lực, tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.

Ước cả năm 2022, thành lập mới 1.600 doanh nghiệp, tăng 11,4% so với năm trước, không đạt mục tiêu đề ra (KH năm tăng 15%); tổng vốn đăng ký 17,5 nghìn tỷ đồng (giảm 4%). Có 335 doanh nghiệp giải thể (tăng 16,3%); 1.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 43,5%) và 900 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (tăng 22%).

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước được củng cố về công tác tổ chức quản lý, điều hành dịch vụ, hiệu quả hoạt động được nâng lên, góp phần tạo việc làm, ổn định kinh tế xã hội khu vực đô thị và nông thôn. Tổ chức sản xuất của Tổ hợp tác, Hợp tác xã hướng đến mục tiêu đạt chuẩn OCOP, góp phần hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm địa phương; phát triển và tham gia liên kết với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 530 hợp tác xã, 01 liên hiệp hợp tác xã và 820 tổ hợp tác xã.

  1. Hoạt động xây dựng, đầu tư

5.1. Hoạt động xây dựng

Quý IV, giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 9.978 tỷ đồng, theo giá so sánh ước đạt 6.427 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công trình xây dựng nhà ở tăng 21,0%; công trình xây dựng nhà không để ở đạt giảm 19,3%; công trình xây dựng kỹ thuật dân dụng tăng 18,5%; hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 2,1%.

Năm 2022, nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản được các địa phương trong tỉnh chú trọng tạo nguồn, đạt kết quả khá. Triển khai, thực hiện nhiều dự án xây dựng đường giao thông, cơ sở hạ tầng các khu dân cư mới, khu đô thị. Các công trình này được các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp thực hiện tốt, việc tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao và được các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình sớm đưa vào sử dụng.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 32.106 tỷ đồng; trong đó, công trình xây dựng nhà ở ước chiếm 45,9%; công trình xây dựng nhà không để ở chiếm 24,2%; công trình xây dựng kỹ thuật dân dụng chiếm 21,1%; công trình xây dựng chuyên dụng chiếm 8,8%.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá so sánh) năm 2022 ước đạt 20.684,1 tỷ đồng, tăng 10,4% so với c̀ng kỳ năm trước; trong đó: Công trình xây dựng nhà ở tăng 14,8%; công trình xây dựng nhà không để ở giảm 4,5%; công trình xây dựng kỹ thuật dân dụng tăng 18,0%; công trình xây dựng chuyên dụng tăng 19%.

5.2. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương

Ước tháng 12, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 725 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 352 tỷ đồng, tăng 43,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 321 tỷ đồng, tăng 31,6%; vốn ngân sách cấp xã đạt 52 tỷ đồng, tăng 214,4%.

Ước tính quý IV, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.755 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 816 tỷ đồng, tăng 11,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 796 tỷ đồng, tăng 11,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 143 tỷ đồng, tăng 184,9%.

Tính chung cả năm 2022, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 5.172 tỷ đồng, đạt 81,5% so với kế hoạch giao, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 2.359 tỷ đồng, tăng 56,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 2.386 tỷ đồng, tăng 34,0%; vốn ngân sách cấp xã đạt 426 tỷ đồng, tăng 107,6%.

Nhìn chung, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã được các cấp phân bổ cụ thể cho các dự án và triển khai kịp thời ngay từ đầu năm. Vốn phân bổ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, trong đó đã tập trung bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành và đầu tư các công trình chuyển tiếp. Đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2022 tại Quyết định số 2636/QĐ-UBND ngày 30/9/2022; vì vậy, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã có chuyển biến rõ rệt trong quý IV.

5.3. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Để duy trì tăng trưởng, tỉnh Hải Dương tập trung cải cách thủ tục hành chính về cấp phép đầu tư, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư; chú trọng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài song song với nỗ lực thu hút vốn đầu tư trong nước. Chủ động gặp mặt, đối thoại, tháo gỡ ngay các khó khăn cho các dự án đầu tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng,

Ước quý IV, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 14.918 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.989 tỷ đồng, giảm 0,4%; vốn ngoài nhà nước đạt 8.934 tỷ đồng, tăng 13,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.995 tỷ đồng, giảm 16,1%.

Tính chung cả năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 52.114 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt 6.187 tỷ đồng, tăng 16,9%; vốn ngoài nhà nước đạt 34.355 tỷ đồng, tăng 21,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 11.572 tỷ đồng, giảm 26,5%.

5.3 Thu hút đầu tư

Thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. đặc biệt là dự án mới  giảm mạnh  cả về số dự án và vốn đầu tư, tiến độ đầu tư dự án còn chậm.

Ước cả năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 345,5 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước; trong đó, cấp mới 16 dự án với tổng vốn đăng ký 41,4 triệu USD với 07 dự án ngoài KCN tổng vốn 13,7 triệu USD và 09 dự án trong KCN tổng vốn 27,7 triệu USD; Điều chỉnh tăng vốn 31 lượt dự án với số vốn tăng thêm 299,5 triệu USD.

Quyết định chủ trương đầu tư mới cho 15 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 400 tỷ đồng (bằng 8,8% so với năm trước); Điều chỉnh 65 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm 500 tỷ đồng; Thông báo chấm dứt hoạt động 03 dự án.

  1. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh phục hồi tích cực, các hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng 12 ước đạt 8.386 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý IV, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đạt 24.366 tỷ đồng, tăng 10,9% so với quý III và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cả năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 87.291 tỷ đồng, tăng 14,2% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,6%) so với cùng kỳ năm trước.

6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 12 ước đạt 7.286 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 12 tháng ước đạt 75.679 tỷ đồng, tăng 13,9%. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 26.280 tỷ đồng, tăng 12,0%, là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34,7%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 10.082 tỷ đồng, giảm 0,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 9.881 tỷ đồng, tăng 11,1%.

6.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 ước đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 12 tháng ước đạt 11.612 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 84 tỷ đồng, tăng 16,5%; dịch vụ ăn uống đạt 3.558 tỷ đồng, tăng 20,6%; dịch vụ khác đạt 7.963 tỷ đồng, tăng 15,0%.

6.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 12 ước đạt 988 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 15,2% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 144 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,5%, so với cùng kỳ tăng 21,3%; vận tải hàng hoá đạt 622 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 216 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 11,0% so với cùng kỳ.

Tính chung 12 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 10.706 tỷ đồng, tăng 21,2% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,2%) so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 1.557 tỷ đồng, tăng 26,0%; vận tải hàng hoá đạt 6.798 tỷ đồng, tăng 22,5%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2.291 tỷ đồng, tăng 14,9%.

6.4. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 10.514 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn, có mức tăng cao như: Hàng dệt may tăng 15,9%; linh kiện điện tử và máy văn phòng tăng 19,8%; phụ tùng ô tô tăng 10,7%; giày dép các loại tăng 16,9%.

Giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 8.255 triệu USD tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu cho sản xuất như: Phụ kiện, linh kiện điện tử tăng 18,5%; ô tô và phụ tùng ô tô tăng 10,1%; vải và nguyên phụ liệu may mặc tăng 10,9%; da và nguyên liệu giầy dép tăng 11,7%; đá quý, kim loại quý tăng 33,8%.

  1. Chỉ số giá tiêu dùng

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 12 giảm 0,36% so với tháng trước; tăng 2,41% so với tháng 12 năm trước; bình quân cả năm 2022 tăng 2,46% so với bình quân cùng kỳ. Nguyên nhân làm cho giá tiêu dùng giảm là do: (1) giá xăng, dầu giảm theo giá nhiên liệu thế giới; (2) giá thịt lợn hơi giảm do tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt; (3) nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang đông.

Giá vàng tháng 12 có xu hướng tăng, chỉ số giá vàng tăng 0,90% so tháng trước; tăng 3,52% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 12 tháng năm 2022 tăng 2,50%. Tính đến ngày 23/12/2022, bình quân giá vàng là 5.409 ngàn đồng/ 1 chỉ và tăng 48 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.390 – 5.420 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 2,46% so với năm trước. Một số nguyên nhân làm tăng CPI tăng trong năm 2022:

– Giá xăng dầu được điều chỉnh 33 đợt, trong đó có 16 lần tăng, 16 lần giảm giá và 1 lần giữ nguyên; bình quân tăng 27,72% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,09 điểm%.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân tăng 10,47% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,13 điểm%.

– Nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân  tăng 3,20% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,16 điểm%.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở  tăng bình quân 11,58% so năm trước, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,15 điểm%.

– Giá các mặt hàng thực phẩm tăng bình quân 3,58% so với năm trước, làm CPI tăng 0,81 điểm%.

  1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khan cho khách hang vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%…Mặt bằng lãi suất huy động tăng, trong đó có một số kỳ hạn tăng từ 0,5-3,0%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm và tăng nhẹ trong quý 3 và quý 4 năm 2022 sau khi Ngân hàng nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành vào ngày 23/9 và 24/10.

Lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức 6-9,6%/năm đối với ngắn hạn và từ 8,5-12,0%/năm đối với trung dài hạn.

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động ước đến 31/12/2022 đạt 161.100 tỷ đồng, tăng 6,0% so với năm trước; trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng giảm 6,3%. Tiền gửi dân cư vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 85% tổng nguồn huy động trên địa bàn.

Hoạt động tín dụng: Tăng trưởng mạnh so với cuối năm trước, tổng dư nợ tín dụng ước đến 31/12/2022 đạt 122.600 tỷ đồng, tăng 15,0% so với năm trước; tiếp tục tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chất lượng tín dụng cơ bản bảo đảm. Nợ xấu nội bảng chiếm 0,8% tổng dư nợ.

Các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh khoản, về cơ bản chấp hành tương đối tốt các tỷ lệ giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

  1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 19.310 tỷ đồng; bằng 91,6% so với cùng kỳ, trong đó:

– Thu nội địa: Ước đạt 16.007 tỷ đồng, bằng 87,0% so với thực hiện năm trước, gồm: Thu từ DN đầu tư nước ngoài ước đạt 4.146 tỷ đồng (giảm 324 tỷ đồng); các khoản thu về nhà, đất ước đạt 4.767 tỷ đồng (giảm 1.089 tỷ đồng).

– Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước đạt 3.250 tỷ đồng, bằng 122,9% (tăng 606 tỷ đồng) so với thực hiện năm trước.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 ước đạt: 16.359 tỷ đồng, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng chi do tăng thu tiền sử dụng đất và tăng thu thường xuyên năm 2022; kinh phí ngân sách trung ương bổ sung.

Chi đầu tư phát triển ước đạt 5.446 tỷ đồng, bằng 105,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chi đầu tư phát triển là do chuyển số dư tạm ứng từ năm trước chuyển sang thực thanh toán năm 2022, số dư dự toán đầu tư xây dựng cơ bản của các cấp ngân sách và bổ sung số tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022, nguồn tăng thu thường xuyên năm 2022 bổ sung cho vốn đầu tư.

Chi thường xuyên ước đạt 10.881 tỷ đồng, bằng 102,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chi tại các sự nghiệp chủ yếu do chi từ nguồn tăng thu thường xuyên năm 2022 và một số nhiệm vụ chi phát sinh.

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1.Văn hóa, thể thao

Văn hóa;  Năm 2022 Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng toàn diện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, nhiều tấm gương sáng trong phong trào được biểu dương, lan toả vào đời sống xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình về Phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa ước đạt 92%, tỷ lệ cơ quan văn hóa đạt 86%, đạt mục tiêu đề ra.

Tổ chức triển khai thực hiện nội dung Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy về “Phát huy giá trị văn hóa Xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, bảo đảm tiết kiệm, an toàn dịch bệnh. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn như: 92 năm thành lập Đảng, 77 năm ngày Quốc khánh, 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 92 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ…. Tổ chức tốt các nghi lễ truyền thống mùa Xuân tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022; giới thiệu và phát hành Bộ Lịch sử tỉnh Hải Dương (từ khởi thủy đến năm 2015); tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian, truyền thống và các giải thể thao trong Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chào mừng SEA Games 31…

Triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đẩy mạnh thực hiện số hóa di sản văn hóa; thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích trên địa bàn tỉnh.

 Thể thao; Hải Dương đăng cai tổ chức thành công môn Bóng bàn SEA Games 31 tại Hải Dương; tổ chức 17 giải thể thao trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX năm 2022. Các vận động viên của tỉnh tích cực tham gia thi đấu các giải trẻ, giải vô địch toàn quốc, giải các đội mạnh quốc gia, đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thành tích theo kế hoạch giao (đạt 71 HCV, 80 HCB, 88 HCĐ).

Đặc biệt, tại SEA Games 31, đã đạt 11 HCV, 7 HCB, 5 HCĐ ở 7 môn thi đấu (Đua thuyền Rowing; đua thuyền Canoeing; Bóng bàn; Bắn súng; Bắn cung; Pencak silat; Lặn), phá 2 kỷ lục SEA Games 31 môn Lặn và thành tích của Hải Dương đứng thứ 5 toàn quốc.

Tiếp tục hoàn thiện, khai thác và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Xây dựng khung chương trình tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao đối với các thiết chế văn hoá cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu hưởng thu của nhân dân.

  1. Y tế

2.1. Công tác phòng chống dịch Covid-19

Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các ngành, địa phương hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện linh hoạt, có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Qua đó, tạo điều kiện tốt cho học sinh được tới trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhịp sống xã hội trở lại trạng thái bình thường mới đã củng cố niềm tin, tạo sự an tâm, an toàn đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Từ đầu năm đến nay (tính đến 18/12/2022), tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 364.616 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 364.414 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh; từ đầu dịch đến nay, có 145 ca tử vong (Các trường hợp tử vong đa số mắc bệnh nền và chưa tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đầy đủ vắc xin phòng Covid-19).

Chương trình tiêm chủng Covid-19: Tổng số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm là 1.344.063 người, trong đó số người đã tiêm mũi 3 là 1.083.040 người (đạt 80,58%), tiêm mũi 4 là 228.953 người (đạt 17,03%); Trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm là 157.641 người, trong đó số trẻ tiêm mũi 3 là 116.454 người (đạt 73,87%); Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 là 210.151 trẻ (đạt 88,37%), 164.792 trẻ tiêm mũi 2 (đạt 69,3%).

2.2. Các công tác khác

Công tác dân số, y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ tham gia BHYT ước đạt 91,75% dân số, đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (Quyết định số 564/QĐ-TTg ngày 29/4/2022), nhưng không đạt mục tiêu đề ra (KH năm 92%).

Xây dựng và thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19, kế hoạch đảm bảo công tác y tế; triển khai sử dụng phần mềm quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái trong phòng chống dịch, đạt được những kết quả tích cực, đến nay được kiểm soát tốt.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, an toàn thực phẩm, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn. Triển khai các bước đấu thầu thuê hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Chỉ đạo thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi (Bệnh Thủy đậu ghi nhận 61 trường hợp mắc, tăng 29 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021; Bệnh Tay chân miệng 250 trường hợp mắc, tăng 202 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021; Bệnh Sốt xuất huyết Dengue 461 trường hợp mắc, trong đó có 126 trường hợp ngoại lai và 335 trường hợp nội địa, tăng 376 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. Không ghi nhận trường hợp tử vong).

Quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

  1. Giáo dục

Năm 2022,  Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chỉ đạo thực hiện các chương trình giáo dục đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-9; các hoạt động giáo dục đã diễn ra bình thường. Hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư; hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cấp, cải thiện. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023, thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức thành công. Công tác triển khai chương trình GDPT 2018 được tích cực triển khai thực hiện.

Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quan tâm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, khát vọng cống hiến, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng xã hội học tập.

Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, nâng cao (Năm 2022, 12/12 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 05 tuổi; đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ, chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định được vị trí; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, với 82/101 học sinh dự thi đạt giải (02 giải Nhất, 27 giải Nhì, 20 giải Ba và 33 giải Khuyến khích. Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia, Hải Dương có 02 dự án tham gia đạt giải Nhì và giải Tư quốc gia) duy trì ở vị trí tốp 5 trên bảng xếp hạng học sinh giỏi toàn quốc.

Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; tuy nhiên, số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia còn thấp (đến nay mới có 661 trường), đến cuối năm 2022 ước đạt tỷ lệ 78,5%, không đạt mục tiêu đề ra (KH năm 82,8%).

  1. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Giải quyết việc làm: Tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Hỗ trợ đào tạo cho người lao động để chuyển đổi nghề và lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc được hỗ trợ đào tạo.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%, vượt mục tiêu đề ra (KH năm 28,3%).

Thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tăng tần suất và nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm.

Theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Giữ ổn định và phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; tăng cường công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ước thực hiện cả năm, giải quyết việc làm mới cho 41.166 lao động (KH năm 36.000 lao động), tăng 14,4% so với năm trước; trong đó, đưa 10.013 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (KH năm 4.500 lao động). Tổ chức 102 phiên giao dịch việc làm (78 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 13 phiên GDVL lưu động, 09 phiên GDVL online, 02 phiên GDVL tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Nam Sách và Thị Đoàn Kinh Môn), thu hút sự tham gia của 1.652 lượt doanh nghiệp, kết quả có 3.687 người nhận được việc làm sau.

Thực hiện cho vay 241,6 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho 4.437 lao động; hỗ trợ 39,96 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 26.040 người lao động trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ học nghề đối với 108 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng kinh phí 642 triệu đồng; quản lý và cấp phép cho lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh (Tiếp nhận 1.818 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, trong đó: cấp mới giấy phép lao động cho 1.215 người; cấp lại 103 người; gia hạn 11 người; hồ sơ không đủ điều kiện cấp giấy phép lao động là 489 người. Thông báo không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 05 người. Thẩm định và chấp thuận cho 539 doanh nghiệp với 1.063 vị trí).

Đảm bảo an sinh xã hội: Chính sách người có công với cách mạng được quan tâm đặc biệt và triển khai thực hiện tốt, đã trở thành phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ, công khai, minh bạch chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; chỉ đạo quyết liệt giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công. Triển khai hỗ trợ kinh phí đối với 1.886 hộ gia đình người có công thuộc Đề án giai đoạn 2 đã thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, trong đó năm 2022 vốn ngân sách tỉnh đã bố trí 86,52 tỷ đồng.

Tập trung hoàn thiện thủ tục, triển khai nhanh, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xây dựng và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ việc làm bền vững thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, hộ cận nghèo. Các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội đặc thù nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 được quyết liệt triển khai. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025…, tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh. Năm 2022, tuy không được NSTW hỗ trợ, nhưng tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí chi thường xuyên là 619,4 tỷ đồng để thực hiện chương trình; ngoài ra, đã bổ sung tăng nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh là 20,0 tỷ đồng để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022 là 1,75%, giảm 0,4% so với kết quả rà soát năm 2021 và phát sinh năm 2022 (2,15%), đạt mục tiêu đề ra (KH năm 1,75%); tỷ lệ hộ cận nghèo theo kết quả rà soát năm 2021 và phát sinh năm 2022 là 2,24%.

  1. Bảo vệ môi trường

Vi phạm môi trường: Tháng 12, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm môi trường, chủ yếu là đổ rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, khai thác đất trái phép, Thải khí thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, tổng số tiền xử phạt là 193,3 triệu đồng.

Tính chung năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 362 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, với tổng số tiền xử phạt là 6.024,01 triệu đồng; so với năm trước tăng 122 vụ, số tiền xử phạt tăng 2.135,91 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không phát sinh thiên tai. Tính chung năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ thiệt hại do thiên tai gây ra, làm chết 02 người (do sét đánh), 1.000 ha lúa bị chết rét, 6.000 con gà dị chết do sét đánh, 40 ngôi nhà bị hư hại.

  1. Trật tự an toàn xã hội

Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ; chủ động nắm tình hình, giải quyết kịp thời vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện, tình hình phức tạp trong tôn giáo…, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp, truy nã tội phạm thu được nhiều kết quả quan trọng, không để tội phạm lộng hành. Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự được tăng cường, gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công trực tuyến.

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy tại thành phố Hải Dương, vụ cháy không gây thiệt hại về người, tổng thiệt hại ước tính khoảng 600 triệu đồng.

Tính chung năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy, nổ làm bị thương 03 người, thiệt hại ước tính khoảng 5.004 triệu đồng.

 Về tai nạn giao thông: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 10 người, làm 09 người bị thương.

Tính chung năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 157 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 127 người, làm bị  thương 68 người; so với cùng kỳ năm 2021, giảm 11 vụ (-6,6%), giảm 01 người chết (-0,8%) và giảm 14 người bị thương (-17,1%).

Trong năm 2022 không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 05 vụ, làm 10 người chết. Các loại hình giao thông xảy ra tai nạn như sau:

– Tai nạn giao thông đường bộ: Xảy ra 149 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 120 người, bị thương 67 người; so với năm trước, số vụ giảm 13 vụ (-8,0%), giảm 04 người chết (-3,2%), giảm 14 người bị thương (-17,1%).

– Tai nạn giao thông đường sắt: Xảy ra 07 vụ, làm chết 06 người, 01 người bị thương; so với năm trước, số vụ tai nạn giao thông đường sắt tăng 05 vụ (250%), số người chết tăng 05 người (500%).

– Tai nạn đường thuỷ nội địa: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người; so với cùng kỳ năm 2021, giảm 03 vụ (-75%), giảm 02 người chết (-67%).

Trên đây là Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội trong tháng 12 và cả năm 2022 của tỉnh Hải Dương./.