Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2019

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát, cơ bản không phát sinh ổ dịch mới; hoạt động thu hút đầu tư khá cao do UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng cao.

I. Kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tháng 11 năm 2019 là tập trung gieo trồng và chăm sóc cây rau mầu vụ đông.

1.1. Trồng trọt

Sản xuất vụ mùa năm 2019; vụ mùa năm nay diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng phát triển, mặc dù nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng có mưa xen kẽ, cây lúa sau khi gieo cấy, nông dân tích cực chăm bón nên lúa bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh tập trung, đảm bảo số dảnh hữu hiệu, lúa tương đối tốt, đồng đều. Tổng hợp kết quả sơ bộ năng suất lúa vụ mùa năm 2019 đạt 57 tạ/ha, tăng 6,2% (+ 3,3 tạ/ha). Đến nay, việc thu hoạch lúa vụ mùa cơ bản được các địa phương thực hiện xong.

Năng suất ngô ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Các loại rau màu vụ mùa năm 2019, năng suất trung bình đạt 216 tạ/ha, tăng 1%; sản lượng ước đạt 150.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết tương đối thuận lợi đối với nhóm rau lấy lá và rau lấy củ nên năng suất trung bình của hai nhóm rau này cao hơn cùng kỳ năm trước. Một số loại rau có năng suất tăng so vơi cùng kỳ năm trước như: bắp cải (+4,67 tạ/ha), su hào (+1,21 tạ/ha), mướp (+0,75 tạ/ha),…

Sản xuất vụ đông năm 2020; thời tiết diễn biến thuận lợi, thời tiết hanh khô tạo điều kiện thuận lợi cho công tác làm đất gieo trồng cây vụ đông. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 11/2019, tổng diện tích gieo trồng cây rau mầu vụ đông của toàn tỉnh ước đạt 20.000 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây khoai lang ước đạt 470 ha, tăng 2%, cây rau các loại ước đạt 15.000 ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

1.2. Chăn nuôi

Trâu, bò: tại thời điểm 31/11/2019, đàn trâu ước đạt 4.250 con, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 11 tháng ước đạt 462 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đàn bò có xu hướng tăng do hiệu quả chăn nuôi bò thương phẩm đạt khá nên người chăn nuôi có xu hướng mở rộng qui mô, nhiều mô hình chăn nuôi bò thương phẩm qui mô lớn được mở rộng ở nhiều địa phương. Tổng đàn bò ước đạt 21.400 con, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 11 tháng ước đạt 1.562 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Lợn: trong 11 tháng, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay, tình hình dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát, cơ bản không phát sinh ổ dịch mới, một số địa phương đã công bố hết dịch; tuy nhiên, việc tái đàn gặp khó khăn do đàn lợn giống khan hiếm, đàn lợn khôi phục chậm.

Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/11/2019 ước đạt 220.000 con, giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 11 tháng ước đạt 48.000 tấn, giảm 42,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Gia cầm; trong tháng 11, giá gà xuất chuồng duy trì ở mức thấp, hiệu quả chăn nuôi gà đạt thấp; tuy nhiên, do dịch tả lợn châu phi bùng phát, chăn nuôi lợn giảm mạnh, nhiều hộ trang trại, gia trại chuyển sang nuôi gà để bù đắp chi phí thua lỗ trong nuôi lợn và duy trì quy mô chuồng trại đã xây dựng, nên đàn gia cầm tăng khá so với cùng kỳ năm 2018. Tại thời điểm 31/11/2019, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 12.850 nghìn con, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó đàn gà ước đạt 9.850 nghìn con tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đàn gà được duy trì, phát triển tốt do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 11 tháng ước đạt 33.400 tấn, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng trứng ước đạt 137.000 nghìn quả, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

1.3. Lâm nghiệp

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiếp tục đóng cửa rừng không cho khai thác trong năm 2019, nên không có sản lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, chỉ có sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán; sản lượng khai thác củi chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán… Ước tính trong tháng 11, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 325 m3, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng khai thác củi ước đạt gần 4.000 ster, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán.

1.4. Thuỷ sản

Trong tháng 11, sản xuất thủy sản trong tỉnh tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2018; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì và phát triển mạnh về số lượng lồng nuôi, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính… diễn biến thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá. lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển. Hiện nay, giống cá nuôi lồng chủ yếu là giống cá chất lượng cao như cá lăng, cá Diêu hồng, cá Trắm giòn, Chép giòn được các hộ đầu tư nuôi thả vì chất lượng cá ngon, được nhiều nhà hàng, thực khách chọn lựa.

2. Sản xuất công nghiệp

UBND Tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư trên địa bàn; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp…đã và đang là những động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh yên tâm sản xuất kinh doanh. Nhờ đó sản xuất công nghiệp của tỉnh những tháng cuối năm 2019 vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khả quan.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, sản xuất công nghiệp tháng 11 của tỉnh tăng 5,7%, trong đó ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung toàn ngành là sản xuất và phân phối điện với mức tăng 27,7%. Nguyên nhân là do nhu cầu điện sản xuất và tiêu dùng những tháng cuối năm tăng, cùng với đó doanh nghiệp nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc đại tu dây truyền sản xuất, trong khi đó miền bắc đã bước sang mùa hanh khô, thuỷ điện không còn ưu thế cạnh tranh như mùa mưa so với nhiệt điện. Thêm vào đó, do yếu tố mùa vụ nhu cầu hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm, đây là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng nên nhiều ngành sản xuất có chỉ số sản xuất tăng. Trong nhóm ngành chính còn lại, ngành khai khoáng tăng 9,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,6%.

So với cùng kỳ, dự ước sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 11 tăng 5,1%. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 22,4,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 3,3%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 6,0%.

Tính chung 11 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương 11 tháng đầu năm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định với mức tăng 9,9%. Trong nhóm ngành chính, ngành khoai khoáng giảm 5,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 6,8%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 14,6%.

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng điển hình như: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 18,7%; áo phông (T- shirt), áo may ô và các loại áo khác tăng 8,2%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 22,3%; bao bì và túi bằng giấy tăng 25,0%; sản phẩm bằng plactic còn lại chưa phân vào đâu tăng 29,7%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 23,7%; đinh, đinh mũ ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh) tăng 20,8%; mạch điện tử tích hợp tăng 19,3%; micro và các linh kiện của chúng tăng 27,8%; máy khâu loại dùng cho gia đình tăng 8,8%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 25,1%; điện sản xuất tăng 6,4%; nước uống được tăng 16,0%;…

2.2. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2019 tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 2,9% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng đầu năm tăng 3,0%. Các ngành có số lượng lao động tăng đó là: dệt tăng 20,5%; sản xuất trang phục tăng 2,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,0%; in, sao chép bản ghi tăng 4,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 1,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 6,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 28,3%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 4,2%.

Một số ngành có số lượng lao động giảm là khai khoáng giảm 9,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 10,4%; sản xuất đồ uống giảm 4,7%; chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 1,3%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 8,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 5,1%; sản xuất kim loại giảm 3,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 2,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 4,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 17,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 8,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 12,2%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,6%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 3,0%.

3. Hoạt động đầu tư

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 năm 2019 đạt 258 tỷ đồng đạt 11,8% kế hoạch năm, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 157 tỷ đồng, đạt 13,1% so với kế hoạch năm, tăng 132,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện  đạt 87 tỷ đồng, đạt 10,3% kế hoạch năm, giảm 25,2%; vốn ngân sách cấp xã đạt 14 tỷ đồng đạt 10,0% kế hoạch năm, tăng 94,4%.

Ước tháng 11, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 298 tỷ đồng, tăng 84,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 164 tỷ đồng, tăng 214,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 120 tỷ đồng, tăng 17,1%; vốn ngân sách cấp xã đạt 14 tỷ đồng, tăng 109,5%.

Tính chung 11 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.853 tỷ đồng, đạt 84,9% kế hoạch năm, tăng 26,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 988 tỷ đồng, đạt 82,5% kế hoạch năm, tăng 58,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 747 tỷ đồng, đạt 88,2% kế hoạch năm, giảm 1,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 118 tỷ đồng, đạt 86,2% kế hoạch năm, tăng 33,9%.

Về thu hút đầu tư, trong 11 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 60 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép mới với số vốn đăng ký 428,3 triệu USD. Trong đó hầu hết các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chỉ có 6 dự án thuộc ngành thương mại, dịch vụ chủ yếu của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Samoa.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Thị trường trong tỉnh duy trì sự ổn định, hàng hóa dịch vụ phong phú, đa dạng; giá cả các nhóm hàng hóa thiết yếu không có tăng, giảm đột biến. Công tác quản lý thị trường được tăng cường.

Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, tổ chức tốt Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2019, ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản của một số địa phương. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử Hải Dương” thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Tháng 11 năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt khoảng 4.532 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,1% và tăng 17,4% so với cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành hàng; nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất đạt 1.577 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 589 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước, tăng 11,1% so với cùng kỳ, nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, đạt 706 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 44.928 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá, doanh thu  bán lẻ hàng hóa 11 tháng tăng 7,0%.

Phân theo nhóm ngành hàng; nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 34,5% trong tổng số và đạt 15.479 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm trước; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 5.993 tỷ đồng, chiếm 13,3% trong tổng số, tăng 11,0% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 15,0% trong tổng số, đạt 6.755 tỷ đồng, tăng 14,0% so với năm trước.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11 ước đạt 780 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước; tăng 13,0% so với cùng kỳ. Trong đó; dịch vụ lưu trú đạt xấp xỉ 30 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước, tăng 13,2% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 337 tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 413 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Mười một tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 8.330 tỷ đồng; tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế; dịch vụ lưu trú đạt 302 tỷ đồng, chiếm 3,6% trong tổng số và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 3.631 tỷ đồng, chiếm 43,6% tổng số và tăng 10,4%; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.385 tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng số, tăng 10,1% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng cuối cùng đạt 925 tỷ đồng, chiếm 11,1% trong tổng số, tăng 12,2% so với cùng kỳ; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ (trừ dịch vụ lữ hành) đạt 1.227 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng số, so với cùng kỳ tăng 6,2%; dịch vụ khác đạt 1.281 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng số, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 11 ước đạt 917 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 1,8%, tăng 10,1% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 115 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,2%, so với cùng kỳ tăng 10,7%; vận tải hàng hoá đạt 714 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Ước tính 11 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 9.426 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 9,7%; trong đó, vận tải hành khách đạt 1.247 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 11,7%; vận tải hàng hoá đạt 7.268 tỷ đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 902tỷ đồng, tăng 3,6%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 11 ước đạt 2,9 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 1,5% và tăng 4,0% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 138 triệu hành khách.km, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ. Mười một tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 31,8 triệu hành khách, so với cùng kỳ tăng 10,4%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 1.318 triệu hành khách.km tăng 9,1% so với cùng kỳnăm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 11 ước đạt 13,3 triệu tấn, so với tháng trước tăng 1,8% và tăng 7,8% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 762,1 triệu tấn.km, tăng 1,1% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ. Mười một tháng đầu năm khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 128 triệu tấn, so với cùng năm trước tăng 9,3%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 8.389 triệu tấn.km, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

II. Một số vấn đề xã hội

1. Văn hóa, thể thao

Văn hóa; Hoạt động văn hóa, nghệ thuật tháng 10 tập trung vào chào mừng các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại của tỉnh. Các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng được tổ chức rộng khắp từ các địa phương với nội dung phong phú, đa dạng. Nhiều sự kiện được tổ chức với quy mô lớn và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Một số chương trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu như: Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các hoạt động chào mừng thành phố Hải Dương được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh lần thứ V nhiệm kỳ 2019-2024…v.v

Thể thao; trong tháng từ ngày mùng 7 đến ngày 11/10, Hội nông dân tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức thành công vòng chung kết Giải bóng chuyền Bông lúa vàng tỉnh Hải Dương lần thứ 12, cúp Agribank 2019.

Sáng 18/10, tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khai mạc Giải bóng chuyền hơi người trung, cao tuổi lần thứ III năm 2019.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 tại Philippines từ ngày 20/11 – 12/12/2019 có 856 thành viên. Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao Hải Dương có 1 huấn luyện viên và 11 vận động viên tham gia.

2. Y tế

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 9 tháng đầu năm tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin VGBSS, BCG, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hib, phòng bệnh bại liệt, vắc xin sởi mũi 1 đạt chỉ tiêu kế hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 15 cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân. Qua tổng hợp thống kê từ các đơn vị cho thấy 100% các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đã đang sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia và thực hiện báo cáo theo qui định. Tuy nhiên, do cán bộ thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng không được bố trí ổn định, thường xuyên thay đổi, nên việc tập huấn cập nhật sử dụng phần mềm chưa được thường xuyên, còn gặp một số bất cập trong khi sử dụng.

Vào tháng 10, thời tiết thay đổi thất thường, các loại virus gây bệnh phát triển mạnh kéo theo nguy cơ bệnh dịch có thể bùng phát, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người cao tuổi như: cảm cúm, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng…vv

Công tác phòng chống dịch bệnh đã và đang được ngành y tế tăng cường, chỉ đạo phòng chống các bệnh truyền nhiễm theo mùa, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch sát với tình hình thực tế địa phương, tăng cường công tác thanh, kiểm tra VSATTP, công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng chống bệnh dịch cho người dân và cộng đồng. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế, hoạt động khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến TW được triển khai áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều kỹ thuật tuyến tỉnh được triển khai áp dụng tại tuyến huyện.

3. Giáo dục

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa lựa chọn 311 cán bộ, giáo viên cốt cán cấp tiểu học (40 cán bộ quản lý, 271 giáo viên). Đây là lực lượng nòng cốt sẽ tham gia thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới thời gian tới. Cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đều là người có uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm hỗ trợ đồng nghiệp bồi dưỡng thường xuyên, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Họ có năng lực tốt về quản lý, kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục…

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), học kỳ II năm học này, ngành sẽ triển khai hệ thống quản lý trường học trực tuyến chung. Giai đoạn 1 từ tháng 10 – 12/2019, ngành thiết lập hệ thống mới và thực hiện chuyển đổi dữ liệu từ các phần mềm quản lý khác. Thời gian này, đưa hệ thống mới vào vận hành song song với phần mềm hiện tại và chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện. Sở GDĐT, Phòng GDĐT các huyện, thành phố phối hợp với Viettel Hải Dương tổ chức tập huấn, đào tạo cho các cơ sở giáo dục nắm bắt, vận hành hệ thống. Giai đoạn 2 chính thức thay thế toàn bộ phần mềm quản lý điểm đang sử dụng sang hệ thống mới tại địa chỉ http://qlth.haiduong. edu.vn từ học kỳ II. Việc triển khai hệ thống quản lý trường học trực tuyến chung nhằm khắc phục những hạn chế như mỗi đơn vị sử dụng một phần mềm khác nhau gây khó khăn trong tổng hợp, báo cáo, thống kê, phân tích số liệu phục vụ công tác quản lý.

4. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh phát hiện 9 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 7 vụ, số tiền xử phạt là 178,2 triệu đồng. Đặc biệt là UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính cả người  khai thác cát trái phép và người mua tại huyện Nam Sách trên 160 triệu đồng. Tính chung 10 tháng đầu năm đã phát hiện 122 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 110 vụ với tổng số tiền phạt 1.903 triệu đồng.

5. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; trong tháng Mười, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, nổ không có thương vong về người nhưng thiệt hại ước tính 560 triệu đồng. Tính chung 11 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy, nổ làm chết  02 người thiệt hại ước tính 202.724 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông; mười tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 201 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 189 người, làm bị thương 93 người; so với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT tăng 25 vụ (tăng 14,2%) ; tăng 32 người chết (tăng 21,2%) và tăng 11 người bị thương (13,4%) ; trong đó: TNGT đường bộ xảy ra 189 vụ, làm 181 người chết và 89 người bị thương; TNGT đường sắt xảy ra 05 vụ, làm 07 người chết, 04 người bị thương; TNGT đường thủy nội địa xảy ra 07 vụ, làm 01 người chết, không có người bị thương./.