BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 8 NĂM 2023 TỈNH HẢI DƯƠNG

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, làm cho nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức thấp. Vì vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của cả nước nói chung và của Tỉnh nói riêng chưa có dấu hiệu hồi phục.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 là chăm sóc cây lúa vụ mùa và thu hoạch và mở rộng diện tích trồng cây rau màu vụ hè thu, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

1.1. Trồng trọt

Tính đến hết tháng 8, các địa phương đã gieo cấy xong diện tích lúa vụ mùa. Tổng diện tích gieo cấy lúa vụ mùa ước đạt 54.000 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,2%; cây rau các loại vụ hè thu đạt trên 6.000 ha, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thời tiết từ đầu vụ khá thuận lợi, tạo điều kiện tốt cho cây lúa, cây rau các loại sinh trưởng, phát triển. Tình hình sâu bệnh năm nay phát sinh ở mức độ thấp hơn năm trước; diện tích lúa bị chuột gây hại giảm (diện tích lúa bị chuột gây hại ước trên 200 ha, trong khi năm trước là trên 400 ha).

Hiện nay, nông dân đang tích cực chăm sóc, thu hoạch cây rau hè thu để chuẩn bị tiến hành gieo trồng cây vụ đông sớm. Rau màu hè thu năm nay sinh trưởng, phát triển tương đối thuận lợi. Một số diện tích cây rau đã cho thu hoạch có năng suất ước đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trong tỉnh ổn định, không sẩy ra dịch bệnh. Giá bán thịt hơi (cả lợn và gia cầm) tăng, hiệu quả kinh tế đạt khá, người chăn nuôi tập trung tái đàn, mở rộng qui mô sản xuất. Chăn nuôi qui mô lớn trong các doanh nghiệp, trang trại cho hiệu quả kinh tế cao, được duy trì phát triển tốt.

Đàn lợn thịt tại thời điểm 31/8/2023 ước đạt 287.500 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 8 đạt 5.720 tấn, tăng 6,7%. Tính chung 8 tháng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 44.372 tấn, tăng 6,7%.

Đàn gia cầm tăng khá; do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra. Ước tại thời điểm 31/8/2023 tổng đàn đạt 16.307 nghìn con, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 11.971 nghìn con tương đương năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 8 ước đạt 5.986 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 45.748 tấn, tăng 4,8%.

Đàn trâu giảm nhẹ, đàn bò tăng ổn định. Tính chung 8 tháng, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 601 tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 8 tháng ước đạt 1.190 tấn, tăng 3,6%.

1.3. Thủy sản

Trong tháng 8, sản xuất thủy sản đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm mặt nước nuôi trồng.

Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như: Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính…

Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt 12.500 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt trên 9.050 tấn, tăng trên 7,6%; tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 68.400 tấn, tăng 7,3%.

2. Sản xuất công nghiệp

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, làm cho nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức thấp. Vì vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của cả nước nói chung và của Tỉnh nói riêng chưa có dấu hiệu hồi phục. Sự sụy giảm nhu cầu ở cả thị trường trong nước từ đầu quý III tiếp tục “kéo” giảm nỗ lực duy trì sản xuất công nghiệp hiện nay.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng 102,1%; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 0,2%.

So với cùng kỳ, Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 105,2% với một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng đáng kể như: Thức ăn chăn nuôi tăng 2,8%; Sản phẩm bằng plastic tăng 2,1%; Xe ô tô từ 5 người trở lên tăng 47,5%; bộ dây điện cho xe có động cơ tăng 26,6%, điện sản xuất tăng 55,9%, nước sạch tăng 8,3%.

Tính chung 8 tháng đầu năm, Chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 107,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 19,4%. Một số ngành có tỷ trọng lớn tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 22,3%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 3,2 điểm%; sản phẩm chủ yếu gồm: Xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên tăng gấp đôi; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 16,1%. Trong tháng 7, để kiểm soát tồn kho, công ty TNHH Ford Việt Nam đã giảm sản lượng sản xuất, sang tháng 8 số lượng xe lắp ráp đã tăng trở lại (tăng 43% so với tháng trước).

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,4%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 2,5 điểm%. Sản xuất điện tăng cao trong các tháng cao điểm nắng nóng của quý II. Dù hiện nay các nhà máy thuỷ điện đã hoạt động ổn định trở lại, nhưng sản lượng nhiệt điện sản xuất của Tỉnh vẫn ổn định (khoảng 0,9 đến 1 tỷ KWh/tháng) do nhu cầu sử dụng điện trong các khung giờ cao điểm vẫn khá cao.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 4,5%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,9 điểm%; trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 1,6%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy… tăng 10,6%. Đây là ngành chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên nhu cầu giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… làm cho hoạt động sản xuất giảm.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,4%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%; trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 12,8%. Thời gian gần đây, giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng trở lại, trong khi giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm, người chăn nuôi có lãi nên nhu cầu tiêu thụ tăng.

– Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và ngành sản xuất kim loại giảm lần lượt 5,5% và 1,8%; làm chỉ số chung giảm 0,6 điểm%. Hoạt động đầu tư, xây dựng sụt giảm nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng ở mức thấp.

– Sản xuất than cốc giảm 21,8%; tác động làm chỉ số chung giảm 0,4 điểm%. Do Công ty CP Thép Hòa Phát sụt giảm sản lượng thép làm cho nhu cầu than cốc giảm theo.

– Ngành may mặc, giày dép, sản xuất gỗ, sản xuất đồ chơi do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều giảm do tình hình lạm phát cao và  “sức mua” giảm. Hiện nay, thị trường thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, nên đa số các doanh nghiệp trong các ngành này thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. Sản lượng sản xuất của các ngành này lần lượt giảm 9,0%; 4,8%; 11,8%; 5,2% đã tác động làm chỉ số chung giảm 1,0 điểm%.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2023 bằng 100,6% so với tháng trước, bằng 90,9% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 94,2%. Nguyên nhân suy giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, điện tử, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Một số ngành có sử dụng lao động giảm khá nhiều trong 8 tháng đầu năm là: Khai khoáng giảm 65,3%; sản xuất trang phục giảm 13,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,8%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 23,9%; sản xuất than cốc giảm 16,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 2,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 24,7%…

Chỉ một số ít các ngành có số lượng lao động tăng trong 8 tháng đầu năm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,3%; sản xuất đồ uống tăng 2,3%; dệt tăng 6,0%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 3,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,2%; sản xuất xe có động cơ (và phụ tùng) tăng 7,1%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 10,0%…

3. Hoạt động đầu tư

Khơi thông nguồn lực sẵn có, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh nhu cầu đầu tư đạt thấp như hiện nay. Với mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% trở lên, UBND tỉnh và các ngành liên quan đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thực hiện, thi công các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp so với cùng kỳ năm trước và so kế hoạch năm 2023.

Ước thực hiện tháng 8, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 477,8 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh giảm 15,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện giảm 3,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã giảm 17,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.617 tỷ đồng, giảm 6,0% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 44,7% kế hoạch năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt giảm 0,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện giảm 6,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã giảm 27,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm do vướng mắc về quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ dự án; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai dự án còn chưa kịp thời. Một số ít nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu về tư vấn thiết kế, giám sát xây dựng… Mặt khác, vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất nhưng hiện tại thị trường bất động sản trầm lắng nên cấp huyện, xã không đủ nguồn vốn triển khai dự án theo tiến độ. Những vướng mắc trên làm chậm thời gian triển khai dẫn đến chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, tạo nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công.

Một số công trình có vốn đầu tư thực hiện trong tháng 8 đạt cao như:

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 8/2023 đạt 49,4 tỷ đồng, chiếm 24% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 43% tổng mức đầu tư;

– Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 8/2023 đạt 26,2 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đến nay ước đạt 96,4% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với QL 37, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 8/2023 đạt 21,6 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 29% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn, ước thực hiện trong tháng 8/2023 là 40,3 tỷ đồng, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 89,8% tổng mức đầu tư;

– Cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối thành phố Hải Dương với vùng huyện Cẩm giàng, Bình giang, ước thực hiện tháng 8/2023 là 33,6 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư thực hiện ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 83,7% tổng mức đầu tư.

– Cải tạo, nâng cấp đường 395 (đoạn từ km16+750+km23+920) và đường dẫn đầu cầu cậy, đường tránh qua KDC xã Long Xuyên kết nối sang huyện Gia Lộc, ước thực hiện tháng 8/2023 là 44 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 8,9% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực, duy trì mức tăng trưởng khá, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Giá các mặt hàng thiết yếu tiếp tục được giữ ổn định, nguồn cung hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cho sản xuất… Tuy nhiên do ảnh hưởng của giá xăng, dầu biến động tăng nên giá một số hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng, tác động xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh và chi dùng của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tháng 8 đạt 8.007 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước; tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 8 đạt 1.093 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 61.069 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 7.928 tỷ đồng, tăng 15,8%.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 8 ước đạt 6.667 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 50.800 tỷ đồng, tăng 16,8%. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 33,2% trong tổng số và đạt 16.878 tỷ đồng, tăng 20,9%;

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,3% trong tổng số, đạt 7.255 tỷ đồng, tăng 18,9%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 6.683 tỷ đồng, tăng 9,2%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 8 ước đạt 1.340 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 10.269 tỷ đồng, tăng 10,2%. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 228 tỷ đồng, chiếm 2,2% trong tổng số, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ ăn uống đạt 3.340 tỷ đồng, chiếm 32,5% tổng số, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ đạt 56 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng số, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ khác đạt 6.646 tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng số, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. 

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 8, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 1.093 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước; tăng 14,4% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 191 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 663 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước, tăng 11,5% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 233 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước, tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Tám tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 7.928 tỷ đồng tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 39,0%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 10,7%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 14,2%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 14,2%.

5. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,30% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,04%; khu vực nông thôn tăng 0,45%); tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu năm CPI tăng 4,23% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 04 nhóm giảm giá. Trong 07 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông cao nhất với 4,06% làm cho CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,10% làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,07%; nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,06%; nhóm giáo dục tăng 0,01% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%.

Nguyên nhân tăng chủ yếu là chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2023 tăng 4,06% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm tăng chủ yếu ở các mặt hàng như giá xăng tăng 9,97%; dầu diezel tăng 15,91%; dầu mỡ nhờn tăng 0,56%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,14%; vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 15,71%; vận tải bằng hành khách bằng đường sắt tăng 3,58%.

Chỉ số giá nhóm thuốc và y tế tháng 8/2023 tăng 0,10% so với tháng trước, tác động chung làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, tăng chủ yếu ở các loại thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 1,55%; các loại thuốc về hệ nội tiết tăng 0,45%; thuốc về đường hô hấp tăng 0,21%….

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 8/2023 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng chủ yếu ở các mặt hàng về hỉ tăng 0,31%; hiếu tăng 0,25%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0,29%…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có chỉ số giá giảm so với tháng trước: thịt gia súc giảm 0,38%; dầu mỡ ăn và chất béo khác giảm 0,61%; thủy sản tươi sống giảm 0,47%; các loại đậu và hạt giảm 0,47%; rau tươi khô và chế biến giảm 0,79%; quả tươi chế biến giảm 9,43%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 1,22%.

Giá vàng tháng 8 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 0,76% so tháng trước; tăng 6,96% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,61%. Tính đến ngày 23/8/2023, bình quân giá vàng là 5.687 ngàn đồng/ 1 chỉ và tăng 43 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.674- 5.700 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này tăng 0,54% so với tháng trước; tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,49%.  Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.391.923 đồng/100USD, tăng 12.846 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.385.000 -2.398.000 đồng/100USD. 

6. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 15/8 ước đạt 12.288 tỷ đồng. Ước tổng thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 8 đạt 13.398 tỷ đồng, bằng 75,9% dự toán năm, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 11.195 tỷ đồng, tăng 0,2%; thu qua Hải quan đạt 2.181 tỷ đồng, tăng 23,1%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/8 ước đạt 10.484 tỷ đồng. Ước tổng chi ngân sách nhà nước hết tháng 8 đạt 11.032 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.168 tỷ đồng, giảm 13,6%; chi thường xuyên đạt 7.822 tỷ đồng, tăng 6,2%./.