Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 02 năm 2017

Các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong cây rau mầu vụ đông; đồng thời tranh thủ thời tiết nắng ấm khẩn trương làm đất gieo trồng lúa, rau mầu vụ chiêm xuân. Hoạt động sản xuất công nghiệp sau Tết sớm ổn định nên chỉ số sản xuất công nghiệp 02 tháng đầu năm tăng khá cao (+9,4%). Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Đến ngày 15/02, toàn tỉnh đã thu hoạch được 21.700 ha rau mầu vụ đông, bằng 106% so với cùng kỳ năm trước. Sơ bộ năng suất hầu hết các cây trồng vụ đông đều cao hơn so với năm 2016 (riêng cây khoai tây, do thời tiết vụ đông năm nay ấm, ít rét nên củ phát triển kém, năng suất thấp hơn)

Tình hình tiêu thụ nông sản vụ đông năm nay cơ bản thuận lợi, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn được bao tiêu sản phẩm đầu ra, bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ nông sản trong dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng mạnh, giá các loại rau, củ, quả tăng cao. Hiệu quả sản xuất cây vụ đông năm nay đạt khá. Những cây trồng đạt khá cả về sản lượng và giá trị như cây cà rốt, hành củ, cà chua….

Bên cạnh việc thu hoạch và tiêu thụ cây rau mầu vụ đông, các địa phương đang tích cực gieo cấy lúa chiêm xuân và trồng các loại cây rau, màu vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Đến ngày 15/02, toàn tỉnh đã gieo cấy được 54.350 ha lúa chiêm xuân, đạt 90,6% kế hoạch (sớm hơn so với cùng kỳ năm 2016 từ 7 đến 10 ngày); đã gieo trồng được 1.660 ha rau, màu vụ xuân, bằng 106,1% so với cùng kỳ; diện tích gieo trồng một số cây rau mầu chính như: cây ngô đạt 335 ha, cây lạc đạt 180 ha, bắp cải đạt 130 ha, dưa hấu đạt 140 ha…

Chăn nuôi trong tỉnh ổn định, không xuất hiện dịch bệnh. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đang triển khai công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm vụ đông xuân 2016 – 2017 cho các huyện, thành phố, thị xã.

Chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do giá thịt lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm, có thời điểm giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg (thấp nhất trong vòng 5 năm qua) làm cho người chăn nuôi lỗ từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Tổng đàn lợn của toàn tỉnh ước đạt 634.280 con; tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm mạnh so với thời điểm 01/10/2016. Nguyên nhân do từ giữa năm 2015 đến tháng 10/2016, giá thịt lợn hơi xuất chuồng luôn ở mức khá cao, người chăn nuôi có lãi nên nhiều hộ đã mở rộng quy mô nuôi; từ cuối tháng 11/2016 đến nay, nhiều hộ khi xuất chuồng đã không tái đàn để hạn chế thua lỗ làm cho tổng đàn giảm.

Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm, do hiệu quả chăn nuôi thấp, nhu cầu dùng sức trâu để cày kéo trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.500 con, giảm 5,9%; đàn bò ước đạt 20.498 con, giảm 2%  so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 10.541 nghìn con, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đàn gia cầm tăng là do thời gian qua trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra; giá thịt gà, nhất là gà ta, gà lai trọi luôn giữ ở mức khá và ổn định trong những tháng cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi liên tục giảm, người chăn nuôi có lãi nên đã mạnh dạn tái đầu tư, tăng số đầu con để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh ổn định, công tác vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh được duy trì thường xuyên nên cơ bản dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ, rải rác. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước được duy trì ổn định, ước đạt 10.965 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2016. Phương thức nuôi lồng bè tiếp tục được duy trì và mở rộng sản xuất; toàn tỉnh hiện có ước 2.944 lồng nuôi cá; tổng thể tích nuôi ước đạt 317.952 m­3.

Phương thức nuôi lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên người nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thấp, trong khi nguồn cung lại dồi dào do hầu hết các ao nuôi đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 11.511 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2016.

2. Công nghiệp

Thời gian nghỉ tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 01 và đầu tháng 02 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tháng chịu ảnh hưởng của đợt nghỉ Tết Âm lịch. Bên cạnh đó, tháng 02 lại là tháng có số ngày thấp nhất trong năm. Vì vậy so với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02 chỉ tăng 0,2%. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 0,7%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,5%; bên cạnh đó ngành khai khoáng giảm 4,4%.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02 tăng 18,9%. Trong đó, có mức tăng cao nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng  24,6%; tiếp đến là cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%; sản xuất và phân phối điện, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,7%; ngành khai khoáng giảm 26,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng này tăng khá so với cùng kỳ, một phần do tháng 02 năm nay có số ngày nghỉ lễ trong tháng ít hơn năm trước. Mặt khác, nền kinh tế cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát tốt, niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô tăng, sức mua được cải thiện, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng, hàng hóa và mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện cho cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh… đã tạo tiền đề cho sản xuất công nghiệp trong tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Đáng chú ý là đại đa số nhóm ngành sản xuất chủ lực như: dệt may, da giày, sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất xi măng, sắt thép, sản xuất điện tử, sản xuất xe có động cơ… đều có mức sản xuất tăng cao và khá cao.

Đối với ngành dệt may và ngành da giày, dù còn gặp phải nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng của các thị trường nhập khẩu là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản không cao. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia  với  việc doanh nghiệp những nước này có được các chính sách hỗ trợ bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm thu hút đơn hàng, khách hàng. Hay như việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP… đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm ước tăng 9,4%; trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,7%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 7,8%

Trong công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều ngành có lượng sản xuất tăng đó là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 28,5%; sản xuất trang phục tăng 37,3%; sản xuất than cốc tăng 12,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 18,3%; sản xuất clanke – xi măng tăng 8,9%; sản xuất kim loại tăng 68,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 12,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 14,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 17,4%;…

Ngoài ra ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,5%, nguyên nhân là do dây chuyền sản xuất I của nhà máy nhiệt điện đã xuống cấp, dù đã được cải tạo, trùng tu nhưng công suất không cao, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng, từ đó khó cạnh tranh với các đơn vị cung cấp điện khác.

3. Đầu tư – xây dựng

Ước tháng 02 năm 2017, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 48,6 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 37,6 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian qua, việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đã có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tạo môi trường thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 02 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2.390,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 129,2%, trong đó thu nội địa 2.197,9 tỷ đồng, bằng 137,9%; thu qua hải quan 193,0 tỷ đồng, bằng 75,2%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15 tháng 02 ước đạt 2.035,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 99,1% ; trong đó, chi thường xuyên 1.711,9 tỷ đồng, bằng 94,9%.

5. Thương mại, giá cả, dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 02 ước đạt 3.692,2 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 02 tháng đầu năm ước đạt 7.369,3 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực Nhà nước giảm 2,9%; tập thể tăng 5,4%; cá thể tăng 9,4%; tư nhân tăng 9,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 02 tháng đầu năm ước tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

5.2. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận chuyển hành khách 02 tháng đầu năm ước đạt 4,1 triệu hành khách, tăng 9,9%; luân chuyển ước đạt 246,2 triệu hành khách.km tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển hàng hóa 02 tháng năm ước đạt 10,4 triệu tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 735,0 triệu tấn.Km, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đường bộ ước đạt 5,9 triệu tấn, chiếm 57,1% và tăng 9,8% (luân chuyển chiếm 30,3% và tăng 9,8%); đường sông ước đạt 4,3 triệu tấn, chiếm 41,9% và tăng 5,9% (luân chuyển chiếm 61,8% và tăng 5,8%); đường biển đạt khoảng 0,1 triệu tấn, chiếm 1,0% và giảm 5,0% (luân chuyển chiếm 7,9% và giảm 5,1%).

5.3. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 02 giảm 0,04% so với tháng trước; tăng 5,33% so với cùng kỳ (tháng 02/2016); bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,65% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Theo quy luật, tháng sau Tết Nguyên đán, mọi nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm, do đó chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm nhẹ. Các mặt hàng rau, củ, quả do đúng vụ nên giảm mạnh; nhóm hàng thịt lợn vẫn tục giảm nhẹ.

Mặt hàng xăng dầu, gas đun tăng giá theo xu hướng thế giới và điều chỉnh giá của nhà nước (ngày 18/2); một số mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng tăng do nhu cầu khởi công đầu năm; một số mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm như thịt bò, thủy hải sản tươi sống tăng do nhu cầu tiêu dùng cao dịp sau Tết./.