Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 01 năm 2017

Diện tích gieo trồng vụ đông năm 2017 giảm so với vụ đông năm 2016; năng suất các loại cây rau lấy lá cao hơn năm trước, nhưng giá bán đều giảm, nên hiệu quả kinh tế không tăng. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định nhưng do ảnh hưởng kỳ nghỉ Tết nên IIP tăng 5,5% so với cùng kỳ. Thương mại dịch vụ tăng khá, giá cả các mặt hàng ít biến động so với các tháng trước.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng là tập trung thu hoạch rau mầu vụ đông, chăm sóc mạ, bơm nước đổ ải, làm đất gieo trồng cây vụ chiêm xuân.          

Vụ đông năm 2017, toàn tỉnh gieo trồng được 21.809 ha, đạt 99,1 % so với kế hoạch (KH 22.000 ha), giảm 0,2% (- 46 ha) so với vụ đông năm 2016.

Nguyên nhân diện tích gieo trồng vụ đông năm nay giảm so với vụ đông năm 2016 là do một số nguyên nhân chính sau:

          Một là: do thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh, giá cả không ổn định nên bà con nông dân không mạnh dạn để mở rộng diện tích gieo trồng;

          Hai là: do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm không thuận lợi đối với một số loại cây trồng như: khoai tây, cà rốt, dưa hấu, dưa chuột, bí xanh,…nên diện tích trồng xen, trồng gối vụ giảm so với những năm trước;

          Ba là: do nguồn lao động trong nông nghiệp ngày một giảm, nông dân làm công nhân cho các nhà máy công nghiệp, dịch vụ nhằm mang lại thu nhập cao hơn.

Vụ đông năm nay, diện tích gieo trồng các loại rau lấy lá (rau cải các loại, bắp cải, súp lơ…) tăng khá (+382 ha), còn lại diện tích nhiều loại cây trồng giảm so với vụ đông năm 2016; trong đó, giảm nhiều nhất là nhóm rau lấy củ như: khoai tây giảm 11,1% (-127 ha), cà rốt giảm 2,6 % (-31 ha), hành tây giảm 34,4% (-11 ha), củ đậu giảm 7,3 % (-36 ha),..; tiếp đến nhóm cây lấy quả như: dưa hấu giảm 9,0% (-52 ha), dưa chuột giảm 24,2% (-56 ha), bí xanh giảm 5,9% (-44 ha), bầu giảm 15,4 % (-8 ha), ớt trái ngọt giảm 33,3% (-22 ha)…; đậu tương giảm 23% (-17 ha); ngô giảm 11,8% (-252 ha); khoai lang giảm 6,6% (-30 ha); sắn giảm 33,3% (-28 ha),…

Nguyên nhân giảm diện tích gieo trồng những cây này chủ yếu là do thời tiết không thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, nắng ấm kéo dài nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời, hiệu quả kinh tế những năm trước đạt thấp nên nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây rau màu khác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bên cạnh việc thu hoạch và tiêu thụ cây vụ đông, các địa phương đang tích cực chăm sóc mạ; làm tốt công tác chuẩn bị cho gieo cấy vụ chiêm xuân: bơm nước đổ ải, làm đất, cung ứng đủ giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân gieo cấy vụ chiêm xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Thời tiết trong tháng 01 năm nay rét không kéo dài, nhiệt độ trung bình cao hơn các năm trước, lượng mưa trung bình cao hơn so với cùng kỳ nên mạ xuân sinh trưởng và phát triển tốt.

Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do giá bán thịt hơi giảm mạnh, thu từ hoạt động chăn nuôi không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục giảm, do hiệu quả chăn nuôi thấp, nhu cầu dùng sức trâu để cày kéo trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.510 con, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước; Đàn bò ước đạt 20.490 con, giảm 2,1%  so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn lợn của toàn tỉnh ước đạt 643.100 con, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, giá bán thịt lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ, không tiếp tục đầu tư tái đàn, ảnh hưởng xấu đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Thú y tỉnh đang triển khai công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm vụ đông xuân 2016 – 2017 trên địa bàn tỉnh, kết quả: Tiêm phòng vacxin dịch tả lợn đạt trên 150.000 liều, vacxin tụ dấu lợn đạt 200.000 liều, vacxin tụ huyết trùng trâu, bò đạt 3.500 liều, vacxin dại đạt trên 12.000 liều, vacxin lở mồm long móng đạt trên 16.000 liều. Tuy nhiên, thời gian này cũng là thời điểm có nhiều diễn biến bất lợi cho chăn nuôi như: thời tiết thay đổi, nguy cơ một số dịch bệnh xuất hiện trên gia súc gia cầm, nhất là một số bệnh do vi khuẩn, bệnh truyền nhiễm,… Các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại cần có biện pháp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, che chắn cẩn thận, theo dõi sát sao dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Đến nay, các đơn vị lâm nghiệp của tỉnh đã chuẩn bị đủ lượng cây giống các loại đáp ứng cho nhu cầu trồng rừng trong năm 2017, trồng cây phân tán trên địa bàn toàn tỉnh. Để đảm bảo cho cây giống phát triển tốt các cán bộ kỹ thuật đã thường xuyên kiểm tra, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh và dùng phên, ni lông che chống sương muối cho cây giống.

Nuôi trồng thuỷ sản vẫn phát triển ổn định, giá bán sản phẩm các loại thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước, hiệu quả nuôi trồng thủy sản đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016; riêng phương thức nuôi cá lồng bè vẫn được duy trì và phát triển khá do phương thức nuôi lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao, với các chủng loại cá đa dạng như: Diêu hồng, Rô phi đơn tính, Trắm cỏ, Cá chép nuôi giòn…

Diện tích thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 10.000 ha, tương đương với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.600 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2016. Công tác quản lý môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản được duy trì thường xuyên, nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ, rải rác.

          2. Công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 8,5% và giảm ở đại đa số các ngành, cụ thể như: công nghiệp khai khoáng giảm 15,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,8%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 2,7%; riêng sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 9,6%.

Trong công nghiệp chế biến, chế tạo: sản xuất thực phẩm giảm 12,2%; sản xuất trang phục giảm 17,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 8,8%; sản xuất than cốc giảm 13,5%; sản xuất cao su và plastic giảm 9,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 17,3%; sản xuất kim loại giảm 10,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 17,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 7,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 9,9%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 12,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%…

Đối với 2 ngành sản xuất, phân phối điện và khai thác, xử lý, cung cấp nước, do nhu cầu người dân tăng cao dịp cuối năm nên có lượng sản xuất tăng so với tháng trước với lượng tăng lần lượt là 9,6% và 0,7%.

So với cùng kỳ chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 tăng 5,5%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,0%; còn lại sản xuất và phân phối điện, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,6%; ngành khai khoáng giảm 48,2%.

Thời gian tới, sản xuất công nghiệp dự báo vẫn tăng nhưng cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Điển hình như sản phẩm dệt may, da giày do nhu cầu chung của cả thế giới bị suy giảm, tất cả các quốc gia đều nhập khẩu thấp hơn thời kỳ năm 2015 – 2016, nên các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về phát triển thị trường. Bên cạnh đó, ngành cũng phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ: Ấn Độ, Pakistan, Campuchia, … Ngoài ra, thị trường xuất khẩu chính của ngành hàng này vẫn là Trung Quốc; tiềm ẩn nguy cơ gặp rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra với một số mặt hàng, như: xi măng, sắt thép, sắp tới phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, áp lực cạnh tranh tiêu thụ nội địa tiếp tục gia tăng. Giá nguyên, nhiên liệu “đầu vào” tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động, thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do áp lực của nguồn cung dồi dào, giá rẻ từ các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc. Đáng nói là thị trường xuất khẩu xi măng đang khó lại càng khó hơn khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP được thực thi. Các doanh nghiệp lo lắng chi phí xuất khẩu có thể tăng lên và cạnh tranh sẽ càng khó khăn.

          3. Đầu tư – xây dựng

Ước tháng 01 năm 2017, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 106,5 tỷ đồng, tăng 75,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 79,1 tỷ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tính đến 31/12 năm 2016 có 26 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 124,9 triệu USD; trong đó, tháng 12 có 01 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký là 12 triệu USD.

          4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến hết tháng 01 năm 2017 ước đạt 209,1 tỷ đồng, bằng 18,7% cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa 174,1 tỷ đồng, bằng 17,9%;  thu qua hải quan 35 tỷ đồng, bằng 24%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15 tháng 01 ước đạt 372,2 tỷ đồng, bằng 185,9% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên 372,2 tỷ đồng.

          5. Thương mại, giá cả, dịch vụ

          5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 01 ước đạt 3.687,8 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,4%; so với cùng kỳ năm trước tăng 10,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01năm 2017 ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo khu vực kinh tế, so với cùng kỳ năm trước kinh tế cá thể tăng 10,8%; tư nhân tăng 8,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3%; tập thể tăng 8,4%; nhà nước không đổi.

Phân theo ngành kinh tế, so với cùng kỳ năm trước doanh thu bán lẻ ước đạt  3.022,6 tỷ đồng, tăng 10,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 263,7 tỷ đồng, tăng 9,8%; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 0,8 tỷ đồng, tăng 8,7%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 400,7 tỷ đồng, tăng 8,3%.

          5.2. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận chuyển hành khách tháng 01 năm 2017 ước đạt 2,1 triệu hành khách, tăng 10,8%; luân chuyển ước đạt 120,9 triệu hành khách.km tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển hàng hóa tháng 01 năm 2017 ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 392,6 triệu tấn.Km, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: đường bộ ước đạt 3,2 triệu tấn, chiếm 57,9% và tăng 10,6% (luân chuyển chiếm 29,4% và tăng 11,3%); đường sông ước đạt 2,5 triệu tấn, chiếm 41,1% và tăng 6,2% (luân chuyển chiếm 62,6% và tăng 8,0%); đường biển đạt xấp xỉ 0,1 triệu tấn, chiếm 1,0% và giảm 4,7% (luân chuyển chiếm 8,0% và giảm 4,3%).

          5.3. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 01tăng 0,68% so với tháng trước; so với cùng kỳ (tháng 01/2016) tăng 5,98%.

Mặc dù là tháng cuối cùng của năm Âm lịch Bính Thân nhưng tình hình giá cả thị trường không tăng mạnh như các năm trước. Ngoài nguyên nhân nhu cầu tăng không đột biến, còn do yếu tố cung hàng hóa khá dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Mặt khác, có sự đóng góp đáng kể của công tác quản lý thị trường chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời, các nhà sản xuất ngày càng quan tâm, chú trọng tới chất lượng hàng hóa và uy tín phục vụ đối với người tiêu dùng.

Sức mua thấp ở chợ truyền thống giảm, kênh phân phối siêu thị tăng do giá bán ổn định, được niêm yết rõ ràng, không thay đổi đột ngột như ở chợ truyền thống; nên cũng góp phần làm cho giá cả thị trường Tết được ổn định hơn.

Giá thịt lợn hơi gần Tết giảm rõ rết, không theo quy luật như mọi năm thường có xu hướng tăng; do vậy, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (có quyền số lớn nhất trong CPI) giảm 1,12% so với tháng trước đã góp phần làm cho CPI tăng thấp./.