Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và Bảy tháng năm 2022 tỉnh Hải Dương

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng 7 là thu hoạch cây rau mầu vụ chiêm xuân và gieo cấy lúa cũng như các cây rau màu vụ mùa.

1.1 Trồng trọt

Ước đến hết tháng 7, toàn tỉnh gieo cấy được trên 54.000 ha lúa vụ mùa, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích cấy bằng máy đạt trên 10.000 ha, diện tích gieo thẳng đạt trên 40.000 ha; gieo trồng được trên 6.000 ha rau màu hè thu, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Công tác gieo trồng cây vụ mùa năm nay được các địa phương chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Các địa phương đã chủ động bố trí gieo cấy giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ở trà mùa sớm, để có đất gieo trồng cây vụ đông 2023. Đến nay việc gieo cấy lúa mùa cơ bản đảm bảo cơ cấu giống, khung thời vụ theo kế hoạch.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi trong tỉnh nhìn chung ổn định, không phát sinh dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt. Hiện nay giá bán thịt hơi đang có xu hướng tăng, qua đó đã bù đắp chi phí chăn nuôi, vì vậy hoạt động chăn nuôi trong các tháng tiếp theo dự kiến sẽ phát triển ổn định.

Ước tại thời điểm 01/8/2022 tổng đàn trâu đạt 5.565 con, tăng 3,5%; đàn bò đạt 15.000 con, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 81 tấn, tăng 5%; sản lượng thịt bò ước đạt 135 tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 557 tấn, tăng 6,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 1.072 tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi lợn tiếp tục được các hộ chăn nuôi đầu tư mở rộng sản xuất; ước tại thời điểm 01/8/2022 đàn lợn thịt đạt 272.220 con, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 5.314 tấn, tăng 12,1%; tính chung 7 tháng đầu năm đạt 36.354 tấn, tăng 12,0%.

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.450 nghìn con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 11.650 nghìn con tăng 4,0%. Đàn gà được duy trì, phát triển tốt do giá đầu ra khá ổn định, đồng thời các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 5.326 tấn, tăng 5,2%; sản lượng trứng ước đạt trên 51.291 nghìn quả, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 36.998 tấn, tăng 5,5%; sản lượng trứng ước đạt trên 3,55 triệu quả, tăng 6,3%.

1.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn năm trước; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như: Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính…

Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 12.000 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt trên 55.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải một số khó khăn như giá xăng dầu tăng, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất bị hạn chế do chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc; đầu ra bị ảnh hưởng bởi thị trường lớn đều đang có mức lạm phát cao nên người dân thắt chặt chi tiêu. Đồng thời trong 3 tháng gần đây các nhà máy thuỷ điện đang dư thừa nguồn nước nên công suất các nhà máy nhiệt điện bị cắt giảm khá lớn.

Trong bối cảnh đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 6 và tháng 7 dù vẫn duy trì tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng đã thấp hơn so với các tháng đầu năm.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tính bằng 107,8% so với cùng kỳ năm trước (bằng 102,7% so với tháng trước); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (tăng 2,9% so với tháng trước); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng … giảm 12,0% (tăng 1,1% so với tháng trước).

Công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng trong sản xuất công nghiệp của tháng 7 với các sản phẩm chủ yếu: thức ăn chăn nuôi +5,8%; Giày, dép thể thao +16,4%; Clanhke và xi măng Portland +16,3%; Mạch điện tử tích hợp +5,3%; Máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy, fax… +24,4%; máy phát điện +21,0%; dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế < 1000V +7,9%; sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên +17,5%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 114,5% so với cùng kỳ, nhờ dư địa tăng trưởng cao từ các tháng đầu năm. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định trở lại, trong khi hoạt động sản xuất và phân phối điện đang “giảm tốc”.

Cụ thể tình hình sản xuất của một số ngành sản xuất như sau:

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, là ngành chiếm tỷ trọng lớn (đứng thứ 2 sau ngành sản xuất kim loại) hiện đang có mức tăng trưởng khá khi ước tăng 17,3%. Các sản phẩm chủ yếu gồm có: Mạch điện tử tích hợp +12,2%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy, fax… +28,2%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất và dự trữ nguồn nguyên liệu từ đầu năm nên vẫn tăng trưởng khá.

– Ngành sản xuất thiết bị điện chỉ số ước tăng 18,4%; sản phẩm chủ yếu gồm: máy phát điện +26,9%; dây dẫn điện dùng cho hiệu điện thế < 1000V +24,6%.

– Ngành sản xuất xe có động cơ (và phụ tùng) ước tăng12,8%; trong đó, xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên, +55,8%. Thị trường ô tô trong nước những tháng đầu năm 2022 có tín hiệu tích cực với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước khiến xe nội tăng sức cạnh tranh đáng kể so với xe nhập khẩu.

– Nhóm ngành dệt may, sản xuất trang phục, giày dép do tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) nên hoạt động xuất khẩu của nhóm ngành này được đẩy mạnh. Sản xuất trang phục ước tăng 16,8%; sản xuất giày dép ước tăng 31,7%.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm ước tăng 11,2%; trong đó, thức ăn chăn nuôi +11,1%. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, các cơ sở ăn uống được hoạt động bình thường trở lại nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng, qua đó tác động tích cực tới hoạt động sản xuất. Tuy nhiên sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chi phí nguyên liệu và phụ gia thức ăn chăn nuôi tăng cao, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

– Ngành sản xuất và phân phối điện, chỉ số sản xuất tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do tháng 6, tháng 7 năm nay, thời tiết mưa nhiều, trái ngược với năm trước nên lượng nước tại các đập thuỷ điện dâng cao, nguồn cung thuỷ điện được dồi dào. Ngược lại, giá than nhiên liệu liên tục tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất nhiệt điện tăng; do vậy sản xuất nhiệt điện có xu hướng giảm.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 30/7/2022 dự ước bằng 100,7% so với tháng trước; bằng 104,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 104,8%; dệt bằng 101,2%; sản xuất trang phục bằng 105,0%; sản xuất da bằng 112,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy bằng 108,7%; sản xuất thiết bị điện bằng 108,2%; sản xuất máy móc thiết bị khác bằng 108,9%; sản xuất xe có động cơ bằng 109,0%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế bằng 106,8%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động tháng 7/2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: khai khoáng khác bằng 45,2%; in, sao chép bả ghi các loại bằng 96,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 98,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị bằng 92,1%, thoát nước và xử lý nước thải bằng 91,9%.

3. Hoạt động đầu tư

Trong tháng 7, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, tính giá đất, khẩn trương hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi, đón bắt làn sóng đầu tư FDI đang chuyển dịch sang Việt Nam.

Ước tháng 7, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 513 tỷ đồng, tăng 78,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 226 tỷ đồng, chiếm 44,1%, tăng 107,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 245 tỷ đồng, chiếm 47,7%, tăng 58,5%; cấp xã ước đạt 42 tỷ đồng, chiếm 8,2%, tăng 71,1%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.316 tỷ đồng, đạt 42,9% kế hoạch năm, tăng 79,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 993 tỷ đồng, đạt 41,0% kế hoạch năm, tăng 92,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.115 tỷ đồng, đạt 43,9% kế hoạch năm, tăng 67,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 208 tỷ đồng, đạt 47,3% kế hoạch năm, tăng 90,6%.

* Một số công trình lớn mới khởi công trên địa bàn tỉnh như:

– Xây dựng đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn (2021-2023 với tổng mức đầu tư 885,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 7/2022 là 10,3 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 170,6 tỷ đồng, ước đạt 19,3% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin Trung tâm dữ liệu của tỉnh cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh (2021-2024 với tổng mức đầu tư là 449,58 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 7/2022 đạt 9,9 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 84,4 tỷ đồng, ước đạt 18,8% tổng mức đầu tư;

– Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương (2020-2025 với tổng mức đầu tư là 1.774,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 7/2022 đạt 26,5 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 365,3 tỷ đồng, ước đạt 20,6% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương (2021-2024 với tổng mức đầu tư 1.499,7 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 7/2022 đạt 8,86 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 58,7 tỷ đồng, ước đạt 3,9% tổng mức đầu tư;..

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực duy trì mức tăng trưởng tốt, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, sức mua tiêu dùng tăng, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân… Tuy nhiên do ảnh hưởng từ mặt bằng giá trên thế giới nên giá một số mặt hàng có xu hướng tăng.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 6.781 tỷ đồng tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 7 đạt 944 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.503 tỷ đồng tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 7 ước đạt 5.776 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 39.103 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 35,5% trong tổng số và đạt 13.882 tỷ đồng, tăng 13,5%;

– Nhóm ô tô các loại chiếm cơ cấu tương đối với 14,5% trong tổng số, đạt 5.683 tỷ đồng, tăng 10,5%;

– Nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình đạt 5.161 tỷ đồng, tăng 13,3%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 7 ước đạt 1.005 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 7 tháng ước đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: Dịch vụ lưu trú đạt 58 tỷ đồng, chiếm 0,9% trong tổng số, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống đạt 1.992 tỷ đồng, chiếm 31,1% tổng số, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ khác đạt 4.349 tỷ đồng, chiếm 67,9% tổng số, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải, kho bãi

Hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi ổn định và có mức tăng trưởng khá cao. Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 7 ước đạt đạt 944 tỷ đồng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 17,9%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 5,5%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 2,5%.

Tính chung 7 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 5.830 tỷ đồng tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 29,7%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 27,9%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 19,9%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 17,8%.

4.4 Chỉ số giá tiêu dùng

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,44% so với tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 3,23% và tăng 2,05% so với bình quân cùng kỳ. Mức độ tăng so với tháng trước ở khu vực thành thị (+0,51%) tăng cao hơn khu vực nông thôn (+0,40%), tăng ở hầu hết ở các nhóm chính, riêng nhóm giao thông có giảm nhẹ.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng này, trong đó có 10 nhóm tăng, 01 nhóm giảm cụ thể như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,83%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,18%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,77%; Thiết bị  và đồ dùng gia đình tăng 0,33%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; Giao thông giảm 3,15%; Bưu chính viễn thông tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,05%; Văn hóa, giải trí, và du lịch tăng 0,53% và hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%.

Giá vàng tháng này có xu hướng giảm, giảm 2,53% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng này là 5.362 ngàn đồng/chỉ, giảm 139 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước.

Ngược lại với giá Vàng, giá Đô la Mỹ tháng này cũng có xu hướng tăng, với mức tăng 0,59% và tăng 13.807 đồng/100USD so với tháng trước.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Các hoạt động văn hoá, thể thao trong tỉnh diễn ra khá sôi nổi, Tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động:

– Hội thi Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tỉnh Hải Dương năm 2022 với chủ đề “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”; hội thi thu hút 12 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững đại diện cho 12 huyện, thị xã, thành phố.

– Tổ chức khai mạc Đại hội Thể dục thể thao thành phố Hải Dương lần thứ IX với 34 đoàn tham gia và gần 2.000 vận động viên tranh giải ở 12 môn thi đấu.

Ngày 18/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Báo điện tử Đảng cộng sản (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức chương trình “Màu hoa đỏ” nhân dịp 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Đây là hoạt động tri ân, tưởng nhớ, ghi ơn và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt nam anh hùng và các gia đình có công với cách mạng; giáo dục và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

2. Y tế

 Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ 16 giờ ngày 19/6/2022 đến 16 giờ ngày 18/7/2022 toàn tỉnh ghi nhận 415 người mắc Covid- 19. Hải Dương hiện còn 132 F0 đang điều trị, trong đó 15 trường hợp điều trị tập trung tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sức khỏe của các bệnh nhân điều trị tập trung trong tầm kiểm soát.

Về tình hình tiêm chủng, từ ngày 18/7, Hải Dương sẽ nhận 72.000 liều vaccine phòng Covid- 19 các loại do Bộ Y tế cấp để tiêm đại trà mũi 3 và mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Các đối tượng còn lại vẫn tiếp tục triển khai tiêm trên cơ sở số vaccine được cấp.

3. Giáo dục

Trong tháng 7, công tác giáo dục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Kỳ thi được tổ chức từ ngày 7/7 – 8/7, diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; toàn tỉnh có 20.561 thí sinh đăng ký dự thi tại 40 điểm thi với 886 phòng thi chính thức, trên 3.000 người làm công tác tổ chức kỳ thi. Tỷ lệ thí sinh đến thi so với đăng ký ở các môn đạt từ 99,6% trở lên. Một số điểm mới của kỳ thi đã được tập huấn kỹ lưỡng, trong đó có việc bố trí nơi bảo quản vật dụng của thí sinh cách phòng thi ít nhất 25m… Các lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, khâu in, sao, vận chuyển đề thi được bảo đảm an toàn, bảo mật.

Nhiều trường tiểu học trong tỉnh đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 25/7, các trường hoàn thành thủ tục tiếp nhận hồ sơ và báo cáo kết quả tuyển sinh về Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện.

4. Bảo vệ môi trường

Vi phạm môi trường: Trong tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 84,4 triệu đồng, trong đó 15 vụ xả thải, vất rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, 01 vụ khai thác khoáng sản (đất, cát) trái phép.

Tính chung 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 253 vụ vi phạm môi trường, số tiền phạt 5.082,45 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ sét đánh làm chết 02 người tại xã Bình Lãng và xã Chí Minh cùng huyện Tứ Kỳ.

5. Trật tự an toàn xã hội

Trật tự an toàn Xã hội: Tháng 7/2022, Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ ra quân thực hiện phương án tuần tra kiểm soát, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ, khu vực công cộng và địa bàn trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh (lấy tên là Tổ công tác 151, tên gọi Tổ công tác 151 với ý nghĩa 1 tổ công tác gồm 5 lực lượng chính: Cảnh sát giao thông – trật tự, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát ma túy, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội), toàn tỉnh có 32 Tổ công tác 151 với gần 200 cán bộ chiến sĩ (trong đó có 2 tổ cấp tỉnh và 30 tổ cấp huyện), với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của người dân. Tổ công tác 151 của Công an tỉnh Hải Dương được trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và được sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phát hiện, ngăn chặn, trấn áp và bắt giữ ngay các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ, khu vực công cộng và địa bàn trọng điểm từ cấp tỉnh đến cấp xã, tập trung vào các hành vi: cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, vận chuyển hàng cấm, ma túy, tổ chức đua xe trái phép…Thời gian thực hiện nhiệm vụ của các tổ công tác tùy theo tình hình, yêu cầu công tác, tập trung vào khoảng thời gian từ 20 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ ngày hôm sau.

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng 7/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy:  01 vụ cháy xe ô tô đầu kéo xảy ra tại phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, thiệt hại ước tính 300 triệu đồng; 01 vụ cháy cửa hàng bán mũ bảo hiểm xảy ra tại phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương, thiệt hại ước tính  500 triệu đồng; 01 vụ cháy trang trại lợn thuộc công ty CP Thuốc thú y Amavet ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, thiệt hại ước tính trên 3 tỷ đồng. Cả 3 vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ cháy, nổ làm bị thương 03 người, thiệt hại về tài sản ước tính 3.800 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông;

Tháng 7/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 07 người, bị thương 06 người.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 90 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 71 người, làm bị thương 38 người; trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 85 vụ làm 67 người chết, 37 người bị thương; đường sắt xảy ra 05 vụ, làm 04 người chết, 01 người bị thương; đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm 2021 số vụ tai nạn và va chạm gia thông giảm 06 vụ (-6,3%), số người chết giảm 14 người (-16,5%) và tăng 02 người bị thương (5,6%)./.