Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 và quý 2 năm 2022 tỉnh Hải Dương

Tình hình kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn, tại thời điểm tháng 6/2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo đạt 2,9 – 3,0%; thấp hơn khá nhiều so với các dự báo đưa ra trước đây. Nguyên nhân là do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na làm cho thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, giá cả và lạm phát tăng cao dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia; đồng thời, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa thường xuyên, trên phạm vi rộng đã gây ra những “tắc nghẽn” mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi bất chấp tình trạng bất định trên toàn cầu gia tăng; dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở mức 6,5%; cao nhất khu vực ASEAN.

Đối với tỉnh Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm dù chịu tác động từ dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, song với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp Uỷ, chính quyền, cùng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nên tăng trưởng kinh tế của Tỉnh tiếp tục duy trì ở mức cao.

I. KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 11,8% cao thứ 6 cả nước; trong đó, ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,1% (đóng góp 0,41 điểm%); Công nghiệp tăng 17,9% (đóng góp 8,46 điểm%); Xây dựng tăng 16,5% (đóng góp 0,75 điểm%); Dịch vụ tăng 8,1% (đóng góp 2,17 điểm%); thuế sản phẩm tăng 0,3% (đóng góp 0,02 điểm%).

Tăng trưởng trong quý I sơ bộ tăng 14,8% (trước đó ước +14,2%) do sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp (+23,5%) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cơ bản đã mở cửa trở lại sau dịch; các ngành dịch vụ tăng 8,8% do các hoạt động xã hội sôi động trở lại sau thời gian dài chịu tác động dịch bệnh.

Tăng trưởng quý II ước tăng 9,2% thấp hơn khá nhiều so với quý I, nhưng đây vẫn là mức tăng cao và tương đương với thời điểm chưa có dịch bệnh (giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt 9,1%/năm); tăng trưởng cụ thể các ngành là: NLTS +2,7%; Công nghiệp +13,5%; Xây dựng +6,0%; Dịch vụ +7,5%.

Tăng trưởng trong quý II đã chịu một số tác động bất lợi, “kéo” tăng trưởng 6 tháng đầu năm chậm lại; những ảnh hưởng này dự kiến vẫn sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng quý III và có thể cả quý IV năm nay; đó là:

– Thiếu nguyên liệu cho sản xuất (linh kiện điện tử, chip bán dẫn, phụ liệu may, da giày) do hoạt động sản xuất ở Trung Quốc tạm ngừng để phòng chống dịch.

– Giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng.

– Lạm phát có xu hướng tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu (Mỹ, EU) nên nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm.

– Nhiều công trình trọng điểm trong tỉnh vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư chưa thực sự thi công (các KCN mới cấp phép, đường trục Đông – Tây, nút giao đường 5B…)

So với kịch bản tăng trưởng đã xây dựng đầu năm, GRDP quý I cao hơn 2,1 điểm% (KH: +12,7%); quý II cao hơn 0,2 điểm%. Nếu trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng của tỉnh tiếp tục đạt mục tiêu (kịch bản tăng 9,4%) thì tăng trưởng cả năm 2022 của tỉnh sẽ đạt 10,5%.

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tập trung rà soát, thực hiện các biện pháp thu các khoản thuế; điều hòa các nguồn vốn ngân sách địa phương đảm bảo cân đối cho ngân sách các cấp và ưu tiên nguồn chi thường xuyên, các chế độ an sinh xã hội, chi quà Tết Nguyên đán cho các đối tượng chính sách xã hội, đáp ứng đầy đủ kịp thời nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các khoản chi thiết yếu khác theo dự toán.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/202 ước tính đạt 9.445 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 8.195 tỷ đồng, tăng 16,8%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 259 tỷ đồng, bằng 71,7% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 1.774 tỷ đồng, bằng 92,0%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.508 tỷ đồng, tăng 43,9%; thu thuế thu nhập cá nhân 620 tỷ đồng, tăng 19,9%; thu thuế bảo vệ môi trường 483 tỷ đồng, tăng 16,7%; các khoản thu về nhà, đất 2.856 tỷ đồng, tăng 33,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm 15/6/2022 ước tính đạt 7.516 tỷ đồng, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.176 tỷ đồng, bằng 101,9%; chi đầu tư phát triển 2.334 tỷ đồng, bằng 94,8%.

2.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Nguồn vốn huy động và dư nợ tăng trưởng cao. Tín dụng tiếp tục tập trung vào ngành, lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất, kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc. Hoạt động ngân hàng ổn định, liên tục, không bị gián đoạn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ ngân hàng, không để xảy ra vụ việc mất an ninh, an toàn hoạt động.

Ước tổng nguồn vốn huy động đạt 156.463 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2021 và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng 121.525 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2021 và tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm khá thuận lợi: Vụ đông xuân đạt khá về sản lượng và giá trị; sản lượng vải tăng cao; chăn nuôi gia cầm ổn định, chăn nuôi lợn có đang phục hồi và duy trì mức tăng cao; nuôi trồng thuỷ sản vẫn duy trì và phát triển khá, đặc biệt là phương thức nuôi cá lồng phát triển mạnh.

3.1. Trồng trọt

Vụ đông xuân năm 2022, diễn biến thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, giá bán nông sản khá cao và ổn định.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân năm 2022 đạt 87.533 ha, giảm 0,2% (-135 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông tăng 543 ha, vụ chiêm xuân giảm 678 ha); trong đó, diện tích vụ đông 22.354 ha, chiếm 25,5%; vụ chiêm xuân 65.179 ha, chiếm 74,5% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân.

Trong cơ cấu diện tích gieo trồng vụ đông xuân, cây lúa chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 62,9% nhưng đang có xu hướng giảm (năm 2021 là 63,6%; năm 2020 là 64,4%); năng suất lúa chiêm xuân sơ bộ đạt 65,8 tạ/ha, tăng 0,3% (+0,2 tạ/ha) so với năm trước.

Một số loại cây rau màu chủ yếu của vụ đông xuân năm nay có năng suất thấp hơn so với vụ đông xuân năm trước, giảm chủ yếu ở vụ đông. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cây rau màu có năng suất cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà chua, su hào, dưa chuột, bí xanh, bầu…

Tổng diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 22.479 ha, tăng 0,7% (+152 ha) so với cùng kỳ. Trong tổng diện tích trồng cây lâu năm, diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.651 ha, chiếm 96,3%; còn lại là diện tích cây lấy quả chứa dầu (chiếm 0,5%); cây chè (chiếm 0,4%); cây lâu năm khác (chiếm 2,4%)…

Cây vải là cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, diện tích cây vải ước đạt 8.932 ha, giảm 0,2% (-18 ha) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 61.000 tấn, tăng 11%. Ngoài ra, sản lượng một số loại cây ăn quả tăng khá như: Xoài ước đạt 1.700 tấn, tăng 0,9%; chuối ước đạt 32.700 tấn, tăng 0,8%; ổi ước đạt 36.500 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

3.2. Chăn nuôi

Trong 6 tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm khá ổn định, không phát sinh dịch bệnh; riêng đàn lợn có xu hướng phục hồi. Các địa phương triển khai nhiều giải pháp tái đàn lợn, khuyến khích đầu tư sản xuất con giống; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết để sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thương phẩm; thực hiện các chính sách hỗ trợ chăn nuôi và tái đàn.

Tổng đàn lợn ước đạt 389.000 con, tăng 10,36% (+36.519 con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợn thịt ước đạt 270.000 con, tăng 11,6% (+34.531 con); đàn lợn nái ước đạt 40.000 con, tăng 4,98% (+1.896 con); đàn lợn đực giống 905 con, giảm 6,89% (-67 con). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 31.040 tấn, tăng 12%.

Tổng đàn gia cầm ước đạt 15.500 nghìn con, tăng 5,0%; trong đó đàn gà ước đạt 11.600 nghìn con, tăng 3,8%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 31.672 tấn, tăng 5,5%; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 25.385 tấn, tăng 7,7%. Sản lượng trứng gia cầm 6 tháng ước đạt 304.935 nghìn quả, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đàn trâu ước đạt 5.550 con, tăng 3,49%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 477 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Đàn bò ước đạt 15.000 con, giảm 1,84%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 947 tấn, tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước.

3.3. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt 47.603 tấn, tăng 7,2%; trong đó sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 773 tấn, giảm 6,5%; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 46.830 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong những năm gần đây, nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao, một số hộ đầu tư mở rộng qui mô nuôi, số lồng nuôi tăng mạnh qua các năm; vì vậy, sản lượng cá lồng ước đạt 9.260 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

4. Sản xuất công nghiệp

Sau chiến dịch phủ vaccine và các điều chỉnh chính sách của Nhà nước, môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực; cùng với sự phục hồi của thị trường trong nước và xuất khẩu trong trạng thái “bình thường mới”, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khởi sắc nhanh chóng.

4.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng 6, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng 103,7% so với tháng trước, bằng 108,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 109,9%; ngành sản xuất, phân phối điện bằng 1,8%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải bằng 107,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 123,9% so với cùng kỳ năm trước. Do quý I năm 2021 dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương do phần lớn các ca bệnh xuất hiện ở các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp..

Sang quý II, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 111,7% so với cùng kỳ. Trong nhóm ngành chính: ngành khai khoáng bằng 89,4; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 111,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, điều hòa bằng 112,0%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải bằng 108,7%.

Tính chung 6 tháng đầu năm,  đạt mức tăng trưởng khá cao bằng 116,9%. Cụ thể, tình hình sản xuất của các nhóm ngành chính như sau:

– Ngành sản xuất linh kiện điện tử 6 tháng đầu năm bằng 119,3% so với cùng kỳ. Do năm nay, các doanh nghiệp trong ngành không chịu ảnh hưởng sâu của dịch Covid-19 như quý 1/2021. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đang có nhiều điểm sáng nên sản lượng sản xuất tăng cao. Một số sản phẩm điển hình như mạch điện tử tích hợp bằng 113,4%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên như in, fax, coppy… bằng 131,2%…

– Tương tự, ngành sản xuất thiết bị điện 6 tháng đầu năm bằng 120,7%, sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu bằng 131,1% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chính đó là tổ máy phát điện bằng 128,9%; bơm nước một tầng bằng 133,3%; máy khâu loại khác trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình bằng 129,9%…

– Ngành sản xuất xe có động cơ, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm bằng 113,5% so với cùng kỳ; trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên bằng 170,4%. Do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước đã tác động tích cực nên thị trường tiêu thụ xe những tháng đầu năm tăng, cùng với việc Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dòng xe mới vào hoạt động từ tháng 6/2021 đã làm sản lượng xe lắp ráp tăng cao.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm là bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ như bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm bằng 94,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do trong quý I, số lượng công nhân mắc covid phải nghỉ việc tạm thời tăng đã làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất. Mặt khác, do Trung Quốc thực hiện đóng cửa biên giới và tình hình xung đột chính trị tại một số quốc gia đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây gián đoạn khâu vận chuyển nguyên, vật liệu đầu vào.

– Ngành sản xuất, chế biến thức phẩm (chủ yếu là sản xuất thức ăn chăn nuôi) cũng có tốc độ tăng khá cao với chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm bằng 112,8%; trong đó mỳ, phở, bún, miến, cháo ăn liền bằng 116,2%; thức ăn chăn nuôi bằng 112,4%. Đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, do các cơ sở ăn uống được hoạt động bình thường trở lại nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng, kéo theo số lượng tổng đàn vật nuôi tăng, qua đó tác động tích cực tới sản lượng sản xuất của ngành. Tuy nhiên do chuỗi cung ứng bị đứt gãy và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đã gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành.

– Đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, gạch ngói do thị trường xây dựng đang có nhiều tín hiệu tích cực vì được hưởng lợi từ tăng trưởng đầu tư công và gói kích thích kinh tế cũng như sự phát triển của mảng bất động sản dân dụng, nên hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều có sản lượng sản xuất tăng. So với cùng kỳ, sản lượng 6 tháng đầu năm của gạch xây dựng bằng gốm, sứ bằng 111,8%; xi măng portland đen bằng 105,7%; sắt thép các loại bằng 113,7%. Tuy nhiên, hiện nay giá nguyên vật liệu đầu vào (như than đá, quặng) và chi phí vận chuyển, logistic tăng mạnh do xung đột Nga – Ukraine; cùng với việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

– Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm bằng 124,0%. Từ tháng 4/2021 nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương mới chính thức hoạt động cả 2 tổ máy, nên 6 tháng đầu năm nay sản lượng điện sản xuất vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ, bằng 125,3%.

Ở chiều ngược lại, các ngành sản xuất đang có tốc độ tăng trưởng âm đó là:

– Ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm bằng 83,9% so với cùng kỳ, do nhiều vùng khai thác đã hết hạn cấp phép trong khi chính sách của nhà nước là hạn chế cấp phép trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên không thể tái tạo dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, phải tạm ngừng hoặc chuyển ngành sản xuất.

– Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 96,5%. Do ảnh hưởng của dịch Covid–19 nên số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng, chờ đơn hàng mới.

4.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/6/2022 dự ước bằng 100,5% so với tháng trước, bằng 104,7% so với cùng kỳ. Cộng dồn 6 tháng đầu năm chỉ số sử dụng lao động bằng 105,4%, trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm +11,6%; dệt +12,7%; sản xuất trang phục +4,3%; sản xuất da +12,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) +4,9%; sản xuất thiết bị điện +4,2%; sản xuất máy móc thiết bị +5,7%; sản xuất xe có động cơ +6,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác +5,2%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: khai khoáng khác -56,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị -7,0%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu -1,9%.

5. Hoạt động đầu tư

Từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cần tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chủ động nắm bắt và giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án có công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh.

Tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục triển khai đầu tư; lập kế hoạch và cam kết giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công. Ký các thoả thuận tài trợ và khởi công 02 công trình nút giao đường tỉnh 390 và đường tỉnh 392 với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công dự án trọng điểm đường trục Đông – Tây, tỉnh Hải Dương. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án trọng điểm, dự án giao thông kết nối vùng.

5.1 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước

Thực hiện tháng 6, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 399,1 tỷ đồng, tăng 42,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 175,7 tỷ đồng, tăng 65,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 182,6 tỷ đồng, tăng 22,3%; vốn ngân sách cấp xã đạt 40,9 tỷ đồng, tăng 58,5%.

Ước 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.768,4 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch năm, tăng 76,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 753,4 tỷ đồng, tăng 85,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 849,8 tỷ đồng, tăng 66,8%; vốn ngân sách cấp xã đạt 165,1 tỷ đồng, tăng 95,8%.

5.2 Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Trong 6 tháng năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 21.391 tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó:

– Vốn nhà nước đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

– Vốn ngoài nhà nước đạt 14.153 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện tập trung chủ yếu ở khu vực hộ dân cư với tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 10.092 tỷ đồng chiếm 71,3%, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Ngoài thu hút các doanh nghiệp mới thì Hải Dương cũng quan tâm tới việc “nuôi dưỡng” các dự án đã đầu tư bằng những chính sách gỡ khó về vốn, tín dụng và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Từ đó, dần hình thành nguồn lực đầu tư trong nước ổn định và lớn mạnh. Với những giải pháp đồng bộ tỉnh kỳ vọng sẽ tạo được đột phá về thu hút dự án đầu tư trong nước trong thời gian tới.

– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.233 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm chủ yếu do bước sang năm 2022, Công ty TNHH Điện lực Jaks (nhà đầu tư chiếm tỷ trọng cao giai đoạn 2019 – 2021) đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng, nên làm giảm tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của toàn tỉnh. Nếu loại trừ ảnh hưởng của Công ty TNHH Điện lực Jaks, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tăng 55,4% so với cùng kỳ trước.

5.3. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, thu hút đầu tư trong nước đạt 363 tỷ đồng bằng 11% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 224,6 triệu USD bằng 87,2% cùng kỳ năm trước; trong đó, cấp mới 6 dự án với tổng vốn đăng ký 25,5 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 16 lượt dự án với số vốn 196,3 triệu USD.

Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 868 doanh nghiệp (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước), với tổng vốn điều lệ đăng ký 6.998 tỷ đồng (tăng 2,6%); có 916 doanh nghiệp đăng ký giải thể (tăng 58,2%) và 474 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (tăng 31,3%).

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 6 và 6 tháng đầu năm khá khởi sắc, nhiều ngành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh. Với những yếu tố thuận lợi như: tình hình bệnh Covid -19 đang được kiểm soát, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ… đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp đã đẩy giá các hàng hóa tăng.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 6 ước đạt 6.699 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất (35,4%) đạt 2.013 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; nhóm ô tô các loại cũng chiếm cơ cấu tương đối (14,7%) trong tổng số, đạt 838 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước….

Doanh thu bán lẻ hàng hoá quý I đạt 16.596 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ; quý II ước đạt 16.274 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 33.320 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; loại trừ yếu tố giá sẽ tăng 9,2%. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 35,5% trong tổng số và đạt 11.829 tỷ đồng, tăng 13,6%; nhóm ô tô các loại cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,5% trong tổng số, đạt 4.831 tỷ đồng, tăng 10,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 4.404 tỷ đồng, tăng 12,8%.

6.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 6 ước đạt 1.101 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước, tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 13 tỷ đồng, giảm 6,0% so với tháng trước, tăng 31,9% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 325 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 27,2% so với cùng kỳ; dịch vụ khác đạt 673 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu quý I đạt 2.467 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ; quý II ước đạt 2.921 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 5.388 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; loại trừ yếu tố giá sẽ tăng 14,7%. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 50 tỷ đồng, chiếm 0,9% trong tổng số và tăng 15,0% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 1.682 tỷ đồng, chiếm 31,2% tổng số và tăng 14,0%; dịch vụ khác đạt 3.655 tỷ đồng, chiếm 67,8% tổng số, tăng 17,2% so với cùng kỳ.

6.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 6 ước đạt 872 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,1%, tăng 15,9% so với cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 132 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 5,6%, tăng 21,1% so với cùng kỳ; vận tải hàng hoá đạt 536 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước, tăng 17,3% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 200 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 4.820 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá sẽ tăng 19,6%; phân theo ngành hoạt động, vận tải hành khách đạt 722 tỷ đồng, tăng 31,8 %; vận tải hàng hoá đạt 3.037 tỷ đồng, tăng 27,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt  1.034 tỷ đồng, tăng 23,3%. Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải quý I đạt 2.306 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước; ước quý II đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 19,3%.

Mặc dù doanh thu vận tải trong 6 tháng đầu năm tăng rất cao nhưng qua đồ thị cũng nhận thấy mức tăng này chỉ đủ bù đắp mức giảm của năm 2021 (là năm chịu ảnh hưởng Covid-19) và cao hơn không đáng kể so với năm 2020; vì vậy, “dư địa” tăng trưởng ngành vận tải trong các tháng còn lại của năm nay vẫn rất lớn.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 6 ước đạt 2,0 triệu hành khách, so với cùng kỳ tăng 11,9%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 138 triệu hành khách.km, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 15,1 triệu hành khách, tăng 26,1% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 771 triệu hành khách.km tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 6 ước đạt 6,0 triệu tấn, so với tháng trước tăng 3,2% và tăng 10,4% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 552 triệu tấn.km, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 34,9 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 3.004 triệu tấn.km, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

6.5. Chỉ số giá

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,67% so với tháng trước; tăng 2,78% so với tháng 12 năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,95% so với cùng kỳ. Mức độ tăng so với tháng trước giữa hai khu vực, khu vực thành thị tăng thấp hơn khu vực nông thôn, cụ thể: Khu vực thành thị tăng 0,34%, khu vực nông thôn tăng 0,87%, tăng chủ yếu hầu hết ở các nhóm chính, chỉ riêng  nhóm nhà ở điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, nhóm bưu chính, viễn thông có giảm nhẹ.

Giá vàng tháng này có xu hướng giảm nhẹ, giảm 0,79% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng này là 5.501 ngàn đồng/chỉ, giảm 44 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước; ngược với giá Vàng, giá Đô la Mỹ tháng này cũng có xu hướng tăng, với mức tăng 0,74% và tăng 17.154 đồng/100USD so với tháng trước.

Về chỉ số giá sản xuất, Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II/2022 giảm 0,87% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm giảm 2,0% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 3,19% và tăng 3,08%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 1,36% và tăng 1,31%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng tăng 9,92% và 8,69%. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý II/2022 tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 8,03% so với cùng kỳ; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 11,43% và tăng 11,21%.

6.4. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá

Uớc 6 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 5.130 triệu USD, bằng 47,9% kế hoạch năm; tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu trong các tháng năm nay đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động nhập khẩu cũng tăng trưởng rất cao, ngoài nguyên nhân sản xuất phục hồi còn do năm 2021 nhập khẩu hàng hoá gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ước tính 6 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 4.394 triệu USD, bằng 52,6% kế hoạch năm; tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, kinh tế tỉnh Hải Dương đã vượt qua nhiều thách thức trong bối cảnh giá cả một số vật tư, nguyên liệu đầu vào và nhiều nhu yếu phẩm tăng cao, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm đầu cả nước.

Trong 6 tháng cuối năm, với tinh thần “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” tỉnh Hải Dương vẫn sẽ tiếp tục phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao trên 9,5% với trọng tâm từ sản xuất công nghiệp tăng cao, hoạt động đầu tư, xây dựng có bước đột phá, lĩnh vực thương mại, dịch vụ khởi sắc.

 II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn và vận động toàn dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh.

Hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương trong năm 2022 và tuyên truyền đăng cai tổ chức thi đấu môn Bóng bàn SEA Games 31 tại Hải Dương.

Tổ chức tốt các nghi lễ truyền thống mùa Xuân tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022; quyết định xếp hạng 11 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2021; ghi danh di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021. Tổ chức thành công Lễ giới thiệu và phát hành Bộ Lịch sử tỉnh Hải Dương (từ khởi thủy đến năm 2015). Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian, truyền thống phục vụ nhân dân trong Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chào mừng SEA Game 31…

Hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh diễn ra sôi động hướng tới Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX với các môn thi đấu diễn ra trong tháng 6 gồm: Bóng chuyền hơi, võ cổ truyền, quần vợt, bóng bàn trẻ thiếu niên, nhi đồng; bơi trong bể.

Với thể thao thành tích cao, các vận động viên của tỉnh đã đạt 11 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ trong các giải trẻ, giải vô địch toàn quốc, giải các đội mạnh quốc gia. Đặc biệt, tại SEA Games 31, các vận động viên của tỉnh Hải Dương đạt 11 HCV, 7 HCB, 5 HCĐ ở 7 môn thi đấu là: Đua thuyền Rowing; đua thuyền Canoeing; Bóng bàn; Bắn súng; Bắn cung; Pencak silat; Lặn; đã phá 3 kỷ lục SEA Games 31 môn Lặn; đứng thứ 5 trong toàn quốc.

2. Y tế

Xây dựng và thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19, kế hoạch đảm bảo công tác y tế và hướng dẫn quản lý, điều trị F0 tại nhà. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 362.508 trường hợp mắc Covid-19 trong đó (Dưới 5 tuổi là 19.999 ca, chiếm 5,52%; từ 5 đến dưới 12 tuổi là 43.446 ca, chiếm 11,98%; từ 12 đến dưới 17 tuổi là 26.275 ca, chiếm 7,25%; từ 18 đến dưới 50 tuổi là 211.359 ca, chiếm 58,3%; từ 50 tuổi trở lên là 61.429 ca, chiếm 16,95%); số ca tử vong là 143 người, chủ yếu là những người mắc bệnh nền và chưa tiêm chủng, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ vắc xin phòng Covid-19.

Công tác tiêm phòng Covid-19, Lũy kế đến nay đã tiêm 3,84 triệu liều vắc xin, trong đó số người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 99,31% (Tiêm ít nhất 1 mũi là 1.334.778 người, đạt tỷ lệ 99,02%; tiêm mũi thứ 2 là 1.329.797 người, đạt tỷ lệ 98,94%; tiêm mũi nhắc lại lần 1 là 989.852 người, đạt tỷ lệ 73,65%); người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đạt tỷ lệ 99,7% (Tiêm ít nhất 1 mũi là 157.174 người, đạt tỷ lệ 99,7%; tiêm mũi thứ 2 là 156.211 người, đạt tỷ lệ 99,09%.);  trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đạt tỷ lệ 38,47% (Tiêm ít nhất 1 mũi là 91.497 người, đạt tỷ lệ 38,47%; tiêm mũi thứ 2 là 21.281 người, đạt tỷ lệ 9,37%).

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, an toàn thực phẩm, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn. Quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế, bảo đảm đầy đủ, kịp thời thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

3. Giáo dục

Hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022, cơ bản đạt các chỉ tiêu kế hoạch đầu năm học đề ra. Chất lượng phổ cập, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, nâng cao; chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, với 82/101 học sinh dự thi đạt giải (02 giải Nhất, 27 giải Nhì, 23 giải Ba và 33 giải Khuyến khích), xếp thứ 3 toàn quốc.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 657/846 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 77,7% (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm học trước). Trong đó: Mầm non 192/296 trường, đạt 69,9% (tăng 6,6%); Tiểu học 212/244 trường, đạt 86,9% (giảm 4,9%); THCS 218/251 trường, đạt 86,7% (tăng 8,5%); THPT 35/55 trường, đạt 63,6% (tăng 1,78%).

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 6 đến 8/6, có 21.478 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi, kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được đảm bảo, có 20.561 thí sinh dự thi ở 40 điểm trường với 912 phòng thi.

4. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức 32 phiên giao dịch việc làm định kỳ thu hút sự tham gia của 908 lượt doanh nghiệp, kết quả có 5.834 lao động được tư vấn qua các sàn giao dịch, 3.348 lao động được phỏng vấn qua các sàn giao dịch, 1.965 lao động được tuyển dụng qua các sàn giao dịch; thực hiện cho vay 64 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, thu hút và tạo việc làm cho 1.285 lao động.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 4.136 lao động, với tổng số tiền gần 77,8 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề đối với 105 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí 625,5 triệu đồng

Tập trung hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết chế độ cho người lao động và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Xây dựng và thực hiện chương trình an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng. Tổng số người tham gia BHXH là 414.889 người, chiếm 41,5% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó, tham gia BHXH bắt buộc 370.889 người; tham gia BHXH tự nguyện 44.000 người); tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 357.752 người; tham gia BHYT là 1.726.739 người, đạt tỷ lệ bao phủ 91% dân số toàn tỉnh), đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Tập trung chỉ đạo, quan tâm chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội; đã rà soát, tổng hợp nhu cầu để tiếp tục hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo quy định. Qua rà soát, có 2.643 trường hợp đã xây dựng nhà ở nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí và 520 hộ gia đình người có công đã thực hiện xây mới hoặc sửa chữa trước thời điểm rà soát nằm ngoài Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở

5. Bảo vệ môi trường

– Vi phạm môi trường: Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 237 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, tổng số tiền phạt là 4.998,05 triệu đồng, các lỗi vi phạm chủ yếu xả thải, vất rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi  trường

– Tình hình thiên tai: 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát sinh 01 vụ mưa rét vào tháng 3 gây thiệt hại khoảng 1.000 ha lúa phải gieo cấy lại;

6. Trật tự an toàn xã hội

– Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để tội phạm lộng hành, 6 tháng đầu năm 2022 các cơ quan chức năng đã phát hiện 195 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm trước); điều tra, làm rõ 168 vụ, đạt 86,1%. Phối hợp, phát hiện, bắt giữ 787 vụ, 887 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh tế (tăng 445 vụ, tăng 179 đối tượng); phát hiện, bắt giữ 421 vụ, 682 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy (tăng 146 vụ, tăng 272 đối tượng).

– Về tai nạn cháy, nổ: Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, nổ làm bị thương 03 người, thiệt hại về tài sản hiện chưa có thống kê.

Về  tai nạn giao thông (TNGT): Tháng 6 trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 08 người, bị thương 04 người.

 Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 80 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 64 người, làm bị thương 32 người; so với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT tăng 04 vụ (5.3%), giảm 04 người chết (-5.9%) và tăng 02 người bị thương (6.7%). Trong đó: TNGT đường bộ xảy ra 77 vụ, làm 62 người chết và 32 người bị thương; TNGT đường sắt xảy ra 03 vụ, làm 02 người chết; không xảy ra TNGT đường thủy nội địa.

TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 02 vụ, làm 04 người chết; TNGT nghiêm trọng xảy ra 60 vụ, làm 58 người chết và 20 người bị thương; ít nghiêm trọng và va chạm giao thông xảy ra 06 vụ làm 07 người bị thương. Trên các tuyến Quốc lộ xảy ra 30 vụ, làm chết 23 người và bị thương 14 người; các tuyến đường tỉnh xảy ra 15 vụ, làm chết 14 người và bị thương 03 người; giao thông nông thôn xảy ra 11 vụ, làm chết 09 người, bị thương 05 người; giao thông đô thị, đường huyện xảy ra 21 vụ, làm chết 16 người và bị thương 10 người./.