Thời điểm tháng 9, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt trên 6,0%, cao nhất khu vực Đông Nam Á; cao hơn năm 2023 khoảng 01 điểm%. Một số nguyên nhân giúp tình hình kinh tế khả quan hơn là: (1) Thương mại hàng hóa toàn cầu cải thiện dần trong nửa cuối năm; (2) Lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm; (3) Điều kiện tài chính đang dần được nới lỏng.
Trong bối cảnh đó, kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng tiếp tục có những điểm sáng tích cực trong sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng làm giảm sản lượng; thiệt hại hạ tầng lưới điện gây mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ và đời sống nhân dân trong tỉnh.
1. Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm của tỉnh Hải Dương ước đạt 9,31%; trong đó, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt trên 9,81%; quý III đạt 8,32%. Với mức tăng 9,31%, tăng trưởng của Tỉnh đứng thứ 11/63 cả nước và thứ 4/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nguyên nhân chủ yếu làm tăng trưởng của Tỉnh sụt giảm trong quý III chủ yếu do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số ngành, lĩnh vực. Ước tính suy giảm sản xuất do mưa bão làm tăng trưởng của tỉnh đã giảm 1,7 điểm% trong quý III; làm giảm 0,5 điểm% tăng trưởng cả năm; cụ thể như sau:
Khu vực I: Tăng trưởng 9 tháng đầu năm ước đạt 3,40%; trong đó quý III tăng 2,37%; tăng chủ yếu do hoạt động chăn nuôi và thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng khá, trong khi hoạt động trồng trọt giảm.
Mưa bão làm hoạt động sản xuất NLTS bị ảnh hưởng nghiêm trọng; không chỉ ảnh hưởng trong quý III mà còn tiếp tục làm suy giảm sản lượng trong cả quý IV và sản xuất vụ đông năm 2025; ước tính tăng trưởng quý III giảm 2,8 điểm% và sẽ giảm hơn 4 điểm% trong quý IV; ảnh hưởng cụ thể như sau:
– Về trồng trọt, rau màu vụ mùa (trừ lúa) có nhiều diện tích đã thu hoạch trước bão nên thiệt hại kông nghiêm trọng; nhưng diện tích lúa mùa và cây lâu năm bị thiệt hại đáng kể sẽ ảnh hưởng khá lớn đến năng suất, sản lượng trong quý IV.
– Hoạt động chăn nuôi chịu ảnh hưởng ít hơn, thiệt hại chủ yếu do sập, đổ chuống trại khi bão đổ bộ; số chết chiếm 0,8% đàn số gia súc, 5,4% tổng đàn gia cầm.
– Nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng lớn; thiệt hại chủ yếu ở phương thức nuôi lồng, bè (chiếm gần 1/3 sản lượng thủy sản) do tràn, vỡ, trôi lồng, thay đổi môi trường nước nên buộc phải “bán tháo”… làm suy giảm sản lượng trong quý III và quý IV.
Khu vực II: Tăng trưởng 9 tháng đầu năm ước đạt 12,32%; trong đó quý III tăng 10,19%. Sản xuất công nghiệp quý III ước tăng 10,72%; nguyên nhân do mưa bão và lũ từ thượng nguồn ảnh hưởng khá lớn, ước tính làm giảm tăng trưởng công nghiệp quý III xuống 2,2 điểm%; cụ thể:
– Mưa, bão làm một số nhà xưởng bị tốc mái, hạ tầng lưới điện hư hỏng nên mất điện ở một số khu, cụm công nghiệp… làm cho sản xuất bị gián đoạn, doanh thu sản xuất công nghiệp trong quý III giảm khoảng 960 tỷ; làm giảm tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp quý III khoảng 0,8 điểm%.
– Mưa, bão ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất điện; trong đó, ảnh hưởng trực tiếp làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện; ảnh hưởng gián tiếp khi phụ tải sử dụng điện cả miền Bắc giảm, EVN lại ưu tiên sử dụng nguồn thủy điện, hạn chế sử dụng nhiệt điện. Vì vậy, sản lượng điện sản xuất quý III giảm 11,0% so với cùng kỳ (6 tháng +18,7%), kéo giảm tăng trưởng ngành công nghiệp quý III 1,4 điểm% (6 tháng đóng góp 3,0 điểm% vào tăng trưởng công nghiệp).
Trong quý III, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng khi có tăng trưởng của ngành này ước đạt 13,66% (nếu không chịu ảnh hưởng mưa bão sẽ đạt trên 14%); đây là mức tăng cao hơn 6 tháng đầu năm khá nhiều (+0,6 điểm%). Các ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao trong quý III như: Chế biến thực phẩm (+14,3%); Dệt (+21,2%); Sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính (+16,2%); Sản xuất thiết bị điện (+37,0%); . Sản xuất máy móc, thiết bị chuyên dụng (máy bơm, máy khâu…) (+46,1%); Sản xuất ô tô và linh kiện ô tô (+16,2%).
Tăng trưởng ngành xây dựng trong quý III ước đạt 5,35%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 9,01% của 6 tháng đầu năm; nên đã kéo tăng trưởng 9 tháng xuống còn 7,58%. Nguyên nhân chủ yếu do trong quý III số ngày mưa khá nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của hầu hết các công trình (thiệt hại trực tiếp từ cơn bão số 3 đối với hoạt động xây dựng không đáng kể).
Khu vực III: Tăng trưởng 9 tháng đầu năm ước đạt 6,58%; trong đó quý III tăng 6,08%; thấp hơn tăng trưởng 6 tháng đầu năm gần 0,8 điểm%. Ước tính, mưa, bão làm tăng trưởng khu vực III sụt giảm gần 1 điểm%; cụ thể:
– Hoạt động thương mại ít chịu ảnh hưởng, do mưa bão không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng có thời điểm hàng hóa khan hiếm tạm thời do tâm lý mua tích trữ của nhân dân.
– Hoạt động vận tải (chủ yếu vận tải đường sông, đường biển) chịu ảnh hưởng lớn nhất khi doanh thu trong tháng 9 sụt giảm khoảng 8%; trong đó, vận tải biển sụt giảm 15%; đường thủy nội địa giảm 10%; đường bộ giảm 4%.
– Các hoạt động dịch vụ khác như lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, hành chính hỗ trợ, thông tin truyền thông đều ít nhiều sụt giảm doanh thu trong tháng 9 từ 3-5% do tình trạng mất điện.
2. Tài chính, ngân hàng
2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/9 ước đạt 20.602 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 30/9 ước đạt 20.864 tỷ đồng, bằng 106,1% dự toán năm, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 17.830 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 2.959 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/9 ước đạt 14.604 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách nhà nước ước đến ngày 30/9 đạt 15.081 tỷ đồng, bằng 121,4% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.826 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 10.213 tỷ đồng.
2.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; Tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu trong tầm kiểm soát; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho lưu thông.
Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 206.258 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2023, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; Tổng dư nợ tín dụng 144.053 tỷ đồng, tăng 7,5% và tăng 13,5%. Nợ xấu nội bảng chiếm 0,94% tổng dư nợ tín dụng.
Trước những thiệt hại do cơn bão số 3, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang thống kê, rà soát, nắm bắt thiệt hại; thực hiện giảm lãi suất cho vay; miễn giảm lãi quá hạn, lãi chậm trả; cơ cấu lại thời gian trả nợ; đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính theo quy định nhằm khắc phục hậu quả sau bão.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
3.1. Trồng trọt
a) Cây hàng năm
Vụ đông xuân diễn biến thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân đạt 86.406 ha, giảm 0,1% (-61 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích lúa chiêm xuân đạt 53.905 ha, giảm 0,7% (-390 ha). Năng suất lúa chiêm xuân đạt 67,4 tạ/ha, tăng 1,3% (+0,9 tạ/ha), năng suất một số loại cây rau màu vụ đông xuân chủ yếu cơ bản đều cao hơn so với vụ đông xuân năm trước.
Vụ mùa diện tích gieo trồng đạt 63.442 ha, giảm 0,6% (-389 ha) so với năm trước; nguyên nhân chủ yếu là do một số diện tích đất được chuyển sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản và đất phi nông nghiệp (xây dựng hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp; xây dựng khu đô thị,…).
Năng suất lúa mùa dự kiến giảm 3,5% so với vụ mùa năm trước, nguyên nhân là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên một số diện tích lúa bị ngập úng, mất trắng; một số diện tích lúa trà sớm bị đổ, tỷ lệ hạt lép cao. Năng suất ngô ước tăng 5,6% nhưng các loại rau màu giảm bình quân 4,3%.
b) Cây lâu năm
Diện tích trồng cây lâu năm 9 tháng ước đạt 20.898 ha, giảm 7,8% (-1.772 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây ăn quả 19.958 ha giảm 8,1% (-1.762 ha); nguyên nhân là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi nên diện tích một số cây ăn quả giảm khá nhiều: cây chuối 1.250 ha, giảm 53,5%; cây ổi 2.453 ha, giảm 3,0%; cây bưởi 695 ha, giảm 15,6%.
Đa số các loại cây trồng cho thu hoạch trong tháng đều 9 bị giảm sản lượng do ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, cũng có một số loại cây trồng đã chủ động thu hoạch trước thời điểm bão hoặc ít bị ảnh hưởng do bão cho sản lượng cao hơn cùng kỳ năm trước như: Xoài 3.850 tấn, tăng 4,34%; na 17.500 tấn, tăng 3,15%; dứa 3.050 tấn, tăng 1,8%..
Riêng cây vải sản lượng ước đạt 35.680 tấn vải, giảm 38,0% (-21.850 tấn); nguyên nhân do năm nay diễn biến thời tiết ở giai đoạn cây vải phân hóa mầm hoa và ra hoa không thuận lợi nắng ấm và ít mưa nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả thấp hơn.
3.2. Chăn nuôi
Trong 9 tháng năm 2024, chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá; không có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Ước đến thời điểm 30/9/2024:
– Đàn trâu đạt 5.420 con, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng 683 tấn, tăng 0,9%. Đàn bò ước đạt 14.300 con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 1.328 tấn, tăng 3,1%.
– Đàn lợn ước đạt 449.800 con, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó lợn thịt ước đạt 309.500 con, tăng 4,8%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 53.816 tấn, tăng 6,7%.
– Đàn gia cầm ước đạt 17.162 nghìn con, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 12.820 nghìn con tăng 2,9%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 56.028 tấn, tăng 6,5%; sản lượng trứng ước đạt trên 484 triệu quả, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh hưởng của bão làm chết 0,8% đàn số gia súc và 5,4% đàn gia cầm; tuy nhiên sản lượng thịt hơi xuất chuống chưa bị ảnh hưởng ngay do số bị chết đa số chưa đến kỳ xuất bán.
3.3. Lâm nghiệp
Ước 9 tháng đầu năm toàn tỉnh có 187 ha diện tích rừng trồng mới, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng được chăm sóc 350 ha, tăng 20 ha. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 3.000 ha. Cây lâm nghiệp trồng phân tán 402 nghìn cây, tăng 1,5%.
Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 9.500 m3, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do diện tích rừng sản xuất đến tuổi được khai thác cao hơn cùng kỳ năm 2023, đồng thời do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số cây lâm nghiệp bị gẫy đổ phải khai thác tận thu; sản lượng khai thác củi ước đạt 51.500 ster, so với cùng kỳ năm trước, tăng 19,8%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán. Các sản phẩm lâm sản khác như tre, nhựa thông, măng tươi, mộc nhĩ…tăng giảm không lớn so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh có 3.294 ha rừng bị thiệt hại; trong đó, thiệt hại nặng trở lên (trên 50%) là 2.688 ha; ước tính giá trị thiệt hại 161 tỷ đồng.
3.4. Thủy sản
Trong 9 tháng đầu năm, sản xuất thủy sản ổn định. Diện tích nuôi thủy sản siêu thâm canh với mật độ cao được đầu tư mở rộng ở một số địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.000 ha nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16% tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; trong đó có 600 ha thủy sản nuôi theo hình thức “ao nổi” và “sông trong ao”. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong thủy sản giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động và giảm rác thải góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.
Sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt 84.062 tấn tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 82.789 tấn tăng 7,4%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.273 tấn, giảm 0,4%.
Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá. Tổng sản lượng cá lồng 9 tháng ước đạt trên 17.000 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản lượng cá lồng ước tăng mạnh là do thời tiết trong 9 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển, không phát sinh dịch bệnh.
Ảnh hưởng của bão số 3, gây mưa lớn trên các tỉnh phía bắc, nước trên các sông lên cao (trên báo động 3) và đục nên có hiện tượng cá lồng chết xảy ra tại một số hộ nuôi cá trên trên sông Thái Bình; tuy nhiên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các địa phương đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức hỗ trợ tiêu thụ (bán giải cứu) kịp thời nên sản lượng thiệt hại thấp.
4. Sản xuất công nghiệp
Từ đầu năm đến nay thị trường trong nước và quốc tế có một số yếu tố thuận lợi, nên đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc những ngành chủ lực như may mặc, điện tử, thiết bị điện, bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng lên là động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
4.1. Sản xuất công nghiệp
Ước tháng 9, sản xuất công nghiệp tương đương tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Điểm sáng góp phần vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh là ngành sản xuất than cốc (+15,1%); sản xuất thiết bị điện (+29,6); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+44,7%). Cơn bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm cho một số đơn vị phải tạm ngừng hoạt động do hư hỏng nhà xưởng, kho nguyên liệu, tạm ngừng do sự cố mất điện, nhưng thiệt hại đến sản xuất không lớn.
Ước tính quý III, sản xuất công nghiệp tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 2,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,1%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,9%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,9%.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá cao (+13,4%); một số ngành có tỷ trọng lớn, sản lượng sản xuất tăng cao, tác động nhiều đến mức tăng chỉ số chung của toàn ngành như sau:
– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 11,8%, tác động làm chỉ số chung tăng 2,6 điểm%;
– Ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ) tăng 13,2%, tác động làm chỉ số chung tăng 3,0 điểm%;
– Nhóm ngành dệt, may mặc, giày dép tăng lần lượt là 28,6%; 13,2% và 9,0%; cùng tác động làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%. Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đang có xu hướng phục hổi; đồng thời, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn tỉnh ký được đơn hàng đến hết năm, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2025. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng như dự án Tinh Lợi 3, Best Pacific, Quốc tế Ngân Tường cũng góp phần tăng sản lượng của ngành.
– Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 11,6%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%;
– Sản xuất thiết bị điện tăng 41,8%, làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%. Các thị trường xuất khẩu có sự phục hồi đáng kể và nhu cầu xây dựng dân dụng trong nước có xu hướng khởi sắc đã các yếu tố giúp ngành này tăng trưởng;
– Ngành sản xuất kim loại tăng 11,6%, làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%. Do nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công tăng dần nên sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát ở cả 3 miền đều tăng. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng cũng góp phần tác động đến tăng trưởng của ngành như Nhôm Đông Á, Shinyang Metal VN;
– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 0,9 điểm%. Năm nay, do mùa mưa lũ về sớm, trái ngược với tình trạng thiếu hụt nước của năm trước nên các nhà máy thủy điện được ưu tiên phát tối đa công suất, làm sản lượng điện trong quý III của Tỉnh giảm 11,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cũng còn một số ngành công nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng chung; đó là:
– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói), giảm 7,3%, làm chỉ số chung giảm 0,2 điểm%. Nguồn cung dư thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch, ngói trên địa bàn tỉnh phải ngừng lò, giảm công suất và cắt giảm lao động.
– Các ngành khai khoáng, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị lần lượt giảm 0,3% và 0,9%; nhưng quy mô nhỏ nên ít làm giảm chỉ số chung không đáng kể.
4.2. Sử dụng lao động
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 30/9/2024 ước tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm tình hình sử dụng lao động tăng 2,3% so với cùng kỳ; các ngành tăng so với cùng kỳ là:
– Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,0%;
– Dệt tăng 6,7%;
– Sản xuất trang phục tăng 3,5%;
– Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 6,2%;
– Sản xuất cao su và plastic tăng 5,1%;
– Sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2,1%;
– Sản xuất thiết bị điện tăng 6,2%;
– Sản xuất xe có động cơ tăng 1,5%;
– Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 2,1%.
Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 9 tháng giảm là: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 6,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 4,5%.
5. Hoạt động đầu tư, xây dựng
5.1 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Thời gian qua UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung cả nước.
Ước tháng 9, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 543 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh giảm 5,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện giảm 25,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã giảm 34,4%.
Ước quý III, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.518 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh tăng 3,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện giảm 26,9%; vốn ngân sách cấp xã giảm 36,5%. Đây là quý có mức giảm sâu so với các quý đầu năm (quý 1: +0,7%; quý 2: -0,7%).
Tính chung 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.357 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ, đạt 43,8% kế hoạch năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.084 tỷ đồng, tăng 13,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.117 tỷ đồng, giảm 24,0%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 157 tỷ đồng, giảm 35,7% so với cùng kỳ năm trước.
5.2 Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn
Thực hiện quý II, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 14.751 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước giảm 2,2%; vốn ngoài nhà nước tăng 2,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 34,5%.
Ước tính quý III, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 17.331 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước giảm 9,7%; vốn ngoài nhà nước tăng 4,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 40,7%.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 43.530 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước tăng 2,9%; vốn ngoài nhà nước tăng 4,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 31,1%.
5.3. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Hải Dương ghi nhận tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư với điểm sáng là thu hút đầu tư trong nước (DDI) tăng cao. Tính chung 9 tháng đầu năm, thu hút DDI đạt 8.036 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cấp mới cho 41 dự án với tổng vốn đăng ký 5.010 tỷ đồng (tăng 127,8% về vốn đăng ký). Kết quả thu hút DDI là bước khởi đầu để Hải Dương có thêm động lực bứt phá thời gian tới, nhất là khi tỉnh đang xây dựng đề án khu kinh tế chuyên biệt.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 9 tháng đã thu hút trên 353,8 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ và mới đạt 54,5% kế hoạch năm; các dự án FDI đầu tư tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; cụ thể:
– Đã cấp phép cho 51 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 217,8 triệu USD;
– Điều chỉnh tăng cho 26 lượt dự án với số vốn tăng thêm 130,7 triệu USD;
– Vốn mua cổ phần của 21 lượt góp vốn. với số vốn 5,3 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 1.369 doanh nghiệp (+2,7%) với tổng vốn điều lệ đăng ký 14.429 tỷ đồng (-5,8%); có 1.194 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (+15,1%) và 457 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (-20,2%).
5.4. Xây dựng
Thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện ở mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực khi hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng hiện nay chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng xây dựng chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư, xây dựng nhà xưởng, văn phòng và các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu cụm công nghiệp, khu dân cư.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng trong 9 tháng đầu năm ước đạt 16.514 tỷ đồng (theo giá so sánh) tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: công trình nhà ở ước đạt 7.332 tỷ đồng, giảm 1,8%; công trình nhà không để ở ước đạt 4.366 tỷ đồng, tăng 21,8%; công trình kỹ thuật dân dụng ước đạt 3.175 tỷ đồng, tăng 9,8%; công trình xây dựng chuyên dụng ước đạt 1.641 tỷ đồng, tăng 18,9%. Tỉnh Hải Dương đã tập trung nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh, kết nối liên vùng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư và tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp. Phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các KCN: Phúc Điền mở rộng, Gia Lộc, Đại An mở rộng – giai đoạn 2, Tân Trường mở rộng, Kim Thành, Lương Điền – Ngọc Liên.
Tăng trưởng ngành xây dựng 9 tháng chưa đạt cao như kỳ vọng một phần do trong quý III chi tăng 5,5%. Thời tiết không thuận lợi (mưa nhiều) đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án; đồng thời, cơn bão số 3 cũng làm gián đoạn thời gian thi công từ 3-5 ngày, cá biệt có dự án phải dừng thi công trên 10 ngày do bị ngập úng.
Một số dự án công trình xây dựng có tổng mức vốn đầu tư lớn đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh như dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm của Công ty hữu hạn tập đoàn Deli với tổng vốn đầu tư 270 triệu USD tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng. Dự án Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BOVIET với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Cộng Hòa, dự án của Biel Crystal Private Limited với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD tại Khu công nghiệp An Phát 1, dự án của CE Link Limited với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD tại Khu công nghiệp An Phát 1…
6. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Mặc dù, giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng đã tạo áp lực lớn đến giá các loại hàng hóa tiêu dùng, qua đó cũng làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh và sức mua trong dân cư; ảnh hưởng bão, lụt làm doanh thu nhiều cơ sở bị suy giảm; tuy nhiên hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 9 và 9 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, một số lĩnh vực có những tín hiệu khởi sắc.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 8.635 tỷ đồng, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 9 đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 73.899 tỷ đồng tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 11.597 tỷ đồng, tăng 13,7%.
6.1. Bán lẻ hàng hoá
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 9 ước đạt 7.086 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,7% và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ước quý III, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 20.792 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 7.931 tỷ đồng, tăng 15,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 11,3%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.374 tỷ đồng, tăng 12,6%; nhóm xăng, dầu các loại đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 14,1%;…
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 60.281 tỷ đồng tăng 13,7% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng:
– Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 22.516 tỷ đồng, tăng 17,1%;
– Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 7.042 tỷ đồng, tăng 13,2%;
– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 6.888 tỷ đồng, tăng 10,8%.
6.2. Dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 1.549 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Ước quý III, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 4.590 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 75 tỷ đồng, tăng 3,1%; dịch vụ ăn uống đạt 1.640 tỷ đồng, tăng 10,4%; dịch vụ khác đạt 2.833 tỷ đồng, tăng 7,2%.
Tính chung 9 tháng, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 13.618 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 223 tỷ đồng, tăng 10,7%; dịch vụ ăn uống đạt 4.899 tỷ đồng, tăng 15,6%; dịch vụ khác đạt 8.378 tỷ đồng, tăng 9,0%.
6.3. Vận tải
Doanh thu vận tải tháng 9 ước đạt 1.307 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng trước, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vận tải hành khách tăng 9,2%; vận tải hàng hoá tăng 10,9%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 5,3%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 6,9%.
Ước quý III, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 3.983 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vận tải hành khách tăng 12,2%; vận tải hàng hoá tăng 12,4%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 11,7%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 5,2%.
Ước tính 9 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 11.597 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vận tải hành khách tăng 16,2%; vận tải hàng hoá tăng 12,6%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 15,4%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 5,8%.
7. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá
Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 9 ước đạt 879 triệu USD, giảm 16,6% so với tháng trước nhưng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ước 9 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 7.704 triệu USD; đạt 65,3% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu các tháng đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 02 thấp hơn do ảnh hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Các nhóm mặt hàng chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao là:
– Nhóm hàng dệt may ước đạt 1.995 triệu USD, tăng 14,8%;
– Nhóm linh kiện điện tử và máy văn phòng ước đạt 1.430 triệu USD, tăng 17,6%;
– Nhóm ô tô và phụ tùng ô tô ước đạt 1.225 triệu USD, tăng 10,0%.
Hoạt động nhập khẩu tăng khá do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu cho hoạt động xuất khẩu. Tháng 9, giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 651 triệu USD, giảm 16,9% so với tháng trước nhưng tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.084 triệu USD; đạt 64,0% kế hoạch năm và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm mặt hàng nhập khẩu tăng cao gồm có:
– Nhóm ô tô và phụ tùng ô tô ước đạt 1.394 triệu USD, tăng 13,5%;
– Nhóm phụ kiện, linh kiện điện tử ước đạt 1.171 triệu USD, tăng 19,1%;
– Nhóm vải và nguyên phụ liệu may mặc ước đạt 1.068 triệu USD, tăng 17,9%.
8. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,84% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 3,78% và tăng 4,40% so với tháng 12/2023. Bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng giá ở khu vực thành thị tăng cao hơn khu vực nông thôn.
So với tháng trước, có 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá, 02 nhóm có giá ổn định và 06 nhóm tăng giá. Trong 06 nhóm hàng tăng giá, có một số nhóm tăng cao, tác động nhiều đến CPI chung như sau:
– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,23%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,99 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm tăng 2,86%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,65 điểm phần trăm như: thịt gia súc tăng 1,82%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm; thịt chế biến tăng 1,99%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm các loại rau tươi tăng 18,69%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,40 điểm phần trăm; ăn ngoài gia đình tăng 7,96%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.
– Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,67%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: nhà ở tăng 1,08%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm; ga tăng 0,65%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm.
– Nhóm hàng bưu chính và viễn thông tăng 0,58%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng thiết bị điện thoại tăng 2,52%, tác động làm cho CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như: nhóm giao thông giảm 3,06%, tác động làm cho CPI chung giảm 3,01 điểm phần trăm; giảm chủ yếu giảm ở mặt hàng nhiên liệu xăng dầu giảm 7,23%, tác động làm cho CPI chung giảm 0,30 điểm phần trăm; nhóm hàng đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01%.
Chỉ số giá vàng tháng 9 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 1,72% so tháng trước; tăng 37,58% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân 9 tháng đầu năm 2024 tăng 28,73%. Tính đến ngày 24/9/2024, bình quân giá vàng là 7.871 ngàn đồng/1 chỉ, tăng 133 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 7.846 – 7.896 ngàn đồng/chỉ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 9 giảm 1,64% so với tháng trước; tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân 9 tháng đầu năm 2024 tăng 5,42% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng 9 là 2.491.185 đồng/100USD, giảm 41.593đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.491.160 – 2.491.210 đồng/100USD.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III tăng 6,91% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 6,60%.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý III giảm 1,73% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng giảm 2,77%.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng quý III tăng 1,96% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng tăng 1,77%.
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III tăng 4,57% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng tăng 5,56%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 3,40% và tăng 3,16%.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá theo USD quý III giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng giảm 1,44% so với cùng kỳ; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá theo USD giảm 0,71% và giảm 1,73%./.