BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 8 NĂM 2024 TỈNH HẢI DƯƠNG

Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm cơ bản ổn định; thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm không phát sinh; công nghiệp tiếp tục tăng cao do xuất khẩu ngày càng khởi sắc; hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, nguồn cung hàng hóa dồi dào.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 là chăm sóc cây lúa vụ mùa và thu hoạch, mở rộng diện tích trồng cây rau màu vụ hè thu, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

1.1. Trồng trọt

Tính đến hết tháng 8, các địa phương đã gieo cấy xong diện tích lúa vụ mùa. Tổng diện tích gieo cấy lúa vụ mùa ước đạt 53.200 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,5%; cây rau các loại vụ hè thu đạt trên 6.000 ha, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Thời tiết từ đầu vụ khá thuận lợi, tạo điều kiện tốt cho cây lúa, cây rau các loại sinh trưởng, phát triển. Tình hình sâu bệnh năm nay phát sinh ở mức độ thấp hơn năm trước; diện tích lúa mùa bị chuột gây hại giảm (diện tích lúa mùa bị chuột gây hại ước trên 200 ha, trong khi năm trước là trên 300 ha).

Hiện nay, nông dân đang tích cực chăm sóc, thu hoạch cây rau hè thu để chuẩn bị tiến hành gieo trồng cây vụ đông sớm. Rau màu hè thu năm nay sinh trưởng, phát triển tương đối thuận lợi. Một số diện tích cây rau đã cho thu hoạch có năng suất ước đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Chăn nuôi của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn đang phát triển tốt do hiệu quả kinh tế cao hơn và phòng dịch hiệu quả hơn.

Đàn lợn thịt tại thời điểm 31/8/2024 ước đạt 307.000 con, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 8 đạt 6.080 tấn, tăng 6,1%. Tính chung 8 tháng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 47.663 tấn, tăng 6,8%.

Đàn gia cầm tăng khá, ước tại thời điểm 31/8/2024 tổng đàn đạt 17.054 nghìn con, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 12.725 nghìn con, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 8 ước đạt 6.550 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 49.484 tấn, tăng 7,1%.

Đàn trâu, bò tại thời điểm 31/8/2023 ước đạt 19.820 con tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đàn trâu đạt 5.420 con, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, đàn bò đạt 14.400 con tăng 2,1%. Tính chung 8 tháng, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 608 tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 8 tháng ước đạt 1.197 tấn, tăng 2,9%.

1.3. Thủy sản

Trong tháng 8, sản xuất thủy sản ổn định, dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm mặt nước nuôi trồng.

Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như: Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính…

Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ước đạt trên 12.500 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 8 ước đạt trên 10.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

2. Công nghiệp

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng trên thế giới chưa phục hồi mạnh, nhưng Việt Nam đang là “điểm sáng” sản xuất đáng tin cậy do có lợi thế gần chuỗi cung ứng và ổn định xã hội. Một số ngành sản xuất chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao như: Sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị điện, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, dệt, may mặc.

2.1. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 12,2% so với cùng kỳ; một số sản phẩm tiêu biểu như: thức ăn gia súc +8,7%; vải dệt kim +12,2%; quần áo người lớn +12,7%; giày dép thể thao +6,3%; than cốc +16,5%; xe ô tô từ 5 chỗ trở lên +57,7%; máy kết hợp: in, quét, fax, copy… + 15,6%.

Tính chung 8 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ) tăng 13,6%, tác động làm chỉ số chung tăng 3,2 điểm%;

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 11,9%, tác động làm chỉ số chung tăng 3,0 điểm%;

– Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 43,2%, làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%;

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,8% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 1,1 điểm%;

– Nhóm ngành dệt, may mặc tăng lần lượt 30,2% và 13,1%, làm chỉ số chung tăng 1,1 điểm%;

– Ngành sản xuất kim loại tăng 11,1%, làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%;

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (sản phẩm chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi) tăng 11,3%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,6 điểm%.

 Một số yếu tố tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp gồm có: (1) Các thị trường xuất khẩu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có sự phục hồi ổn định từ đầu năm; (2) Chuyển dịch đơn hàng đến Việt Nam do xung đột và bất ổn xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới; (3) Năng lực sản xuất công nghiệp mới tăng do các dự án đầu tư đã đi vào sản xuất như: Tinh Lợi 3 (may mặc), Best Pacific (dệt), Nhôm Đông Á, Shinyang Metal (sắt thép).

Bên cạnh đó, cũng một số ngành gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, sản lượng sản xuất so với cùng kỳ không cao, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành đó là:

– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói), giảm 7,0%, làm chỉ số chung giảm 0,2 điểm%. Hiện nay, nguồn cung trong nước đang dư thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch, ngói trên địa bàn tỉnh phải ngừng lò, giảm công suất và cắt giảm lao động;

– Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 2,2%, làm chỉ số chung giảm 0,01 điểm%.

2.2. Sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/8/2024 dự ước tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng đầu năm tăng 2,3% so với cùng kỳ. Một số ngành có số lượng lao động 8 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ là:

– Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,0%;

– Dệt tăng 6,5%;

– Sản xuất trang phục tăng 3,1%;

– Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,7%;

– Sản xuất cao su và plastic tăng 5,5%;

– Sản xuất thiết bị điện tăng 5,8%;

– Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 11,7%.

Ngoài ra, cũng có một số ngành có số lượng lao động 8 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Khai khoáng khác (-5,6%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-6,6%); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị (-6,0%).

3. Hoạt động đầu tư

Thời gian qua UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn vẫn đạt thấp so với kế hoạch.

Ước tháng 8, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 540 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 365 tỷ đồng, tăng 18,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 154 tỷ đồng, giảm 33,0%; vốn ngân sách cấp xã đạt 21 tỷ đồng, giảm 38,7%.

Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.835 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước và mới đạt 37,0% kế hoạch năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.792 tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng vốn đầu tư, tăng 21,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 910 tỷ đồng, chiếm 32,1% tổng vốn đầu tư, giảm 25,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 133 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ như: Công tác lựa chọn nhà thầu còn chậm; giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng tiến độ thi công; có dự án phải tiến hành lập quy hoạch hoạch điều chỉnh quy hoạch nên mất nhiều thời gian. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong từng dự án.

* Một số công trình lớn thực hiện trong tháng như:

– Đầu  tư  xây  dựng  nút  giao  liên  thông  kết nối Quốc lộ 17B với Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, tỉnh Hải Dương thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2024-2025 với tổng mức đầu tư là 1.867 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 8/2024 đạt 31,1 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 58,5 tỷ đồng, ước đạt 3,1% tổng mức đầu tư;

– Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương (2020-2025 với tổng mức đầu tư là 1.774,6 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 8/2024 đạt 28,8 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 8 ước đạt 882,4 tỷ đồng, đạt 49,7% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2021-2024 với tổng mức đầu tư là 1.778,9 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 8/2024 đạt 20,8 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 8 ước đạt 1.127,8 tỷ đồng, đạt 63,4% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2023-2026 với tổng mức đầu tư là 846,4 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 8/2024 đạt 17,8 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 58 tỷ đồng, ước đạt 6,8% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị 12 Trung tâm y tế huyện, tỉnh Hải Dương, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2023-2025 với tổng  mức đầu tư là 235  tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 8/2024 đạt 13,9 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 8 ước đạt 131,8 tỷ đồng, đạt 56,1% tổng mức đầu tư;

– Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2022-2025 với tổng  mức đầu tư là 421,2  tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 8/2024 đạt 12,6 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 243,3 tỷ đồng, ước đạt 57,8% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng 8 hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, không có biến động bất thường; sức mua tiêu dùng tăng nhẹ, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, tiêu dùng của người dân và cho sản xuất.

Tháng 8, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.116 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 1.288 tỷ đồng, tăng 7,3%.

Tính chung Tám tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 64.743 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 10.320 tỷ đồng, tăng 13,9%.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Tháng 8, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 6.598 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 52.676 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 19.418 tỷ đồng, tăng 15,2%

– Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 6.214 tỷ đồng, tăng 12,9%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 6.068 tỷ đồng, tăng 10,0%;

– Xăng dầu các loại đạt 5.131 tỷ đồng, tăng 16,0%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng 8, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 1.518 tỷ đồng, giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 7,7%.

Tính chung 8 tháng, Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 12.067 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 198 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 4.339 tỷ đồng, tăng 16,2%; dịch vụ khác đạt 7.426 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải

Tháng 8, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 1.288 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vận tải hành khách giảm 3,2% và tăng 10,7%; vận tải hàng hoá giảm 1,9% và tăng 6,6%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 0,8% và tăng 6,9%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 0,5% và tăng 6,2%.

Tính chung 8 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 10.320 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vận tải hành khách tăng 18,1%; vận tải hàng hoá tăng 10,7%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 19,7%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 11,7%.

4.4. Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 267 triệu USD. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,4 tỷ USD.

Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 8 ước đạt 1.060 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 6.830 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 7 và tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đều đạt trên 01 tỷ USD do các mặt hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, máy văn phòng, dây điện và cáp điện đều đạt giá trị cao.

Giá trị hàng hoá nhập khẩu tháng 8 ước đạt 793 triệu USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng đầu năm, nhập khẩu ước đạt 5.444 triệu USD tăng 8,6%so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,87% so với tháng trước; tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,53% so với tháng 12/2023. Bình quân 8 tháng đầu năm, CPI tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 03 nhóm giảm giá và 01 nhóm có giá ổn định so với tháng trước. Trong 07 nhóm hàng tăng giá, có một số nhóm tăng cao, tác động nhiều đến CPI chung như sau:

– Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,89%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: nhà ở tăng 4,75%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,47 điểm phần trăm; nước sinh hoạt tăng 1,20%, điện sinh hoạt tăng 0,90%…

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,88%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,88 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm tăng 1,69%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm: Như thịt gia súc tăng 1,77%; thịt chế biến tăng 0,55%, các loại rau tươi tăng 12,62%.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như: nhóm giao thông giảm 2,35% (tác động làm cho CPI chung giảm 0,24 điểm phần trăm); nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%.

Giá vàng tháng 8 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 1,79% so tháng trước; tăng 36,06% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng đầu năm 2024 tăng 27,66%. Tính đến ngày 23/8/2024, bình quân giá vàng là 7.738 ngàn đồng/1 chỉ, tăng 1366 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 7.713 – 7.763 ngàn đồng/chỉ.

Giá Đô la Mỹ tháng 8 giảm 0,53% so với tháng trước; tăng 5,89% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng 8 là 2.532.778 đồng/100USD, giảm 13.514 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.527.000 – 2.537.00 đồng/100USD.

6. Thu, Chi ngân sách nhà nước

6.1. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/8 ước đạt 18.432 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm ước đến 31/8 ước đạt 19.245 tỷ đồng, bằng 98,0% dự toán năm, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 16.327 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 2.878 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/8 ước đạt 12.954 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách nhà nước ước đến ngày 31/8 đạt 13.603 tỷ đồng, bằng 124,6% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.513 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 9.067 tỷ đồng.

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Hoạt động tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu trong tầm kiểm soát.

Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 204.212 tỷ đồng, tăng 12,1%; dư nợ tín dụng đạt 141.401 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; nợ xấu nội bảng chiếm 0,94% tổng dư nợ./.

Download báo cáo