Đến ngày 15/7/2019, toàn tỉnh gieo cấy được 57.000 ha lúa mùa, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn giảm 56,7% (-249.000 con), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 59,2%. sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại do tốc độ tăng của nhiều ngành dù ổn định nhưng không còn tăng cao như những năm trước
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sảnI. Kinh tế
1.1. Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng 7 là thu hoạch rau mầu vụ chiêm xuân, làm đất, gieo cấy lúa vụ mùa và rau mầu vụ hè thu.
Năng suất lúa vụ chiêm xuân sơ bộ đạt 62,69 tạ/ha, giảm 6,4% (-4,27 tạ/ha) so với vụ chiêm xuân 2018; sản lượng đạt 362.393 tấn, giảm 7,5% (-29.204 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân năng suất giảm so với cùng kỳ năm trước là do diễn biến thời tiết năm nay không thuận cho sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa ở một số giai đoạn: thời kỳ lúa đẻ nhánh ít mưa nên số nhánh trong các khóm ít hơn cùng kỳ; thời tiết ấm nóng đã rút ngắn thời gian sinh trưởng nên chiều cao cây, chiều dài bông không đạt tiềm năng như các năm trước; giai đoạn lúa trổ bông, vào chắc, trời mưa, âm u ít nắng, ảnh hưởng xấu đến quá trình thụ phấn, tỷ lệ hạt lép cao. Ngoài ra, bệnh bạc lá phát sinh gây hại ở mức độ cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Công tác gieo trồng cây vụ mùa năm nay được các địa phương chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Để có đất gieo trồng cây rau mầu vụ đông các địa phương đã chủ động bố trí gieo cấy giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ở trà mùa sớm. Đến nay việc gieo cấy lúa mùa cơ bản đảm bảo cơ cấu giống, khung thời vụ theo kế hoạch.
Đến ngày 15/7/2019, toàn tỉnh gieo cấy được 57.000 ha lúa mùa, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích cấy bằng máy đạt trên 10.000 ha, diện tích gieo thẳng đạt trên 32.000 ha. Rau màu hè thu gieo trồng được trên 6.000 ha, tương đương cùng kỳ năm trước.
1.2. Chăn nuôi
Trâu, bò; tại thời điểm 01/8/2019 đàn trâu ước đạt 4.124 con, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2018; nguyên nhân giảm là do các vùng, bãi được quy hoạch chuyển đổi nhiều nên nơi chăn thả trâu ngày càng bị thu hẹp; trong khi đó, thịt trâu chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân nên người chăn nuôi hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 35 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước.
Đàn bò có xu hướng tăng do hiệu quả chăn nuôi bò thương phẩm đạt khá nên người chăn nuôi có xu hướng mở rộng qui mô, nhiều mô hình chăn nuôi bò thương phẩm qui mô lớn được mở rộng ở nhiều địa phương. Tổng đàn bò ước đạt 19.630 con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 136 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lợn; trong tháng 7, chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; tính đến ngày 15/7/2019 bệnh dịch đã xảy ra ở 254 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tâm lý bán lợn thịt chạy dịch và không tái đàn cùng với số lợn chết và bị tiêu hủy đã làm cho tổng đàn lợn (bao gồm lợn thịt, lợn nái, lợn đực giống) giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 01/8/2019 ước đạt 190.000 con, giảm 56,7% (-249.000 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 3.230 tấn, giảm 59,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra. Mặt khác, yếu tố thị trường đang thuận lợi bởi thịt gia cầm có thể thay thế một phần nhu cầu thịt lợn của người dân. Tại thời điểm 01/8/2019, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 11.800 nghìn con, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 9.200 nghìn con tăng 7,6%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 7 ước đạt 2.980 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng ước đạt 26.000 nghìn quả, giảm 9,7%.
1.3. Thuỷ sản
Trong tháng 7, sản xuất thủy sản tương đối ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao vẫn được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính…
2. Sản xuất công nghiệp
Do đa số các ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng đều có sản lượng sản xuất ổn định nên sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại do tốc độ tăng của nhiều ngành dù ổn định nhưng không còn tăng cao như những năm trước; năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng không có đột biến.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
So với tháng trước, sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 3,0%, trong đó ngành khai khoáng tăng 0,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 10,0%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 0,9%.
So với cùng kỳ, dự ước sản xuất công nghiệp tháng 7 trên địa bàn tỉnh tăng 10,7%, trong đó tăng cao nhất là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà với mức tăng 32,2%, do năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn tới nhu cầu về điện sinh hoạt tăng cao, để đảm bảo điện sản xuất và tiêu dùng doanh nghiệp nhiệt điện phải tăng sản lượng cung cấp điện; tiếp đến là ngành khai khoáng tăng 31,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,7% và cuối cùng ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 7,5%.
Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó ngành khoai khoáng bằng cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 1,8%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 17,5%.
Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng điển hình như: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 16,5%; áo phông (T- shirt), áo may ô và các loại áo khác tăng 15,7%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 21,8%; bao bì và túi bằng giấy tăng 53,7%; sản phẩm bằng plactic còn lại chưa phân vào đâu tăng 34,7%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 40,2%; đinh, đinh mũ ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh) tăng 32,0%; mạch điện tử tích hợp tăng 17,2%; micro và các linh kiện của chúng tăng 16,8%; máy khâu loại khác, trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình tăng 7,7%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 38,0%;…
2.2. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như trong tỉnh, rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ, robot, máy móc, thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ làm tăng năng suất lao động nhưng cũng đồng nghĩa với nhu cầu lao động giản đơn sẽ giảm. Vì vậy chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2019 tăng 1,3% so với tháng trước, giảm 0,4% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng đầu năm tăng 0,9%.
Các ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm là: sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 9,2%; sản xuất đồ uống giảm 5,5%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 1,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 12,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,2%; sản xuất kim loại giảm 2,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 6,8%…
Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng như: dệt tăng 19,1%; sản xuất trang phục tăng 2,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,1%; in, sao chép bản ghi tăng 7,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 1,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 25,6%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 3,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 8,9%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 6,6%…
3. Hoạt động đầu tư
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 6 năm 2019 đạt 164 tỷ đồng đạt 7,5% kế hoạch năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 86 tỷ đồng, đạt 7,2% so với kế hoạch năm, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 67 tỷ đồng, đạt 7,9% kế hoạch năm, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách cấp xã đạt 11 tỷ đồng đạt 8,0% kế hoạch năm, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tháng 7, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 175 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 94 tỷ đồng , tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 70 tỷ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách cấp xã đạt 11 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 939 tỷ đồng, đạt 43,0% kế hoạch năm, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 474 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch năm, tăng 32,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 398 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch năm, tăng 41,4%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 67 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch năm, tăng 27,1%.
Về thu hút đầu tư, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép mới với số vốn đăng ký 275,9 triệu USD. Trong đó các dự án đều thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chủ yếu của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Samoa.
4. Thương mại, dịch vụ
Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, hoạt động xúc tiến thương mại luôn được đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin, cung cấp hàng trăm lượt tin bài; mời doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước.
4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 7 năm 2019 ước đạt khoảng 4.084 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,5%; tăng 10,6% so với cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành hàng; nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất đạt 1.425 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 538 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 9,7% so với cùng kỳ, nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, đạt 605 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 27.334 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng tăng 7,42%.
Phân theo nhóm ngành hàng; nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 34,3% trong tổng số và đạt 9.368 tỷ đồng, tăng 14,0% so với năm trước; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 3.705 tỷ đồng, chiếm 13,6% trong tổng số, tăng 10,8% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,7% trong tổng số, đạt 4.030 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước.
4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 7 ước đạt 867 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước; tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong đó; dịch vụ lưu trú đạt 28 tỷ đồng, giảm 4,6% so với tháng trước, tăng 11,3% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 330 tỷ đồng, giảm 1,2%; dịch vụ khác đạt 508 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Bẩy tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 5.928 tỷ đồng; tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Phân theo loại hình kinh tế; kinh tế cá thể đạt 3.715 tỷ đồng, chiếm 62,7% và tăng 8,7% so với năm trước; kinh tế tư nhân đạt 1.823 tỷ đồng, chiếm 30,8% và tăng 7,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 275 tỷ đồng, chiếm 4,6% và tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Phân theo ngành kinh tế; dịch vụ lưu trú đạt 183tỷ đồng, chiếm 3,1% trong tổng số và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 2.280 tỷ đồng, chiếm 38,5% tổng số và tăng 9,5%; dịch vụ khác đạt 3.458 tỷ đồng, chiếm 58,3% tổng số, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh vẫn tích cực đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch, ngoài ra còn tăng cường qua các chương trình Famtrip, hội thảo, khảo sát,… Doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 7,5 tỷ đồng, tăng 9,0%.
4.3. Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 7 ước đạt 879 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 1,1%, tăng 12,9% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 111 tỷ đồng, so với tháng trước không thay đổi, so với cùng kỳ tăng 11,4%; vận tải hàng hoá đạt 685 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Ước tính 7 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 5.882 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 798 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 13,4%; vận tải hàng hoá đạt 4.521 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 558 tỷ đồng, tăng 3,6%.
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 7 ước đạt 2,8 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 1,0% và tăng 10,3% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 109,5 triệu hành khách.km, so với tháng trước giảm 0,5% và tăng 10,7% so với cùng kỳ. Bẩy tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 20,6 triệu hành khách, so với cùng kỳ tăng 13,0%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 797 triệu hành khách.km tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 7 ước đạt 11,6 triệu tấn, so với tháng trước tăng 1,6% và tăng 11,4% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 787,7 triệu tấn.km, giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Bẩy tháng đầu năm khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 77,8 triệu tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,4%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 5.402,3 triệu tấn.km, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,26% so với tháng 12 năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,97% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng giá giữa hai khu vực (thành thị-nông thôn) tương đối đồng đều nhau (thành thị +0,45%; nông thôn +0,55% so với tháng trước).
Nguyên nhân làm chỉ số giá tăng là do giá thịt lợn (tăng bình quân 10.000-12.000 đồng/kg so với tháng trước); dự báo từ giờ trở đi giá thịt lợn sẽ có xu hướng tăng do nguồn cung đã khan hiếm; đồng thời, giá lợn hơi cũng tác động gián tiếp làm một số mặt hàng thực phẩm sẽ có xu hướng tăng giá theo.
II. Một số vấn đề xã hội
Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 tỉnh Hải Dương có 1.892.254 người, tăng 187.195 người so với 10 năm trước (bình quân tăng 1,04%/năm); dân số thành thị chiếm 22,9%; dân tộc Kinh chiếm 99,42%. Hải Dương là tỉnh đông dân thứ 9 cả nước (sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang) và thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
1.Văn hóa, thể thao
Văn hóa; Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 04/7/2019, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa trong toàn ngành.
Tại Lễ phát động, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đề nghị các cơ quan, đơn vị trong ngành đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa, vận động các hộ kinh doanh thay đổi nhận thức, không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; các cơ quan, đơn vị hạn chế không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức những cuộc họp, sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật; cộng đồng doanh nghiệp, các khu, điểm du lịch, các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường…
Sáng ngày 13/7 (tức ngày 11/6 Âm lịch), đã diễn ra Lễ an vị thượng lương Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh. Đây là công trình tạo điểm nhấn văn hóa, góp phần hoàn chỉnh không gian cảnh quan tổng thể của khu di tích Côn Sơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân và du khách thập phương.
Thể thao; Chiều mùng 10/7 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng đội tuyển bóng bàn nam, nữ Vicem Hoàng Thạch vừa đoạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân lần thứ 37 tranh Cúp PetroVietNam – Đạm Cà Mau năm 2019.
Sáng 11/7, tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc Giải cầu lông công nhân, viên chức, lao động lần thứ VIII năm 2019. Tham gia giải có 198 vận động viên thuộc 25 đoàn đến từ 19 công đoàn cấp trên cơ sở, 1 công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh và 5 công đoàn cơ sở Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, giải đấu sẽ diễn ra trong 2 ngày 11-12/7.
Chiều 19/7, Ban Tổ chức Giải cờ vua các nhóm tuổi thiếu niên – nhi đồng tranh Cúp Báo Hải Dương lần thứ VII năm 2019 triển khai kế hoạch tổ chức giải. Giải do Báo Hải Dương phối hợp với 2 Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Giải năm nay sẽ diễn ra trong các ngày từ 1-3/8 tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao Hải Dương.
Hiện tại, để chuẩn bị cho Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 năm 2019 (Seagame 30) sẽ diễn ra tại Philippines. Các vận động viên bóng bàn tỉnh tích cực luyện tập, chuẩn bị sẵn sàng không chỉ về chuyên môn, mà cả tinh thần trước giải đấu lớn.
2. Y tế
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao. Toàn tỉnh có 171 ca mắc sởi, tăng 166 ca so với cùng kỳ năm ngoái; 330 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, tăng 148 trường hợp. Tổng số lần khám bệnh đạt hơn 1,1 triệu lượt người, tăng 0,9%. Tỷ lệ chuyển tuyến ở phần lớn các bệnh viện đều giảm… Công tác y tế cũng còn gặp nhiều khó khăn. Việc thay thế vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến nhiều người dân còn e ngại. Còn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc….
Khác với quy luật những năm trước, năm nay bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh xuất hiện sớm hơn và có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 14 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 02 ca mang yếu tố nội địa chưa rõ nguyên nhân mắc; Trung tâm đã tăng cường truyền thông để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh và sớm phát hiện khi nghi ngờ mắc bệnh để đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời
3. Giáo dục
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo công bố sáng 16/7, tỉnh Hải Dương có 20 bài thi THPT quốc gia năm 2019 đạt điểm 10, nhiều hơn năm ngoái 9 bài. Cũng như nhiều năm trước, môn giáo dục công dân tiếp tục có số lượng điểm 10 nhiều nhất với 13 bài, tiếp đến là ngoại ngữ 4 bài, lịch sử 2 bài và địa lý 1 bài. Điểm cao nhất của các môn còn lại: toán học 9,8; hóa học, sinh học cùng đạt 9,75; vật lý 9,5; ngữ văn 9.
Toàn tỉnh có 1.978 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên, tăng 881 bài so với năm ngoái; 71.866 trong tổng số 112.012 bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, chiếm 64,1%; 86 bài thi bị điểm liệt, giảm 31 bài so với năm trước. Điểm trung bình các môn thi của tỉnh là 5,57, cao hơn 0,4 điểm so với năm ngoái, nằm trong top khá của cả nước.
4. Bảo vệ môi trường
Trong tháng 7, cơ quan chức năng đã phát hiện 15 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 14 vụ với tổng số tiền phạt 88,4 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm đã phát hiện 83 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 73 vụ với tổng số tiền phạt 1.029,1 triệu đồng.
5. Trật tự an toàn xã hội
Về tai nạn cháy, nổ; trong tháng 7/2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, nổ thiệt hại ước tính 10.270 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm xảy ra 10 vụ cháy, nổ không bị thương vong về người nhưng thiệt hại ước tính 12.809 triệu đồng.
Về tai nạn giao thông; Sáu tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 125 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 115 người, làm bị thương 56 người; so với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT tăng 05 vụ (tăng 4.2%), tăng 05 người chết (tăng 4.5%) và giảm 12 người bị thương (-18%) ; trong đó, đường bộ xảy ra 118 vụ, làm 111 người chết và 52 người bị thương; đường sắt xảy ra 03 vụ, làm 04 người chết, 04 người bị thương; đường thủy nội địa xảy ra 04 vụ, không thiệt hại về người.
Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 01 vụ, làm 08 người chết và 08 người bị thương; rất nghiêm trọng xảy ra 04 vụ, làm 08 người chết và 01 người bị thương; nghiêm trọng xảy ra 96 vụ, làm 95 người chết và 15 người bị thương ; Ít nghiêm trọng và va chạm giao thông xảy ra 17 vụ làm 28 người bị thương. Trên các tuyến Quốc lộ xảy ra 56 vụ, làm chết 62 người và bị thương 232 người (tập trung chủ yếu trên QL.5, QL38B, QL.37 và QL.17B); các tuyến đường tỉnh xảy ra 22 vụ, làm chết 33 người và bị thương 03 người; giao thông nông thôn xảy ra 10 vụ, làm chết 11 người, bị thương 01 người và giao thông đô thị xảy ra 13 vụ, làm chết 13 người và bị thương 04 người./.