Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2021 tỉnh Hải Dương

Đại dịch Covid-19 vẫn là biến số quan trọng nhất, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế thế giới. Trong nước, làn sóng Covid thứ 4 xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc từ cuối tháng 4, gần đây tiếp tục lan rộng ở các tỉnh phía Nam, khiến cho việc dự báo tăng trưởng cả nước liên tục được điều chỉnh giảm từ 5,8% xuống còn 5,6%; vì thế khả năng hoàn thành kế hoạch của Chính phủ (+6,5%) là rất khó khăn.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng trực tiếp trong làn sóng Covid thứ 3, tăng trưởng quý I sơ bộ giảm 3,1% (cả nước quý I +4,48%). Mặc dù tăng trưởng trong quý II phục hồi mạnh mẽ nhưng biến số dịch bệnh vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất lợi trong 6 tháng cuối năm; khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021 của Tỉnh (+8%) là rất khó hoàn thành.

I. Kinh tế

1. Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 3,89%; cao hơn mức tăng trưởng của 6 tháng năm trước (+2,4%) và cả năm 2020 (2,1%). Mặc dù đây là mức tăng thấp nhất so với các tỉnh trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố; nhưng cũng là mức tăng trưởng vượt kỳ vọng của Tỉnh, do tăng trưởng quý II ước đạt 10,7% vượt kịch bản tăng trưởng 0,2 điểm%.

Tác động từ dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu làm tăng trưởng kinh tế sụy giảm trong quý I (-3,1%) và bật tăng trở lại ở quý II (+10,7%); sự thay đổi giữa hai quý lớn như vậy hoàn toàn do hoạt động sản xuất công nghiệp chi phối.

Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế; mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 9%) nhưng tốc độ tăng của ngành ổn định ở mức khá cao trong cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, giúp duy trì thu nhập ổn định cho khu vực nông dân và nông thôn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành ước đạt 7,3%; chủ yếu do sản lượng cây vụ đông tăng khá (trên 9%) nên giá trị tăng 8,7%; sản lượng cây vải tăng cao (dự kiến đạt 55.000 tấn, tăng 27,9%); sản lượng lúa chiêm xuân tăng 2,3% (diện tích giảm nhưng năng suất tăng); hoạt động chăn nuôi lợn tăng cao, nuôi gia cầm tiếp tục tăng khá nên sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tăng 10,8%; nuôi trồng thủy sản phát triển tốt nên sản lượng ước tăng 5,8%, đặc biệt là thủy sản lồng bè (ước tăng trên 20%).

Công nghiệp chiếm tỷ trọng chi phối (trên 50%) đối với kinh tế của Tỉnh. Vì thế khi hoạt động sản xuất công nghiệp sụt giảm trong quý I và phục hồi mạnh mẽ trong quý II giúp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh cơ bản đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm. Các hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc, da giày, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô phục hồi đà tăng trưởng chung. Đồng thời, năng lực sản xuất công nghiệp mới tăng đến từ dự án Nhiệt điện Jack Hải Dương với việc vận hành 02 tổ máy từ những tháng đầu năm, tổng công suất dự án đạt 1120 MW. Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh cũng tăng khá cao do nhu cầu thị trường (xi măng +8,4%; than cốc +19,7%; sắt thép +18,8%; thiết bị điện dùng cho ôtô +23,2) và do năm 2020 ngừng sản xuất (xe có động cơ +68,1%).

Hoạt động xây dựng trong quý I và quý II đều giảm sâu, đây là điều hiếm khi xảy ra. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiều dự án trên địa bàn; đồng thời giá vật liệu xây dựng tăng cao làm cho hoạt động xây dựng trầm lắng hơn, nhiều dự án điều chỉnh tiến độ, khu vực dân cư lùi/hoãn lại khởi công. Cùng với việc giải ngân vốn đầu tư phát triển giảm mạnh so với cùng kỳ sẽ làm cho các hoạt động sản xuất ở các khu vực khác bị ảnh hưởng trong các quý tiếp theo.

Dịch vụ chưa phục hồi, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,3% trong đó, quý I giảm 1,9%; quý II tăng 2,4%. Các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 2, tháng 3 tiếp tục được áp dụng trong một số thời điểm của tháng 5 và tháng 6, ảnh hưởng lớn đến khả năng hồi phục và phát triển của một số ngành dịch vụ như: ăn uống, lưu trú, vận tải hành khách, lữ hành, vui chơi, giải trí, làm đẹp… Tăng trưởng của ngành dịch vụ chủ yếu do các hoạt động thương mại, tài chính ngân hàng, hành chính hỗ trợ, giáo dục và y tế.

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước đồng thời thực hiện việc hoãn, giãn thu thuế đối với các đối tượng theo quy định của Chính phủ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2021 ước tính đạt 8.559 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 6.994 tỷ đồng, tăng 22,1%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 361 tỷ đồng, tăng 1,3% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 1.926 tỷ đồng, tăng 41,6%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.047 tỷ đồng, tăng 28,7%; thu thuế thu nhập cá nhân 514 tỷ đồng, tăng 4,1%; thu thuế bảo vệ môi trường 414 tỷ đồng, tăng 10,1%; các khoản thu về nhà, đất 2.127 tỷ đồng, tăng 16,8%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm 15/6/2021 ước tính đạt 7.530 tỷ đồng, bằng 94,4% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.057 tỷ đồng, bằng 89,3%; chi đầu tư phát triển 2.449 tỷ đồng, bằng 106,4%.

2.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng, ước 6 tháng đạt 146.000 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cuối năm 2020 và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng ước đạt 94.500 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối năm 2020 và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; chất lượng tín dụng cơ bản bảo đảm. Nợ xấu chiếm 1,15% tổng dư nợ.

3. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,10% so với tháng trước; tăng 0,9% so với tháng 12 năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm giảm 0,31% so với cùng kỳ. Nguyên nhân làm cho chỉ số giá tháng 6 tăng 0,10% chủ yếu là do nhóm giao thông tăng 1,13% giá nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,45%; nhóm thiết bị đồ dùng tăng 0,14%… so với tháng trước.

Giá vàng tháng 6 biến động phức tạp và tăng 1,08% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng 6 là 5.331 ngàn đồng/chỉ, tăng 57 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước. Ngược với giá Vàng, giá Đô la Mỹ tháng 6 có xu hướng giảm, với mức giảm 0,19% và giảm 4.193 ngàn đồng/USD so với tháng trước.

Về chỉ số giá sản xuất, Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II/2021 tăng 16,96% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,14% và tăng 0,12%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 1,78% và tăng 1,79%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,91% và 1,35%. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý II/2021 giảm 1,91% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm giảm 1,23% so với cùng kỳ; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 1,55% và giảm 0,74%.

4. Đầu tư, xây dựng

Tiếp tục quán triệt, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chủ động nắm bắt và kịp thời tháo gỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Hoàn thiện các thủ tục đầu tư 04 dự án hạ tầng khu công nghiệp và tiếp tục triển khai 02 dự án khu công nghiệp đã thành lập theo quy định.

4.1 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước

Tổng vốn đầu tư công năm 2021 là 4.097,3 tỷ đồng, bao gồm: vốn kế hoạch năm 2021 là 3.664 tỷ đồng; vốn năm 2020 kéo dài sang là 433,3 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2021, tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công; lập kế hoạch và cam kết giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.016,4 tỷ đồng, đạt 28,6% kế hoạch năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 442,6 tỷ đồng, giảm 4,0%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 491,8 tỷ đồng, tăng 17,7%; vốn ngân sách cấp xã đạt 82,0 tỷ đồng, tăng 9,0%. Trong đó:

– Thực hiện quý I đạt 331,5 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 139,6 tỷ đồng, giảm 1,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 165,5 tỷ đồng, tăng 21,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 26,3 tỷ đồng, tăng 9,9%.

– Ước tính quý II đạt 684,9 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 303,0 tỷ đồng, giảm 5,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 326,2 tỷ đồng, tăng 15,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 55,7 tỷ đồng, tăng 8,5%.

4.2 Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Thực hiện quý I, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 8.411 tỷ đồng, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 629 tỷ đồng, giảm 34,5%; vốn ngoài nhà nước đạt 5.020 tỷ đồng, giảm 8,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.762 tỷ đồng, giảm 15,4%.

Sang quý II, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường quản lý, giám sát đầu tư trên địa bàn tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II ước đạt 10.633 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.204 tỷ đồng, giảm 14,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 6.567 tỷ đồng, giảm 9,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.861 tỷ đồng, giảm 2,1%.

Tính chung 6 tháng năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 19.044 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó:

– Vốn nhà nước đạt 1.834 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc thực hiện giãn cách, phong tỏa ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm đã tăng cao khoảng 40% -50% so với đầu năm. Hai yếu tố này cộng hưởng cùng nhiều nguyên nhân chủ quan làm cho việc giải ngân vốn đầu tư công “chậm và thấp”.

– Vốn ngoài nhà nước đạt 11.588 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện tập trung chủ yếu ở khu vực hộ dân cư với tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 8.933 tỷ đồng chiếm 77,1%, giảm 1,1%.

– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.623 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của đại dịch các nhà đầu tư mới sẽ có tâm lý do dự, chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với những dự án đã đầu tư thì nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

4.3. Thu hút đầu tư

Đầu tư trong nước, quyết định chủ trương đầu tư cho 74 dự án (gồm 45 dự án mới và 29 dự án điều chỉnh), với tổng vốn đầu tư 4.100 tỷ đồng (bằng 70,3% so với cùng kỳ năm trước); thu hồi 02 dự án.

Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến 23/6/2021 thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 248 triệu USD tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020 trong đó: Cấp mới cho 12 dự án với số vốn đăng ký 98 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 23 lượt dự án với số vốn tăng thêm 142,5 triệu USD.

4.4. Phát triển doanh nghiệp

Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành mới cho 750 doanh nghiệp (bằng 85,1% so với cùng kỳ trước), với tổng vốn đăng ký 6.000 tỷ đồng; giải thể 390 doanh nghiệp. Luỹ kế đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 16.500 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện còn đăng ký hoạt động.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm rất thuận lợi: vụ đông xuân đạt khá về sản lượng và giá trị; chăn nuôi gia cầm ổn định, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn đạt hiệu quả khá; nuôi trồng thuỷ sản tăng trưởng tốt, hình thức nuôi lồng bè tăng cao.

5.1. Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân năm 2021 đạt 87.668 ha, giảm 0,33% (-290 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông tăng 509 ha, vụ chiêm xuân giảm 799 ha). Trong đó, diện tích vụ đông 21.811 ha, chiếm 24,88%; vụ chiêm xuân 65.857 ha, chiếm 75,12%.

Trong cơ cấu diện tích gieo trồng vụ đông xuân, cây lúa chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 63,62%; năng suất lúa chiêm xuân sơ bộ đạt 65,50 tạ/ha, tăng 3,82% (+2,41 tạ/ha) so với năm 2020. Năng suất một số loại cây rau màu chủ yếu vụ đông xuân năm 2021 đều cao hơn so với vụ đông xuân năm 2020, chủ yếu là tăng ở vụ đông. Các loại cây có năng suất tăng mạnh như: hành củ, cà rốt, bắp cải, su hào,… Bên cạnh đó, một số loại cây có năng suất thấp hơn vụ Đông xuân 2020 như: cà các loại, bầu, hành tây,…

Tổng diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 22.165 ha, tăng 0,19% (+41 ha) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.408 ha, chiếm 96,58%; (tăng 63 ha so với cùng kỳ năm 2020), các cây lâu năm còn chiếm tỷ trọng nhỏ không đáng kể.

Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, diện tích ước đạt 9.110 ha, giảm 0,96% (-88 ha) so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng vải ước đạt 55.000 tấn, so với năm 2020 tăng 27,88% (+11.990 tấn), sản lượng một số cây ăn quả chính đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2020 như: xoài ước đạt 1.685 tấn, tăng 0,78%; chuối ước đạt 32.450 tấn, tăng 2,2%; ổi ước đạt 34.780 tấn, tăng 1,55%…

5.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm tương đối ổn định, đạt hiệu quả kinh tế khá; công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn được đánh giá khá hiệu quả, tuy nhiên, việc tái đàn lợn gặp khó khăn do khan hiếm về nguồn lợn giống và tâm lý e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tổng đàn trâu ước đạt 5.500 con, tăng 14,32%  so với quý II năm 2020, sản lượng thịt trâu hơi ước đạt 449 tấn, tăng 10,4%. Tổng đàn bò ước đạt 15.750 con, giảm 8,7%; sản lượng thịt bò hơi ước đạt 894tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng đàn lợn ước đạt 347.075 con, tăng 32,00% (+84.148 con) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợn thịt ước đạt 237.100 con chiếm 68,31% tổng đàn, tăng 26,31% (+49.391 con); đàn lợn nái ước đạt 38.845 con, chiếm 11.19% tổng đàn, tăng 33,35% (+9.715 con); đàn lợn đực giống 1.036 con, chiếm 0,29% tổng đàn, tăng 57,18% (+377 con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 27.430 tấn, tăng 14,40% (+3.452 tấn) so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng đàn gia cầm ước tại thời điểm 1/7/2021 đạt 15.498 nghìn con, tăng 7,3%; trong đó đàn gà ước đạt 10.401 nghìn con tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 29.827 tấn, tăng 12,3%; trong đó, sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 22.691 tấn, tăng 7,2%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 291.604 nghìn quả, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020.

5.3. Thủy sản

Trong quý II năm 2021, sản xuất thủy sản của tỉnh tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên không có dịch bệnh phát sinh.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng  ước đạt 44.796 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng  thủy sản nuôi trồng ước đạt 43.954 tấn, tăng 5,8%; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính… diễn biến thời tiết trong 6 tháng đầu năm 2021 tương đối thuận lợi nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

6. Sản xuất công nghiệp

Nhờ việc khống chế sớm được dịch bệnh nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý II có mức tăng trưởng rất khả quan.

Tháng 6, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng 5,5% so với tháng trước; tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản xuất công nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu do công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,5% và ngành sản xuất, phân phối điện tăng 26,5%.

Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, môi trường kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh và cả nước tương đối ổn định, hoạt động sản xuất không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, nhiều sản phẩm quan trọng có sản lượng tăng cao do nhu cầu thị trường.

Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, do dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2020 nên sản lượng điện sản xuất tăng cao.

Trong quý I, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương do phần lớn các ca bệnh xuất hiện ở các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp; Thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và một số xã, phường tại thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách, huyện Kim Thành phải thực hiện lệnh cách ly, phong toả. Tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh quý I so với cùng kỳ âm 6,2%, đây là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Sang quý II, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, mặc dù có xuất hiện một số ca lây nhiễm nhưng mức độ ảnh hưởng không nghiêm trọng như đợt bùng dịch trước. Sản xuất xuất công nghiệp trên địa bản tỉnh có nhiều khởi sắc, so với cùng kỳ sản xuất công nghiệp dự ước tăng 22,1%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 28,4%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,9%; chỉ có ngành khai khoáng có chỉ số giảm với mức giảm là 15,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương dự ước tăng 8,2% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều ngành sản xuất quan trọng của tỉnh hiện đang có mức tăng trưởng cao. Điển hình như ngành sản xuất kim loại tăng 17,0%, trong đó sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công tăng 20,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu thị trường, sản lượng bán thép xây dựng của công ty CP Thép Hoà Phát ở tất cả các vùng, miền đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhóm vật liệu xây dựng khác như clanke, xi măng cũng đang có sự tăng trưởng, cụ thể sản phẩm clanke xi măng tăng 6,4%; xi măng portland đen tăng 5,7%.

Tương tự, ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế cũng có sản lượng tăng cao. Nguyên nhân là do công ty CP Năng lượng Hoà Phát nằm trong khu liên hiệp Hoà Phát tại Kinh Môn đã đưa thêm 01 dự án mới vào hoạt động từ đầu năm, vì vậy đã làm sản lượng than cốc 6 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có ngành sản xuất xe có động cơ tăng 18,9%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 4,1%. Đối với sản phẩm xe có động cơ, do năm ngoái Công ty TNHH Ford Việt Nam phải tạm ngừng sản xuất từ cuối tháng 3 đến tháng đầu tháng 7 nên lượng xe lắp ráp sụt giảm mạnh, trong khi năm nay doanh nghiệp đã có sự thay đổi chiến lược bằng cách đưa ra thị trường nhiều dòng xe mới, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng giúp tăng lượng tiêu thụ những tháng đầu năm.

Ngành sản xuất trang phục cũng đang có tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 9,4%. Từ đầu năm đến nay, các thị trường chính như Hàn Quốc, Mỹ, EU, Hong Kong dần phục hồi do lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đối với quần áo tăng mạnh; ngoài ra còn có sự trợ lực từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Một số sản phẩm chính của ngành như bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 17,7%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 7,9%.

Ngược lại với nhóm ngành có sản lượng tăng là các ngành do chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 mà có lượng sản xuất suy giảm, cụ thể:

– Khai khoáng khác giảm 18,5%, nguyên nhân là do chi phí khai thác tăng trong khi sản phẩm tiêu thụ chậm do trên địa bàn tỉnh không có nhiều công trình xây dựng lớn.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 1,6%, do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao đã buộc doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải tăng giá bán, và vì giá bán tăng nên tình hình tiêu thụ gặp khó khăn.

– Ngành sản xuất đồ uống giảm 17,2%, trong đó bia hơi giảm 11,3%, bia đóng chai giảm 54,3%. Từ đầu năm, các thị trường tiêu thụ chính của công ty Bia Hà Nội – Hải Dương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương… thực hiện hàng loạt các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn, quán bia vỉa hè phải đóng cửa khiến lượng bia tiêu thụ sụt giảm mạnh.

– Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,1%, do một doanh nghiệp khá lớn trong ngành ngừng hoạt động đã làm sản lượng này giảm sút…

– Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 7,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 24,0%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 35,7%… do nhu cầu thị trường sụt giảm.

7. Thương mại, giá cả, dịch vụ

7.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Do ảnh hưởng của dịch và tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã làm cho các hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 gặp nhiều khó khăn. Một số ngành dịch vụ như du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, xuất nhập khẩu đã chịu tác động trực tiếp và bị suy giảm nhiều. Các hoạt động thương mại, dịch vụ không thiết yếu phải dừng hoạt động. Từ đầu tháng 5 đến nay các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang trở lại hoạt động bình thường nhưng “sức mua” tăng chậm; chỉ có bản hồi phục vào tháng 6.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 6 ước đạt 4.334 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,1% và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất (39,3%) đạt 1.702 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối (14,5%) trong tổng số, đạt 630 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước….

Doanh thu bán lẻ hàng hoá quý I đạt 13.511 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm đạt 5.198 tỷ đồng, tăng 19,4%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.053 tỷ đồng, tăng 12,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.875 tỷ đồng, tăng 11,6%;…

Doanh thu bán lẻ hàng hoá quý II ước đạt 12.651 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.932 tỷ đồng, tăng 8,1%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.842 tỷ đồng, giảm 0,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.797 tỷ đồng, tăng 11,8%;…

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 26.162 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ; loại trừ yếu tố giá sẽ tăng 8,0%. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 38,7% trong tổng số và đạt 10.130 tỷ đồng, tăng 13,6%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,9% trong tổng số, đạt 3.895 tỷ đồng, tăng 5,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 3.672 tỷ đồng, tăng 11,7%.

7.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 6 ước đạt 711 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước, giảm 15,7% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 8 tỷ đồng, tăng 23,8% so với tháng trước, giảm 42,0% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 216 tỷ đồng, tăng 34,4% so với tháng trước và giảm 32,0% so với cùng kỳ; dịch vụ khác đạt 487 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước, giảm 4,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 4.255 tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; loại trừ yếu tố giá sẽ giảm 1,7%. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 48 tỷ đồng, chiếm 1,1% trong tổng số và giảm 38,5% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 1.321 tỷ đồng, chiếm 31,0% tổng số và giảm 14,8%; dịch vụ khác đạt 2.885 tỷ đồng, chiếm 67,8% tổng số, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

– Doanh thu quý I đạt 2.197 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 26 tỷ đồng, giảm 41,6%; dịch vụ ăn uống đạt 719 tỷ đồng, giảm 2,8%; dịch vụ khác đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 11,3%.

–  Doanh thu quý II ước đạt 2.058 tỷ đồng, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 21 tỷ đồng, giảm 34,2%; dịch vụ ăn uống đạt 602 tỷ đồng, giảm 25,8%; dịch vụ khác đạt 1.434 tỷ đồng, tăng 7,1%.

7.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 6 ước đạt 765,8 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 10,7%, giảm 7,6% so với cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 92,8 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 40,3%, giảm 17,1% so với cùng kỳ; vận tải hàng hoá đạt 618,6 tỷ đồng, tăng 7,9% so với tháng trước, giảm 6,2% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 53,5 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước và giảm 6,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải quý I đạt 1.676,3 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 207,1 tỷ đồng, giảm 20,3%; vận tải hàng hoá đạt 1.332,2 tỷ đồng, giảm 12,8%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 134,4 tỷ đồng, giảm 21,7%.

Ước quý II, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 2.131,8 tỷ đồng, giảm 5,4%; trong đó: vận tải hành khách đạt 240,4 tỷ đồng, giảm 14,3%; vận tải hàng hoá đạt 1.734,6 tỷ đồng, giảm 4,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 154 tỷ đồng, giảm 4,5%.

Ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 3.808,1 tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá sẽ giảm 11,7%; phân theo ngành hoạt động, vận tải hành khách đạt 447,5 tỷ đồng, giảm 17,2 %; vận tải hàng hoá đạt 3.066,8 tỷ đồng, giảm 8,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 288,5 tỷ đồng, giảm 15,4%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 6 ước đạt 2,0 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 25,8% và giảm 29,9% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 86 triệu hành khách.km, tăng 41,0% so với tháng trước và giảm 24,7% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 10,1 triệu hành khách, giảm 27,9% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 429 triệu hành khách.km giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 6 ước đạt 9,3 triệu tấn, so với tháng trước tăng 5,4% và giảm 10,9% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 675 triệu tấn.km, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 9,0% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 48,1 triệu tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 3.305 triệu tấn.km, giảm 16,0% so với cùng kỳ.

7.4. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Uớc 6 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 4.152 triệu USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước (6T.2020 giảm 4,4%). Giá trị hàng hóa xuất khẩu trong các tháng năm nay đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước (trừ tháng 02 giảm do ảnh hưởng dịch và đúng thời điểm nghỉ Tết).

Hoạt động nhập khẩu cũng tăng trưởng rất cao, ngoài nguyên nhân sản xuất phục hồi còn do năm 2020 nhập khẩu hàng hoá gặp khó do đứt gãy chuỗi liên hết. Ước tính 6 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 3.463 triệu USD, tăng 30,3% (6T.2020 giảm 22, %).

II. Một số vấn đề xã hội

1. Văn hóa, thể thao

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế – xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, không tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách để phòng chống dịch. Hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các nghi lễ, hoạt động có tập trung đông người; không tổ chức đón các đoàn khách thập phương, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tạm dừng các hoạt động triển lãm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật…

2. Y tế

2.1. Công tác phòng chống dịch bệnh

Làn sóng Covid-19 thứ 3 xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 27/01/2021,  đến đầu tháng 3 đã cơ bản được khống chế, từ ngày 18/3/2021 không xuất hiện thêm ca dương tính; có tổng số 726 ca bệnh, không có trường hợp tử vong.

Làn sóng Covid-19 thứ 4 xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 5, đến ngày 25/6/2021 toàn tỉnh ghi nhận 53 ca dương tính; có 46 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, không có ca bệnh tử vong.

Như vậy, trong năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 779 trường hợp dương tính với Covid-19. Đến thời điểm hiện tại về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, không có sự lây lan và lây nhiễm trong cộng đồng.

Công tác chỉ đạo, kiểm soát, giám sát dịch và thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện cấp bách các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện nghiêm túc việc phong tỏa, giãn cách xã hội và truy vết điều tra dịch tễ, tổ chức cách ly y tế kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động Tổ Covid cộng đồng, Tổ an toàn Covid. Công tác thông tin tuyên truyền được các cấp ủy đảng và chính quyền triển khai quy mô, bài bản, với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với từng giai đoạn của dịch bệnh.

Số trường hợp nghi ngờ được lấy mẫu xét nghiệm là gần 1.120.000 lượt người. Tiêm vắc xin cho 65.434 người đạt (trong đó 319 người đã được tiêm đủ 2 mũi), hoàn thành 100% chỉ tiêu Bộ Y tế giao.

2.2. Các công tác khác

Tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Xây dựng phương án tổ chức tiếp nhận khám, chữa bệnh và hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn thực phẩm phòng chống, chống dịch Covid-19.

Triển khai thực hiện các chương trình, đề án của ngành, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số – kế hoạch hóa gia đình, từng bước giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; kế hoạch công tác Dân số trọng tâm giai đoạn 2021-2025 và Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình năm 2021.

3. Giáo dục

Hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021, cơ bản đạt các chỉ tiêu kế hoạch đầu năm học đề ra. Chất lượng phổ cập, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, nâng cao. Hoạt động giáo dục toàn diện được giữ vững; chất lượng học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, tổng số 81/99 học sinh dự thi đạt giải (04 giải Nhất, 20 giải Nhì, 20 giải Ba và 24 Khuyến khích), đạt tỷ lệ 81,8%  và tỉnh Hải Dương xếp thứ 5 toàn quốc.

Tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế và an toàn phòng, chống dịch Covid-19; Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cho công tác thi tuyển THPT Quốc gia năm học 2020-2021.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia được các địa phương, nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư, toàn tỉnh hiện có 636 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 75% và giảm 0,37% so với cùng kỳ năm học trước), trong đó Mầm non 194 trường (đạt 65,5% và tăng 1,54%); Tiểu học 213 trường (đạt 86,9% và giảm 7,6%); THCS 196 trường (đạt 77,8% và tăng 4,62%); THPT 33 trường (đạt 60,1% và giảm 1%).

Tích cực triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ năm 2020 theo Kế hoạch, đến tháng 5/2021, có 495 trường được trang bị 588 phòng học ngoại ngữ theo quy định, bao gồm: 246/246 trường Tiểu học (tỷ lệ đạt 100%); THCS có 199/252 (tỷ lệ đạt 78,9%); THPT 40/40 trường (tỷ lệ đạt 100%).

4. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm, ước giải quyết việc làm mới 14.200 lao động, đạt 40% kế hoạch năm (tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước). Tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm định kỳ, thu hút sự tham gia của 362 doanh nghiệp và 3.857 người lao động, trong đó có 1.466 người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại sàn giao dịch. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai các giải pháp phù hợp và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19; chủ động hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết chế độ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19.

Xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện tốt chương trình an toàn vệ sinh lao động năm 2021. Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề; Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021.

Quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo và đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách cho người có công theo quy định. Nhân dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đã tiếp nhận và cấp phát quà Tết đến tận tay các đối tượng trước Tết.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2021 và kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2021. Tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

5. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Tháng 6, trên địa bàn tỉnh phát hiện 19 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 15 vụ. Trong đó 05 vụ khai thác đất và cát trái phép, xử phạt 415,2 triệu đồng, còn lại là các vụ vi phạm về xử lý và xả thải sai quy định. Điển hình là UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 01 vụ khai thác cát tại huyện Gia Lộc với số tiền 131,2 triệu đồng, 03 vụ khai thác đất và cát trái phép tại huyện Nam Sách xử phạt 264 triệu đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 115 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 102 vụ với tổng số tiền phạt 997,5 triệu đồng.

6. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; tháng 6 trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ cháy, nổ làm chết 01 người và bị thương 01 người, thiệt hại ước tính 3.610 tỷ đồng.

Về  tai nạn giao thông (TNGT); Sáu tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 64 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 56 người, làm bị thương 30 người; so với cùng kỳ năm 2020, số vụ TNGT giảm 56 vụ (giảm 46,7%), giảm 50 người chết ( giảm 47,2%) và giảm 12 người bị thương (giảm 29%). Trong đó: Chủ yếu là TNGT đường bộ xảy ra 63 vụ, làm 56 người chết và 29 người bị thương; TNGT đường sắt xảy ra 01 vụ, làm 01 người bị thương; không xảy ra TNGT đường thủy nội địa.

TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 02 vụ, làm 04 người chết và 01 người bị thương; TNGT nghiêm trọng xảy ra 54 vụ, làm 55 người chết và 22 người bị thương; ít nghiêm trọng và va chạm giao thông xảy ra 07 vụ làm 06 người bị thương. Trên các tuyến Quốc lộ xảy ra 28 vụ, làm chết 23 người và bị thương 09 người (tập trung chủ yếu trên QL.5, QL.37, QL.38, QL.18, QL38B và QL.17B); các tuyến đường tỉnh xảy ra 16 vụ, làm chết 17 người và bị thương 06 người; giao thông nông thôn xảy ra 05 vụ, làm chết 04 người, bị thương 04 người; giao thông đô thị, đường huyện xảy ra 11 vụ, làm chết 12 người và bị thương 10 người và đường chuyên dùng xảy ra 01 vụ.

Khái quát lại, mặc dù Hải Dương phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ đợt Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4, nhưng với nỗ lực phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới; tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và quan trọng: hoạt động sản xuất công nghiệp giảm sâu trong quý I và tăng trở lại từ quý II; các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn, nhiều ngành (vận tải và dịch vụ lưu trú, ăn uống) giảm mạnh, nhưng đang có dấu hiệu phục hồi khá rõ rệt; hoạt động nông nghiệp tiếp tục tăng cao giúp ổn định đời sống khu vực nông thôn.