Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 12 và năm 2020 tỉnh Hải Dương

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, 2020 cũng là năm có khủng hoảng kinh tế và xã hội trên Thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19,  làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, làm suy giảm kinh tế ở tất cả các nước.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới với khả năng chống dịch hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế “dương”, trong khi hầu hết các nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng “âm”. Báo cáo “Điểm lại” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 21/12/2020 nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,8% trong năm 2020 nhờ có các biện pháp đối phó chủ động, sáng tạo ở các cấp, kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định, nên kinh tế Việt Nam có sức chống chịu đáng kể.

Trong khi đó, nền kinh tế của tỉnh Hải Dương chịu tác động lớn từ dịch bệnh nên đạt thấp hơn bình quân cả nước do (1) cơ cấu kinh tế của tỉnh phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài (khu vực FDI chiếm khoảng 34% GRDP) và xuất khẩu (độ mở nền kinh tế đạt 245%), nên chịu tác động từ thị trường thế giới lớn hơn so với nhiều địa phương khác; (2) Hải Dương là một trong số ít các địa phương tái bùng phát dịch lần 2, buộc phải giãn cách xã hội trong tháng 8.

I. Kinh tế

1. Tăng trưởng kinh tế

Theo ước tính Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá 2010) ước tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, thấp hơn bình quân cả nước (Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB ước tăng 2,3%); đứng thứ 10/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ cao hơn Bắc Ninh (1,36%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) tăng 5,7%; công nghiệp – xây dựng tăng 2,6% (công nghiệp +2,7%, xây dựng +1,7%); dịch vụ tăng 0,1%.

Đóng góp vào tăng trưởng chung 2,1%, nhóm ngành NLTS đóng góp 0,6 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 1,5 điểm% (trong đó, công nghiệp đóng góp 1,4 điểm%, xây dựng đóng góp 0,1 điểm%); dịch vụ đóng góp 0,03 điểm%.

– Ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 5,7%; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 5,8% tương đương tăng 398 tỷ đồng; ngành thủy sản tăng 5,7% tương đương tăng 72 tỷ đồng; riêng hoạt động dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nên ít tác động đến tăng trưởng của ngành.

– Ngành công nghiệp, xây dựng tăng 2,6%, đóng góp 1,5 điểm% vào tăng trưởng GRDP. Sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu; một số cơ sở sản xuất thiếu nguyên vật liệu, không có đơn hàng, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ. Ngành xây dựng chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 các cấp các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nghiệm thu các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

– Ngành dịch vụ tăng 0,1% đóng góp 0,03 điểm% vào tăng trưởng GRDP. Doanh thu các ngành dịch vụ như thương mại bán lẻ (+4,7%), quản lý nhà nước (+4,1%), giáo dục (+4,0%), y tế (9,0%) vẫn tăng ổn định nhưng thấp hơn so với tăng trưởng năm trước.

Quy mô nền kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 131.121 tỷ đồng (đứng thứ 11 trong toàn quốc); trong đó, khu vực nông, lâm, nghiệp thủy sản đạt 12.771 tỷ đồng, chiếm 9,7%; công nghiệp-xây dựng đạt 76.660 tỷ đồng, chiếm 58,5%; dịch vụ đạt 41.690 tỷ đồng, chiếm 31,8%. GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 68,4 triệu đồng, tương đương 2.948 USD (năm 2019 GRDP bình quân đầu người đạt 66,8 triệu đồng, tương đương 2.918 USD) đứng thứ 19 trong toàn quốc.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2.1. Sản xuất nông nghiệp

Cây hàng năm; Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 153.669 ha, giảm 1,2% (-1.923 ha) so với năm 2019; trong đó, vụ đông  xuân đạt 87.958 ha, giảm 1,0% (-896 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông 21.203 ha, chiếm 13,9%, giảm 82 ha, vụ chiêm xuân 66.656 ha, chiếm 43,4%, giảm 814 ha); vụ mùa đạt 65.711 ha, chiếm 42,7%, giảm 1,5% (-1.027 ha).

Một số cây chủ lực có diện tích gieo trồng lớn như lúa là cây trồng chính trong nhóm cây hàng năm, diện tích lúa đạt 112.498 ha, chiếm 73,2% tổng diện tích gieo trồng; giảm 2,1% (-2.389 ha) so với năm 2019 (diện tích lúa năm 2019 đạt 114.887 ha); diện tích ngô 3.649 ha, chiếm 2,4%, tăng 1,7% (+60 ha); cải các loại 3.518 ha, chiếm 2,3%, giảm 2,2% (-81 ha), hành củ 5.802 ha, chiếm 3,8%, tăng 0,8% (+44 ha),… so với năm 2019.

Về năng suất lúa bình quân cả năm sơ bộ đạt 60,61 tạ/ha, tăng 2% (+1,18 tạ/ha); ngô 60 tạ/ha, giảm 3,8% (-2,42 tạ/ha), rau các loại 245 tạ/ha, tăng 4,9 % (+11,4 tạ/ha)… so với năm 2019. Nhìn chung đa số năng suất rau các loại năm 2020 đều cao hơn so với năm trước, chủ yếu là tăng ở vụ Đông như: bắp cải (+18,48 tạ/ha), dưa hấu (+15,27 tạ/ha), su hào (+41,26 tạ/ha), cà rốt (+41,59 tạ/ha), hành củ tươi (+28,14 tạ/ha), mủa (+7,39 tạ/ha), ,…Bên cạnh đó một số loại rau lấy củ dự kiến cho năng suất cao thấp năm 2019 như: cà chua, bí xanh, củ đậu,…

Sản lượng rau các loại năm 2020 ước đạt 826 nghìn tấn, tăng 5% (+38.900 tấn). Sản lượng rau các loại tăng chủ yêu là do tăng năng suất.

Cây lâu năm; tổng diện tích trồng cây lâu năm sơ bộ đạt 22.148 ha, tăng 0,5% (+115 ha) so với năm 2019. Trong tổng diện tích trồng cây lâu năm, diện tích trồng cây ăn quả đạt 21.365 ha, chiếm 96,5% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh; diện tích cây lâu năm khác đạt 503 ha, chiếm 2,3%, các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu, diện tích cây gia vị, dược liệu và cây chè búp chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, tổng diện tích trồng cây vải hiện có toàn tỉnh năm 2020 là 9.168 ha, giảm 6,3% (-613 ha); nguyên nhân giảm do một vài năm gần đây, năng suất vải thiều đạt thấp, một số diện tích vải thiều kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị hơn; tình trạng “Được mùa mất giá” thường xảy ra đối với sản phẩm vải thiều do thị trường tiêu thụ không ổn định.

Chăn nuôi; Năm 2020, tình hình chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra, đàn trâu, bò có xu hướng tăng. Thời điểm 31/12/2020, đàn trâu ước 4.600 con, tăng 4,5%; số con trâu xuất chuồng ước đạt 1.980 con, tăng 4,5%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước 560 tấn, tăng 4%. Đàn bò ước 19.500 con, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019; số con bò xuất chuồng ước 8.300, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước 1.700 tấn, tương đương với năm 2019. Nguyên nhân đàn trâu, bò tăng là do nhu cầu tiêu thụ thịt trâu bò trên thị trường tăng do sản lượng thịt lợn hơi giảm mạnh, nên nhiều hộ mở rộng qui mô nuôi trâu bò.

Công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh năm 2020 được triển khai thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc tái đàn lợn gặp khó khăn do khan hiếm về nguồn lợn giống và tâm lý e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại. Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/12/2020 ước đạt 200 nghìn con, tăng 33,9% (+50.674 con) so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân đàn lợn tăng là do năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát lây lan trên diện rộng tại 254 xã phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Hầu hết số lợn của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị mắc bệnh chết và bị tiêu hủy, sau khi  khống chế được dịch bệnh, đến nay đàn lợn đang dần được khôi phục; tuy nhiên, việc tái đàn còn chậm do nguồn lợn giống khan hiếm.

Số con lợn thịt xuất chuồng cả năm 2020 ước đạt 468.930 con, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 49.550 tấn, giảm 4,4% so với năm 2019.

Tại thời điểm 31/12/2020, đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) của toàn tỉnh đạt 16.000 nghìn con, tăng 7,9% (+1.171 nghìn con) so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng thịt gia cầm gồm (gà, vịt, ngan) năm 2020 ước đạt 55.500 tấn, tăng 19%; sản lượng trứng gia cầm đạt 526.708 nghìn quả, tăng 7,3% so với năm 2019.

Tổng đàn gà toàn tỉnh đạt 11.500 nghìn con tăng 10% (+1.050 nghìn con) so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân đàn gà tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi nên nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi gà và mở rộng qui mô nuôi. Sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 45.110 tấn, tăng 21,8% so với năm 2019. Sản lượng trứng gà ước đạt 174.637 nghìn quả, tăng 12,9%.

2.2. Sản xuất lâm nghiệp

Diện tích rừng được trồng mới trong năm sơ bộ đạt 111 ha, trong đó chủ yếu là diện tích rừng trồng sản xuất. Công tác bảo vệ phát triển rừng trong những năm qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm và chú trọng thực hiện, toàn tỉnh ước có 552 ha diện tích rừng trồng được chăm sóc, tăng 81 ha; trong đó, rừng trồng được chăm sóc khu vực nhà nước là 160,2 ha, còn lại là diện tích rừng trồng cây keo thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Do nhà nước không cấp kinh phí cho hoạt động khoanh nuôi tái sinh rừng nên diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh năm 2020 không phát sinh. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ sơ bộ đạt 5.930 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 4.368 m3, tăng 3,5% so với năm 2019; sản lượng khai thác củi ước đạt 46.216 ster, tăng 2,5%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán.

2.3. Sản xuất thuỷ sản

Sản lượng thủy sản khai thác ước 1.731 tấn, tăng 1,1% (+19 tấn) so với năm 2019; trong đó, cá là 1.104 tấn, giảm 1,2% (-13 tấn), tôm 66 tấn, giảm 2,9% (-2 tấn), thuỷ sản khác 561 tấn tăng 6,5% (+34 tấn). Nguyên nhân sản lượng thủy sản khai thác giảm là do nguồn thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, một số diện tích mặt nước tự nhiên bị ô nhiễm làm thủy sản tự nhiên sinh trưởng kém, phương tiện đánh bắt không được nâng cấp, năng suất đánh bắt giảm dẫn đến sản lượng thủy sản khai thác giảm. Sản lượng khai thác thủy sản khác tăng 6,5%, chủ yếu tăng ở sản lượng khai thác rươi, nguyên nhân do con rươi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đầu tư, khoanh vùng khai thác.

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 84.554 tấn, tăng 5,2% (+4.158 tấn) so với năm 2019. Nguyên nhân sản lượng thủy sản tăng là do thời tiết trong năm tương đối thuận lợi, công tác phòng trừ dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả nên thủy sản phát triển tốt, người dân đã có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống cấp thoát nước thuận lợi. Hầu hết diện tích nuôi trồng được nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, cho năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm cao.

Trong tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, sản lượng cá là chủ yếu, sơ bộ 84.461 tấn, chiếm tỷ trọng 99,9% và tăng 5,2% (+4.150 tấn) so với năm 2019. Sản lượng cá tăng và chiếm tỷ trọng chủ yếu do cá là loài thủy sản truyền thống dễ nuôi và phổ biến. Hiện nay, người dân chủ yếu đầu tư, tập trung nuôi các loài cá có chất lượng, năng suất cao như: cá trắm, cá chép, cá lăng, cá diêu hồng…Tôm và thuỷ sản khác sản lượng chiếm tỷ trọng nhỏ, không đáng kể do cần nhiều vốn đầu tư và đòi hỏi kỹ thuật cao, thời gian chăm sóc kéo dài nên người dân không có điều kiện để nuôi, sản lượng tôm sơ bộ 30 tấn tăng 7,1% (+2 tấn) năm 2019; sản lượng thủy sản khác sơ bộ 60 tấn tăng 11,1% (+6 tấn).

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu; một số cơ sở sản xuất thiếu nguyên vật liệu, không có đơn hàng, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Đánh giá chung tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009 làm thị trường tài chính thế giới bất ổn… kéo theo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa và thế giới giảm mạnh.

3.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước, nhờ đó môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức trung bình; lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, tăng trưởng tín dụng thấp; các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và có hiệu lực… đã tạo động lực không nhỏ để các doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm sản xuất kinh doanh.

Thực hiện quý III, chỉ số sản xuất công ngiệp trên địa bàn tỉnh tăng 5,0% so với cùng kỳ. Có thể nói đây là quý có chỉ số tăng cao nhất trong năm, trong đó đóng góp vào mức tăng chung cụ thể như sau: ngành khai khoáng giảm 3,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 10,6%.

Sang quý IV, sản xuất công nghiệp của tỉnh duy trì đà tăng ước tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó; ngành khai khoáng giảm 13,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 1,4%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 0,6%;

Ước tháng 12, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 9,7% so với cùng kỳ, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện có mức tăng đột biến, tăng 75,9%. Nguyên nhân là do trong tháng 12, doanh nghiệp nhiệt điện mới là Công ty TNHH điện lực Jaks Hải Dương đã ổn định việc phát điện thương mại. Bên cạnh đó, theo phân bổ của EVN, Công ty CP nhiệt điện Phả Lại sẽ tăng lượng điện phát ra để đảm bảo điện sản xuất và tiêu dùng khi các doanh nghiệp thủy điện bị ảnh hưởng bởi mùa khô. Trong các nhóm ngành chính còn lại cũng đều có chỉ số tăng, cụ thể: công nghiệp khai khoáng tăng 1,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,7%.

Tính chung cả năm, sản xuất công nghiệp tăng 2,2% so với năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tác động của từng nhóm ngành đến mức tăng chung cụ thể như sau: ngành khai khoáng giảm 11,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 9,6%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,0%;

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng điển hình như: thức ăn cho gia súc +2,2%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu +4,1%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép +2,1%; đinh, đinh mũ, ghim, vít, then, ốc +5,8%; mạch điện tử tích hợp +5,5%; máy kết hợp hai chức năng trở lên: in, fax, coppy +6,5%; micro và các linh kiện của chúng +7,7%; bơm nước một tầng, một cửa hút, trục ngang +2,1%; máy khâu lạo cho gia đình +3,5%; điện sản xuất +10,2%; nước uống được+ 8,1%.

3.2. Chỉ số tiêu thụ

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khá nhiều khó khăn. Tuy đã là tháng cuối năm nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm tháng 12 không có nhiều khác biệt so với tháng trước (tăng 0,8%), so với cùng kỳ giảm 2,8%; tính chung cả năm, lượng tiêu thụ của ngành chỉ tăng 0,4% so với năm trước. Trong đó ảnh hưởng cùng chiều đến mức tăng chung chủ yếu đến từ các ngành như sản xuất, chế biến thực phẩm +7,4%; dệt +15,4%; sản xuất trang phục +1,8%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất +9,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic +4,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) +10,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học +5,9%; công  nghiệp chế biến, chế tạo khác +20,1%…

Các ngành có lượng tiêu thụ giảm là sản xuất đồ uống -3,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan -11,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác -6,2%; sản xuất kim loại -3,7%; sản xuất thiết bị điện -7,7%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu -19,0%; sản xuất xe có động cơ -0,5%…

3.3. Chỉ số tồn kho

Thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp do tác động của dịch bệnh, chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, việc gián đoạn trong khâu trung chuyển do các nước áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã làm lượng sản phẩm tồn kho của nhiều ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh gia tăng; cụ thể như sản xuất đồ uống +63,2%; dệt +10,3%; sản xuất trang phục +2,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan +3,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác +26,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học +4,8%; sản xuất thiết bị điện +13,6%; sản xuất xe có động cơ +22,8%.

Bên cạnh đó cũng có một số ngành có lượng tồn kho tại thời điềm 01/12/2020 giảm so với cùng kỳ là sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 13,6%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 12,1%; sản xuất kim loại giảm 22,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 10,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 53,6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 25,1%…

3.4. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp những tháng cuối năm đã có tiến triển hơn thời điểm đầu và giữa năm. Cuối năm số lượng đơn hàng gia tăng, nhiều doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động chính thức và lao động thời vụ để đảm bảo tiến độ giao hàng. Do vậy số lượng lao động tại thời điểm 01/12/2020 tăng 4,8% so với tháng trước.

Tuy nhiên do dịch bệnh, năm nay có không ít các doanh nghiệp phải tạm ngừng, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động nên lực lượng lao động trong ngành công nghiệp tại 01/12/2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ, tính chung cả năm 2020 giảm 3,3%. Đại đa số các ngành đều có lượng sử dụng lao động giảm, có thể kể đến như: khai khoáng -32,6%; sản xuất đồ uống -13,8%; dệt -3,8%; sản xuất trang phục -6,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan -6,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác -8,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) -5,4%…

Song song với đó cũng có một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng, điển hình là các ngành sử dụng nhiều lao động như sản xuất, chế biến thực phẩm +2,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học +2,1%; sản xuất xe có động cơ +2,6%; khai thác, xử lý và cung cấp nước +0,1%; thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu +6,2%.

4. Tình hình phát triển doanh nghiệp

Tập trung thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, dự kiến đăng ký thành lập mới 1.700 doanh nghiệp, tăng 0,53% so với năm 2019 với tổng vốn điều lệ đăng ký khoảng 13.400 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo kế hoạch; chủ động giải quyết những vướng mắc, tồn tại của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp và các cơ chế, chính sách phát triển hợp tác xã theo quy định của Chính phủ, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 645 hợp tác xã, 01 liên hiệp hợp tác xã và 800 tổ hợp tác xã; đã hình thành và phát triển một số mô hình hợp tác xã hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

5. Hoạt động đầu tư

5.1 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước

Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng cường đôn đốc các địa phương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư phấn đấu năm 2020 giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao. Một số công trình trọng điểm, công trình giao thông kết nối vùng, kết nối liên tỉnh được đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, tạo thuận lợi cho thu hút các nguồn vốn đầu tư  trong và ngoài nước.

Thực hiện quý III, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.051 tỷ đồng, tăng 97,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 496 tỷ đồng, tăng 72,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 487 tỷ đồng, tăng 130,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 68 tỷ đồng, tăng 97,0%.

Ước tính quý IV, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.743 tỷ đồng, tăng 104,3% so với cùng kỳ năm trước> Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 842 tỷ đồng, tăng 67,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 829 tỷ đồng, tăng 170,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 72 tỷ đồng, tăng 64,3%.

Ước tháng 12, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 651 tỷ đồng, tăng 113,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 308 tỷ đồng, tăng 71,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 319 tỷ đồng, tăng 189,1%; vốn ngân sách cấp xã đạt 25 tỷ đồng, tăng 60,5%.

Tính chung cả năm 2020, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.748 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch giao, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.799 tỷ đồng, tăng 53,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.734 tỷ đồng, tăng 105,0%; vốn ngân sách cấp xã đạt 215 tỷ đồng, tăng 60,0%.

5.2 Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Thực hiện quý III, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 16.234 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.799 tỷ đồng, tăng 33,8%; vốn ngoài nhà nước đạt 8.482 tỷ đồng, tăng 5,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.952 tỷ đồng, tăng 0,6%.

Ước tính quý IV, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường quản lý, giám sát đầu tư trên địa bàn tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý IV ước đạt 14.089 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 52,9%; vốn ngoài nhà nước đạt 7.665 tỷ đồng, tăng 6,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.969 tỷ đồng, tăng 8,0%.

Tính chung cả năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 51.586 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt 6.626 tỷ đồng, tăng 27,6%; vốn ngoài nhà nước đạt 28.850 tỷ đồng, tăng 6,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16.109 tỷ đồng, tăng 10,0%.

5.3. Thu hút đầu tư

Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khá, dự kiến thu hút được 155 dự án mới (tăng 13 dự án) và điều chỉnh 80 dự án (tăng 9 dự án), với tổng vốn đầu tư 12.800 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019. Các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; chủ động phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các dự án vi phạm các quy định của pháp luật, đã xử lý thu hồi chấm dứt hoạt động 11 dự án đầu tư trong nước.

Thu hút đầu tư nước ngoài, giảm rõ rệt cả về số lượng và vốn đầu tư. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, việc đi lại của các nhà đầu tư bị hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án. Ước tính đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 549 triệu USD, bằng 63,2% so với năm 2019; trong đó, đăng ký cấp mới 35 dự án, với tổng vốn đầu tư 145 triệu USD (so với năm 2019, số dự án giảm 48,5%, vốn giảm 68,2%), điều chỉnh tăng vốn 44 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 390 triệu USD (so với năm 2019, số lượt dự án tăng 15,8%, vốn giảm 2%).

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Do ảnh hưởng của dịch và tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng, chống dịch đã làm cho các hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải dừng hoạt động, nhiều cơ sở thương mại, ăn uống, lưu trú, vận tải, dịch vụ phục vụ cá nhân… phải cắt giảm lao động và quy mô kinh doanh, doanh thu sụt giảm trong thời gian dịch có diễn biến phức tạp.

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 60.632 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm trước; loại trừ yếu tố giá, doanh thu bán lẻ và dịch vụ giảm 2,0% (bán lẻ +0,4%; dịch vụ tiêu dùng -14,1%).

6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Thực hiện quý III, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 13.084 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm đạt 5.084 tỷ đồng, tăng 15,1%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.121 tỷ đồng, tăng 10,0%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.714 tỷ đồng, tăng 3,3%;…

Ước quý IV, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 14.458 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm đạt 5.601 tỷ đồng, tăng 18,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.392 tỷ đồng, tăng 12,7%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.934 tỷ đồng, tăng 8,3%;…

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 12 năm 2020 ước đạt 4.984 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,0% và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất đạt 1.928 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 19,0% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, đạt 836 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước;…

Tính chung cả năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 51.842 tỷ đồng tăng 4,7% so với năm trước. Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 37,8% trong tổng số và đạt 19.599 tỷ đồng, tăng 14,7%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 15,8% trong tổng số, đạt 8.191 tỷ đồng, tăng 9,6%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 6.936 tỷ đồng, tăng 5,1%.

6.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Giữa quý III năm 2020, khi “làn sóng” Covid-19 thứ hai xuất hiện, ngành kinh doanh dịch vụ vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, giờ đang lại “bồi” thêm một cú tiếp theo. Do vậy doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quý III tiếp tục sụt giảm, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 39 tỷ đồng, giảm 56,7%; dịch vụ ăn uống đạt 895 tỷ đồng, giảm 9,3%; dịch vụ khác đạt 1.347 tỷ đồng, tăng 2,0%.

Ước quý IV, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 2.488 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 44 tỷ đồng, giảm 52,2%; dịch vụ ăn uống đạt 1.002 tỷ đồng, tăng 1,2%; dịch vụ khác đạt 1.441 tỷ đồng, tăng 3,1%.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 ước đạt 846 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 15 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước, giảm 54,3% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 345 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và giảm 8,7% so với cùng kỳ; dịch vụ khác đạt 486 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 7,0% so với cùng kỳ.

Năm 2020, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 8.790 tỷ đồng, giảm 13,2% so với năm trước. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 162 tỷ đồng, chiếm 1,8% trong tổng số và giảm 50,4%; dịch vụ ăn uống đạt 3.459 tỷ đồng, chiếm 39,4% tổng số và giảm 22,3%; dịch vụ khác đạt 5.159 tỷ đồng, chiếm 58,7% tổng số, giảm 2,8%.

6.3. Vận tải

Là ngành chịu tác động đầu tiên và trực tiếp do đại dịch, chưa kịp hồi phục sau “cơn bão” Covid-19 giai đoạn đầu, ngành vận tải lại bị giáng thêm cú đòn khi dịch bệnh này tái bùng phát. Thực hiện quý III, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 2.282 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách đạt 295 tỷ đồng, giảm 11,3%; vận tải hàng hoá đạt 1.958 tỷ đồng, giảm 2,9%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 167 tỷ đồng, giảm 33,9%.

Sang quý IV, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 2.696 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách đạt 352 tỷ đồng, tăng 1,2%; vận tải hàng hoá đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 1,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 187 tỷ đồng, giảm 29,2%.

Ước tháng 12, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 931 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,0%, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách đạt 123 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,6%, tăng 2,2% so với cùng kỳ; vận tải hàng hoá đạt 742 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước, giảm 1,7% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 65 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và giảm 29,1% so với cùng kỳ.

Ước tính năm 2020, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 9.343 tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đạt 1.188 tỷ đồng, giảm 13,2%; vận tải hàng hoá đạt 7.449 tỷ đồng, giảm 7,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 695 tỷ đồng, giảm 30,0%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 12 ước đạt 2,9 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 5,4% và giảm 4,9% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 138 triệu hành khách.km, tăng 8,0% so với tháng trước và giảm 8,8% so với cùng kỳ. Cả năm 2020 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 29 triệu hành khách, giảm 16,5% so với năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 1.222 triệu hành khách.km giảm 17,3% so với năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12 ước đạt 12,6 triệu tấn, so với tháng trước tăng 1,4% và giảm 13,0% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 734 triệu tấn.km, tăng 1,1% so với tháng trước và giảm 16,6% so với cùng kỳ. Cả năm 2020 khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 124 triệu tấn, giảm 12,7% so với năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 8.233 triệu tấn.km, giảm 11,9% so với năm trước.

6.4. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất bị gián đoạn và thị trường đầu ra xuất khẩu bị thu hẹp trong bối cảnh dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước chỉ đạt 87% kế hoạch năm, nhập khẩu hàng hóa đạt 74,85% kế hoạch năm.

So với các dự báo trước đó, hoạt động xuất khẩu có triển vọng “sáng” hơn các chỉ tiêu khác. Liên tục từ tháng 6, xuất khẩu đều tăng so với các tháng năm trước; trong đó, tháng 9 (+18,7%), tháng 10 (+11,0%) và tháng 11 (+11,1%) đều tăng khá cao. Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 7.776 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu phục chậm hơn so với xuất khẩu, từ tháng 9 giá trị nhập khẩu mới bắt đầu tăng so với tháng cùng kỳ, tốc độ tăng cũng không cao và ổn định như xuất khẩu. Giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 5.918 triệu USD giảm 13.2% so với cùng kỳ năm trước.

6.5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này giảm 0,05% so với tháng trước; giảm 1,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 4,23% so với năm trước.

So với tháng trước, đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng giảm. Tác động làm giảm chỉ số giá tháng này phải kể đến nhóm lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; ngoài ra nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch cũng có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên ở chiều ngược lại nhóm giao thông lại có xu hướng tăng (+2,32%) do giá xăng, dầu được nhà nước điều chỉnh tăng.

7. Hoạt động tài chính, ngân hàng

Năm 2020, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng tốt, ước tính đến 31/12/2020 tổng nguồn vốn huy động 136.200 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2019 và tăng 0,7% so với tháng trước. Tổng dư nợ tín dụng 88.500 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với tháng trước; nợ xấu chiếm 1,2% tổng dư nợ. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án không sử dụng tiền mặt trong một số ngành, lĩnh vực.

8. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: Ước đạt 16.221 tỷ 605 triệu đồng, bằng 89,6% dự toán (Ngân sách địa phương được hưởng: 12.554 tỷ 607 đồng); trong đó:

– Thu nội địa: Ước đạt 13.659 tỷ đồng, hoàn thành 100,1% dự toán trung ương và tỉnh, bằng 84,9% so với thực hiện năm 2019, bao gồm:

+ Thu tiền sử dụng đất ước đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 2.000 tỷ đồng).

+ Thu xổ số kiến thiết ước đạt 41 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng).

+ Thu thường xuyên ước đạt 9.618 tỷ đồng (hụt thu 1.992 tỷ đồng).

– Thu huy động đóng góp: ước đạt 90 tỷ đồng.

– Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước đạt 2.472 tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán (tương ứng hụt 1.978 tỷ đồng), bằng 64% so với thực hiện năm 2019.

Về chi NSNN, tổng cân đối ngân sách địa phương năm 2020 ước đạt 18.996 tỷ 520 triệu đồng, đạt 140,4% dự toán năm, chủ  yếu tăng chi do kinh phí chuyển nguồn từ năm 2019 sang và nguồn tăng thu tiền sử dụng đất và tăng thu thường xuyên năm 2020 ngân sách ngân sách huyện, xã; kinh phí ngân sách trung ương bổ sung.

Chi đầu tư phát triển ước đạt 6.245 tỷ đồng, bằng 124,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chi đầu tư phát triển là do chuyển số dư tạm ứng từ năm 2019 chuyển sang thực thanh toán năm 2020, số dư dự toán đầu tư XDCB của các cấp ngân sách và số tăng thu tiền đất năm 2019 dành cho đầu tư chuyển  sang là 1.795 tỷ đồng, từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm 2020: 1.483 tỷ đồng, từ nguồn tăng thu thường xuyên năm 2020 và kết dư năm 2019 của ngân sách huyện, xã là 60 tỷ đồng, chi từ nguồn huy động đóng góp là 90 tỷ đồng.

Chi thường xuyên ước đạt 10.683 tỷ đồng, bằng 109,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chi tại các sự nghiệp chủ yếu do nhiệm vụ chi của các đơn vị chuyển tiếp từ năm 2019 sang, chi cho phòng, chống dịch Covid và một số nhiệm vụ chi phát sinh.

II. Một số vấn đề xã hội

1.Văn hóa, thể thao

Văn hóa; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, đón Tết Nguyên Đán Tân Sửu; đẩy mạnh tuyên truyền tổ chức đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được triển khai thực hiện tốt; hoàn thành việc khai quật khảo cổ tại khu di tích chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh. Lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Đền, Đình Sượt (thành phố Hải Dương) và Lễ hội truyền thống Đền Quát (huyện Gia Lộc). Phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh chuẩn bị lập hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; lập hồ sơ xét duyệt xếp hạng 07 di tích cấp tỉnh năm 2020. Tổ chức công bố biểu trưng (Logo) tỉnh Hải Dương và tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Hải Dương.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động nhân Lễ kỷ niệm 720 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và 578 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Xây dựng Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các chương trình, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020; tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2010-2020’’.

Thể thao; Hải Dương đăng cai tổ chức Giải vô địch Cầu lông đồng đội toàn quốc năm 2020; phối hợp tổ chức tốt các giải thể thao cấp tỉnh năm 2020. Các đội tuyển thể thao của tỉnh tham gia thi đấu các giải trẻ, giải vô địch toàn quốc đạt 75 HCV, 94 HCB, 77 HCĐ. Xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội TDTT các cấp tỉnh Hải Dương năm 2021-2022, kế hoạch tổ chức đăng cai môn Bóng bàn trong chương trình Seagames 31- năm 2021.

2. Y tế

2.1. Công tác phòng chống dịch Covid-19

Trong năm 2020, có những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong thời gian tháng 8 năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 04 ổ dịch (trong đó có 02 ổ dịch phức tạp và nguy hiểm). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành đã kịp thời chỉ đạo và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt đối với các địa phương có ổ dịch; đầu tư mua trang thiết bị, vật tư y tế. Cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc; huy động được nhiều nguồn lực của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia phòng chống dịch, đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch và bổ sung kinh phí hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt.

Toàn tỉnh đã xét nghiệm 29.954 mẫu bằng phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) để chẩn đoán, sàng lọc những người nghi nhiễm; xét nghiệm phân tích hóa sinh (ELISA) 1.807 mẫu để đánh giá miễn dịch trong cộng đồng; tổ chức cách ly y tế 24.853 người, bảo đảm an toàn. Đến nay đã ghi nhận 28 ca mắc Covid-19 (bao gồm: 17 ca ghi nhận tại cộng đồng và 11 ca nhập cảnh vào tỉnh) và không có người tử vong.

2.2. Các công tác khác

Tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh khác, bảo đảm không xảy ra dịch chồng dịch. Quan tâm nâng cao hiệu quả truyền thông y tế và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến trung ương được triển khai áp dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh và kỹ thuật tuyến tỉnh được áp dụng tại tuyến huyện. Một số bệnh viện đã chủ động liên kết với các bệnh viện tuyến trên triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến để mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở và giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, giảm chi phí cho người bệnh. Số lượt khám bệnh, điều trị nội trú, ngoại trú và thủ thuật, phẫu thuật giảm so với năm 2019.

Công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện chương trình mục tiêu y tế – dân số được quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, y tế trường học, phòng chống bệnh… được triển khai thực hiện đầy đủ. 

3. Giáo dục

Hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, cơ bản đạt các chỉ tiêu kế hoạch đầu năm học. Tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 và thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đảm bảo an toàn, đúng quy chế; tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục ngày càng phù hợp; thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập, xây dựng xã hội học tập; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại và đồng bộ; hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cấp, cải thiện; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Chất lượng giáo dục toàn diện, phổ cập, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, giữ vững; kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có 68/99 học sinh dự thi đạt giải (04 giải nhất, 20 giải nhì, 20 giải ba và 02 giải khuyến khích). Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tỉnh Hải Dương được đẩy mạnh và mở rộng thực hiện; quy mô trường, lớp tham gia triển khai dạy học chương trình Tiếng Anh  tiếp tục tăng. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho dạy học; tổ chức có hiệu quả công tác hướng nghiệp, liên kết đào tạo nghề cho học viên.

4. Lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Công tác giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực, đã giải quyết việc làm cho 35.500 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Tổ chức 60 phiên giao dịch việc làm, thu hút sự tham gia của 1.368 doanh nghiệp và 11.225 người lao động, trong đó có 3.315 người nhận được việc làm. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; phê duyệt danh sách hỗ trợ 161.985 người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng số tiền 199,9 tỷ đồng. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; thăm và tặng quà cho 61.000 gia đình chính sách, người có công với kinh phí trên 75 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sỹ.

Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và phê duyệt hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng, chống tệ nạn xã hội. Tập trung hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm. Đẩy mạnh công tác phòng, chống mại dâm thông qua hoạt động của các mô hình thí điểm phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng.

5. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Tiếp tục thực hiện kế hoạch và phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn để có các biện pháp xử lý theo quy định. Tổ chức kiểm tra, đưa ra khỏi danh sách 03 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; xác nhận 17 cơ sở hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; thẩm định hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoàn thiện cấp mới sổ đăng ký 34 cơ sở, cấp lại 09 cơ sở. Theo dõi kết quả, tổ chức kiểm tra, quan trắc đối chứng hệ thống quan trắc môi trường tự động của các cơ sở trên địa bàn tỉnh; phối hợp triển khai lắp đặt trạm quan trắc môi trường xung quanh tự động tại các vị trí đã được phê duyệt.

Tháng 12, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 vụ vi phạm môi trường, chủ yếu là khai thác cát trái phép, đã xử lý 7 vụ, số tiền xử phạt là 36 triệu đồng. Cộng dồn cả năm đã phát hiện 93 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 90 vụ với tổng số tiền phạt 2.009,6 triệu đồng.

6. Trật tự an toàn xã hội

Công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp, truy nã tội phạm đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm 5,16%; điều tra, khám phá đạt 87,7%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,3%, án nghiêm trọng và ít nghiêm trọng đạt 86,7%. Phát hiện, xử lý 138 vụ, 162 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Triệt phá, làm tan rã 08 ổ nhóm, 67 đối tượng hình sự và 16 ổ nhóm, 50 đối tượng manh nha hình thành tội phạm có tổ chức. Số vụ việc bắt giữ, xử lý về kinh tế, ma túy, môi trường đều cao hơn năm trước. Cơ bản chấm dứt hoạt động khai thác cát trái phép tồn tại từ nhiều năm trước, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Về tai nạn cháy, nổ; trong tháng 12, trên địa bàn tỉnh xảy  ra 3 vụ cháy, nổ làm 1 người chết, ước giá trị thiệt hại khoảng 1.010 triệu đồng. Cả năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, nổ làm chết 2 người, bị thương 1 người, thiệt hại ước tính 43.745 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông; tháng 12, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 9 người, bị thương 3 người. Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 221vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 176 người, bị thương 106 người; so với cùng kỳ năm 2019, Tai nạn giao thông giảm 23 vụ (-9,4%), giảm 34 người chết (-16,4%) và giảm 13 người bị thương (-11,0%).

Tình hình kinh tế – xã hội năm 2020 của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, các ngành kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng khá, hiện nay các hoạt động kinh tế – xã hội đã trở lại bình thường. Về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 đã đề ra, trong đó đạt và vượt 11/16 chỉ tiêu chủ yếu. Công tác phòng chống dịch Covid-19 đã đạt được kết quả tích cực và hiện nay được kiểm soát tốt; đã kịp thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn theo quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chú trọng thực hiện, đời sống nhân dân cơ bản ổn định; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, củng cố vững chắc. Công tác sắp xếp bộ máy, cán bộ đạt được kết quả tích cực./.