BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 5 NĂM 2024 TỈNH HẢI DƯƠNG

Tháng 5 và 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp có nhiều thuận lợi do số lượng đơn hàng tăng cao; tiêu dùng trong dân cư giảm nhẹ so với các tháng đầu năm nhưng giá cả hàng hoá ổn định, nguồn cung dồi dào; sản xuất nông nghiệp có nhiều kết quả tích cực do rau màu vụ Đông và lúa Chiêm xuân đều cho năng suất cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên thời tiết không thuận lợi cho cây vải ra hoa, đậu quả nên sản lượng vải giảm đáng kể, vì vậy khu vực I không tăng cao được như kỳ vọng.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Diện tích gieo trồng vụ Chiêm xuân năm 2024 toàn tỉnh đạt 64.016 ha, giảm 0,69% (-446 ha) so với vụ Chiêm xuân năm trước; trong đó, diện tích lúa Chiêm đạt 53.905 ha, giảm 0,7%; cây rau, đậu, hoa các loại đạt 7.038 hatăng 0,93%.

Năng suất lúa vụ chiêm xuân năm 2024 ước đạt 67,0 tạ/ha, tăng 2,36% (+1,54 tạ/ha) so với vụ chiêm năm trước; sản lượng đạt 361.164 tấn, tăng 1,62% (+5.768 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất rau các loại ước tính đạt 268,81 tạ/ha, tăng 3,45% (+8,96 tạ/ha); sản lượng đạt 181.041 tấn, tăng 4,44% (+7.694 tấn).

Diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22.796 ha, tăng 0,74% (+167 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó: diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.826 ha, chiếm 95,7%. Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, 6 tháng đầu năm diện tích cây vải ước đạt 8.834 ha, giảm 0,28% (-25 ha) so với cùng kỳ năm trước. Một số diện tích trồng vải già cỗi, cho thu hoạch kém ở thành phố Chí Linh đã bị chặt phá để chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn và một số loại cây ăn quả khác (nhãn, na, mít,…) nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sản lượng vải ước giảm 21,8% do thời tiết ở giai đoạn cây vải phân hóa mầm hoa và ra hoa không thuận lợi (nắng ấm và ít mưa) nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả rất thấp. Hiện nay năng suất, sản lượng vải thiều chính vụ dự báo sụt giảm mạnh; vải sớm năng suất giảm nhẹ, nhưng hiệu quả sản xuất khả quan do giá bán cao hơn năm trước. Ngoài cây vải, sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như: sản lượng xoài ước đạt 1.850 tấn, tăng 5,71%; sản lượng chuối ước đạt 38.500 tấn, tăng 6,94%; ổi sản lượng ước đạt 41.000 tấn, tăng 5,13% so với cùng kỳ và cây ăn quả khác nhìn chung đều cho sản lượng cao hơn so với cùng kỳ.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn phát triển khá tốt.

Lợn: Ước tại thời điềm 01/6/2024; tổng đàn lợn đạt 439.422 con, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn lợn thịt đạt 299.820 con, tăng 5,2%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 5.955 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Gia cầm: Tổng đàn gia cầm ước đạt 16.500 nghìn con, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 12.255 nghìn con tăng 4,1%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 6.174 tấn, tăng 7,1%; sản lượng trứng ước đạt trên 53.607 nghìn quả, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trâu, bò: Đàn trâu ước đạt 5.400 con, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 77 tấn, tăng 1,3%. Tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt 14.600 con, tăng 1,2%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 153 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng 5 nuôi trồng thuỷ sản vẫn duy trì và phát triển khá, diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 12.500 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Mô hình nuôi cá siêu thâm canh cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao được mở rộng ở các địa phương; giá bán sản phẩm đầu ra có xu hướng tăng, người nông dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để nuôi cá mật độ cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5 ước đạt gần 10.000 tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Từ đầu năm 2024, tổng cầu trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… có chuyển biến tốt so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, UBND tỉnh và các sở ban ngành tích cực lắng nghe, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… Nhờ đó hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tháng 5 tiếp tục xu hướng tăng cao, các ngành sản xuất trọng điểm có mức tăng trưởng tốt. Sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 13,7% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm trọng điểm tăng cao như: Thức ăn gia súc +8,2%; vải dệt kim +34,0%; quần áo người lớn +13,2%; mạch điện tử tích hợp +28,0%; điện sản xuất +20,6%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 114,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất và phân phối điện, tính chung 5 tháng đầu năm tăng 21,1% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 2,0 điểm%. Thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về đảm bảo điện sản xuất và tiêu dùng trong năm 2024, 02 doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện của tỉnh đều được huy động công suất cao ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó việc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã khắc phục xong sự cố của tổ máy S6 và đưa vào vận hành từ tháng 9/2023 đã làm sản lượng điện sản xuất 5 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đạt 2.282 triệu kwh, tăng 82% so với cùng kỳ;

– Ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ) tăng 14,5%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 3,8 điểm%. Thời gian gần đây, nhu cầu mua xe ô tô, xe máy của các cá nhân, gia đình ngày càng tăng cao. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, bộ phận phụ trợ, phổ biến là phục vụ xe của các hãng: Honda, Toyota, Hyundai, Kia, Mazda…;

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 10,7%, tác động làm chỉ số chung tăng 2,9 điểm%. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sang kỷ nguyên số, các sản phẩm điện tử ngày càng được sử dụng rộng rãi; sự mở rộng liên kết giữa các thiết bị điện tử thông minh với nhau cũng như xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ xanh đã tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong ngành;

– Ngành may mặc tăng 14,6%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%. Trong thời gian qua, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024. Trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, đất đai… được kéo dài trong năm 2024;

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (trong đó sản phẩm chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi) tăng 11,8%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%. Thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Đi cùng với đó là nhu cầu cung cấp thức ăn chăn nuôi có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất. Việc quy mô đàn vật nuôi tăng trưởng ổn định song song với giá thành nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương hạ nhiệt so với thời kỳ đỉnh điểm là những yếu tố góp phần cho sự tăng trưởng của ngành;

– Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 45,2% (do máy phát điện tăng 202,0%), làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%. Bên cạnh việc các thị trường xuất khẩu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có sự phục hồi, nhu cầu đối với các thiết bị điện gia dụng có xu hướng tăng. Ngoài ra, sự phát triển mạnh về hạ tầng cơ sở, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện phát triển.

Tuy nhiên, một số ngành gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hội chậm, sản lượng sản xuất so với cùng kỳ tăng không cao (hoặc giảm), làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành đó là:

– Ngành sản xuất kim loại 7,1%, làm chỉ số chung tăng 0,4 điểm%. Đây là một trong 3 ngành có tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh nhưng mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân toàn ngành. Nhu cầu thị trường trong nước hồi phục không như kỳ vọng, đồng thời lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến cũng đã gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành;

– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói), giảm 7,3%, làm chỉ số chung giảm 0,2 điểm%. Những tín hiệu phục hồi cho thị trường vật liệu xây dựng còn khá mờ nhạt do thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn và phục hồi ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường vật liệu xây dựng trong ngắn hạn;

– Sản phẩm xe có động cơ lắp ráp giảm 18,3%, nguyên nhân là do hiệu ứng phủ thị trường của những dòng xe mới năm 2023 của công ty TNHH Ford Việt Nam không còn.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/5 dự ước tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, lao động trong ngành tăng 2,1% so với cùng kỳ. Một số ngành có số lượng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 3,1%; dệt tăng 7,5%; sản xuất trang phục tăng 2,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 3,2%; sản xuất cao su và plastic tăng 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 2,1%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 2,8%…

Các ngành có số lượng lao động 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước là: Khai khoáng khác (-5,5%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-5,1%); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị (-8,2%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (-0,02%).

3. Hoạt động đầu tư

Để việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2024 đạt kết quả tốt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, nhiệm vụ yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm. Các đơn vị được giao quản lý và triển khai kế hoạch vốn đầu tư công cần huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư công; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Ước tháng 5, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 372 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 243 tỷ đồng, tăng 45,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 113 tỷ đồng, giảm 25,3%; vốn ngân sách cấp xã đạt 16,2 tỷ đồng, giảm 44,9%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.462 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 20,9% kế hoạch năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 871 tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 27,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 519 tỷ đồng, chiếm 35,5% tổng vốn đầu tư, giảm 17,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 72 tỷ đồng, chiếm 5,0% tổng vốn đầu tư, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm trước.

 Vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh hiện tương đối chậm so với kế hoạch đã đề ra, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công.

* Một số công trình lớn thực hiện trong tháng như:

– Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương (2020-2025 với tổng mức đầu tư là 1.774,6 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 5/2024 đạt 20,1 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 813,6 tỷ đồng, ước đạt 45,8% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2021-2024 với tổng mức đầu tư là 1.778,9 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 5/2024 đạt 16,3 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 1.075,4 tỷ đồng, ước đạt 60,5% tổng mức đầu tư;

– Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Bắc – Nam, huyện Thanh Miện giai đoạn 1, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2022-2025 với tổng  mức đầu tư 397,8 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 5/2024 là 11,9 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 259,1 tỷ đồng, ước đạt 65,1% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2022-2025 với tổng  mức đầu tư là 279 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 5/2024 đạt 7,9 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 154,5 tỷ đồng, ước đạt 55,4% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng đường trục Đông Tây trên địa bàn huyện Kim Thành, đoạn từ nút giao lập thể với QL5 tại Kim Xuyên đến bùng binh xã Ngũ Phúc, thuộc vốn ngân sách cấp huyện (2022-2025 với tổng mức đầu tư là 232,5 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 5/2024 đạt 20,8 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 128,2 tỷ đồng, ước đạt 55,1% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng nhà lớp học 3 tầng 20 phòng trường Tiểu học An Bình, thuộc vốn ngân sách cấp huyện (2023-2024 với tổng mức đầu tư là 20 tỷ đồng, ước thực hiện tháng 5/2024 đạt 2,7 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 18,4 tỷ đồng, ước đạt 92% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tiếp tục ổn định, nguồn cung các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả hàng hoá ổn định không có biến động bất thường, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành và lĩnh vực.

Tháng 5, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.521 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi đạt 1.286 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41.784 tỷ đồng, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 6.435 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 5 ước đạt 7.018 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 34.265 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; phân theo mặt hàng:

– Lương thực, thực phẩm đạt 12.408 tỷ đồng, tăng 15,8%;

– Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 4.315 tỷ đồng, tăng 12,6%;

– Gỗ và vật liệu xây dựng đạt 4.185 tỷ đồng, tăng 8,5%;

– Xăng dầu các loại đạt 3.666 tỷ đồng, tăng 16,5%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5 ước đạt 1.503 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 7.518 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 123 tỷ đồng, tăng 16,7%;

– Dịch vụ ăn uống đạt 2.727 tỷ đồng, tăng 19,8%;

– Dịch vụ khác đạt 4.607 tỷ đồng, tăng 10,2%.

4.3. Vận tải

Tháng 5, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 1.286 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 12,5%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 15,1%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 23,4%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 17,1%.

Tính chung 5 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 6.435 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 18,3%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 13,2%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 25,1%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 12,7%.

4.4. Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 5 ước đạt 859 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 3.855 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá trị hàng hoá xuất khẩu của Tỉnh tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước (ước tăng trên 10%), nhưng tốc độ tăng của Tỉnh lại tăng khá đồng đều và ổn định giữa các tháng hơn so với cả nước.

Giá trị hàng hoá nhập khẩu tháng 5 ước đạt 736 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm nhập khẩu ước đạt 3.191 triệu USD tăng 7,3%so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 2,01% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,02% so với tháng 12/2023. Bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước. Có 06 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 04 nhóm giảm giá so với tháng trước, riêng nhóm giáo dục giữ giá ổn định; các nhóm hàng tăng giá, tác động nhiều đến CPI chung như sau:

– Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,39%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: nhà ở tăng 2,16%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm;

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,08%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm; tăng chủ yếu là do hàng thực phẩm tăng 1,49% (thịt gia súc +3,86%; thịt gia cầm +0,33%; thịt chế biến +0,56%) tác động làm cho CPI chung tăng 0,34 điểm phần trăm;

– Nhóm hàng văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,58%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: dịch vụ giải trí tăng 1,71%; du lịch chọn gói tăng 4,36%;

Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như: nhóm hàng giao thông giảm 1,95% (do nhiên liệu xăng, dầu giảm), tác động làm cho CPI chung giảm 0,20 điểm phần trăm; nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,25%, tác động làm cho CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm.

Giá vàng tháng 5 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 3,61% so tháng trước; tăng 32,74% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân 5 tháng đầu năm  tăng 23,61%. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 7.560 – 7.580 ngàn đồng/chỉ; tăng bình quân 264 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 5 tăng 1,32% so với tháng trước; tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân 5 tháng đầu năm tăng 5,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng 5 là 2.546.692 đồng/100USD, tăng 33.177 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.540.000 – 2.550.00 đồng/100USD.

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/5 ước đạt 10.800 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/5 ước đạt 11.174 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán năm, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 9.723 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 1.442 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/5 ước đạt 7.950 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách nhà nước ước đến ngày 31/5 đạt 8.356 tỷ đồng, bằng 125,7% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.938 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 5.398 tỷ đồng.

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 199.857 tỷ đồng, tăng 14,1%; dư nợ tín dụng đạt 136.482 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho lưu thông; chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu nội bảng thời điểm 15/5 chiếm 1,21% tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,23 điểm% so với cùng kỳ tháng trước.

Download báo cáo