BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 4 NĂM 2024 TỈNH HẢI DƯƠNG

1.Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1 Trồng trọt

Vụ chiêm xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng sơ bộ đạt 63.991 ha, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích lúa chiêm xuân sơ bộ đạt 53.890 ha, giảm 0,8%; rau các loại sơ bộ đạt 7.038 ha, tăng 0,9%. Diện tích cây lúa giảm 0,8% (405 ha), là do: Chuyển sang trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản và chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp, đường giao thông, khu dân cư.

Diễn biến thời tiết cơ bản thuận lợi nên lúa chiêm xuân năm nay sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa ở mức độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Về cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều, diễn biến thời tiết năm nay không thuận lợi đối với việc sinh trưởng, phát triển của cây vải, cây phân hóa mầm hoa kém, tỷ lệ ra hoa đậu quả thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

1.2 Chăn nuôi

Trâu, bò: Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Ước tại thời điểm 30/4/2024, đàn trâu đạt 5.510 con, tăng 0,5%; đàn bò đạt 14.600 con, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 4 tháng đạt 299 tấn, tăng 0,6%; sản lượng thịt bò 4 tháng đạt 610 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lợn: Chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển tốt do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường hiệu quả.

Ước tại thời điểm 30/4/2023, tổng đàn lợn thịt đạt 299.000 con, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 4 đạt 5.850 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 23.050 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Gia cầm: Đàn gia cầm tăng khá là do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra. Bên cạnh đó giá bán thịt gà hơi luôn duy trì ở mức khá cao, nên người chăn nuôi đã đầu tư mở rộng qui mô nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi vịt đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra, giá thịt vịt hơi xuất chuồng giảm, hiệu quả kinh tế đạt thấp, người chăn nuôi thu hẹp qui mô sản xuất, dự ước trong thời gian tới đàn vịt có sẽ có xu hướng giảm.

Ước tại thời điểm 30/4/2024, tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) đạt 16.526 nghìn con, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đàn gà đạt 12.308 con, tăng 3,9%. Sản lượng thịt gia cầm tháng 4 đạt 5.940 tấn, tăng 5,4%; trong đó: sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 4.626 tấn, tăng 5,0%; sản lượng trứng gia cầm (bao gồm cả trứng chim cút) đạt 53.246 nghìn quả, tăng 2,7%.

Tính chung 4 tháng, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 23.500 tấn, tăng 5,7%; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 18.374 tấn, tăng 5,2%; sản lượng trứng gia cầm đạt 206.290 nghìn quả, tăng 2,7%.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng 4, diễn biến thời tiết có thời điểm không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản: thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng xen kẽ không khí lạnh, kết hợp mưa làm cho hàm lượng ô xy hòa tan trong nước giảm mạnh. Đồng thời một số con sông trên địa bàn tỉnh có nồng độ khí độc cao gây lên hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số hộ nuôi thủy sản lồng bè; ước tính tổng trọng lượng cá chết trong nửa đầu tháng 4 toàn tỉnh là trên 1.100 tấn.

Mô hình nuôi cá siêu thâm canh cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao được mở rộng ở các địa phương; giá bán sản phẩm đầu ra có xu hướng tăng, người nông dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để nuôi cá mật độ cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 4 ước đạt trên 10.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung thuận lợi; sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục tăng trưởng khả quan (+15,1%).

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Trong tháng 4, hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng trưởng, một số ngành chủ lực có sản lượng tăng trưởng cao như: vải dệt kim +31,5%; quần áo người lớn +25,9%; than cốc +13,7%; sản phẩm bằng plastic +12,5; sắt, thép các loại +9,1%; mạch điện tử tích hợp +13,9%; điện sản xuất +26,3%.

 

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 114,3% so với cùng kỳ năm trước; một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất và phân phối điện, sản lượng tăng 21,2% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 2,0 điểm%. Năm nay, các nhà máy nhiệt điện được huy động sảu xuất với sản lượng cao hơn ngay từ đầu năm, để dành nước tại các hồ thủy điện miền Bắc ứng phó tình trạng thiếu điện do nắng nóng. Đồng thời, từ cuối năm 2023, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã khắc phục xong sự cố của tổ máy S6 nên sản lượng điện sản xuất của nhà máy đã tăng 70,3% so với cùng kỳ năm trước.

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 15,0%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 4,8 điểm%; trong đó, bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 14,9%; bộ phận thiết bị điện sử dụng cho xe có động cơ tăng 21,3%. Tuy nhiên, hiệu ứng dòng xe mới (Ford – Territory) ra năm 2023 không còn, nên sản lượng xe có động cơ giảm 23,3%.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 9,5%, tác động làm chỉ số chung tăng 2,0 điểm%; trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 19,3%; bộ phận của các linh kiện điện tử khác tăng 12,2%. Ngành công nghiệp điện tử đang có kỳ vọng tăng trưởng trở lại do sự phục hồi dần dần của nhu cầu smartphone và các thiết bị thông tin giải trí.

– Ngành may mặc tăng 15,7%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,8 điểm%. Từ đầu năm đến nay, những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã xuất hiện rõ nét hơn khi các doanh nghiệp đang đón nhận được nhiều đơn hàng, tỉ lệ lao động trở lại làm việc khá cao. Với ưu thế là quốc gia đã và đang đàm phán 19 FTA; là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga nên lợi thế cạnh tranh khi thị trường có dấu hiệu phục hồi là rất lớn. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, làm giảm chi phí, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, đất đai… được kéo dài sang năm nay.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,7%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%; trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 13,0%. Với việc dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn, nên quy mô đàn gia súc, gia cầm có mức tăng trưởng khá, nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng.

– Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 42,1%, làm chỉ số chung tăng 1,2 điểm%. Bên cạnh các sản phẩm dây cáp điện có lượng sản xuất ổn định thì từ cuối năm trước, Công ty TNHH Ducar Việt Nam chủ yếu sản xuất máy phát điện và máy rửa áp lực cao xuất sang thị trường Mỹ và Châu Âu đã có sự hổi phục đơn hàng đáng kể; sản lượng máy phát điện gấp 3 lần năm trước.

Tuy nhiên cũng có một số ngành tốc độ tăng trưởng còn thấp, sản lượng sản xuất so với cùng kỳ chưa cao, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành đó là:

– Ngành sản xuất kim loại tăng 7,3%, làm chỉ số chung tăng 0,43 điểm%. Đây là một trong 3 ngành có tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh nhưng mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân toàn ngành. Những tháng đầu năm 2024, giá thép và sức mua đã phần nào khôi phục trở lại, giúp kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khả quan hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến đã gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 7,0%. làm chỉ số chung giảm 0,17 điểm%. Mặc dù thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu xây dựng trong dân cư có khả quan hơn năm trước nhưng nhu cầu vẫn còn “yếu”; trong khi nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với cầu; kênh xuất khẩu cũng khó tăng do áp lực cạnh tranh từ nhiều quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/4/2024 ước tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động bằng 101,8% so với cùng kỳ. Các ngành có nhu cầu sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,7%; sản xuất đồ uống tăng 3,4%; dệt tăng 7,3%; sản xuất cao su và plastic tăng 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 4,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 2,5%…

Các ngành có nhu cầu sử dụng lao động trong 4 tháng đầu giảm là: khai khoáng khác giảm 10,0%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 1,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 13,5%.

3. Hoạt động đầu tư

Việc gấp rút triển khai quy trình đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2024 sẽ tạo tiền đề cho tỉnh xây dựng danh mục, kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện đầu tư công năm 2024 theo đúng kế hoạch, khắc phục khó khăn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, nhiệm vụ yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt. Các đơn vị được giao quản lý và triển khai kế hoạch vốn đầu tư công cần huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư công; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Ước tháng 4, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 267 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 161 tỷ đồng, tăng 36,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 93 tỷ đồng, giảm 24,2%; vốn ngân sách cấp xã đạt 13 tỷ đồng, giảm 45%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,6% kế hoạch năm; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 634 tỷ đồng, chiếm 58,0% tổng vốn đầu tư, tăng 22,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 403 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng vốn đầu tư, giảm 16,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 57 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.

* Một số công trình lớn thực hiện trong tháng như:

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2021-2024 với tổng mức đầu tư là 1.778,9 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4/2024 đạt 14,3 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 1.058,3 tỷ đồng, ước đạt 59,5% tổng mức đầu tư;

– Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Bắc – Nam, huyện Thanh Miện giai đoạn 1, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2022-2025 với tổng mức đầu tư 397,8 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4/2024 là 9,5 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 245,8 tỷ đồng, ước đạt 61,8% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33m kéo dài (qua địa phận huyện Cẩm giàng) nối đường Vũ Công Đán – TP Hải Dương, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2023-2025 với tổng mức đầu tư là 469,5 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4/2024 đạt 8,2 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 72,8 tỷ đồng, ước đạt 15,5% tổng mức đầu tư;

– Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2023-2025 với tổng mức đầu tư là 421,2 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4/2024 đạt 7,9 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 210 tỷ đồng, ước đạt 49,9% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2022-2025 với tổng  mức đầu tư là 279 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4/2024 đạt 7,8 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 146,6 tỷ đồng, ước đạt 52,5% tổng mức đầu tư;

– Dự án cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối thành phố Hải Dương với vùng huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, thuộc vốn ngân sách cấp huyện (2022-2025 với tổng mức đầu tư là 1.157,4 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 4/2024 đạt 17,9 tỷ đồng…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực, duy trì mức tăng trưởng khá, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, không có biến động bất thường. Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, sức mua tiêu dùng tăng nhẹ, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, tiêu dùng của người dân và cho sản xuất. Tuy nhiên, giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu tăng đã tạo áp lực tăng giá đến các loại sản phẩm hàng hóa sản xuất, qua đó cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh và sức mua trong dân cư.

Tháng 4, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.417 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi đạt 1.288 tỷ đồng, tăng 20,1%.

Tính chung bốn tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 33.273 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 17,1%.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4 ước đạt 6.924 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước; tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 27.255 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn, tăng khá như:

– Lương thực, thực phẩm đạt 9.872 tỷ đồng, tăng 16,3%;

– Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 3.437 tỷ đồng, tăng 12,5%;

– Gỗ và vật liệu xây dựng đạt 3.322 tỷ đồng, tăng 7,5%;

– Xăng dầu các loại đạt 2.917 tỷ đồng, tăng 16,6%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 4 ước đạt 1.493 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 6.018 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 99 tỷ đồng, tăng 18,8%;

– Dịch vụ ăn uống đạt 2.188 tỷ đồng, tăng 20,8%;

– Dịch vụ khác đạt 3.683 tỷ đồng, tăng 11,1%.

4.3. Vận tải

Tháng 4, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 1.288 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 18,0%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 17,8%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 27,7%.

Tính chung 4 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 19,7%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 12,6%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 27,6%.

4.4. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 4 ước đạt 891 triệu USD, tăng 21,1% so với tháng 4 năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 3.129 triệu USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng khá cao nên hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục được tăng trong các thời gian tới.

Giá trị hàng hoá nhập khẩu tháng 4 ước đạt 677 triệu USD, tăng 10,8% so với tháng 4 năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm nhập khẩu ước đạt 2.422 triệu USD tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,63% so với tháng 12/2023; bình quân 4 tháng đầu năm tăng 3,30% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 03 nhóm giảm giá, riêng nhóm giáo dục giữ giá ổn định. Trong 07 nhóm hàng tăng giá, có một số nhóm tăng cao, tác động nhiều đến CPI chung như sau:

– Nhóm giao thông tăng 1,98%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,20 điểm%; tăng chủ yếu do nhiên liệu xăng, dầu tăng 4,78%;

– Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm%; tăng chủ yếu do giá nhà ở tăng 1,86%;

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm%; tăng chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm tăng 0,51% do giá thịt gia súc tăng 1,37%; thịt gia cầm tăng 1,30%; thịt chế biến tăng 0,98%.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như: bột mỳ và ngũ cốc khác giảm 6,74%; trứng các loại giảm 3,77%; hàng may mặc như quần, áo may sẵn giảm 0,17%; giày dép giảm 0,11%; giá điện sinh hoạt giảm 2,39%.

Giá vàng tháng 4 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 8,42% so tháng trước; tăng 29,75% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm  tăng 21,42%. Tính đến ngày 23/4/2024, bình quân giá vàng là 7.310 ngàn đồng/1 chỉ, tăng 568 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 7.285 – 7.335 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 4 tăng 1,18% so với tháng trước; tăng 6,30% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm  tăng 4,50% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng 4 là 2.513 ngàn đồng/100USD, tăng 29,4 ngàn đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.505 – 2.528 ngàn đồng/100USD.

6. Thu, Chi ngân sách nhà nước

6.1. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/4 đạt 8.065 tỷ đồng; nâng tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 30/4 ước đạt 8.617 tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán năm, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 7.637 tỷ đồng (tăng 23,3%), thu qua hải quan đạt 972 tỷ đồng (giảm 10,0%).

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/4 đạt 6.676 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách nhà nước ước đến ngày 30/4 đạt 7.182 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.888 tỷ đồng (tăng 46,1%), chi thường xuyên đạt 4.276 tỷ đồng (tăng 21,1%).

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu trong tầm kiểm soát; nhu cầu tiền mặt cho lưu thông được đáp ứng đầy đủ.

Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 198.391 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, tín dụng đạt 133.443 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cuối năm trước. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu nội bảng chiếm 0,98% tổng dư nợ./.

Download báo cáo