Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 năm 2023 tỉnh Hải Dương

  1. KINH TÊ

Quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh ước đạt 8,35%; đây là mức tăng trưởng cao (cao thứ 9/63) là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tăng trưởng của cả nước ước đạt 3,32%; và nhiều địa phương có thế mạnh về công nghiệp có mức tăng thấp hoặc âm như: Bắc Ninh (-11,85%), Vĩnh Phúc (-2,47%), Quảng Ngãi (-1,07%), Quảng Nam (-10,88%), Bà Rịa – Vũng Tàu (-4,75%), Bình Dương (+1,15%); TP. Hồ Chí Minh (+0,70%).

Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong tháng 4 của Tỉnh lại không thực sự khả quan khi hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã tăng chậm lại,  nhất là sản xuất công nghiệp, cụ thể: Thức ăn chăn nuôi; mạch điện tử tích hợp; máy kết hợp in, quét, copy; ô tô; bộ dây đánh lửa.

  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Vụ Chiêm xuân, toàn tỉnh gieo trồng sơ bộ đạt 64.342 ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, diện tích lúa chiêm xuân sơ bộ đạt 54.196 ha, giảm 1,5% (giảm 814 ha); rau các loại sơ bộ đạt 6.650 ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Một số diện tích đất trồng lúa được chuyển sang trồng cây lâu năm; chuyển mục đích sử dụng đất (xây dựng khu công nghiệp, đường giao thông, mở rộng khu dân cư) và một số diện tích chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản.

Đây là giai đoạn cần tập trung chăm sóc lúa Chiêm xuân và cây Vải. Lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình hàng năm nên lúa Chiêm sinh trưởng và phát triển kém hơn năm trước. Tuy nhiên, thời tiết lại khá thuận lợi đối với việc sinh trưởng, phát triển của cây vải, năng suất vải ở một số vùng trọng điểm, được chăm sóc tốt có thể cao hơn từ 15% – 20%. Riêng tại huyện Thanh Hà, tỷ lệ đậu quả của cây vải ước đạt trên 95%.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm trong tỉnh ổn định, không xẩy ra dịch bệnh nên đàn gia cầm phát triển tốt. Chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh.

Ước thời điểm 30/4/2023: Tổng đàn lợn thịt đạt 284.000 con, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm so nhưng giảm so với quý I/2023. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 4 ước đạt 5.780 tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm nhẹ so với các tháng trước.

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.860 nghìn con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 11.806 nghìn con tăng 3,4%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 4 ước đạt 5.725 tấn, tăng 6%; sản lượng trứng ước đạt 51.028 nghìn quả, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022

Hiện nay chăn nuôi lợn, gà đang gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán sản phẩm thấp, nguy cơ dịch bệnh đe dọa; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải giảm quy mô nuôi hoặc “treo chuồng” để cắt lỗ. Dù giá thit hơi đã tăng trong 10 ngày qua nhưng vẫn khá “bấp bênh”, chưa đủ sức thuyết phục người nuôi mở rộng quy mô, tổng đàn trong thời gian tới có thể tiếp tục giảm so với hiện nay.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng 4, sản xuất thủy sản phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh; công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 12.450 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt gần 10.000 tấn, tăng 6%.

  1. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 4 (tăng 6,4%) đã tăng chậm lại so với các tháng đầu năm; thấp hơn tháng 3 (+9,1%) và bình quân 3 tháng đầu năm (+12,3%). Hầu hết các sản phẩm công nghiệp là “điểm sáng” trong tăng trưởng của quý I thì trong tháng 4 đều tăng thấp hơn như: Thức ăn chăn nuôi (thấp hơn 1,0 điểm%); mạch điện tử tích hợp (thấp hơn 2,0 điểm%); máy kết hợp in, quét, copy (thấp hơn 6,2 điểm%); ô tô (thấp hơn 116,2 điểm%); bộ dây đánh lửa (thấp hơn 17,3 điểm%). Ngược lại, một số ngành công nghiệp cho thấy dấu hiệu phục hồi khi lượng sản xuất tăng nhẹ như: sản xuất đồ uống, may mặc, da giày, than cốc, sản xuất xi măng.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 4 bằng 100,6% so với tháng trước và bằng 106,4% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ như: Thức ăn cho gia súc +19,3%; sản phẩm bằng plastic +10,2%; mạch điện tử tích hợp +5,0%; Máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy, fax… +7,8%; xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên +85,8%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp bằng 110,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 24,5%, tác động làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 6,1 điểm%; trong đó, sản phẩm xe có động cơ chở được từ 05 người trở tăng 164,7%; bộ dây đánh lửa cho xe có động cơ tăng 11,2%; bộ phận thiết bị điện sử dụng cho xe có động cơ tăng 16,9%. Thời gian qua, thị trường ô tô trong nước có nhiều động thái tích cực, cùng với việc Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa ra các dòng xe mới dẫn tới sản lượng sản xuất và tiêu thụ xe cũng như các bộ phận phụ trợ trong tháng 4 tiếp tục tăng cao.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 10,1%, tác động làm chỉ số chung tăng 1,9 điểm%; trong đó, mạch điện tử tích hợp tăng 5,0%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy,… tăng 26,9%…

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 13,8%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,8 điểm%; trong đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 17,7% do xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn, nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng. Một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, tăng sản lượng sản xuất như Công ty CP dinh dưỡng quốc tế CNC, Công ty TNHH Haid Hải Dương nên dự kiến sản lượng thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong thời gian tới.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 1,0 điểm%. Từ cuối năm 2022 đến nay, do nhu cầu thị trường tăng và giá than nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm, nên sản lượng nhiệt điện sản xuất tương đối ổn định.

Bên cạnh đó, một số ngành do gặp những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên sản lượng sản xuất giảm hoặc có mức tăng trưởng thấp:

– Ngành sản xuất kim loại và các sản phẩm từ khoáng phi kim loại sản lượng 4 tháng đầu năm bằng 101,4% và 98,9%. Từ cuối tháng 5/2022 đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng không cao. Hiện nay, Công ty CP Thép Hoà Phát vẫn đang phải ngừng 1 lò cao, Công ty TNHH MTV Vicem Xi măng Hoàng Thạch cũng ngừng 1 lò sản xuất clanke trong quý I; vì vậy sản lượng thép, xi măng tính chung 4 tháng đầu năm lần lượt bằng 100,3% và 97,0%.

– Ngành may mặc, giày dép do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm. Trong ngắn hạn, thị trường thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, việc Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa… Hầu hết doanh nghiệp may mặc, da giày thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. Sản lượng của ngành may mặc và sản xuất giày dép 4 tháng đầu năm lần lượt bằng 92,3% và 97,5%, tác động làm chỉ số chung giảm 0,5 điểm% và 0,1 điểm%.

– Ngành sản xuất than cốc, do một lò cao luyện thép của Công ty CP Thép Hòa Phát vẫn đang tạm dừng, kéo theo sản lượng than cốc cung cấp cho hoạt động của lò cao này giảm sâu. Cụ thể sản lượng than cốc tính chung 4 tháng đầu năm bằng 70,2%, tác động làm chỉ số chung giảm 0,4 điểm%.

– Ngành sản xuất thiết bị điện sản lượng 4 tháng đầu năm bằng 72,4% làm chỉ số chung giảm 1,0 điểm%. Nguyên nhân là do một doanh nghiệp lớn trong ngành là Công ty TNHH Ducar Việt Nam chủ yếu sản xuất máy phát điện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhưng từ cuối năm 2022 tới nay thị trường này bị ảnh hưởng bởi lạm phát, số lượng đơn hàng suy giảm mạnh.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 30/4/2023 dự ước bằng 100,2% so với tháng trước, bằng 96,3% so với cùng kỳ năm 2022, tính chung 4 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 98,2%. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Một số ngành có lượng lao động 4 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ là khai khoáng khác bằng 46,6%; sản xuất trang phục bằng 92,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan bằng 99,7%; sản xuất than cốc bằng 82,7%; sản xuất thiết bị điện bằng 80,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 90,3%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ năm 2022 là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 103,2%; sản xuất đồ uống bằng 103,1; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 103,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 105,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu bằng 104,9%; sản xuất xe có động cơ bằng 107,4%…

  1. Hoạt động đầu tư

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023. Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu năm đến nay công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh; quản lý chặt chẽ, bố trí đủ vốn cho các dự án theo đúng quy định của pháp luật về thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và kế hoạch cụ thể của các đơn vị.

Ước tháng 4, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 315 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 141 tỷ đồng, tăng 32,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 145 tỷ đồng, tăng 7,5%; vốn ngân sách cấp xã đạt 29 tỷ đồng, giảm 28,2%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.062 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch năm, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 474 tỷ đồng, đạt 16,4% kế hoạch, tăng 16,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 503 tỷ đồng, đạt 19,5% kế hoạch, giảm 3,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 85 tỷ đồng, đạt 25,3% kế hoạch, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, mặc dù công tác giải ngân đầu tư công đã có sự cải thiện, song vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn do thiếu những quy định cụ thể, dẫn đến nảy sinh tâm lý “sợ trách nhiệm, sợ sai” của một số cán bộ, người đứng đầu khiến tiến độ giải ngân chậm trễ và hiệu quả của đầu tư công giảm đi.

* Một số công trình có vốn đầu tư thực hiện cao trong tháng như:

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 4/2023 đạt 35,1 tỷ đồng, chiếm 25% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 602,6 tỷ đồng, đạt 33,9% tổng mức đầu tư;

– Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, ước thực hiện trong tháng 4/2023 đạt 46,4 tỷ đồng, chiếm 33% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đến nay ước đạt 493,8 tỷ đồng, đạt 75,5% tổng mức đầu tư;

– Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, ước thực hiện trong tháng 4/2023 đạt 14,2 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 482,8 tỷ đồng, đạt 27,2% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn, ước thực hiện trong tháng 4/2023 là 14,7 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến nay ước đạt 285,7 tỷ đồng, ước đạt 32,3% tổng mức đầu tư…

  1. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Các hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 4 tiếp tục tăng trưởng khả quan; thị trường hàng hóa tương đối ổn định, không có biến động bất thường; lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, tiêu dùng của người dân và cho sản xuất.

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 7.376 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 4 đạt 917 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 29.263 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 3.755 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4 ước đạt 6.083 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; dù mức thấp đã hơn quý I/2023 nhưng vẫn cao hơn năm trước.

Tính chung 4 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 24.286 tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 36,3% trong tổng số và đạt 8.808 tỷ đồng, tăng 21,4%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 12,7% trong tổng số, đạt 3.092 tỷ đồng, tăng 12,3%;

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 2.737 tỷ đồng, tăng 17,2%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 4 ước đạt 1.293 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng ước đạt 4.977 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt 108 tỷ đồng, chiếm 2,2% trong tổng số, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ ăn uống đạt 1.616 tỷ đồng, chiếm 32,5% tổng số, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước;

– Dịch vụ khác đạt 3.227 tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng số, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 4, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 917 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 7,0% và tăng 14,0% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 171 tỷ đồng, giảm 8,0% so với tháng trước và tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá đạt 543 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tháng trước, tăng 9,1% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 198 tỷ đồng, giảm 8,0% so với tháng trước, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Tính chung bốn tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 3.755 tỷ đồng tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 46,4%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 11,4%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 21,8%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 19,6%.

Nguyên nhân dẫn đến hoạt động vận tải có mức tăng trưởng khá là do những tháng gần đây, giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngành vận tải. Song nhờ sự tăng trưởng của các ngành như: Công nghiệp, xây dựng và hoạt động thương mại có tốc độ tăng trưởng khá đã tạo đà cho hoạt động vận tải tăng trưởng.

  1. Chỉ số giá tiêu dùng

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 1,00% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 1,14%; khu vực nông thôn tăng 0,92%); tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước và bình quân so với cùng kỳ tăng 3,67%.

So với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 03 nhóm giảm giá, riêng nhóm giáo dục có giá ổn định so với tháng trước. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 5,49% làm cho CPI chung tăng 0,99 điểm%; nguyên nhân tăng là do giá nhà ở cho thuê tăng 12,04%, tác động tăng 1,20 điểm%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,21%.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 4 tăng 0,59% so với tháng trước, tác động chung làm CPI chung tăng 0,06 điểm%, tăng chủ yếu ở các mặt hàng như phương tiện đi lại tăng 0,37%; phụ tùng tăng 1,22%; xăng tăng 1,10%; dầu mỡ nhờn tăng 0,20%.

Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 4 tăng 0,82% so với tháng trước, tác động chung làm cho CPI chung tăng 0,03 điểm%, tăng chủ yếu ở các mặt hàng như đồ dùng cá nhân tăng 1,82%; hiếu, hỉ tăng 1,23%.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước: Giá thịt gia súc giảm 1,09% do nguồn cung nhiều lên giá thịt gia súc giảm so với tháng trước; trứng các loại giảm 2,65%; thủy sản tươi sống giảm 0,44%; các loại rau, tươi khô giảm 1,57%; bia các loại giảm 0,05%; hàng may mặc giảm 0,25%; quần áo may sẵn giảm 0,27%; nước sinh hoạt giảm 0,66%; điện sinh hoạt giảm 0,24%; gas giảm 12,08%; dầu hỏa giảm 3,84%; dầu diezel giảm 1,92%.

Giá vàng tháng 4 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 3,00% so tháng trước; tăng 0,57% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 4 tháng năm 2023 tăng 0,77%. Tính đến ngày 23/4/2023, bình quân giá vàng là 5.634 ngàn đồng/ 1 chỉ và tăng 164 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.625- 5.643 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,87% so với tháng trước; tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân 4 tháng năm 2023 tăng 3,41%. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.364.556 đồng/100USD, giảm 20.861 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.360.000 -2.370.000 đồng/100USD.

  1. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/4 ước đạt 6.105 tỷ đồng; ước tính thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến tháng 4 ước đạt 7.043 tỷ đồng, bằng 39,9% dự toán năm, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 6.037 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 990 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/4 ước đạt 5.167 tỷ đồng, ước tính chi ngân sách nhà nước đến hết tháng 4 đạt 5.948 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 1.909 tỷ đồng (+7,1%), chi thường xuyên đạt 4.020 tỷ đồng (+9,5%).

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
  2. Văn hóa, thể thao

Về văn hóa: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức trong tháng thu hút nhân dân và du khách thập phương tham dự:

Triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật ‘Hải Dương – Văn hiến và phát triển’ giới thiệu đến công chúng về những dấu ấn văn hiến và sự phát triển của tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ. Triển lãm do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động của tỉnh kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 – 2023).

– Tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền về hệ giá trị gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề: “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”;

– Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam và trưng bày chuyên đề “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Tấm gương người cộng sản mẫu mực” được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá huyện Thanh Miện;

– Liên hoan văn nghệ trong công chức, viên chức, người lao động tỉnh lần thứ IX năm 2023, có sự tham gia của 750 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động đến từ 20 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Đây là hoạt động được tổ chức 2 năm/lần, nhằm duy trì và đẩy mạnh phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần trong cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động.

Về thể thao: Trong tháng tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện thể thao như:

– Ngày hội thanh niên khuyết tật tỉnh Hải Dương năm 2023 nhằm chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18.4.1998-18.4.2023), góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, chăm lo, hỗ trợ, đồng hành cùng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Tham dự ngày hội có hơn 100 thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Các thanh niên đã tham gia giao lưu thi đấu thể thao ở các nội dung: kéo co, cờ tướng và bóng đá.

– Giải cầu lông các câu lạc bộ tỉnh Hải Dương năm 2023 quy tụ hơn 200 người đến từ 16 câu lạc bộ trong tỉnh tranh tài các nội dung đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ, thi đấu theo các nhóm tuổi: từ 35 tuổi trở xuống, từ 36-45 tuổi, từ 46-55 tuổi, từ 56 tuổi trở lên.

– Các đội tuyển thể thao của Tỉnh gồm: Cử tạ, Whusu, Pencak silat, Bắn súng tham gia các giải quốc gia và giải trẻ quốc gia, đều vượt và đạt chỉ tiêu thành tích.

  1. Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ 16 giờ ngày 20/3/2023 đến 16 giờ ngày 18/4/2023, toàn tỉnh ghi nhận 295 trường hợp mắc   Covid- 19, tăng 280 ca so với tháng trước. Tổng số ca mắc cộng dồn từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện tại là 398 trường hợp; hiện đang điều trị là 276 trường hợp, trong đó điều trị tại bệnh viện là 40 trường hợp, điều trị tại TTYT là 18, điều trị tại nhà là 218.

Trong tháng ghi nhận 75 trường hợp mắc mới thủy đậu, trong đó có 05 ổ dịch tại các trường mầm non và tiểu học, những trường hợp còn lại mắc rải rác tại các địa phương trong tỉnh, không có trường hợp nặng, tử vong. Các bệnh nhân mắc tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 12 tuổi và đa số đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu. Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh ghi nhận 213 trường hợp mắc, tăng gấp 202 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (11 trường hợp)

Thời điểm nửa cuối tháng 3, lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Hải Dương dao động từ 370 đến 400 trẻ. Thời tiết giao mùa khiến đa số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Số bệnh nhân phải vào Bệnh viện Phổi Hải Dương điều trị trong những ngày gần đây cũng tăng khoảng 10%, hiện bệnh viện đang điều trị cho 400 bệnh nhân, đa số là người từ 60 tuổi trở lên mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thời tiết nắng nóng kết hợp nồm ẩm trong những ngày gần đây là điều kiện để cho các loại virus gây bệnh phát triển. Trẻ e và người cao tuổi do sức đề kháng yếu rất dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Theo Sở Y tế, thuốc dự trữ tại các đơn vị y tế trong tỉnh đủ sử dụng đến hết tháng 5/2023. Tuy nhiên, có thể vẫn xảy ra thiếu hụt một số loại thuốc không phổ biến, tại một số thời điểm và ở một số đơn vị, địa phương.

  1. Giáo dục

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024 do UBND tỉnh phê duyệt, 3 môn thi chính thức vào lớp 10 THPT năm học 2023 -2024 ở Hải Dương là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Điểm mới của năm nay là thí sinh được đăng ký thêm nguyện vọng vào 01 trường THPT tư thục và 01 cơ sở thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Chương trình giao lưu hưởng ứng Cuộc thi “Em vẽ trường học hạnh phúc” thu hút 155 học sinh đến từ 31 trường tiểu học ở TP Hải Dương thi vẽ hưởng ứng cuộc thi. Đây là sân chơi dành cho học sinh tiểu học yêu thích vẽ tranh trên toàn quốc. Thông qua cuộc thi giúp các em phát huy trí tưởng tượng, năng khiếu hội họa và khả năng sáng tạo.

Hải Dương có 5 học sinh đạt danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” được Hội Đồng đội Trung ương và Trung ương đoàn tặng bằng khen. Các em nằm trong số 263 gương mặt đại diện cho 1.000 “Dũng sĩ nghìn việc tốt” của cả nước năm 2023 vinh dự được tham gia Lễ kỷ niệm 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt” và tuyên dương “Dũng sĩ nghìn việc tốt” toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Đồng đội Trung ương tổ chức.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 có 1.154 thí sinh của 46 trường THPT công lập và ngoài công lập trong tỉnh tham dự. Đây là những em được chọn từ kỳ thi học sinh giỏi cấp trường năm học 2022-2023; xếp loại hạnh kiểm và học lực học kỳ I từ khá trở lên. Mỗi thí sinh chỉ dự thi một trong các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh.

  1. Bảo vệ môi trường

Vi phạm môi trường: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 05 vụ vi phạm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 38 triệu đồng, trong đó 03 vụ xe ô tô chở vật liệu không che chắn gây vương vãi ra đường, 01 vụ vứt rác không đúng nơi quy định, 01 vụ xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Tính chung 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 74 vụ vi phạm môi trường, số tiền phạt 2.039,70 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không phát sinh

  1. Trật tự an toàn xã hội

Trật tự an toàn Xã hội; Ngày 12/4, Công an tỉnh tổ chức Lễ ra quân triển khai cao điểm ngăn chặn, trấn áp, xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, gây mất an ninh trật tự và đấu tranh trấn áp, xử lý “tội phạm đường phố” trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, từ ngày 15/4/2023 đến ngày 30/6/2023, các Tổ công tác 151 từ tỉnh đến huyện tổ chức tuần tra, kiểm soát cơ động trên các tuyến, địa bàn được phân công. Theo kế hoạch, đợt cao điểm diễn ra từ 15.4 đến hết ngày 30.6. Trong thời gian này, Tổ công tác 151 từ tỉnh đến huyện sẽ thường xuyên phối hợp tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với tội phạm đường phố.

Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương vừa xác minh, làm rõ 30 đối tượng là thanh, thiếu niên sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng, đồng thời ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Các đối tượng đều trong độ tuổi từ 15 đến 22, đến từ các xã trên địa bàn huyện Kim Thành.

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng xảy ra 01 vụ cháy nhà dân tại huyện Kim Thành, vụ cháy không thiệt hại về người nhưng toàn bộ ngôi nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng, nguyên nhân được xác định do chập điện.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xẩy ra 04 vụ cháy nổ, thiệt hại khoảng 1.440 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông; Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 09 người, bị thương 07 người.

 Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 53 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm chết 34 người, bị thương 32 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn và va chạm gia thông giảm 05 vụ (-8,6%), số người chết giảm 14 người (-29,2%), số người bị thương tăng 11 người (52,4%)./.