BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI THÁNG 3 NĂM 2024 TỈNH HẢI DƯƠNG

Tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, nền kinh tế có những thuận lợi và khó khăn đan xen như: Sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh có dấu hiệu hồi phục nhưng còn khó khăn; bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro…

Trong bối cảnh đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2024 tăng trưởng khá và phát triển ổn định; hầu hết các ngành lĩnh vực đều duy trì tốc độ tăng cao (hai con số), một số ngành giảm trong năm 2023 đã “bật tăng” trở lại.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1 Trồng trọt

Hoạt động trồng trọt trong quý I chủ yếu là thu hoạch rau, màu vụ đông; gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau mầu vụ chiêm xuân, chăm sóc và bảo vệ cây ăn quả.

Vụ Đông năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng được 22.390 ha, tăng 1,75% (+385 ha) so với vụ đông năm 2023. Diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2024 tăng ở hầu hết các nhóm cây trồng, một số nhóm cây trồng tăng cao như: Cây ngô diện tích gieo trồng là 1.446 ha, tăng 7,3% (+98 ha); cây rau các loại 17.928 ha, tăng 1,3% (+225 ha)…

Thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển; giá bán rau khá cao và ổn định nên nhiều diện tích rau ngắn ngày được tăng hệ số lần trồng là những nguyên nhân chính làm cho năng suất, sản lượng cây vụ đông tăng khá. Một số cây chủ lực của tỉnh như hành củ, cà rốt, su hào, bắp cải… cho năng suất cao hơn so với vụ đông năm trước; năng suất rau các loại đạt 275,23 tạ/ha, tăng 0,86% (+2,34 tạ/ha), trong đó: Cà rốt tăng 12,84 tạ/ha; su hào tăng 12,38 tạ/ha; bắp cải tăng 10,67 tạ/ha; cà chua tăng 5,46 tạ/ha); hành củ tăng 2,52 tạ/ha.

Sản lượng rau các loại đạt 483.099 tấn, tăng 10.337 tấn (+2,14%); trong đó: Hành củ tăng 6.647 tấn; tỏi tăng 478 tấn; cà rốt tăng 837 tấn; su hào tăng 110 tấn…

Sản xuất vụ chiêm xuân năm nay có những thuân lợi cơ bản: Thời tiết nắng ấm, rét đậm, rét hại không kéo dài; nguồn nước đổ ải dồi dào; các địa phương đã chủ động trong khâu chuẩn bị từ việc bơm nước đổ ải sớm, làm đất đến chuẩn bị vật tư nông nghiệp đầy đủ nên hầu hết diện tích lúa, rau mầu được gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng xong diện tích lúa và cây rau mầu vụ chiêm xuân; tổng diện tích gieo trồng ước đạt gần 65.000 ha, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích lúa chiêm xuân ước đạt 53.600 ha; cây rau các loại vụ xuân ước đạt trên 9.000 ha.

1.2 Chăn nuôi

Trâu, bò: Đàn trâu, bò cơ bản ổn định và có xu hướng tăng; ước tại thời điểm 31/3/2024, đàn trâu đạt 5.500 con, tăng 0,3%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong quý I đạt 224 tấn, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước.

 Tổng đàn bò đạt 14.600 con, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 465 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lợn: Quý I năm 2024; chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển tốt do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường hiệu quả.

Ước tại thời điểm 31/3/2024; tổng đàn lợn đạt 438.000 con, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đàn lợn thịt đạt 298.000 con, tăng 5,4%; số con lợn thịt xuất chuồng quý I/2024 đạt 164.950 con, tăng 5,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 17.200 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Gia cầm: Ước tại thời điểm 31/3/2024, đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) đạt 16.552 nghìn con, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm (bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) quý I/2024 đạt 17.560 tấn, tăng 5,9%, sản lượng trứng gia cầm (bao gồm cả trứng chim cút) đạt 152.914 nghìn quả, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đàn gia cầm tăng khá là do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra, đàn gà được duy trì và phát triển tốt. Bên cạnh đó giá bán thịt gà hơi xuất chuồng luôn duy trì ở mức khá cao, hiệu quả kinh tế đạt khá, người chăn nuôi đã đầu tư mở rộng qui mô nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi vịt đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra, giá thịt vịt hơi xuất chuồng giảm, hiệu quả kinh tế đạt thấp, người chăn nuôi thu hẹp qui mô sản xuất, dự ước trong thời gian tới đàn vịt có xu hướng tăng trưởng chậm.

1.3 Lâm nghiệp

Trong quý I năm 2024, toàn tỉnh có 55 ha diện tích rừng trồng mới (đây là diện tích rừng trồng sau khai thác), tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chủ yếu là diện tích rừng trồng cây bạch đàn, thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt trên 200 ha, tăng 30 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó, rừng trồng được chăm sóc khu vực nhà nước là 60 ha, còn lại là diện tích rừng trồng cây keo, bạch đàn thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt gần 3.000 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Ước tính quý I năm 2024, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 2.000 m3, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác củi ước đạt 13.000 ster, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,8%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ. Các sản phẩm lâm sản khác như tre, nhựa thông, măng tươi, mộc nhĩ…tăng giảm không lớn so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh

1.4. Thuỷ sản

Trong quý I năm 2024, sản xuất thủy sản tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên không có dịch bệnh phát sinh; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 34.063 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

 Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè tiếp tục được duy trì và mở rộng sản xuất, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính… diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

Mô hình nuôi cá siêu thâm canh cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao được mở rộng ở các địa phương; giá bán sản phẩm đầu ra có xu hướng tăng, người nông dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để nuôi cá mật độ cao.

2. Sản xuất công nghiệp

Trong bối cảnh tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất. Hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý I tiếp tục duy trì được đà hồi phục của các tháng cuối năm 2023; tăng trưởng công nghiệp quý này tăng cao hơn quý III và quý IV năm trước.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 bằng 127,6% so với tháng trước và bằng 113,5% so với cùng kỳ trước. So với cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao như: thức ăn cho gia súc +7,9%; vải dệt lim +20,1%; than cốc +14,1%; sản phẩm bằng plastic +16,8; sắt, thép các loại +14,9%; điện sản xuất +22,2%…

Tính chung quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 113,4% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng bằng 90,4%, làm chỉ số chung giảm 0,01 điểm%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 112,8%, làm chỉ số chung tăng 10,8 điểm%; ngành sản xuất và phân phối điện bằng 117,3%, làm chỉ số chung tăng 2,6 điểm%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải bằng 113,3%, làm chỉ số chung tăng 0,1 điểm%.

Trong quý I năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng cao, xuất hiện nhiều “điểm sáng”; các ngành đều tăng trưởng khá đồng đều với 25/28 ngành công nghiệp cấp 2 tăng; 18/28 ngành cấp 2 tăng trên 10%. Một số ngành có tỷ trọng lớn, có chỉ số sản xuất tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành như sau:

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 16,4% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 4,3 điểm%. Bên cạnh các sản phẩm là bộ phận phụ trợ vẫn giữ được đà tăng trưởng cao thì sản phẩm xe có động cơ không còn giữ mức tăng trưởng cao như năm trước do hiệu ứng dòng xe mới ra năm 2023 của công ty TNHH Ford Việt Nam không còn.

– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17,3% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 2,6 điểm%. Hiện nay, tổ máy S6 của công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã khắc phục xong sự cố và đưa vào vận hành từ tháng 9/2023 nên sản lượng điện sản xuất quý I/2024 tăng cao. Bên cạnh đó, dự báo tình hình nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên mực nước tại các hồ thủy điện miền Bắc rất thấp; vì vậy các nhà máy nhiệt điện được huy động sản lượng cao ngay từ đầu năm để bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện.

– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 9,8% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 2,1 điểm%. Sau khoảng thời gian suy thoái vào năm 2023, thì sang đầu năm 2024, ngành công nghiệp điện tử đang có kỳ vọng tăng trưởng trở lại do tác động của các yếu tố như sự thâm nhập và phát triển của chip nhớ, nhu cầu về chip AI tăng mạnh và sự phục hồi dần dần của nhu cầu smartphone và các thiết bị thông tin giải trí.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 13,5% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 13,9%. Với việc dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt cùng với giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm; mô hình chăn nuôi có xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn nên quy mô đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá, nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng.

– Ngành dệt, may mặc tăng lần lượt 37,3% và 13,3% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã xuất hiện rõ nét hơn khi các doanh nghiệp đang đón nhận được nhiều đơn hàng, tỉ lệ lao động trở lại làm việc khá cao. Đầu tiên là ưu thế về việc nước ta đã tham gia và đang đàm phán 19 FTA và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Eu, Anh, Nga – những thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đang ấm lên. Ở trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, đất đai…được kéo dài trong năm 2024.

– Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 40,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh các sản phẩm dây cáp điện có lượng sản xuất ổn định thì từ cuối năm 2023 trở lại đây, Công ty TNHH Ducar Việt Nam chủ yếu sản xuất máy phát điện và máy rửa áp lực cao xuất sang thị trường Mỹ và Châu Âu đã có sự hổi phục đơn hàng đáng kể, sản lượng máy phát điện quý I/2024 của doanh nghiệp bằng 320,3% so với cùng kỳ, qua đó tác động lớn đến mức tăng chung của ngành.

– Ngành sản xuất kim loại tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Những tháng đầu năm 2024, giá thép và sức mua đã phần nào khôi phục trở lại. Thị trường trong nước bao gồm cả khu vực dân dụng và dự án đầu tư công có một số tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài trầm lắng. Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ đã tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, thép xuất khẩu, qua đó giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp được cải thiện.

   Tuy nhiên, một số ngành do gặp những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên sản lượng sản xuất tăng thấp hoặc giảm:

– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, clanke, gạch…) giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thị trường bất động sản dự báo phục hồi, nhưng chưa thể sớm sôi động trở lại trong khi nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với cầu, kênh xuất khẩu có chuyển biến tích cực nhưng cũng khó tăng do áp lực cạnh tranh từ nhiều quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…

– Ngành khai khoáng giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, một số vùng khai thác đã hết hạn, một số doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng hoặc chuyển ngành; thời gian qua, UBND tỉnh đã cho đấu thầu khai thác một số mỏ đá làm vật liệu xây dựng, tuy nhiêu hầu hết các gói thầu này đang trong giai đoạn thẩm định, thăm dò, chưa có sản phẩm khai thác.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/3/2024 dự ước bằng 101,5% so với tháng trước, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm chỉ số sử dụng lao động trong ngành bằng 101,5% so với cùng kỳ.

Việc sử dụng lao động tăng do tình hình sản xuất, kinh doanh thuận lợi; đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giầy, sản xuất điện tử…. đều tăng trưởng khá cao; cụ thể: Sản xuất xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,7%; sản xuất đồ uống tăng 3,0%; dệt tăng 8,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 4,7%; sản xuất cao su và plastic tăng 6,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 2,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 4,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 2,5%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng kỳ năm trước là: Khai khoáng khác giảm 15,6%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 11,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 3,2%.

3. Hoạt động xây dựng, đầu tư

3.1. Hoạt động xây dựng

Năm 2024 được dự báo thị trường xây dựng sẽ phục hồi và phát triển, do kinh tế dần ổn định, nhu cầu về đầu tư và xây dựng tăng cao, cùng với các chính sách hỗ trợ đang dần được triển khai. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, xây dựng của tỉnh trong quý I còn đạt thấp.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành quý I ước đạt 7.398 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh quý I ước đạt 4.649 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công trình xây dựng nhà ở giảm 1,9%; công trình xây dựng nhà không để ở tăng 12,5%; công trình xây dựng kỹ thuật dân dụng tăng 27,4%; công trình xây dựng chuyên dụng tăng 34,5%.

Trong quý, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng nhiều công trình trọng điểm, góp phần quan trọng cải thiện hạ tầng kỹ thuật của thành phố cũng như trung tâm các huyện như: Thi công thảm bê tông nhựa thuộc Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp An Phát 1, huyện Nam Sách; đường vành đai phía Nam thành phố Hải Dương; xây dựng kênh dẫn, đường bờ kênh kết hợp đường dẫn Cầu Sồi, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ; xây dựng hạ tầng giao thông tuyến đường trục chính thôn Nại Đông, Tam Kỳ, Kim Thành; sửa chữa lớn trong trong khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát…

3.2. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

Để thực hiện đầu tư công năm 2024 theo đúng kế hoạch, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, nhiệm vụ yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm. Các đơn vị được giao quản lý và triển khai kế hoạch vốn đầu tư công cần huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư công; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mặc trong việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Ước tháng 3, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 270,7 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I năm 2024, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 782 tỷ đồng, đạt 12,3% kế hoạch năm, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh tăng 16,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện giảm 11,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã giảm 23,2%.

3.3. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I năm 2023 ước đạt 10.851 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.221 tỷ đồng, tăng 0,6%; vốn ngoài nhà nước đạt 7.192 tỷ đồng, tăng 7,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.439 tỷ đồng, tăng 7,7%.

4.3. Thu hút đầu tư

Thu hút đầu tư nước ngoài trong 03 tháng đầu năm đạt 48,7 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 38% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bao gồm 10 dự án cấp mới với số vốn 31,7 triệu USD, 06 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 16 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 548 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn 10.349 triệu USD đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thu hút đầu tư trong nước có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng dự án cấp mới và số vốn đăng ký. Trong quý I đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho 17 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 3.551 tỷ đồng, gấp 108 lần cùng kỳ và bằng 58,2% kế hoạch. Có 33 lượt dự án điều chỉnh với tổng số vốn điều chỉnh là 1.328 tỷ đồng. Thu hồi, chấm dứt hoạt động với 3 dự án.

Về phát triển doanh nghiệp: Có 528 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 17,3%; tổng vốn đăng ký mới ước đạt 3.708 tỷ đồng, tăng 12,4%; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 856 doanh nghiệp, tăng 29,1%; số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 225 doanh nghiệp, giảm 20,8%.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 3 và quý I năm nay có mức tăng trưởng khá cao. Tết Nguyên đán trong tháng 02, nên chu kỳ mua sắm phục vụ Tết cơ bản nằm trọn trong quý I, làm cho các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động hơn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu biến động nhiều đã tác động làm cho giá các loại hàng hóa trên thị trường có xu hướng tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng quý I đạt 24.934 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 3.939 tỷ đồng tăng 17,9%.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước đạt 6.897 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước; tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 20.396 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó:

– Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 7.396 tỷ đồng, tăng 17,1%;

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 2.580 tỷ đồng, tăng 12,9%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.476 tỷ đồng, tăng 6,5%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 3 ước đạt 1.496 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước; tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quý I ước đạt 4.538 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó:

– Dịch vụ lưu trú đạt 75 tỷ đồng, tăng 22,8%;

– Dịch vụ ăn uống đạt 1.665 tỷ đồng, tăng 23,1%;

– Dịch vụ khác đạt 2.761 tỷ đồng, tăng 12,5%.

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 3, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 1.342 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước; tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Quý I, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 3.939 tỷ đồng tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vận tải hành khách tăng 20,6%; vận tải hàng hoá tăng 13,4%.

Hoạt động kinh doanh vận tải khá ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Những tháng gần đây, giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngành vận tải. Song nhờ sự tăng trưởng của các ngành như: Công nghiệp, xây dựng và hoạt động thương mại đã tạo đà cho hoạt động vận tải tăng trưởng.

4.4. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 3 ước đạt 899 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng 3 năm trước; tính chung 3 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 2.279 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước, nhưng đây vẫn là tín hiệu rất tích cực vì hầu hết các tháng năm trước xuất khẩu đều giảm.

Giá trị hàng hoá nhập khẩu tháng 3 ước đạt 788 triệu USD, tăng 12,5% so với tháng 3 năm trước; tính chung 3 tháng đầu năm nhập khẩu ước đạt 1.882 triệu USD tăng 9,3%so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,01% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,17%; khu vực nông thôn tăng 0,12%); tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ. So với tháng trước, có 07/11 nhóm hàng tăng giá; 02/11 nhóm hàng giảm giá và 02 nhóm có giá ổn định so với tháng trước; cụ thể như sau:

– Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng cao nhất với 0,16%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: dịch vụ thể thao tăng 0,18%, đồ chơi trẻ em tăng 0,17%.

– Nhóm giao thông tăng 0,15%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: phụ tùng ô tô, xe máy tăng 0,27%, nhiên liệu xăng, dầu tăng 0,69%.

– Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: máy hút bụi tăng 0,89%, đồ dùng trong nhà như bếp ga tăng 0,16%, nồi cơm điện tăng 0,24%, lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 0,19%.

– Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: nước sinh hoạt tăng 0,22%; dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,61%; giá điện sinh hoạt tăng 3,01%.

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hoá tính CPI) giảm 0,13% do có nhiều mặt hàng giảm giá như: Lương thực (gạo) giảm 0,16%; bột mỳ và ngũ cốc khác giảm 0,39%; thịt lợn giảm 1,59%; thịt bò giảm 1,53%; thịt gà giảm 1,64%; trứng tươi các loại giảm 2,28%.

Giá vàng  tháng 3 tăng theo giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tăng 4,74% so tháng trước; tăng 23,25% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân 03 tháng đầu năm 2024 tăng 18,77%. Tính đến ngày 23/3/2024, bình quân giá vàng là 6.742 ngàn đồng/1 chỉ, tăng 305 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 6.738 – 6.758 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này tăng 0,84% so với tháng trước; tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 3,91% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng 3 là 2.484.120 đồng/100USD, tăng 20.787đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.480.000 -2.495.000 đồng/100USD.  

6. Hoạt động tài chính, ngân hàng

6.1. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/3 đạt 5.753 tỷ đồng; ước tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/3 đạt 7.390 tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 6.700 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 671 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/3 đạt 5.261 tỷ đồng; ước tổng chi ngân sách nhà nước ước đến ngày 31/3 đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 78,3% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.422 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 3.246 tỷ đồng.

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; mặt bằng lãi suất bình quân giảm so với cuối năm 2023. Tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai nghiêm túc các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; nợ xấu trong tầm kiểm soát; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho lưu thông. Chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.

Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 196.781 tỷ đồng, tăng 0,6%; Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, dư nợ tín dụng đạt 132.199 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm 2023. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu nội bảng chiếm 0,9% tổng dư nợ. Lãi suất cho vay VND giảm từ 0,5-1,0 %/năm; lãi suất huy động giảm từ 0,2-0,5%/năm tại các kỳ hạn./.

Download báo cáo