Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 12 và cả năm 2017

Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,9% so với năm 2016; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 11%, trong đó thu nội địa đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 24,5%. Xuất khẩu tăng 15,1%; thu hút trên 330 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.

Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,9% so với năm 2016; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 11%, trong đó thu nội địa đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 24,5%. Xuất khẩu tăng 15,1%; thu hút trên 330 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công có cố gắng trong giải ngân, kiểm tra, giám sát chất lượng và tiến độ thực hiện.Năm 2017 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song với tinh thần phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh năm 2017 tiếp tục đạt được kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; toàn tỉnh đến nay có gần 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 đơn vị: huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh về đích nông thôn mới. Lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo  thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có bước cải thiện. Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được chú trọng.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá 2010) ước tăng 8,9%  so với năm 2016, cao hơn bình quân cả nước (ước tăng gần 7,0%); thấp hơn một số tỉnh Đồng bằng sông hồng như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) giảm 1,4%; công nghiệp – xây dựng tăng 11,8% (công nghiệp +12,0%, xây dựng +9,6%); dịch vụ tăng 7,9%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ; cơ cấu kinh tế ước đạt 11,0% – 54,2% – 34,9% (năm 2016 là 12,5% – 53,4% – 34,1%).

Đóng góp vào tăng trưởng chung 8,9%, nhóm ngành NLTS làm giảm 0,2 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 6,5 điểm% (trong đó, công nghiệp đóng góp 6,1 điểm%, xây dựng đóng góp 0,4 điểm%); dịch vụ đóng góp 2,6 điểm%.

Sản xuất NLTS không đạt kế hoạch (KH: giá trị sản xuất  tăng 1,5%) ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của tỉnh nhưng mức ảnh hưởng không nhiều do do cơ cấu NLTS chiếm tỷ trọng thấp. Nếu ngành NLTS đạt kế hoạch thì GRDP của tỉnh sẽ tăng thêm 0,4 điểm% (các yếu tố khác không đổi).

Ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng trưởng của ngành này sẽ quyết định tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá 2010) ước đạt 164.696 tỷ đồng, bằng 108,2% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; tăng cao ở một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như: sản xuất kim loại; sản xuất điện tử, máy tính; sản xuất trang phục, giày dép; trong đó có sự đóng góp chủ yếu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 46.551 tỷ đồng bằng 103,4% kế hoạch, tăng 11,5% so với CK năm trước. Giá trị hàng hoá xuất khẩu ước đạt 5.260 triệu USD, bằng 106,9% kế hoạch năm, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; giá trị hàng hoá nhập khẩu ước đạt 5.010 USD, bằng 117% kế hoạch năm, tăng 15,5% so với năm trước.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2.1. Sản xuất nông nghiệp

Cây hàng năm; Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2017 của tỉnh đạt 159.172 ha, giảm 0,8% (-1. 204 ha) so với năm 2016. Trong đó, diện tích vụ đông xuân năm 2017 giảm 0,7% (-652 ha), vụ mùa giảm 0,8% (-552 ha). Nguyên nhân diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm chủ yếu là do các địa phương thực hiện dồn điển đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, một phần diện tích đất canh tác chuyển sang làm đường nội đồng, làm kênh mương dẫn nước; việc chuyển mục đích sử dụng đất: chuyển sang trồng cây lâu năm, xây dựng đường giao thông, quy hoạch khu công nghiệp, mở rộng khu dân cư và một số công trình công ích khác…

Cơ cấu cây trồng, cơ cấu trà lúa, giống lúa, phương thức gieo cấy có sự chuyển dịch tích cực. Vụ mùa năm nay tiến độ làm đất và gieo cấy sớm, nhanh, tăng diện tích lúa chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao, một số giống lúa có khả năng chống chịu bạc lá tốt tiếp tục phát triển.

Năng suất lúa bình quân cả năm sơ bộ đạt 55,60 tạ/ha, giảm 7,9%        (-4,75 tạ/ha) so với năm trước; đây là năm năng suất lúa đạt thấp nhất trong những năm gần đây. Sản lượng thóc cả năm ước giảm gần 28 nghìn tấn, làm giảm GTSX ngành NLTS (giá so sánh 2010) khoảng 140 tỷ đồng.

Đa số năng suất cây rau đậu thuộc nhóm rau lấy lá và rau lấy củ, rễ hoặc lấy thân đều cao hơn so với năm trước, chủ yếu là tăng ở vụ Đông như: rau muống (+8,33 tạ/ha), cải các loại (+3,44 tạ/ha), bắp cải (+42,93 tạ/ha), súp lơ (+7,74 tạ/ha), rau ngót (+6,03 tạ/ha), su hào (+17,9 tạ/ha), cà rốt (+10,48 tạ/ha), hành củ tươi (+13,37 tạ/ha), hành hoa (+3,48 tạ/ha), củ đậu (+59,22 tạ/ha), mủa (+5,00 tạ/ha),…

Sản lượng rau các loại năm 2017 (bao gồm cả sản lượng của một số cây trồng vụ đông năm 2018 đã cho thu hoạch) sơ bộ đạt 764.924 tấn, tăng 2,5%. Sản lượng rau các loại tăng chủ yếu do diện tích gieo trồng tăng.

Ngoài trừ cây lúa, các loại cây hàng năm khác mặc dù diện tích gieo trồng giảm, nhưng năng suất trung bình hầu hết các cây trồng đều cao hơn, nên sản lượng tăng so với năm 2016.

Hiện nay, tỉnh đang có chính sách khuyến khích nhân dân quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa (lúa lai, lúa chất lượng cao) quy mô từ 10 ha trở lên, khuyến khích mô hình lớn từ 50 ha trở lên nên nhiều địa phương đã mở rộng quy mô, tập trung gieo trồng các giống lúa cho giá trị kinh tế cao. Sản xuất lúa tập trung giúp công tác chỉ đạo, sản xuất thuận tiện hơn, tiết kiệm nước tưới, chi phí phun thuốc bảo vệ thực vât.

Cây lâu năm; tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh năm 2017 đạt 21.715 ha, tăng 0,03% (+7 ha) so với cùng kỳ năm 2016. Trong tổng diện tích trồng cây lâu năm, diện tích trồng cây ăn quả đạt 21.169 ha, chiếm 97,5 % tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh, diện tích cây gia vị, dược liệu đạt 179 ha, chiếm 0,8 %; diện tích cây lâu năm khác đạt 224 ha, chiếm 1,0 %; các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu và cây chè búp chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cây ăn quả có diện tích sơ bộ đạt 21.169 ha, tăng 0,3% (+55 ha) so với năm 2016. Diện tích tăng chủ yếu ở cây xoài (+197 ha); cây cam, quýt và các loại quả có múi khác (+68 ha), … Do một số diện tích đất bãi ven đê trước để hoang nay được người dân cải tạo để trồng ổi, mít thái, chuối, đu đủ…; việc dồn ô đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phong trào cải tạo vườn tạp nên nhiều địa phương đã chuyển đổi diện tích đất lúa, màu, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao như: ổi, na, cam đường canh, chuối, bưởi, thanh long, mít….

Diện tích cây vải giữ ổn định trong những năm gần đây, chiếm 50,1% diện tích cây ăn quả, chiếm 48,8% tổng diện tích cây lâu năm hiện có của tỉnh. Sản lượng vải năm nay đạt 29.093 tấn, giảm 24,1% so với năm trước. Nguyên nhân là do năng suất cây vải đạt thấp so với năm trước. Giá vải năm nay cao và ổn định từ đầu vụ; giá vải sớm (vải u trứng, vải u hồng) đầu vụ đạt 50.000đ/kg; giá bán bình quân đạt 25.000đ/kg, cao hơn 5.000đ/kg so với năm 2016. Nhìn chung cây vải mất mùa nhưng được giá người trồng vải có thu nhập khá, đặc biệt với vải sớm có giá bán và sản lượng đều cao hơn năm trước.

Chăn nuôi; năm 2017, tình hình chăn nuôi gặp khó khăn. Ngay từ đầu năm, hiệu quả chăn nuôi lợn đạt thấp, đàn lợn giảm mạnh do giá thịt lợn hơi xuất chuồng duy trì ở mức thấp, người chăn nuôi thua lỗ, thu hẹp qui mô sản xuất. Trong những tháng gần đây, giá thịt gia cầm không ổn định và giảm nên đàn gia cầm cũng có xu hướng giảm.

Tổng đàn trâu ước đạt 4.200 con, giảm 3,7% (-160 con) so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng cả năm đạt 522 tấn, giảm 1,5% (-8 tấn) so với năm 2016. Tổng đàn bò tại thời điểm 01/10/2017 là 20.943 con, tăng 3,1% (+623 con) so với cùng kỳ năm trước.

Hiệu quả từ chăn nuôi bò thịt đang phát triển tốt, nên một số hộ ở các xã có đê của một số huyện đã mở rộng qui mô muôi như Thanh Hải, Tiền Tiến, Phượng Hoàng huyện Thanh Hà; xã Vĩnh Hồng, Thái Dương, Thúc Kháng huyện Bình Giang… Đồng thời, một số huyện thực hiện chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho người nghèo như huyện Thanh Miện, thị xã Chí Linh.

Tổng đàn lợn thịt 494.100 con chiếm 87,15% tổng đàn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 96.000 tấn, giảm 5,4% so với năm 2016. Nguyên nhân do từ đầu năm đến nay đàn lợn thịt có xu hướng giảm mạnh do hiệu quả kinh tế thấp.

Tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 10.980 nghìn con, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân đàn gà giảm là do giá thịt gà hơi xuất chuồng trong những tháng gần đây giảm mạnh, người chăn nuôi gần như chỉ hòa và lãi nhẹ nên nhiều hộ, gia trại, trang trại thu hẹp qui mô nuôi; mặt khác do ảnh hưởng của giá thịt lợn hơi xuất chuồng luôn ở mức thấp nên người tiêu dùng lựa chọn thịt lợn là thực phẩm thay thế làm cho số lượng gà tại thời điểm 01/10/2017 giảm so với cùng kỳ năm 2016.

Cơ cấu giống gà tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ gà ta, gà lai trọi, giảm tỷ lệ gà trắng (tỷ lệ gà ta, gà lai trọi ước đạt 75%). Sản lượng thịt gia cầm các loại (gồm gà, vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác) trong 12 tháng qua đạt 34.345 tấn, tăng 9,7% (+ 2.856,1 tấn) so với năm 2016; sản lượng trứng gia cầm (bao gồm cả trứng chim cút) cả năm đạt 350.870 nghìn quả, cơ bản ổn định so với năm 2016.

2.2. Sản xuất lâm nghiệp

Năm 2107, tỉnh không có dự án trồng rừng phòng hộ, công tác chăm sóc bảo vệ rừng vẫn tiếp tục được giữ vững và phát huy. Ước  năm 2017 toàn tỉnh có 263 ha diện tích rừng được chăm sóc, so với năm 2016 tăng 213 ha, do toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được trồng mới năm 2016 được chuyển sang rừng trồng được chăm sóc năm 2017. Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh ước đạt 100 ha, do nhà nước không đầu tư kinh phí cho khoanh nuôi tái sinh rừng nên diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh năm 2017 không mở rộng thêm. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 6.027 ha.

Phong trào trồng cây phân tán của tỉnh luôn được duy trì thường niên với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Năm 2017, toàn tỉnh ước trồng được 400 ngàn cây lâm nghiệp phân tán, giảm 730 nghìn cây so với năm 2016 do quỹ đất trồng cây phân tán giảm và do năm 2016 số lượng cây trồng phân tán đã vượt kế hoạch 30,6%. Các cây trồng phân tán chủ yếu là các loại cây như Keo, Hoè, Phi lao, Bạch đàn,… Cây trồng phân tán được trồng trên các tuyến kênh mương, đê bao, đình, chùa, trường học và quanh nhà ở, công sở, các khu cụm công nghiệp…

2.3. Sản xuất thuỷ sản

Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2017 đạt 11.187 ha, tăng 2%  (+221 ha) so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng so với năm 2016 là do hiệu quả kinh tế từ việc nuôi trồng thủy sản mang lại khá cao, lao động dành cho hoạt động thủy sản không cần nhiều. Đồng thời, một số địa phương đang thực hiện việc dồn ô đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng,  một số diện tích trồng cây hàng năm được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, một số diện tích được đầu tư thâm canh cao, rút ngắn thời gian nuôi, tăng diện tích nuôi trồng so với năm 2016.

Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 71.371 tấn, tăng 3,3% (+2.298 tấn) so với năm 2016.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 69.662 tấn, chiếm 97,6% tổng sản lượng ngành thủy sản, tăng 3,5% so với năm 2016; trong đó sản lượng cá đạt 69.615 tấn, chiếm 97,5% tổng sản lượng nuôi trồng, tăng 3,5%; sản lượng tôm và thủy sản khác chiếm tỷ trọng không đáng kể, sản lượng tôm đạt 7 tấn, nuôi thủy sản khác đạt 42 tấn.

Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1.709 tấn, giảm 3,9% (-70 tấn) so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân giảm là do các sản phẩm thuỷ sản tự nhiên ngày càng khan hiếm hơn trước, nguồn nước bị ô nhiễm nên đã làm giảm khả năng sinh sản và phát triển của các loài cá tự nhiên.

Sản xuất giống thuỷ sản sơ bộ đạt 1.343 triệu con, tăng 3,9% (+51 triệu con); trong đó cá giống các loại 1.341 triệu con; giống thủy sản khác 2 triệu con. Nguyên nhân số lượng giống thủy sản tăng là do nhiều hộ nuôi ươm giống cho hiệu quả cao nên mở rộng thêm nhiều trại ươm giống thủy sản mới.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực và tăng khá. Một số dự án mới và mở rộng quy mô sản xuất trong và ngoài nước đã hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất.Đồng thời, tỉnh cũng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện 18 đề án khuyến công trong kế hoạch, xây dựng các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 tăng 6,3% và tăng ở tất cả các ngành, cụ thể công nghiệp khai khoáng tăng 6,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 0,4%.

Nguyên nhân là do nhu cầu hàng hóa về cuối năm tăng, các doanh nghiệp đang gấp rút đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng. Đặc biệt, đối với ngành sản xuất và phân phối điện do đơn vị sản xuất nhiệt điện đã khắc phục xong sự cố ở một số dây chuyền sản xuất, đưa sản xuất ổn định trở lại, vì vậy so với tháng trước ngành này có lượng sản xuất tăng 15,3%.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 tăng 15,3%; trong đó:  ngành chế biến chế tạo tăng 15,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 16,8%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 13,6%; riêng ngành khai khoáng vẫn giảm, nhưng mức giảm chỉ còn 6,9%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,0%, với nhiều ngành có chỉ số sản xuất tăng cao và khá cao so với mức tăng chung như: sản xuất trang phục tăng 20,3%; sản xuất giày dép tăng 30,2%; sản xuất than cốc tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 37,7%; sản xuất kim loại tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 41,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 34,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 14,0%;…

Tính chung cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5% so với năm trước, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,6%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 10,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 1,1%; công nghiệp khai khoáng giảm 12,7%.

Ngành sản xuất kim loại, do nhu cầu thị trường tăng đi kèm với đó là việc công ty Cổ phần thép Hòa Phát đưa vào sử dụng công nghệ lò cao khép kín, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thị trường tiêu thụ mở rộng đã góp phần đưa sản xuất của ngành này tăng 22,8%, với các sản phẩm: sắt thép không hợp kim cán phẳng không gia công tăng 25,7%; thép hợp kim cán mỏng có chiều rộng < 600mm đã được dát, phủ, mạ hoặc tráng tăng 5,8%.

Tiếp đến là ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, thời gian trở lại đây ngành này đang có tốc độ tăng trưởng khá cao, một số công ty lớn trong ngành như: Công ty TNHH điện tử Umc Việt Nam, Công ty TNHH Aiden Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam… đều có lượng sản xuất tăng. Đồng thời việc thêm mới hoặc mở rộng một số dự án FDI cũng hứa hẹn thúc đẩy ngành phát triển hơn nữa. Các sản phẩm có sản lượng tăng đó là: mạch điện tử tích hợp tăng 34,1%; bộ phận của các linh kiện điện tử khác chưa được phân vào đâu tăng 35,3%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên: in, fax, coppy tăng 14,4%; micro và các linh kiện của chúng tăng 10,9%.

Cùng với đó, sản phẩm may mặc, giày dép do có ưu thế về nhân công giá rẻ, thị trường xuất khẩu ổn định đã kéo theo sản lượng sản xuất tăng, trong đó: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 14,5%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 24,9%; áo phông (T- shirt), áo may ô và các loại áo khác tăng 28,3%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 32,4%.

Tương tự, các ngành như sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm bằng plastic, sản xuất thiết bị điện, sản xuất bộ phận và thiết bị cho xe có động cơ cũng có lượng sản xuất ổn định, cụ thể như: than cốc và bán cốc luyện từ than đá tăng 8,7%; bao bì đóng gói khác bằng plastic tăng 9,1%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 35,1%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác tăng 16,2%; dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế < 1000V tăng 29,7%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 11,1%; bộ phận thiết bị điện khác dùng cho xe có động cơ tăng 15,2%.

Với nhóm các mặt hàng cơ khí, các doanh nghiệp trong ngành đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, các doanh nghiệp đang có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay nhờ các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một cú hích lớn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. So với năm trước, ngành có nhiều sản phẩm có lượng sản xuất tăng như: cấu kiện kim loại tăng 15,4%; thiết bị dùng cho giàn giáo, ván khuôn vật chống tăng 12,1%; đinh, đinh mũ, ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh) tăng 21,8%; dịch vụ lắp đặt máy móc thiết bị công nghiệp khác chưa được phân vào đâu tăng 15,9%…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành công nghiệp tỉnh nhà vẫn còn phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức. Trước hết đó là giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng mà gần đây nhất là động thái tăng giá điện của EVN. Cuối năm, khi doanh nghiệp phải chịu áp lực về đơn hàng và lương, thưởng thì việc tăng giá điện thời điểm này có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi cho không ít doanh nghiệp. Để thích nghi với việc tăng giá điện, không ít doanh nghiệp đã phải tính toán, cân đối lại chi phí và kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam tuy có phục hồi nhưng còn chậm, tính bền vững chưa cao, các ngành sản xuất tăng trưởng không đồng đều, phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nội còn nhiều vấn đề; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; thiếu vốn, thiếu công nghệ và lao động có tay nghề đang là bài toán bức thiết cần giải quyết.

Một số thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp trong tỉnh như Mỹ, Trung quốc, Nga… không đạt được mức phục hồi như kỳ vọng. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động sản xuất do đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp.

Điểm nữa là môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tình trạng tham nhũng của nhân viên trong các cơ quan nhà nước; cơ chế bảo hộ, chú trọng khu vực nhà nước; thủ tục hành chính phức tạp; chính sách thuế, chính sách một cửa quốc gia, chính sách thanh toán ngoại tệ qua internet không thống nhất… đã tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.

3. Tình hình phát triển doanh nghiệp

Các Sở, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh giao tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Chỉ thị, đã góp phần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác PCI của tỉnh đã tích cực theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của các Sở, ngành, địa phương. Tổ chức kiểm tra, đánh giá và yêu cầu một số Sở, UBND cấp huyện khắc phục ngay những tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, trong việc thực hiện công khai minh bạch quy định của nhà nước, tài liệu theo quy định, trong công tác kiểm tra các doanh nghiệp, trong giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống trục tích hợp kết nối liên thông các hệ thống thông tin và ứng dụng quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Hải Dương”. Triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như: kê khai, nộp thuế điện tử; thông quan điện tử; thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký công nghệ.

Tổ chức có hiệu quả các hình thức gặp mặt, đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành, địa phương với các doanh nghiệp năm 2017; các hội, hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức các hình thức kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các khó khăn, vướng mắc, phản ánh của doanh nghiệp đã được Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời.

Từ đầu năm đến nay đăng ký thành lập mới cho 1.574 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 6.482 tỷ đồng (tăng 27% về số lượng doanh nghiệp và tăng 77,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016); giải thể 176 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tạm ngừng hoạt động 340 doanh nghiệp; đã có 252 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Triển khai cổ phần hóa Trung tâm đào tạo nghề vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải; thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ đối với Công ty cổ phần truyền hình cáp và Công ty Cổ phần quản lý công trình đô thị.

4. Đầu tư, xây dựng

4.1. Vốn đầu tư và thu hút đầu tư

Ước quý IV, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 10.147 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.287 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 5.675 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.185 tỷ đồng, tăng 58,0% so với cùng kỳ năm trước.

Ước 2017, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 37.016 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn đạt 4.684 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 21.633 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10.699 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GRDP ước đạt 42,5% cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ của cả nước cũng như kế hoạch của tỉnh (KH: 32%).

Thu hút vốn đầu tư trong nước tăng khá, năm 2017 đã thu hút được 49 dự án đầu tư mới trong nước, với tổng số vốn đăng ký 2.752 tỷ đồng; điều chỉnh cho 46 dự án, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 676 tỷ đồng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã lựa chọn và thông báo công khai rộng rãi 20 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.011 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông với 05 dự án theo hình thức hợp đồng BT; 07 dự án theo hình thức hợp đồng BOT; 08 dự án theo hình thức hợp đồng BT kết hợp BOT.

Thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt 276,9 triệu USD tăng 35,1% so với cùng kỳ 2016 (152,2 triệu USD), đạt 79% so với kế hoạch cả năm, trong đó: Cấp mới cho 47 dự án với số vốn đăng ký 228,1 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 29 lượt dự án với số vốn tăng thêm 115 triệu USD; vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp ước đạt 450 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài duy trì sản xuất ổn định, trên địa bàn tỉnh hiện có 357 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 7.192 triệu USD được cấp phép; tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 4.052 triệu USD; thu hút gần 170 nghìn lao động trực tiếp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.

4.2. Xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá 2010) ước đạt 11.165 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Tiếp tục quy hoạch và triển khai một số dự án khu đô thị và khu dân cư, đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nghiệm thu cơ sở đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị. Tập trung xây dựng hạ tầng KCN Cẩm Điền – Lương Điền, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương và một số dự án khác.

Đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh lập các dự án đầu tư về giao thông liên tỉnh như: Dự án xây dựng cầu Dinh, Dự án xây dựng tuyến đường nối đường tỉnh 398B tỉnh Hải Dương với đường tỉnh 345 tỉnh Quảng Ninh, Dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường hai đầu cầu; phối hợp với một số tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2017, ước đạt 14.462 tỷ đồng, bằng 114,9% dự toán năm và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, thu nội địa 11.451 tỷ đồng, bằng 109,2% dự toán năm và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016, thu qua hải quan 3.011 tỷ đồng, bằng 143,4% dự toán năm và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong thu nội địa: thu từ DN nhà nước đạt 1.123 tỷ đồng, bằng 108,1% dự toán năm; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.417 tỷ đồng, bằng 68,3%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 2.851 tỷ đồng, bằng 148,4%; thu tiền sử dụng đất đạt 1.371 tỷ đồng, bằng 211,0%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 28 tỷ đồng, bằng 106,2%; tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 518 tỷ đồng, bằng 289,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 643 tỷ đồng, bằng 99,0%; lệ phí trước bạ đạt 318 tỷ đồng, bằng 75,0%; phí lệ phí khác đạt 1.179 tỷ đồng, bằng 198,8% so với dự toán.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15 tháng 12, ước đạt 14.039 tỷ đồng, bằng 143,3% dự toán năm; trong đó, chi đầu tư phát triển 2.793 tỷ đồng, bằng 205,8%, chi thường xuyên 11.245 tỷ đồng, bằng 136,7% so với dự toán.

Trong chi thường xuyên, chi an ninh đạt 707 tỷ đồng, bằng 1.095,4% dự toán; chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 3.260 tỷ đồng, bằng 96,6%; chi y tế đạt 330 tỷ đồng, bằng 44,6%; chi đảm bảo xã hội đạt 1.892 tỷ đồng, bằng 298,4%; chi quản lý hành chính đạt 1.903 tỷ đồng, bằng 126,8%.

6. Hoạt động tài chính, ngân hàng

Tỷ giá ngoại hối, mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định, một số ngân hàng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đến cuối năm 2017, ước tính nguồn vốn huy động tăng 18,1%; tín dụng tăng trưởng khoảng 12,8% so với cuối năm 2016; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; chất lượng tín dụng bảo đảm, trong tầm kiểm soát, nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ. Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh; an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm… góp phần quan trọng vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

7. Thương mại, dịch vụ

7.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại đến năm 2025, rà soát quy hoạch các điểm kinh doanh than, kinh doanh xăng dầu; hoàn thành xây dựng kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 12 ước đạt 4.050,8 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,4% và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 ước đạt 46.551 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ đạt 38.943 tỷ đồng, tăng 11,8[U1] % so với cùng kỳ, trong đó ngành lương thực, thực phẩm tăng 9,0[U2] %; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,7%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,1[U3] %.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 3.288,4 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 37,7 tỷ đồng, tăng 10,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 4.282 tỷ đồng, tăng 9,6%.

Công tác quản lý thị trường được tăng cường, chủ động đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… Công tác xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, tổ chức các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, thông tin giá cả thị trường, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia quảng bá sản phẩm, dịch vụ tại một số  hội chợ trong khu vực.

7.2. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 12 ước đạt  639 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 1,1%; trong đó, vận tải hành khách đạt 112 tỷ đồng,  tăng 0,6%; vận tải hàng hoá đạt 483,1 tỷ đồng tăng 1,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 44,7 tỷ đồng tăng 0,7%. Tính theo ngành đường, vận tải đường bộ đạt 430,4 tỷ đồng,  tăng 0,9%; vận tải đường biển đạt 15,6 tỷ đồng, cơ bản ổn định; vận tải đường thủy nội địa đạt 148,6 tỷ đồng, tăng 1,6%.

Doanh thu vận tải, kho bãi năm 2017 ước đạt 7.223 tỷ đồng. So với cùng kỳ tăng 10,8%, trong đó: vận tải hành khách đạt 1.291 tỷ đồng tăng 11,2%; vận tải hàng hoá  đạt 5.427 tỷ đồng tăng 10,9%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 506 tỷ đồng tăng 8,8%. Chia theo ngành đường vận tải đường bộ đạt 4.955 tỷ đồng tăng 12,0%; vận tải đường biển đạt 180 tỷ đồng tăng 1,0%; vận tải đường thủy nội địa đạt 1.582 tỷ đồng tăng 9,2%.

Trong tháng 12 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2,1 triệu hành khách, so với tháng trước giảm 2,7%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 156 triệu hành khách.km, tăng 0,8%.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12 ước đạt 6,2 triệu tấn, so với tháng trước tăng 1,1%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 408 triệu tấn.km, tăng 0,9%.

Tính chung cả năm 2017 khối lượng hành khách vận chuyển đạt 23,7 triệu lượt hành khách, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,6%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 1.513 triệu hành khách.km, tăng 10,5%.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 67,0 triệu tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,8%, trong đó: đường bộ ước đạt 36,9 triệu tấn, tăng 10,5%; đường sông ước đạt 29,3 triệu tấn, tăng 9,2%; đường biển ước đạt 0,8 triệu tấn, tăng 0,1%.

Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 4.632 triệu tấn.km, so với cùng kỳ tăng 8,9%, trong đó: đường bộ ước đạt 1.459 triệu tấn.km, tăng 10,7%; đường sông ước đạt 2.795 triệu tấn.km, tăng 9,3%; đường biển ước đạt 378 triệu tấn.km, tăng 0,8%.

7.3. Xuất, nhập khẩu

Giá trị hàng hóa xuất khẩu hàng hóa năm 2017 ước đạt 5.260 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu chủ yếu từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Một số mặt hàng xuất khẩu cơ bản có giá trị tăng so với cùng kỳ năm trước: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện +23,1%; dây điện và cáp điện +20,8%; giầy dép các loại +20,0%; hàng dệt may +19,1%; đá quý, kim loại quý tăng 18,5%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2017 ước đạt 5.010 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng  nhập khẩu cơ bản có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước: điện tử và linh kiện điện tử tăng 18,5%; vải các loại tăng 17,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 16,2%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 13,3%.

8. Tổng quan thị trường, giá cả

Tình hình giá cả thị trường tháng 12 tiếp tục có xu hướng giảm của các tháng trước đó; các nhóm hàng có xu hướng giảm chủ yếu trong nhóm thực phẩm như: thịt gia súc tươi sống giảm 1,21%; thịt chế biến giảm 0,94%; mỡ lợn giảm 1,24%; rau tươi, khô và chế biến giảm 6,34%; quả tươi, khô và chế biến giảm 0,23%… Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng tăng như lương thực tăng 1,57%; may mặc, mũ, nón, giầy dép tăng 0,66%; nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,33%; giao thông tăng 0,80%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%…

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 so với tháng trước giảm 0,03%; So với tháng 12 năm trước tăng 0,80%; bình quân 12 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 2,78%; khu vực thành thị và nông thôn giá tương đối đồng đều.

Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2017 như sau:

– Ảnh hưởng của giá lợn hơi giảm mạnh do phụ thuộc vào nguồn thu của Trung Quốc đã làm cho giá sản phẩm giảm mạnh, có lúc giảm 50% giá so với lúc bình thường.

– Giá rau, củ quả do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều xong nắng nóng làm cho nhiều diện tích rau, củ bị hỏng;

– Nhóm giáo dục cũng điều chỉnh Thực hiện Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND tỉnh ngày 05/10/2016 về việc điều chỉnh tăng giá học phí tại các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, trung cấp chuyên nghiệp, mầm non và giáo dục phổ thông công lập thuộc tỉnh quản lý năm học 2016-2017 tăng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017;

– Giá xăng, dầu điều chỉnh tổng 22 lần (13 lần tăng, 9 lần giảm nhưng so mức độ tăng và giảm thì mức độ tăng vẫn cao hơn) nên nhóm giao thông vẫn tăng 5,83% so với bình quân cùng kỳ, riêng nhóm nhiên liệu tăng 14,79% trong đó: dầu hỏa tăng 12,08%; xăng, dầu diezen tăng 15,34%;

– Giá sắt thép tăng cao do khan hiếm nguồn cung nguyên liệu mà các nhà máy EAF phải hạn chế sản lượng bán phôi thép ra thị trường, khiến giá phôi thanh trong nước tăng. Thị trường thép sẽ thiếu hụt nguồn cung phôi và thép thành phẩm, đặc biệt là khu vực phía nam khi hầu hết các nhà máy thép đều sử dụng công nghệ EAF này, tháng 10,11 giá thép có xu hướng ổn định có lúc giảm nhẹ nhưng sang tháng 12 giá bắt đầu tăng cao;

– Giá ga đun tăng bình quân 54.000 đồng/bình loại ga Pettolimex bình 12 kg tăng so với BQ cùng kỳ năm 2016, nên chỉ số gia đun tăng 13,97%;

– Thực hiện Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2018 của Bộ Y tế- Bộ Tài chính và  Tờ trình số 26/TTr-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc ban hành quy định giá mới về khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước do tỉnh quản lý, thực hiện bắt đầu từ ngày 01/8/2017. /.