Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 tỉnh Hải Dương

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Nhiệm vụ trọng tâm của tháng 11 là tiếp tục đẩy mạnh gieo trồng mở rộng diện tích cây vụ Đông còn thời vụ, đẩy nhanh tiến độ cày ải để phục vụ sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân.

Vụ mùa; diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh phát sinh gây hại ở mức độ thấp. Tổng hợp kết quả sơ bộ vụ mùa, năng suất lúa đạt 59,4 tạ/ha, giảm 1,05% (-0,63 tạ/ha); năng suất ngô đạt 62,55 tạ/ha, tăng 0,26% (+0,16 tạ/ha); rau các loại đạt 232,16 tạ/ha, giảm 1,83% (-4,34 tạ/ha); sản lượng đạt 156.312 tấn, giảm 1,56% (-2.471 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết không thuận lợi cho một số loại cây trồng chiếm diện tích lớn như: dưa hấu, dưa chuột, bầu, bí xanh,… và một số loại rau bị ảnh hưởng do đợt mưa bão số 3, bị ngập nước, nên năng suất giảm so với cùng kỳ.

Sản xuất vụ đông 2023: diễn biến thời tiết đầu vụ khá thuận lợi. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 11, tổng diện tích gieo trồng cây rau vụ đông của toàn tỉnh ước đạt trên 20.000 ha, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; trong đó, dự ước một số loại cây có diện tích gieo trồng trồng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Cây su hào, bắp cải, cây hành củ, củ đậu…

1.2. Chăn nuôi

Trâu, bò: đàn trâu trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt trâu trên thị trường tăng cao, ước tại thời điểm 01/12 đàn trâu đạt 5.682 con, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 11 tháng đạt 886 tấn, tăng 6,1%. Đàn bò ước đạt 15.200 con, tăng 3,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.642 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợn: Hiện nay, hiệu quả kinh tế từ nuôi lợn vẫn tạo động lực cho người chăn nuôi đầu tư mở rộng qui mô sản xuất. Chăn nuôi lợn qui mô trang trại, gia trại đang phát triển mạnh. Ước tại thời điểm 01/12, đàn lợn thịt đạt 284.000 tăng 14,1%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 11 tháng đạt 57.100 tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá lợn hơi từ đầu tháng 11 có xu hướng giảm, hiện đang duy trì ở mức không có lãi (52.000 – 53.000 đồng/kg), nên khả năng tái đàn, mở rộng sản xuất sẽ rất hạn chế trong các tháng tiếp theo.

Gia cầm: Tại thời điểm 01/12; tổng đàn gia cầm ước đạt trên 16.300 nghìn con, tăng 6,7%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 11 tháng ước đạt 60.368 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó đàn gà ước đạt 12.300 nghìn con tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 47.600 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

1.3 Sản xuất thuỷ sản

Trong tháng 11, sản xuất thủy sản tỉnh Hải Dương tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2021; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; diễn biến thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng, bè được duy trì và phát triển khá. lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển. Hiện nay, giống cá nuôi lồng chủ yếu là giống cá chất lượng cao như cá lăng, cá Diêu hồng, cá Trắm giòn, Chép giòn được các hộ đầu tư nuôi thả vì chất lượng cá ngon, được nhiều nhà hàng, thực khách chọn lựa.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tháng 11 năm 2022 tiếp tục có sự tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong những tháng cuối năm đã chậm lại. Một mặt là do tác động trái chiều từ ngành sản xuất kim loại, may mặc, giày dép, sản xuất thiết bị điện. Mặt khác, lạm phát tăng cao đã đẩy giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển và xuất nhập khẩu tăng cùng với việc gián đoạn chuỗi cung ứng gây thiếu hụt nguyên liệu đã ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tính bằng 105,4% so với cùng kỳ năm trước (bằng 99,2% so với tháng trước); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% (giảm 0,1% so với tháng trước); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng … tăng 14,0% (tăng 0,4% so với tháng trước).

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao như: thức ăn chăn nuôi +12,9%; sản phẩm bằng plastic +20,9%; đinh, vít, đai ốc, neo, móc… bằng kim loại +51,3%; mạch điện tử tích hợp +1,6%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy, fax… +6,3%; xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên +217,6%.

Tính chung 11 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 111,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 112,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng … tăng 8,0%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 8,2%.

Cụ thể tình hình sản xuất của một số ngành sản xuất quan trọng như sau:

– Ngành sản xuất linh kiện điện tử, chỉ số cộng dồn 11 tháng đầu năm bằng 118,3% so với cùng kỳ, trong đó mạch điện tử tích hợp bằng 110,1%; bộ phận của các linh kiện điện tử khác chưa được phân vào đâu bằng 122,1%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên như in, fax, coppy… bằng 124,1%. Nguyên nhân là do thị trường trong nước và thế giới đang có sự hồi phục, nhu cầu về linh kiện điện tử tăng. Ngoài ra do các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên nhiều đơn hàng sản xuất đã được chuyển dịch sang Việt Nam. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động ổn định hoặc mở rộng sản xuất cũng góp phần tác động tới tăng trưởng của ngành.

– Ngành sản xuất xe có động cơ, chỉ số cộng dồn 11 tháng đầu năm bằng 113,6% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên bằng 198,7%, bộ phận thiết bị điện khác dùng cho xe có động cơ bằng 114,0%. Thời gian qua, nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô đang có sự hồi phục rõ nét so với giai đoạn 2020-2021. Với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước, cộng với hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng là điều kiện để người tiêu dùng tiếp tục mua sắm, tạo sự thúc đẩy tăng trưởng cho ngành sản xuất xe có động cơ và các bộ phận phụ trợ. Cùng với đó, việc Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa 2 dòng xe mới là Ford Ranger 2023 và Ford Territory 2023 vào sản xuất đã làm sản lượng xe lắp ráp và tiêu thụ tăng cao.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (chủ yếu là sản xuất thức ăn chăn nuôi) cộng dồn 11 tháng đầu năm bằng 110,5% so với cùng kỳ, trong đó thức ăn chăn nuôi bằng 111,6%. Do ngành chăn nuôi trong nước phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt dẫn tới sản lượng sản xuất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi được đảm bảo. Tuy nhiên do giá nông sản thế giới tăng cao làm cho giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2021, điều này đã tác động không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

– Nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn cũng đang có mức tăng trưởng khá cao, cộng dồn 11 tháng đầu năm bằng 121,4% so với cùng kỳ.

– Ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastis, chỉ số sản xuất cộng dồn 11 tháng đầu năm bằng 111,9% so với cùng kỳ năm trước.

– Bên cạnh đó, một số ngành như may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi, sản xuất thiết bị điện, sản xuất máy móc thiết bị tuy chỉ số sản xuất 11 tháng đầu năm vẫn tăng ở mức khá cao nhưng từ cuối quý 3 tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Nguyên nhân là do những mặt hàng này chủ yếu là xuất khẩu. Trong khi đó, các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu đang chững lại, áp lực lạm phát, khủng hoảng năng lượng, thiên tai đã buộc người dân thắt chặt chi tiêu. Nhiều đơn đặt hàng bị huỷ hoặc hoãn gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp trong ngành.

– Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay lượng nước tại các đập thuỷ điện tương đối dồi dào, sản lượng điện phát ra ổn định. Bên cạnh đó giá than trong nước và thế giới tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất của ngành nhiệt điện tăng theo, ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Chỉ số sản xuất cộng dồn 11 tháng đầu năm bằng 108,0% so với cùng kỳ. Trong đó lượng điện sản xuất cộng dồn 11 tháng đầu năm bằng 107,9%.

– Đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, gạch ngói do thị trường xây dựng cuối năm không phục hồi như kỳ vọng; nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới. Đồng thời, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường; tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh đã ảnh hưởng không tốt đến triển vọng tiêu thụ sản phẩm; nên hoạt động sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/11/2022 dự ước bằng tháng trước và bằng cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 11 tháng đầu năm chỉ số sử dụng lao động bằng 104,0% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 108,9%; dệt bằng 109,7%; sản xuất trang phục bằng 102,2%; sản xuất da bằng 109,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) bằng 103,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học bằng 104,8%; sản xuất thiết bị điện bằng 101,1%; sản xuất máy móc thiết bị bằng 104,4%; sản xuất xe có động cơ bằng 107,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 102,2%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 11 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: khai khoáng khác bằng 49,0%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa… bằng 97,5%; in, sao chép bản ghi các loại bằng 99,0%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế bằng 94,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 94,4%; thoát nước và xử lý nước thải bằng 99,8%.

3. Hoạt động đầu tư

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân. Chỉ còn hơn tháng nữa là kết thúc năm 2022, do đó áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn, khối lượng công việc nhiều, cần có giải pháp và quyết tâm cao của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra; khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn, có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc.

Ước tháng 11, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 493 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 226 tỷ đồng, chiếm 45,8%, giảm 16,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 223 tỷ đồng, chiếm 45,2%, giảm 11,6%; cấp xã ước đạt 44 tỷ đồng, chiếm 9,0%, tăng 158,4%.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.366 tỷ đồng, đạt 75,1% kế hoạch năm, tăng 46,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.977 tỷ đồng, đạt 69,7% kế hoạch năm, tăng 56,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 2.019 tỷ đồng, đạt 79,5% kế hoạch năm, tăng 31,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 370 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch năm, tăng 96,1%.

Những con số trên cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương hiện nay không bảo đảm tiến độ và đang đứng trước nguy cơ khó hoàn thành trong tháng còn lại của năm. Nếu không sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì hệ lụy của nó sẽ còn ảnh hưởng sang cả những năm tới.

* Một số công trình lớn mới khởi công trong tháng trên địa bàn tỉnh như:

– Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (2019-2025 với tổng mức đầu tư là 783,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 3,5 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại đạt 316,5  tỷ đồng, ước đạt 40,4% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn (2021-2023 với tổng mức đầu tư 885,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 là 10,0 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 209,8 tỷ đồng, ước đạt 23,7% tổng mức đầu tư.

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương với tổng mức đầu tư 1.499,7 tỷ đồng, ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 25,5 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 151,8 tỷ đồng, ước đạt 10,1% tổng mức đầu tư;

– Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương, (2020-2025 với tổng mức đầu tư là 1.774,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 17,1 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 417,8 tỷ đồng, ước đạt 23,6% tổng mức đầu tư;

– Dự án xây dựng đường trục Đông Tây trên địa bàn huyện Kim Thành, từ nút giao lập thể với QL5 đến bùng binh xã Ngũ Phúc (2022-2023 với tổng mức đầu tư là 232,5 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11/2022 đạt 9,4 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 29,0 tỷ đồng, ước đạt 12,5% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng 11, hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh phục hồi tích cực, các hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 8.104 tỷ đồng tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 11 đạt 1.002 tỷ đồng, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 78.885 tỷ đồng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 9.738 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 11 ước đạt 7.031 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 68.374 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 34,6% trong tổng số và đạt 23.631 tỷ đồng, tăng 13,2%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng chiếm cơ cấu tương đối với 13,3% trong tổng số, đạt 9.097 tỷ đồng, tăng 15,0%;

– Nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình đạt 8.961 tỷ đồng, tăng 14,9%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11 ước đạt 1.073 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 11 tháng ước đạt 10.511 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: Dịch vụ lưu trú đạt 76 tỷ đồng, chiếm 0,7% trong tổng số, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống đạt 3.227 tỷ đồng, chiếm 30,7% tổng số, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ khác đạt 7.202 tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng số, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 11, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 1.002 tỷ đồng tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 21,6%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 20,0%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 10,5%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 7,6%.

Tính chung 11 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 9.738 tỷ đồng tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 26,8%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 23,7%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 15,2%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 12,6%.

5. Hoạt động tài chính, ngân hàng

5.1. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính tháng 11 ước đạt 751 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 30/11 ước đạt 16.874 tỷ đồng, bằng 113,9% dự toán năm, bằng 88,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 14.281 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 2.546 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/11 ước đạt 14.452 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 1,1%; chi thường xuyên đạt 9.720 tỷ đồng, tăng 0,1%.

5.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khan cho khách hang vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%…Mặt bằng lãi suất huy động tăng, trong đó có một số kỳ hạn tăng từ 0,5-3,0%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm và tăng nhẹ trong quý 3 và quý 4 năm 2022 sau khi Ngân hàng nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành vào ngày 23/9 và 24/10.

Lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức 6-9,6%/năm đối với ngắn hạn và từ 8,5-12,0%/năm đối với trung dài hạn.

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động ước đến 31/12/2022 đạt 161.100 tỷ đồng, tăng 6,0% so với năm 2021; trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng giảm 6,3%. Tiền gửi dân cư vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 85% tổng nguồn huy động trên địa bàn.

Hoạt động tín dụng: Tăng trưởng mạnh so với cuối năm trước, tổng dư nợ tín dụng ước đến 31/12/2022 đạt 122.600 tỷ đồng, tăng 15,0% so với năm 2021; tiếp tục tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chất lượng tín dụng cơ bản bảo đảm. Nợ xấu nội bảng chiếm 0,8% tổng dư nợ.

Các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh khoản, về cơ bản chấp hành tương đối tốt các tỷ lệ giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,21% so với tháng trước; tăng 2,78% so với tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng so với cùng kỳ tăng 2,46%. Khu vực thành thị giảm 0,32%; khu vực nông thôn giảm 0,32%.

So với tháng trước, có 04 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá và 08 nhóm tăng giá, một số nhóm tác động lớn đến CPI đó là:

– Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,30% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,40 điểm phần trăm, trong đó chủ yếu giảm ở nhóm thực phẩm giảm 1,79%, tác động giảm 0,40 điểm phần trăm, do nguồn cung đảm bảo trong khi nhu cầu ổn định, các mặt hàng rau củ quả đang ở chính vụ.

– Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,23% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm chủ yếu do một số nhóm hàng giảm như quần áo may sẵn giảm 0,29%; găng tay, thắt lưng giảm 0,17%; mũ nón giảm 0,29%; giầy dép giảm 0,19%.

– Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,30% so với tháng trước chủ yếu do điện giảm 3,29%; vật liệu bảo dưỡng nhà giảm 0,21%; nước sinh hoạt giảm 0,27%.

– Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,10% so với tháng trước chủ yếu do một số nhóm giảm như thiết bị văn hóa giảm 0,35%; đồ chơi trẻ em giảm 0,49%.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng tăng giá so với tháng trước: lương thực tăng 0,20%; thịt hộp tăng 1,59%; thủy sản chế biến tăng 1,07%; nước mắm, nước chấm tăng 0,49%; gas tăng 5,39%; dầu hỏa tăng 7,00%; xăng tăng 5,80%…

Giá vàng tháng 11 có xu hướng tăng, chỉ số giá vàng tăng 2,19% so tháng trước; tăng 2,60% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 2,41%. Tính đến ngày 23/11/2022, bình quân giá vàng là 5.361 ngàn đồng/ 1 chỉ và tăng 115 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.300 – 5.390 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 11 có xu hướng tăng mạnh, tăng 3,13% so với tháng trước; tăng 8,27% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 1,71%. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.487.038 đồng/100USD, tăng 75.365 đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ  2,45 đến 2,49 triệu đồng/100USD.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Văn hóa: Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18.11.1930 – 18.11.2022) và sau 2 năm tạm dừng vì dịch Covid- 19, năm nay ngày hội Đại đoàn kết toàn dân lại được các thôn, khu dân cư ở khắp nơi trong tỉnh khôi phục tổ chức trong không khí rộn ràng, vui tươi. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm nay cơ bản được các thôn, khu dân cư tổ chức theo hướng trang trọng, tiết kiệm. Hầu hết các thôn, khu dân cư đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đều thành lập đoàn xuống dự và chung vui với nhân dân ở thôn, khu dân cư, tạo sự gần gũi, gắn bó.

Kỷ niệm 218 năm khởi lập Thành Đông (1804-2022), 68 năm ngày giải phóng thành phố (30/10/1954- 30/10/2022) và 25 năm thành lập TP Hải Dương (1997- 2022): sáng 29/10, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút sự tham gia của hơn 200 hội viên đến từ các câu lạc bộ thuộc trung tâm mang đến 15 tiết mục với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và mảnh đất, con người Thành Đông lịch sử- TP Hải Dương anh hùng; các phường, xã, các cụm thi đua của thành phố cũng đồng loạt tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng. Các hạt nhân văn nghệ đã biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc có nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương đất nước, sự đổi thay to lớn của mảnh đất Xứ Đông anh hùng… Các chương trình đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến xem tạo không khí hào hứng, phấn khởi kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố.

Thể thao: Ngày 30/10 UBND TP Hải Dương tổ chức giải chạy tập thể khối phường, xã và học sinh tiểu học, THCS tại các trường của thành phố, dự giải có 3.000 vận động viên là người cao tuổi và học sinh tiểu học, THCS.

Chiều 13/11, Giải cầu lông các câu lạc bộ tỉnh Hải Dương năm 2022 đã kết thúc sau 3 ngày diễn ra sôi nổi tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Giải thu hút 180 vận động viên đến từ 20 câu lạc bộ trong tỉnh, câu lạc bộ Sunny Wood nhất toàn đoàn khi giành 6 trong tổng số 9 giải nhất.

Tổng cục Thể dục thể thao ấn định thời gian tổ chức môn bóng bàn trong chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao Hải Dương. Tại đây sau SEA Games 31, cơ sở vật chất vẫn bảo đảm yêu cầu tổ chức các môn thể thao thành tích cao.

2. Y tế

 Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ 16 giờ ngày 19/10/2022 đến 16 giờ ngày 17/11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 620 người mắc Covid- 19, giảm 1.909 người với tháng trước. Hải Dương hiện chỉ còn 57 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị, trong đó 29 trường hợp điều trị tập trung tại một số bệnh viện tuyến tỉnh. Sức khỏe các bệnh nhân cơ bản ổn định.

Dịch sốt xuất huyết Dengue trong tháng ghi nhận 131 trường hợp mắc, giảm 64 trường hợp so với tháng trước, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 490 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 405 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021 (85 trường hợp), không ghi nhận trường hợp tử vong. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã tăng cường triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, thực hiện nghiêm chỉnh việc khai báo thông tin ca bệnh, cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình bệnh truyền nhiễm trên phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm và thống kê báo cáo theo quy định.

Thời tiết chuyển mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn khiến lượng bệnh nhân phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương tăng cao. Hiện Bệnh viện có 483 bệnh nhân đang điều trị. Các bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản, chỉ có 17 trường hợp mắc cúm B. 340 giường kế hoạch tại các khoa điều trị đã sử dụng hết, bệnh viện phải kê thêm giường để phụ vụ bệnh nhân.

3. Giáo dục

Chiều 17/11, tại trung tâm Văn hóa Xứ Đông (TP Hải Dương), UBND tỉnh tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). Trong nhiều năm gần đây, chất lượng giáo dục của Hải Dương luôn trong tốp đầu cả nước. Nhiều lĩnh vực đi tiên phong, nhiều mô hình được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm điểm, được các địa phương khác đến tham quan, học tập. Thành tích học sinh giỏi quốc gia luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước, trong đó có học sinh đoạt huy chương quốc tế và khu vực.

4. Bảo vệ môi trường

Vi phạm môi trường: Tháng 11, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm môi trường, trong đó 03 khai thác cát trái phép, 03 vụ xả nước thải, 11 vụ vứt rác thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 74.4 triệu đồng.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 351 vụ vi phạm về đảm bảo vệ sinh môi trường, số tiền xử phạt là 5.830,71 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không phát sinh thiên tai. Tính chung  11 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ thiệt hại do thiên tai gây ra, làm chết 02 người (do sét đánh), 1.000 ha lúa bị chết rét, 6.000 con gà dị chết do sét đánh, 40 ngôi nhà bị hư hại.

5. Trật tự an toàn xã hội

Trật tự an toàn xã hội: Tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, không phát sinh vụ việc nổi cộm. Trong tháng, lực lượng công an tập trung nắm chắc tình hình từ xa, từ sớm, từ cơ sở; huy động 100% lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm; trong đó tập trung tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm hình sự, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; tội phạm cướp, cướp giật. Đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn; các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.

Về tai nạn cháy, nổ: Trong tháng 11, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy tại huyện Thanh Hà, vụ cháy không gây thiệt hại về người, tổng thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng.

Tính chung 11 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, nổ làm bị thương 03 người, thiệt hại khoảng 4.404 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 11 người, làm 05 người bị thương.

Tính chung 11 tháng năm  2022, toàn tỉnh xảy ra 133 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 108 người, làm bị  thương 49 người; so với cùng kỳ năm 2021, giảm 20 vụ (-13%), giảm 12 người chết (-10%) và giảm 23 người bị thương (-31,9%).