Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tỉnh Hải Dương

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Vụ mùa: Tổng diện tích gieo trồng đạt 64.404 ha, giảm 0,87% (-563 ha) so với vụ mùa năm trước; giảm chủ yếu do diện tích gieo cấy lúa giảm (-546 ha). Một số diện tích đất trồng cây hàng năm (chủ yếu là đất lúa) được chuyển sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản và đất phi nông nghiệp (công trình giao thông, quy hoạch khu dân cư mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp).

Đến nay các địa phương cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa và cây rau vụ mùa năm 2022. Diện tích lúa thu hoạch ước đạt 52.575 ha, bằng 96,2% diện tích gieo trồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; năng suất lúa ước đạt 59,9 tạ/ha, tương đương so với vụ mùa năm trước. Năng suất cây rau các loại ước đạt 231 tạ/ha, giảm 2%; sản lượng ước đạt 155.000 tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vụ đông năm 2023: Diễn biến thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, các địa phương đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để làm đất gieo trồng cây vụ đông. Tính đến 15/10, tổng diện tích gieo trồng cây rau mầu vụ đông ước đạt trên 11.000 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây ngô tăng 2,5%, cây su hào tăng 4%, bắp cải tăng 3%, cây cà rốt tăng 2%…

1.2. Chăn nuôi

Trâu, bò: Đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, ước tại thời điểm 01/11/2021 đàn trâu đạt 5.650 con, tăng 3,7%, số con trâu xuất chuồng 10 tháng ước đạt 2.360 con, tăng 5,9%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 10 tháng ước đạt 810 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đàn bò ước đạt 15.150 con, tăng 2,1%, số con bò xuất chuồng 10 tháng ước đạt 6.100 con, tăng 2,6%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 10 tháng ước đạt 1.500 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợn: Giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng khá ổn định và duy trì ở mức cao, hiệu quả kinh tế đạt khá, tạo động lực cho người chăn nuôi đầu tư mở rộng qui mô sản xuất. Ước tại thời điểm 01/11 tổng đàn lợn đạt trên 400.000 con, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợn thịt 281.540 con chiếm gần 70% tổng đàn, tăng 13,9%. Số lượng lợn xuất chuồng 10 tháng đạt 506.200 con, tăng 13%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng 51.900 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Gia cầm: Tổng đàn gia cầm ước tại thời điểm 01/11 đạt 15.963 nghìn con, tăng 5,6%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng đạt 53.890 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó đàn gà đạt 11.975 nghìn con tăng 5,1%; sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng 10 tháng đạt 42.520 tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021.

1.3 Sản xuất thuỷ sản

Trong tháng 10, sản xuất thủy sản tỉnh Hải Dương tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2021. Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá, lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển. Hiện nay, giống cá nuôi lồng chủ yếu là giống cá chất lượng cao như cá Lăng, Diêu hồng, Trắm giòn, Chép giòn… được đầu tư nuôi thả vì chất lượng cá ngon, được nhiều nhà hàng, thực khách chọn lựa.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản mặt nước trong 10 tháng năm 2022 đạt thấp do giá bán sản phẩm đầu ra duy trì ở mức thấp, người nuôi trồng hạn chế đầu tư mở rộng qui mô nuôi.

2. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tháng 10 năm 2022 cơ bản ổn định. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng, là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp của toàn tỉnh.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính bằng 108,2% so với cùng kỳ năm trước (bằng 100,7% so với tháng trước); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% (tăng 0,4% so với tháng trước); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng… giảm 2,5% (tăng 4,0% so với tháng trước).

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao như: Thức ăn chăn nuôi +12,5%; sản phẩm bằng plastic +18,7%; sắt thép các loại +3,1%; đinh, vít, đai ốc, neo, móc… bằng kim loại +46,8%; mạch điện tử tích hợp +10,6%; Máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy, fax… +6,8%; xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên +203,5%.

Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành với mức tăng 13,7%.

Cụ thể tình hình sản xuất của một số ngành sản xuất quan trọng như sau:

– Ngành sản xuất linh kiện điện tử, chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm bằng 119,8% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm mạch điện tử tích hợp bằng 111,2%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên như in, fax, coppy… bằng 126,4%. Nguyên nhân là do thị trường trong nước và thế giới đang có sự hồi phục, nhu cầu về linh kiện điện tử tăng. Ngoài ra, Trung Quốc, Đài Loan… tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên nhiều đơn hàng sản xuất đã được chuyển dịch sang Việt Nam.

– Ngành sản xuất xe có động cơ, chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm bằng 113,9% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên bằng 183,0%, bộ phận thiết bị điện khác dùng cho xe có động cơ bằng 115,4%. Năm 2022, nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô đang có sự hồi phục rõ nét so với giai đoạn 2020-2021. Trong 6 tháng đầu năm, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước, cộng với hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng đã thúc đẩy tăng trưởng cho ngành sản xuất xe có động cơ và các bộ phận phụ trợ. Ngoài ra, Ford Việt Nam đang sản xuất, lắp ráp dòng xe Ford Ranger 2023 và Ford Territory 2023 tại Hải Dương nên sản lượng ô tô dữ kiến vẫn sẽ tăng cao trong các tháng tiếp theo.

– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (chủ yếu là sản xuất thức ăn chăn nuôi) có chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm bằng 110,2% so với cùng kỳ, trong đó thức ăn chăn nuôi tăng 11,1%. Do ngành chăn nuôi trong nước phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt dẫn tới sản lượng sản xuất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi được đảm bảo. Tuy nhiên do giá nông sản thế giới tăng cao làm cho giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2021, điều này đã tác động không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

–  Nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn cũng đang có mức tăng trưởng khá cao khi chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm bằng 119,3% so với cùng kỳ.

– Ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastis, chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm bằng 110,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, một số ngành như may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi, sản xuất thiết bị điện, sản xuất máy móc thiết bị tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Nguyên nhân là do những mặt hàng này chủ yếu là xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu đang chững lại; áp lực lạm phát, khủng hoảng năng lượng đã buộc người dân thắt chặt chi tiêu. Một số đơn đặt hàng bị huỷ hoặc hoãn gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành.

Chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện bằng 107,3%. Năm nay lượng nước tại các đập thuỷ điện tương đối dồi dào, sản lượng thuỷ điện phát ra ổn định. Đồng thời, giá than trong nước và thế giới tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất của ngành nhiệt điện tăng, khó cạnh tranh với thuỷ điện. Sản lượng điện từ tháng 6 đến nay sản liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước (trong đó các tháng 6, 7, 8 đều giảm trên 10%); tính chung 10 tháng đầu năm bằng 106,9% so với cùng kỳ.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/10/2022 dự ước bằng 100,3% so với tháng trước, bằng 102,7% so với cùng kỳ. Cộng dồn 10 tháng đầu năm chỉ số sử dụng lao động bằng 104,4% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 108,9%; dệt bằng 110,5%; sản xuất trang phục bằng 103,1%; sản xuất da bằng 111,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) bằng 103,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học bằng 103,1%; sản xuất thiết bị điện bằng 101,5%; sản xuất máy móc thiết bị bằng 104,3%; sản xuất xe có động cơ bằng 107,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 102,2%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 10 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: khai khoáng khác bằng 47,6%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa… bằng 98,8%; in, sao chép bản ghi các loại bằng 99,3%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế bằng 99,6%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 95,8%; thoát nước và xử lý nước thải bằng 99,6%.

3. Hoạt động đầu tư

Vốn đầu tư công sẽ giúp phục hồi, định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Với mục tiêu hoàn thành kế hoạch thực hiện vốn đầu tư công năm 2022, ngày 30/9/2022, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2022.

Ước tháng 10, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 651 tỷ đồng, tăng 45,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 330 tỷ đồng, chiếm 50,6%, tăng 53,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 278 tỷ đồng, chiếm 42,7%, tăng 27,4%; cấp xã ước đạt 43 tỷ đồng, chiếm 6,7%, tăng 165,3%.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.068 tỷ đồng, đạt 75,3% kế hoạch năm, tăng 66,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.873 tỷ đồng, đạt 77,2% kế hoạch năm, tăng 88,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.868 tỷ đồng, đạt 73,6% kế hoạch năm, tăng 45,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 327 tỷ đồng, đạt 74,4% kế hoạch năm, tăng 90,5%.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 năm 2022 có chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá. Tuy nhiên, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2022, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do chủ đầu tư trì trệ, chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện; một số dự án chuyển tiếp và khởi công mới chậm hoàn thiện thủ tục về đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, trình thẩm định, phê duyệt để tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng; giá vật liệu tăng cao gây khó khăn cho nhà thầu xây dựng; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, làm chậm tiến độ thực hiện.

* Một số công trình lớn mới khởi công trong tháng trên địa bàn tỉnh như:

– Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và quốc lộ 5 (2020-2022 với tổng mức đầu tư 427,4 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 là 19,2 tỷ đồng, công trình đã hoàn thành và đưa vào bàn giao sử dụng;

– Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (2019-2025 với tổng mức đầu tư là 783,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 đạt 5,0 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại đạt 315,8  tỷ đồng, ước đạt 40,3% tổng mức đầu tư;

– Xây dựng đường Vành đai I – đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn (2021-2023 với tổng mức đầu tư 885,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 là 13,0 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 204,0 tỷ đồng, ước đạt 23,0% tổng mức đầu tư;

– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương với tổng mức đầu tư 1.499,7 tỷ đồng, ước thực hiện trong tháng 10/2022 đạt 28,1 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 134,3 tỷ đồng, ước đạt 9,0% tổng mức đầu tư;

– Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương, (2020-2025 với tổng mức đầu tư là 1.774,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 đạt 18,3 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 405,2 tỷ đồng, ước đạt 22,8% tổng mức đầu tư…

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Tháng 8, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực, duy trì mức tăng trưởng khá, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, thị trường tương đối bình ổn, lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi do. Các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, sức mua tiêu dùng tăng, đáp ứng nhu cầu, tiêu dùng của người dân và cho sản xuất… Tuy nhiên do ảnh hưởng của giá nhập khẩu xăng, dầu trên thị trường thế giới nên giá một số hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng. Qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh và chi tiêu của người dân.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 7.763 tỷ đồng tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 10 đạt 967 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 70.690 tỷ đồng tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 8.734 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 10 ước đạt 6.732 tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 61.274 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 34,4% trong tổng số và đạt 21.077 tỷ đồng, tăng 12,7%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng chiếm cơ cấu tương đối với 13,3% trong tổng số, đạt 8.125 tỷ đồng, tăng 14,4%;

– Nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình đạt 8.061 tỷ đồng, tăng 14,4%.

4.2. Dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 ước đạt 1.031 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 10 tháng ước đạt 9.416 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: Dịch vụ lưu trú đạt 68 tỷ đồng, chiếm 0,7% trong tổng số, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống đạt 2.909 tỷ đồng, chiếm 30,9% tổng số, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ khác đạt 6.433 tỷ đồng, chiếm 68,3% tổng số, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải, kho bãi

Tháng 10, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 967 tỷ đồng tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 8.734 tỷ đồng tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trong đó doanh thu vận tải hành khách tăng 27,8%; doanh thu vận tải hàng hoá tăng 24,1%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 15,5%; doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển tăng 13,3%.

5. Hoạt động tài chính, ngân hàng

5.1. Thu, Chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tháng 10 đạt 752 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/10/2022 ước đạt 14.809 tỷ đồng, bằng 100,0% dự toán năm, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 12.509 tỷ đồng giảm 1,6%, thu qua Hải quan đạt 2.259 tỷ đồng, tăng 4,8%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2022 ước đạt 13.076 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.133 tỷ đồng, giảm 3,2%; chi thường xuyên đạt 8.911 tỷ đồng, tăng 2,3%.

5.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng nhà nước; lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn từ 0,3-1%/năm so với tháng trước. Lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,1-4,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,7- 5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức 6-9,6%/năm đối với ngắn hạn và từ 8,5-12,0%/năm đối với trung dài hạn.

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 157.057 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2021; trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng giảm 10,2%. Tiền gửi dân cư vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 85% tổng nguồn huy động trên địa bàn.

Hoạt động tín dụng: Tăng trưởng mạnh so với cuối năm trước, tổng dư nợ tín dụng 122.446 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2021; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 17,6%; dư nợ trung dài hạn tăng 8,4%. Nợ xấu nội bảng chiếm 0,78% tổng dư nợ, giảm cả về số tuyệt đối và tương đối so với tháng trước

Các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh khoản, về cơ bản chấp hành tương đối tốt các tỷ lệ giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,19% so với tháng trước; tăng 3,00% so với tháng 12 năm trước; bình quân 10 tháng so với cùng kỳ tăng 2,46%. Giá tiêu dùng tháng 10 khu vực thành thị giảm 0,08%; khu vực nông thôn giảm 0,25% so với tháng trước.

So với tháng trước, có 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá, là nguyên nhân chính làm cho CPI giảm, đó là:

– Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,34% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,24 điểm %; chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho giá xăng dầu tháng 10 giảm 5,77% so với tháng trước, trong đó giá xăng giảm 6,13%; giá dầu diezen giảm 0,60%.

– Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,06% so với tháng trước; nguyên nhân chính là do giá gas giảm 4,00%.

– Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03% so với tháng trước chủ yếu do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa khiến giá hoa tươi giảm cụ thể nhóm hoa, cây cảnh giảm 0,12%.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá tăng so với tháng trước nhưng tác động không lớn đến CPI như: Nhóm thực phẩm tăng 0,1% (do một số củ quả trái vụ, nguồn cung hạn chế nên giá tăng cao); May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,24% (thời tiết trở lạnh nên nhu cầu mua sắm quần áo tăng); Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,17%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27%.

Giá vàng tháng 10 có xu hướng tăng, chỉ số giá vàng tăng 1,00% so tháng trước; tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,42%. Thời điểm ngày 23/10/2022, giá vàng bình quân là 5.246 ngàn đồng/chỉ; tăng 52 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 5.200 – 5.265 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 10 tăng 1,91% so với tháng trước; tăng 5,50% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 1,00%. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng này là 2.411.673 đồng/100 USD, tăng 45.284 đồng/100 USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ  2.380.000 -2.425.000 đồng/100USD.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Kỷ niệm 92 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan hát ru, hát dân ca năm 2022. Hội thi đã thu hút 13 đội đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố và Hội liên hiệp phụ nữ Công an tỉnh với trên 100 ca sĩ, diễn viên, nhạc công tham gia.

Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức Hội thi “Mâm cơm ngày chủ nhật” trong công chức, viên chức, người lao động tỉnh năm 2022, hội thi đã thu hút 115 thí sinh đến từ 23 đơn vị tham gia hội thi, đây là dịp để công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là nữ giới khẳng định mình không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn khéo léo tề gia nội trợ.

Giải vô địch bóng chuyền bãi biển là môn thi đấu cuối cùng trong chương trình Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hải dương lần thứ IX năm 2022. Giải có 30 vận động viên của 7 đội bóng các huyện, thị tham gia thi đấu.

Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương lần thứ IX bắt đầu diễn ra từ ngày 7/4/2022 đến ngày 25/9/2022, toàn bộ 17 môn đã được tổ chức thành công. Sau khi kết thúc các môn thi đấu, Ban Tổ chức sẽ rà soát, lựa chọn các vận động viên xuất sắc tranh tài tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc, Hải Dương có 163 vận động viên, 27 huấn luyện viên của 19 đội tuyển tham dự, phấn đấu giành 30 huy chương vàng.

2. Y tế

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ 16 giờ ngày 19/9/2022 đến 16 giờ ngày 18/10/2022 toàn tỉnh ghi nhận 2.529 người mắc Covid- 19, giảm 532 người so với tháng trước.

Trong giai đoạn những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở lên phức tạp và gia tăng trở lại, Sở Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm vaccine phòng Covid-19.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ 51.000 liều vaccine Pfizer dạng hỗn dịch tiêm ngay không cần pha cho Hải Dương. Đây là lần đầu tiên Hải Dương triển khai tiêm vaccine dạng mới này cho người từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi đăng ký tiêm vaccine. Qua rà soát, thống kê của Sở Y tế cho thấy Hải Dương có 43.273 trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi được cha mẹ đồng ý đăng ký tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19, chiếm gần 35,8% tổng số trẻ trong độ tuổi.

Dịch sốt xuất huyết Dengue trong tháng ghi nhận 195 trường hợp mắc, tính đến ngày 30/9/2022 toàn tỉnh ghi nhận 359 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ năm 2021 (35 trường hợp) số ca mắc tăng 324 trường hợp. Không ghi nhận trường hợp tử vong. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị thực hiện nghiêm chỉnh việc khai báo thông tin ca bệnh, cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình bệnh truyền nhiễm trên phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm và thống kê báo cáo theo quy định.

3. Giáo dục

Do tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, hầu hết học sinh các cấp học phổ thông đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19 nên việc đến trường của các trường, các cấp học đều đảm bảo.

Đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi THPT của Tỉnh có 102 em đang tích cực ôn luyện, để tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 -2023, dự kiến diễn ra cuối tháng 12 tới. Kỳ thi này năm học 2021 – 2022, Hải Dương có 2 giải nhất (môn ngữ văn và tiếng anh), 27 giải nhì, 20 giải ba, 33 giải khuyến khích, đứng thứ 3 toàn quốc.

4. Bảo vệ môi trường

Vi phạm môi trường: Tháng 10, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 38 vụ vi phạm môi trường, trong đó 02 vụ xả nước thải, 36 vụ vứt rác thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 149,15 triệu đồng.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 334 vụ vi phạm về đảm bảo vệ sinh môi trường, số tiền xử phạt là 5.756,31 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không phát sinh thiên tai. Tính chung 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ thiệt hại do thiên tai gây ra, làm chết 02 người (do sét đánh), 1.000 ha lúa bị chết rét, 6.000 con gà bị chết do sét đánh, 40 ngôi nhà bị hư hại.

5. Trật tự an toàn xã hội

Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, không phát sinh vụ việc “nổi cộm” ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm thu được nhiều kết quả quan trọng. Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội phát hiện xảy ra 328 vụ (giảm 21,7% so với CKNT); điều tra, làm rõ 299 vụ, đạt 90,2%. Hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” giảm nhiều so với thời gian trước. Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về tai nạn cháy, nổ: Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy tại xã Thái Học, huyện Bình Giang, vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã khiến ngôi nhà 2,5 tầng cùng toàn bộ hàng hoá bên trong của ngôi nhà bị cháy và làm ảnh hưởng 2 ngôi nhà hàng xóm liền kề. Công an huyện Bình Giang đang điều tra nguyên nhân vụ cháy; Thiệt hại tài sản đang xác minh.

Tính chung 10 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, nổ làm bị thương 03 người, thiệt hại khoảng 3940 triệu đồng.

 Về tai nạn giao thông: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 10 người, làm 02 người bị thương.

Tính chung 10 tháng năm  2022, toàn tỉnh xảy ra 120 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 97 người, làm bị  thương 44 người; so với cùng kỳ năm 2021, giảm 28 vụ (-18,9%), giảm 20 người chết (-17,1%) và giảm 22 người bị thương (-33,3%); trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 114 vụ làm 92 người chết, 43 người bị thương; đường sắt xảy ra 06 vụ làm 05 người chết, làm 01 người bị thương; đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn giao thông.