Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm cơ bản ổn định; thiệt hai sau bão số 3 đã cơ bản được khắc phục, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, riêng lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ làm năng suất, sản lượng cây trồng sụt giảm; công nghiệp tiếp tục là điểm sáng khi duy trì tốc độ tăng cao; hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, nguồn cung hàng hóa dồi dào.
1.Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Trồng trọt
Vụ mùa: Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2024 đạt 63.442 ha, giảm 0,6% (-389 ha) so với vụ mùa năm trước; giảm chủ yếu là do một số diện tích đất trồng cây hàng năm được chuyển sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản và đất phi nông nghiệp (xây dựng đường giao thông; khu đô thị; khu, cụm công nghiệp…).
Lúa và cây rau màu vụ mùa đã cơ bản thu hoạch xong. Năng suất lúa ước đạt 57 tạ/ha, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% (mất trắng) là 465 ha, một số diện tích lúa bị ngập úng, bị đổ, tỷ lệ hạt lép cao nên năng suất, sản lượng lúa giảm mạnh so với vụ mùa năm trước. Năng suất ngô ước đạt 60 tạ/ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Các loại rau màu vụ mùa năng suất trung bình ước đạt 225,5 tạ/ha, giảm 4,3%; sản lượng ước đạt 156.956 tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; giảm chủ yếu do mưa lớn kéo dài làm dập nát, ngập úng một số diện tích cây rau cuối vụ, nên sản lượng rau thu hoạch trong tháng 10 giảm.
Vụ đông năm 2025: Mưa lớn kéo dài gây khó khăn cho khâu làm đất, một số diện tích gieo trồng cây vụ đông sớm bị ngập úng phải gieo trồng lại; vì vậy, tổng diện tích gieo trồng cây rau mầu vụ đông của toàn tỉnh (tính đến 20/10) ước đạt trên 11.000 ha, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Từ nay đến hết tháng 11, dự kiến thời tiết hanh khô sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác làm đất, nên diện tích gieo trồng cây vụ đông năm 2025 sẽ tăng trên 2% so với năm trước.
1.2. Chăn nuôi
Mặc dù ảnh hưởng của bão số 3 gây thiệt hại đối với chuồng trại chăn nuôi, một số con gia cầm bị chết; tuy nhiên, các địa phương đã tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các hộ chăn nuôi kịp thời sửa chữa chuồng trại và tái đàn, nên trong tháng hoạt động chăn nuôi đã ổn định trở lại.
Trâu, bò: Ước tại thời điểm 01/11/2024; đàn trâu ước đạt 5.410 con, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 74 tấn, tăng 1,4%. Tổng đàn bò ước đạt 14.200 con, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 10 ước đạt 133 tấn, tăng 1,2%.
Lợn: Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/10/2024 ước đạt 311.700 con, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 10 ước đạt 6.080 tấn, tăng 5,7%.
Gia cầm: Giá bán thịt gia cầm tiếp tục duy trì ở mức cao, hiệu quả chăn nuôi tốt, người chăn nuôi tích cực đầu tư tái đàn, tăng chu kỳ nuôi nên sản lượng tăng khá. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh tại thời điểm 31/10/2024 ước đạt 17.179 nghìn con, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước đạt 12.832 nghìn con tăng 3,6%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 10 ước đạt 6.486 tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng ước đạt trên 52.000 nghìn quả, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Lâm nghiệp
Trong tháng 10, toàn tỉnh có 30 ha diện tích rừng trồng mới, đây là diện tích rừng trồng sau khi khai thác những cây lâm nghiệp bị gãy đổ do cơn bão số 3, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chủ yếu là diện tích trồng cây keo và bạch đàn trắng thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể; diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 350 ha, tăng 20 ha. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 3.000 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 40 nghìn cây, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 2.500 m3, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do diện tích rừng sản xuất đến tuổi được khai thác cao hơn cùng kỳ, đồng thời, một số cây lâm nghiệp bị gẫy đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 phải khai thác tận thu. Sản lượng khai thác củi ước đạt 7.800 ster, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu do chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán. Các sản phẩm lâm sản khác như tre, nhựa thông, măng tươi, mộc nhĩ…tăng giảm không lớn so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh.
1.4. Sản xuất thuỷ sản
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.000 ha nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16% tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; trong đó có 600 ha thủy sản nuôi theo hình thức “ao nổi” và “sông trong ao”. Một số mô hình nuôi thủy sản có hệ thống quan trắc do môi trường tự động, máy cho ăn điều chỉnh tự động có kết nối với điện thoại thông minh cho năng suất cao gấp 2-3 lần so với phương thức nuôi truyền thống… Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong thủy sản giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động và giảm rác thải góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.
Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 10 ước đạt gần 10.000 tấn tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Một số loài cá được nuôi với mật độ cao theo qui trình VietGAP đã giúp người nuôi cá thay đổi tư duy để phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá; lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển. Hiện nay, giống cá nuôi lồng chủ yếu là giống cá chất lượng cao như cá Lăng, Diêu hồng, Trắm giòn, Chép giòn vì năng suất cao, chất lượng thịt ngon, hiệu quả kinh tế đạt khá cao.
2. Công nghiệp
Ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế của tỉnh sau 3 quý đầu năm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tăng cường hoạt động sản xuất, tìm thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới trong mùa tiêu dùng cuối năm. Đây là thời điểm hết sức quan trọng để tập trung nguồn lực mở rộng sản xuất bởi đang có nhiều yếu tố thuận lợi như áp lực lạm phát giảm tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, tồn kho của các nhà bán lẻ cũng không cao trong mùa tiêu dùng cao cuối năm đã cận kề.
2.1. Sản xuất công nghiệp
Ảnh hưởng tiêu cực của bão lũ trong tháng 9 đã được khắc phục xong nên hoạt động sản xuất trong tháng 10 đã ổn định. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, nhiều doanh nghiệp đã phải bố trí tăng ca, tăng giờ làm để bù đắp sản lượng cho khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng (so với tháng cùng kỳ năm trước) như: thức ăn gia súc +9,2%; quần áo người lớn +14,1%; giày dép thể thao +13,2%; than cốc +18,0%; sắt thép các loại +49,8%; mạch điện tử tích hợp +17,9%; xe ô tô từ 5 chỗ trở lên +26,3%.
Tính chung 10 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, tăng cao, tác động nhiều đến tốc độ tăng của toàn ngành như sau:
– Ngành sản xuất xe có động cơ sản tăng 13,0% (tăng chủ yếu là sản xuất bộ phận phụ trợ), tác động làm tốc độ chung tăng 2,8 điểm%;
– Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 11,7%, tác động làm tốc độ chung tăng 2,6 điểm%;
– Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 40,5% (trong đó sản phẩm máy phát điện tăng 127,8%), tác động làm tốc độ chung tăng 1,3 điểm%;
– Nhóm ngành dệt, may mặc tăng lần lượt 25,0% và 13,2%, tác động làm tốc độ chung tăng 1,1 điểm%. Những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng khá; xuất hiện thêm các điểm sáng tiềm năng là thị trường ASEAN, Nga, Canada…;
– Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5% làm tốc độ chung toàn ngành công nghiệp tăng 0,9 điểm%; theo kế hoạch từ tháng 9 đến hết tháng 10 các tổ máy nhiệt điện sẽ tiến hành đại tu, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, nên sản lượng điện tháng 10 chỉ tăng chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước;
– Ngành sản xuất kim loại tăng 14,0%, làm tốc độ chung tăng 0,8 điểm%. Nguyên nhân tăng cao là do từ 15/9/2023 Công ty CP Thép Hòa Phát ngừng 01 lò sản xuất để đại tu, nâng cấp dẫn tới mức nền năm trước thấp. Mặt khác, do nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tăng dần nên sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát ở cả 3 miền đều tăng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng cũng góp phần tác động đến tăng trưởng của ngành như Công ty CP Nhôm Đông Á, Công ty TNHH Shinyang Metal Việt Nam;
– Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (trong đó sản phẩm chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi) tăng 11,4%, tác động làm tốc độ chung tăng 0,6 điểm%. Với việc giá nguyên liệu xuống thấp trong khi giá đầu ra ổn định, nhiều cơ sở chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu thị trường dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, cũng có một số ngành gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, sản lượng sản xuất so với cùng kỳ không cao, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành:
– Ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch, ngói) sản lượng 10 tháng đầu năm giảm 7,2%, làm tốc độ chung giảm 0,2 điểm%. Nguồn cung dư thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch, ngói trên địa bàn tỉnh phải ngừng lò, giảm công suất và cắt giảm lao động;
– Ngành khai khoáng, sản lượng sản xuất 10 tháng đầu năm giảm 1,0%.
2.2. Sử dụng lao động
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/10/2024 dự ước tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, lao động trong ngành tăng 2,9% so với cùng kỳ. Một số ngành tăng cao so với cùng kỳ là:
– Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 3,9%;
– Dệt tăng 6,2%;
– Sản xuất trang phục tăng 4,4%;
– Sản xuất cao su và plastic tăng 4,9%;
– Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,0%;
– Sản xuất thiết bị điện tăng 6,2%;
– Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13,4%.
Các ngành có số lượng lao động 10 tháng đầu năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm 2023 là: Khai khoáng khác giảm 8,5%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,1%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 3,6%.
3. Hoạt động đầu tư
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh nhìn chung còn chậm; nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch, nguồn nguyên liệu, thủ tục hành chính kéo dài…. Đồng thời, ảnh hưởng từ cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình.
Ước tháng 10, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 775 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 522 tỷ đồng, tăng 16,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 229 tỷ đồng, giảm 12,1%; vốn ngân sách cấp xã đạt 25 tỷ đồng, giảm 33,0%.
Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.142 tỷ đồng, đạt 52,8% kế hoạch năm, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.618 tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng vốn đầu tư, tăng 14,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.342 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng vốn đầu tư, giảm 22,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 182 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư, giảm 35,2% so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mới đây HĐND tỉnh đã thông qua quyết định điều chỉnh gần 316 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 18 dự án, công trình. Cùng với các chỉ đạo quyết liệt và việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, tỉnh Hải Dương sẽ tạo bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2024. Một số công trình có vốn đầu tư thực hiện cao trong tháng như:
– Đầu tư xây dựng cầu Cậy thuộc tuyến tránh đường tỉnh 394, tỉnh Hải Dương; thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2023-2025 với tổng mức đầu tư là 203 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 10/2024 đạt 20,1 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 115,2 tỷ đồng, ước đạt 56,7% tổng mức đầu tư;
– Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 391 đoạn từ Km24+600 Km28+400 (2023-2025 với tổng mức đầu tư là 257,8 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 10/2024 đạt 22,5 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 10 ước đạt 127,6 tỷ đồng, đạt 49,5% tổng mức đầu tư;
– Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây tỉnh Hải Dương, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2021-2024 với tổng mức đầu tư là 1.778,9 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2024 đạt 21,4 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 10 ước đạt 1.169,8 tỷ đồng, đạt 65,8% tổng mức đầu tư;
– Trụ sở làm việc Công an tỉnh Hải Dương, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2024-2027 với tổng mức đầu tư là 740 tỷ đồng), ước thực hiện tháng 10/2024 đạt 39,1 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 64 tỷ đồng, ước đạt 8,6% tổng mức đầu tư;
– Dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 391 đoạn từ thành phố Hải Dương đến đường trục Đông – Tây, tỉnh Hải Dương, thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2022-2025 với tổng mức đầu tư là 1.392,7 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2024 đạt 30,9 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến hết tháng 10 ước đạt 179,2 tỷ đồng, đạt 12,9% tổng mức đầu tư;
– Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn (đường tỉnh 398 nhánh Côn Sơn), thuộc vốn ngân sách cấp tỉnh (2022-2025 với tổng mức đầu tư là 279 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2024 đạt 20,9 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 192,2 tỷ đồng, ước đạt 68,9% tổng mức đầu tư.
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Tháng 10 hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực, duy trì mức tăng trưởng khá, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, thị trường tương đối bình ổn, lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi. Các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, đáp ứng nhu cầu, tiêu dùng của người dân và cho sản xuất… Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu tăng đã tạo áp lực lớn đến giá các loại hàng hóa, qua đó cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh và sức mua trong dân cư.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 8.889 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi tháng 10 đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 15,5%.
Tính chung Mười tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 82.744 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi ước đạt 13.126 tỷ đồng, tăng 14,3%.
4.1. Bán lẻ hàng hoá
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 10 ước đạt 7.298 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 67.557 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo mặt hàng:
– Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 25.344 tỷ đồng, tăng 17,2%;
– Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 7.884 tỷ đồng, tăng 13,1%;
– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 7.726 tỷ đồng, tăng 11,5%;
– Xăng dầu các loại đạt 6.530 tỷ đồng, tăng 16,2%.
4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 ước đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 10 tháng ước đạt 15.187 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế:
– Dịch vụ lưu trú đạt 249 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước;
– Dịch vụ ăn uống đạt 5.458 tỷ đồng, tăng 14,9%;
– Dịch vụ khác đạt 9.346 tỷ đồng, tăng 8,9%.
4.3. Vận tải
Tháng 10, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vận tải hành khách tăng lần lượt 4,8% và 16,4%; vận tải hàng hoá tăng 14,6% và 15,9%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 15,1% và 14,4%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 3,7% và 11,3%.
Tính chung 10 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 13.126 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách tăng 14,9%; vận tải hàng hoá tăng 13,4%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 16,6%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 11,3%.
4.4. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 173 triệu USD. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 15,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,6 tỷ USD.
Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 10 ước đạt 910 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 8.528 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; các mặt hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, máy văn phòng đều đạt giá trị cao.
Giá trị hàng hoá nhập khẩu tháng 10 ước đạt 737 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng đầu năm, nhập khẩu ước đạt 6.924 triệu USD tăng 9,4%so với cùng kỳ năm trước.
5. Giá tiêu dùng
Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,46% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 4,89% và tăng 4,90% so với tháng 12/2023. Bình quân 10 tháng đầu năm giá tiêu dùng tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá và 03 nhóm giảm giá và 01 nhóm có giá ổn định. Trong 07 nhóm hàng tăng giá, có 02 nhóm tăng cao, tác động nhiều đến CPI; đó là:
– Nhóm hàng hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,48%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,45 điểm%. Tăng chủ yếu ở nhóm thực phẩm như rau tươi khô và chế biến tăng 6,12%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm%; giá lương thực tăng 3,74%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,12 điểm%; giá thủy sản tăng 0,54%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,02 điểm%; ăn ngoài gia đình tăng 2,54%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,12 điểm%.
– Nhóm giao thông tăng 0,53%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,05 điểm%; tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: nhiên liệu xăng, dầu tăng 1,11%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,05 điểm%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,96%, tác động làm cho CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như: du lịch trọn gói giảm 3,19%; giá điện sinh hoạt giảm 1,03% và giá nhà ở giảm 0,28%, các nhóm này tác động làm cho CPI chung giảm 0,28 điểm%.
Giá vàng tháng 10 tăng 5,53% so tháng trước; tăng 44,45% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng đầu năm giá vàng tăng 30,22%. Tính đến ngày 24/10/2024, bình quân giá vàng là 8.306 ngàn đồng/1 chỉ, tăng 435 ngàn đồng/1 chỉ so với tháng trước. Hiện nay, giá vàng có giá phổ biến ở mức từ 8.281 – 8.331 ngàn đồng/chỉ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 10 tăng 0,31% so với tháng trước; tăng 1,66% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng đầu năm tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân của Đô la Mỹ loại tờ (50 – 100 USD) tháng 10 là 2.498.860 đồng/100USD, tăng 7.675đồng/100USD so với tháng trước. Hiện nay, giá Đô la Mỹ trên thị trường Hải Dương đang có mức giá giao động từ 2.498.835 – 2.498.885 đồng/100USD.
6. Tài chính, ngân hàng
6.1. Thu, chi ngân sách nhà nước
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/10 đạt 22.435 tỷ đồng. Ước số thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/10 đạt 22.939 tỷ đồng, vượt 16,8% dự toán năm, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 19.502 tỷ đồng, thu qua Hải quan đạt 3.376 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/10 ước đạt 16.632 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách nhà nước ước đến ngày 31/10 đạt 17.261 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.538 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 11.681 tỷ đồng.
6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; Tín dụng tiếp tục tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai có hiêu quả các chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; nợ xấu trong tầm kiểm soát.
Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 208.530 tỷ đồng, tăng 12,2%; dư nợ tín dụng đạt 143.699 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu nội bảng chiếm 1,0% tổng dư nợ./.