Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 năm 2021 tỉnh Hải Dương

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 10 là tập trung thu hoạch lúa và cây hàng năm vụ mùa, gieo trồng cây rau mầu vụ đông.

1.1. Trồng trọt

Vụ mùa; tổng diện tích gieo trồng đạt 64.967 ha, giảm 1,13% (-744 ha) so với năm 2020; trong đó, cây lương thực có hạt đạt 56.187 ha, giảm 1,3% (-740 ha). Nguyên nhân chủ yếu làm giảm diện tích gieo trồng là do: (1) Chuyển mục đích sử dụng đất, thành lập các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và xây dựng một số khu đô thị mới; (2) Một số diện tích được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản,… ở các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc và thành phố Hải Dương.

Đến nay, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong diện tích vụ mùa. Riêng cây lúa, diện tích thu hoạch ước đạt 151.440 ha, bằng 93,2% diện tích gieo trồng; năng suất lúa mùa ước đạt 60,5 tạ/ha, tăng 4,1% (+2,4 tạ/ha) so với năm trước.

Vụ đông năm 2022; diễn biến thời tiết đầu vụ thuận lợi, các địa phương đang tranh thủ làm đất gieo trồng cây vụ đông. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến hết tháng 10, tổng diện tích gieo trồng cây rau mầu vụ đông ước đạt trên 10.000 ha, tương đương với cùng kỳ năm trước; trong đó, rau các loại ước đạt 9.000 ha, tương đương với cùng kỳ năm trước.

1.2. Chăn nuôi

Trâu, bò; đàn trâu trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, tại thời điểm 01/11, đàn trâu ước đạt 5.600 con, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 10 tháng ước đạt 769 tấn, tăng 8,0%. Đàn bò có xu hướng giảm; tổng đàn ước đạt 15.500 con, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 10 tháng ước đạt 1.495 tấn, giảm 3,1%.

Lợn: Tổng đàn lợn thịt ước tại thời điểm 01/11 đạt 248.500 con, tăng 26,3%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng ước 45.200 tấn, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước.

Gia cầm: Tại thời điểm 01/11, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.241 nghìn con tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 10 tháng ước đạt 53.897 tấn, tăng 17,0%; sản lượng trứng ước đạt 481,6 triệu quả, tăng 12,8%.

Hiện nay, cả chăn nuôi lợn và gia cầm đều gặp khó khăn do giá bán thịt lợn hơi giảm mạnh. Giá lợn hơi xuống thấp hơn giá thành sản xuất, người chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tình trạng này kéo dài sẽ làm người chăn nuôi thu hẹp qui mô sản xuất, không tái đàn. Tương tự, giá thịt gia cầm giảm, hiệu quả kinh tế đạt thấp, người chăn nuôi thu hẹp qui mô sản xuất nên quy mô đàn gia cầm sẽ giảm.

Tuy nhiên, trong thời gian ngắn sắp tới, sản lượng thịt lợn và gia cầm hơi xuất chuồng vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ; dự kiến quy mô đàn giảm sẽ chỉ ảnh hưởng đến sản lượng thịt hơi khi bước sang năm 2022.

1.3 Sản xuất thuỷ sản

Hoạt động nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn năm trước.

Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè với các giống cá đặc sản cho năng suất cao được duy trì. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài làm cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm “đứt gãy”; vì thế, giá bán cá lồng đang rất thấp, người chăn nuôi sẽ thu hẹp qui mô sản xuất trong thời gian tới.

2. Sản xuất công nghiệp

Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục sôi động và giữ vai trò là đầu tàu “kéo” kinh tế Tỉnh tăng trưởng cao.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng 100,8%; trong đó, ngành khai khoáng bằng 93,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 100,7%; ngành sản xuất và phân phối điện bằng 101,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải bằng 99,1%.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước bằng 113,8%; trong đó, tăng chủ yếu do ngành sản xuất và phân phối điện bằng (+116,0%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (+5,5%).

Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp dự ước bằng 111,6% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 107,6%; ngành sản xuất và phân phối điện bằng 147,5%. Hoạt động công nghiệp tăng cao chủ yếu là do các yếu tố sau:

– Do Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, hoạt động ổn định từ tháng 4, với công suất bình quân 600 triệu KWh/tháng đã làm sản lượng điện sản xuất 10 tháng đầu năm tăng 53,6% so với cùng kỳ.

– Do nhu cầu thị trường trong nước và thế giới tăng cùng với việc khu liên hiệp gang thép Hoà Phát hoàn thành dự án mở rộng, nâng cao công suất sản xuất thép, than cốc, nhiệt điện; nên sản phẩm sắt thép các loại tăng 18,8%; than cốc tăng 18,2%.

– Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 17,6%; trong đó, xe có động cơ tăng 165,8%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác cho xe có động cơ tăng 5,6%.

– Ngành sản xuất trang phục cũng đang có tốc độ tăng trưởng cao. Bên cạnh việc thị trường xuất khẩu đang phục hồi, thì trong quý III, dịch bệnh ở các tỉnh phía nam làm sản xuất đình trệ; nên nhiều đơn hàng được chuyển ra khu vực miền Bắc để sản xuất.

Bên cạnh đó cũng còn một số ngành sản xuất do chịu ảnh hưởng sâu từ dịch bệnh mà có sản lượng giảm so với cùng kỳ, đó là sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 7,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 18,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 7,5%…

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/10/2021 dự ước bằng 101,3% so với tháng trước, bằng 101,5% so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 108,3%; dệt bằng 109,8%; sản xuất trang phục bằng 103,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế bằng 118,8%; sản xuất kim loại bằng 105,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 106,2%; sản xuất thiết bị điện bằng 109,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 106,6%…

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm là khai khoáng khác bằng 62,5%; sản xuất đồ uống bằng 93,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 90,0%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu bằng 71,2%; sản xuất xe có động cơ bằng 99,0%; sản xuất giường, tủ bàn ghế bằng 85,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị bằng 92,0%;

3. Hoạt động đầu tư

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả  nguồn vốn đầu tư từ NSNN trong các tháng còn lại của năm 2021, tỉnh đã  xin điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn vốn NSNN 2021, cụ thể điều chỉnh giảm nguồn vốn ODA 112,8 tỷ đồng và điều chỉnh tăng nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng.

Ước tháng 10, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 477 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 188 tỷ đồng, giảm 20,0%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 270 tỷ đồng, tăng 14,8%; vốn ngân sách cấp xã đạt 18 tỷ đồng, giảm 22,7%.

Tính chung 10 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.479 tỷ đồng, bằng 68,1% kế hoạch năm, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 969 tỷ đồng, bằng 59,3% kế hoạch năm, giảm 18,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.337 tỷ đồng, đạt 74,2% kế hoạch năm, tăng 17,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 173 tỷ đồng, bằng 84,2% kế hoạch năm, tăng 4,0% so với cùng kỳ.

Một số công trình lớn đang đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – thành phố Hải Dương (tổng mức đầu tư 1.175 tỷ đồng); Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” (tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng); Xây dựng nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và đường 390 (tổng mức đầu tư 1.046 tỷ đồng); Đường vào Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (tổng mức đầu tư 715 tỷ đồng)…

Dù đã bước sang quý IV, nhưng giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh mới đạt 68,1% kế hoạch giao. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương. Tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đó là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ…

4. Thương mại, dịch vụ

Do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh đang dần được hồi phục, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân nên kinh doanh thương nghiệp và cung cấp các dịch vụ thiết yếu vẫn hoạt động ổn định.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 7.173 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 55.996 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 10 ước đạt 6.277 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 48.575 tỷ đồng, tăng 7,2%.

Phân theo mặt hàng, nhóm lương thực, thực phẩm đạt là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 36,5% trong tổng số và đạt 17.734 tỷ đồng, tăng 10,9%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 6.506 tỷ đồng, tăng 0,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 6.266 tỷ đồng, tăng 10,8%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 ước đạt 896 tỷ đồng, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng ước đạt 7.421 tỷ đồng, giảm 2,7%.

Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 80 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 2.287 tỷ đồng, giảm 17,8%; dịch vụ khác đạt 5.051 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 10 ước đạt 904 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước, giảm 0,1% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 117 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 21,1%, so với cùng kỳ giảm 14,6%; vận tải hàng hoá đạt 727 tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 58 tỷ đồng, tăng 6,1% so với tháng trước và giảm 10,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 7.116 tỷ đồng, giảm 7,0% (loại trừ yếu tố giá giảm 10,1%) so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 837 tỷ đồng, giảm 15,4%; vận tải hàng hoá đạt 5.761 tỷ đồng, giảm 5,2%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 508 tỷ đồng, giảm 11,4%.

5. Chỉ số giá

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,08% so với tháng trước; tăng 0,43% so với tháng 12 năm trước; bình quân 10 tháng đầu năm giảm 0,15% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm so với tháng trước, chủ yếu là do nhóm lương thực giảm 0,19%; nhóm thực phẩm giảm 1,77%; bên cạnh đó một số nhóm mặt hang tăng nhẹ so với tháng trước như ăn uống ngoài gia đinh tăng 1,1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%…

Giá vàng tháng 10 giảm 0,43% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng 10 là 5.134 ngàn đồng/chỉ, giảm 22 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước; giá Đô la Mỹ tháng 10 có xu hướng giảm, với mức giảm nhẹ 0,08% và giảm 1,9 ngàn đồng/USD so với tháng trước.

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 10 ước 907 tỷ đồng; nâng tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 14.432 tỷ đồng, vượt 11,0% kế hoạch năm, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 12.215 tỷ đồng, vượt 11,1% kế hoạch năm, tăng 7,4%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 575 tỷ đồng, bằng 80,5% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 2.999 tỷ đồng, tăng 28,4%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.898 tỷ đồng, tăng 14,1%; thu thuế thu nhập cá nhân 790 tỷ đồng, tăng 4,2%; các khoản thu về nhà, đất 4.022 tỷ đồng, tăng 37,6%.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến hết ngày 15/10 ước đạt 12.979 tỷ đồng, bằng 94,6% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.241 tỷ đồng, bằng 91,7%; chi thường xuyên đạt 8.707 tỷ đồng, bằng 96,0%.

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Hoạt động ngân hàng bảo đảm liên tục, không bị gián đoạn do giãn cách, cách ly xã hội. Nguồn vốn huy động tăng trưởng chậm so với cùng kỳ các năm trước, ước đến 31/10 đạt 151.500 tỷ đồng, tăng 9,1% so với 31/12/2020 và tăng 1,3% so với tháng trước; trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng giảm 36,8% và tăng 17,5%; tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng 7,1% và 0,4%.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 100.700 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 2020 và 1,0% so với tháng trước; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 14,5% và 1,3%; dư nợ trung, dài hạn tăng 5,2% và 0,4%; dư nợ cho vay ngoại tệ tăng 13,0% và 2,5%.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, các hoạt động Văn hóa, thể dục thể thao trong tháng mới được hoạt động trở lại. Mở đầu là giải cờ vua tranh Cup Báo Hải Dương được tổ chức từ ngày 9-10/10/2021, với 204 kỳ thủ thuộc 15 đội cờ vua các huyện, thị xã, thành phố và các câu lạc bộ trong tỉnh. Giải nhất toàn đoàn thuộc về thành phố Hải Dương, giải nhì thuộc về thành phố Chí Linh và giải ba thuộc về đoàn huyện Nam Sách.

2. Y tế

Tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực phía Nam, còn trên địa bàn tỉnh (tính từ ngày 27/7 đến nay) toàn tỉnh ghi nhận 162 người nhiễn Covid- 19, trong đó đã có 145 trường hợp đã ra viện, 01 trường hợp tử vong do Covid-19, hiện còn 16 bệnh nhân đang điều trị. Tính đến ngày 11.10, toàn tỉnh đã tiêm được 559.252 người, trong số này có 139.821 người đã tiêm mũi 2.

Các hoạt động, dịch vụ trở lại hoạt động bình thường nhưng vẫn phải đảm bảo quy tắc phòng chống dịch, vẫn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; tuyên truyền, cung cấp tài liệu, phổ biến kiến thức trên các phương tiện truyền thông của địa phương và thông qua hoạt động của các ban, ngành đoàn thể.

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các dịch bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh, trong đó có một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật bản, sởi… Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiên nghiêm công tác giám sát, điều tra dịch tễ khi có ca nghi mắc đầu tiên, các ổ dịch cũ được giám sát chặt chẽ và cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.

3. Giáo dục

Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường công tác an toàn trong trường học. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục một cách linh hoạt trên cơ sở những điều chỉnh về nội dung dạy học của Bộ GDĐT; chỉ đạo tổ chức thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh các môn văn hóa một cách nghiêm túc và tổ chức tốt Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi năm học 2020- 2021.

Năm học 2020 – 2021 vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, ngành Giáo dục tỉnh đã tham gia tích cực công tác phòng chống dịch. Với phương châm “tạm dừng đến trường không dừng học”, ngành Giáo dục đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra và đạt được những thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp trên nhiều lĩnh vực.

Tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9, có 542/960 học sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 54.46%, trong đó 09 giải Nhất.

Tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12, có 824/1783 học sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 46.21%. Trong đó có 24 giải Nhất

Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, Hải Dương có 81/99 học sinh đạt giải, trong đó có 4 giải Nhất, 21 giải nhì, 28 giải ba và 28 giải khuyến khích. Đặc biệt, trong năm học này, tỉnh vinh dự đạt Huy chương Vàng Olympic Quốc tế môn Hoá học và đạt Huy chương Đồng Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương.

4. Bảo vệ môi trường

Tháng 10, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm môi trường, các vụ vi phạm chủ yếu do đổ rác thải, xả nước thải, vứt khẩu trang không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 56,3 triệu đồng.

Tính chung 10 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 225 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý 225 vụ với tổng số tiền phạt 3.507,9 triệu đồng.

5. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy tại huyện Cẩm Giàng, vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.050 triệu đồng. Cộng dồn từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy, nổ làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại khoảng 26.220 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông; trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 10 người, làm 16 người bị thương. Tính chung 10 tháng, toàn tỉnh xảy ra 148 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 117 người, làm bị thương 66 người; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 51 vụ (-25.6%), giảm 40 người chết (-25.5%) và giảm 31 người bị thương (-32%)./.