Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 05 năm 2020

Dịch bệnh làm hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng do nhu cầu thị trường thế giới giảm sút; đồng thời một số doanh nghiệp thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Mặc dù hoạt động dịch vụ đã dần hoạt động trở lại sức tiêu dùng vẫn thấp.

I. Kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Đến ngày 15/5 cơ bản diện tích lúa chiêm xuân trỗ thoát, trà sớm đang vào trắc dự kiến cho thu hoạch vào đầu tháng 6. Năng suất lúa vụ chiêm xuân năm 2020 ước đạt 65,0 tạ/ha, tăng 3,7% (+2,3 tạ/ha) so với vụ chiêm xuân 2019; sản lượng đạt 367.881 tấn, tăng 1,5% (+5.490 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Một số loại cây rau màu chủ yếu có năng suất cao hơn so với vụ đông xuân năm 2019, chủ yếu là tăng ở vụ đông. Các loại cây có năng suất tăng mạnh như: hành củ, cà rốt, bắp cải, su hào,… Bên cạnh đó cũng có loại cây có năng suất thấp hơn vụ Đông xuân 2019 như: cà chua, bí xanh, củ đậu,… Nhìn chung, sản lượng các loại cây hàng năm vụ đông xuân năm 2020 ước cao hơn so với vụ đông xuân năm trước (do năng suất tăng là chủ yếu).

Tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 22.023 ha, tăng 0,5% (+103 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Trong tổng diện tích trồng cây lâu năm, diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.336 ha, chiếm 96,9% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh, diện tích cây gia vị, dược liệu ước đạt 40 ha, chiếm 0,2%; diện tích cây lâu năm khác ước đạt 468 ha, chiếm 2,1 %, các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu và cây chè búp chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cây ăn quả là cây trồng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh (chiếm 96,9%), tăng 90 ha so với cùng kỳ năm 2019. Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, 6 tháng đầu năm diện tích cây vải ước đạt 9.658 ha, giảm 1,3% (-123 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân diện tích trồng vải giảm so với cùng kỳ năm 2019 là do một số diện tích vải thiều đắp ụ, cấy xen ở các xã khu Hà Tây của huyện Thanh Hà do sản xuất kém hiệu quả nên nhiều hộ đã phá bỏ lập vồng trồng chuối và những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: ổi, na, xoài, đu đủ, hồng xiêm, mít,…

Sản lượng vải ước đạt 42.500 tấn, so với năm 2019 tăng 75,3% (+18.253 tấn). Nguyên nhân sản lượng vải tăng do điều kiện thời tiết năm nay thuận lợi hơn so với năm 2019. Đặc biệt là thời điểm cây vải thiều chuyển bị phân hóa mầm hoa gặp nhiệt độ xuống dưới 180C nên một số diện tích vải năm trước mất mùa đã phân hóa mầm hoa và ra hoa.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia cầm trong tỉnh ổn định, không xẩy ra dịch bệnh nên đàn gia cầm phát triển tốt. Riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do nguồn lợn giống khan hiếm sau dịch, nên việc tái đàn khá chậm.

Tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh tháng 5 ước đạt 168.000 con, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Đàn lợn đang được khôi phục sau dịch tả lợn Châu phi, tuy nhiên việc tái đàn chậm, người chăn nuôi sản xuất cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư tái đàn nên đàn lợn thịt khôi phục chậm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 4.130 tấn, tăng 32,4% so với cùng kỳ.

Về đàn gia cầm, trong tháng 5, do chăn nuôi lợn khôi phục chậm, nhiều hộ trang trại, gia trại chuyển sang nuôi gà để bù đắp chi phí thua lỗ trong nuôi lợn và duy trì quy mô chuồng trại đã xây dựng, nên đàn gia cầm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 13.900 nghìn con, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó đàn gà ước đạt 10.250 nghìn con tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Đàn gà được duy trì, phát triển tốt do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 4.600 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng trứng ước đạt trên 42.300 nghìn quả, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019.

1.3. Thuỷ sản

Tình hình nuôi trồng thủy sản trong tháng 5 vẫn duy trì ổn định và phát triển khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 42.960 tấn, tăng 7,9% (+3.161 tấn) so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là sản lượng thủy sản nuôi trồng. Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng mặt nước ước đạt 35.500 tấn, tăng 3,9% (+1.337 tấn) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cá là loài thủy sản được nuôi trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh, sản lượng ước đạt 35.462 tấn, chiếm 99,9% sản lượng thủy sản nuôi trồng, tăng 3,9% (+1.336 tấn) so với cùng kỳ năm 2019.

2. Sản xuất công nghiệp

Dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặc dù các doanh nghiệp đã dự trữ được nguồn nguyên liệu sản xuất, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có đơn hàng, ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 6,8%, trong đó hầu hết các ngành đều có chỉ số tăng. Cụ thể mức tăng của các ngành như sau: ngành khai khoáng tăng 23,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 18,2%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 0,7%.

So với cùng kỳ, mặc dù các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất nhưng do thiếu nguyên liệu để sản xuất, sản phẩm sản xuất ra chưa tiêu thụ được nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 vẫn giảm 4,8%; trong đó, ngành khai khoáng giảm 18,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 14,0%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 4,2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do sự đứt gãy của các chuỗi cung, cầu hàng hóa trên thị trường cả trong và ngoài nước. Sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm các đơn hàng mới đã làm cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 1,4% so với cùng kỳ; trong đó, ngành khai khoáng giảm 19,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,6%; ngành ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 18,5%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,0%.

Trong khi các ngành sản xuất khác phải đối mặt với tác động tiêu cực của đại dịch thì ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí lại có chỉ số tăng khá cao. Là do sau thời gian sửa chữa, bảo dưỡng trùng tu làm gia tăng công suất sản xuất, thêm vào đó là do thủy điện kém do lượng nước hạn chế nên để đảm bảo nguồn điện cung cấp các nguồn nhiệt điện được huy động sản xuất nhiều hơn.

Đa số các sản phẩm sản xuất của tỉnh có lượng sản xuất giảm sút, bên cạnh đó có một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng điển hình như: cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 6,7%; đinh, đinh mũ, ghim, vít, then, ốc tăng 3,8%; micro và các linh kiện của chúng tăng 10,1%; bơm nước một tầng, một cửa hút, trục ngang tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 21,6%, nước uống được tăng 5,5%.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2020 giảm 1,0% so với tháng trước; giảm 3,3% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm giảm 0,8%. Các ngành có lượng sử dụng lao động giảm là: khai khoáng giảm 33,8%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 27,7%; sản xuất đồ uống giảm 1,9%; sản xuất trang phục giảm 2,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,3%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 6,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic giảm 0,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 9,0%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,6%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 1,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 10,3%; sản xuất kim loại giảm 2,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 1,6%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 9,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,0%…

Các ngành có lượng sử dụng lao động tăng là: dệt tăng 11,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 1,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 3,7%;công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 17,5%; hoạt động thu gom, xử lý, tiêu hủy rác thải, nước thải tăng 6,2%,…

Các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn trong các lĩnh vực may gia công và sản xuất giày dép bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 như: Công ty TNHH may mặc quốc tế Phú Nguyên, Công ty TNHH Richway do thiếu nguyên liệu và không có đơn đặt hàng đã phải cho lao động nghỉ không lương từ tháng 4, Công ty TNHH Ford Việt Nam đã cho toàn bộ công nhân nhà máy nghỉ từ tháng 03 đến hết tháng 5 có hỗ trợ lương và bảo hiểm xã hội; Công ty TNHH Uniden Việt Nam đã cắt giảm 70% số lao động hợp đồng, giảm tối đa chi phí hoạt động để duy trì hoạt động của công ty do không có đơn đặt hàng.

3. Hoạt động đầu tư

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4 đạt 159 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 82 tỷ đồng, tăng 5,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 66 tỷ đồng, tăng 11,4%; vốn ngân sách cấp xã đạt 11 tỷ đồng, tăng 12,9%.

Ước tháng 5, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 181 tỷ đồng, tăng  15,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 88 tỷ đồng, tăng 7,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 80 tỷ đồng, tăng 23,8%; vốn ngân sách cấp xã đạt 13 tỷ đồng, tăng 23,5%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 641 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch năm, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 311 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch năm, tăng 5,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 282 tỷ đồng, đạt 16,3% kế hoạch năm, tăng 8,2%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 48 tỷ đồng, đạt 22,4% kế hoạch năm, tăng 6,5%.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến ngày 20/5, toàn tỉnh có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép mới với số vốn đăng ký 43,3 triệu USD. Trong đó có 10 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chỉ có 1 dự án thuộc ngành ăn uống.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội được áp dụng sẽ là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các hoạt động kinh tế nước nhà. Đây cũng chính là thời điểm vừa tiếp tục chống dịch đồng thời bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế – xã hội. Bước sang tháng 5, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng khởi sắc.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 5 ước đạt 3.975 tỷ đồng, tăng 11,5% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất ước đạt 1.544 tỷ đồng, tăng 10,1% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, ước đạt 621 tỷ đồng, tăng 20,5% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 531 tỷ đồng, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 19.948 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Phân theo mặt hàng: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 36,6% trong tổng số và đạt 7.299 tỷ đồng, tăng 11,6%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 14,8% trong tổng số, đạt 2.955 tỷ đồng, tăng 4,4%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 2.704 tỷ đồng, tăng 2,7%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5 ước đạt 745 tỷ đồng, tăng 50,1% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú ước đạt 12 tỷ đồng, tăng 84,6% so với tháng trước, giảm 57,6% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 305 tỷ đồng, tăng 68,8% so với tháng trước, giảm 12,0% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 427 tỷ đồng, tăng 38,4% so với tháng trước, tăng 1,7% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 5 tháng đầu năm ước đạt 3.230 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 65 tỷ đồng, chiếm 2,0% trong tổng số và giảm 49,6% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 1.237 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng số và giảm 25,6% so với cùng kỳ; dịch vụ khác đạt 1.921 tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng số, giảm 4,7% so với cùng kỳ.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 5 ước đạt 744 tỷ đồng, tăng 17,1% so với tháng trước và giảm 14,5% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 106 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 69,7%, so với cùng kỳ giảm 7,4%; vận tải hàng hoá đạt 579 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 58 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 26,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải 5 tháng đầu năm ước đạt 3.340 tỷ đồng, giảm 19,2% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 428 tỷ đồng, giảm 25,2%; vận tải hàng hoá đạt 2.621 tỷ đồng, giảm 17,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 286 tỷ đồng, giảm 26,9%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 5 ước đạt 1,5 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 39,0% và giảm 18,7% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 102,7 triệu hành khách.km, tăng 59,8% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ. Tính chung năm tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 11,0 triệu hành khách, so với cùng kỳ giảm 26,9%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 422,6 triệu hành khách.km, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 5 ước đạt 9,6 triệu tấn, so với tháng trước tăng 10,6% và giảm 16,2% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 674 triệu tấn.km, tăng 6,4% so với tháng trước và giảm 15,4% so với cùng kỳ. Tính chung năm tháng đầu năm khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 44,7 triệu tấn, giảm 18,3% so với cùng năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 3.129 triệu tấn.km, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

II. Một số vấn đề xã hội

1.Văn hóa, thể thao

Văn hóa; Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh                 (19/5/1890 – 19/5/2020), Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực quan hình ảnh, nội dung chào mừng trên bảng điện tử đặt tại Quảng trường Độc Lập, Nhà Triển lãm-Thông tin tỉnh, quốc lộ 5… Đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền lưu động tại 12 huyện, thị xã, thành phố về thân thế, sự nghiệp, công lao và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng; hướng dẫn các câu lạc bộ văn nghệ, thơ, khiêu vũ, thể thao tổ chức các hoạt động kỷ niệm.

Thể thao; các giải thể thao của tỉnh hoặc do tỉnh đăng cai dự kiến sẽ được tổ chức trở lại từ tháng 6. Trước mắt sẽ diễn ra Giải quần vợt các câu lạc bộ tỉnh Hải Dương, Giải đua thuyền chải và Giải vô địch cầu lông đồng đội toàn quốc năm 2020. Năm 2020, ngoài các giải thể thao toàn quốc do tỉnh đăng cai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch tổ chức 24 giải thể thao. Dự kiến trong 5 tháng đầu năm, sẽ có 11 giải thể thao được tổ chức, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ tổ chức được Giải thể thao gia đình, các giải còn lại phải tạm hoãn. Các giải thể thao bị hoãn sẽ được sắp xếp tổ chức vào 6 tháng cuối năm.

2. Y tế

Để kiểm soát dịch Covid – 19, ngành y tế Hải Dương đã khoanh vùng và quản lý tốt, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đến ngày 3/5/2020, toàn tỉnh chỉ còn 136 người đang cách ly tại Trung đoàn 125, không còn người cách ly tại các cơ sở y tế và nơi cư trú.

Mùa nắng nóng cũng là lúc các dịch bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh, trong đó có một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật bản, sởi…Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiên nghiêm công tác giám sát, điều tra dịch tễ khi có ca nghi mắc đầu tiên, các ổ dịch cũ được giám sát chặt chẽ và cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.

3. Giáo dục

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, học sinh nghỉ học phòng chống dịch bệnh kéo dài, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học trực tuyến đã được triển khai và được áp dụng tổ chức hiệu quả tại các lớp học trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 học sinh toàn tỉnh đi học trở lại. Có khoảng hơn 23.000 học sinh lớp 9 và hơn 16.000 học sinh lớp 12; trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại từ ngày 23/4/2020. Học sinh các lớp còn lại của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh đi học trở lại từ ngày 27/4/2020. Khoảng 290.000 học sinh ở 262 trường tiểu học và 308 trường mầm non đi học trở lại từ ngày 04/5/2020. Còn lại các trường cao đẳng, đại học căn cứ tình hình cụ thể quyết định thời điểm cho sinh viên trở lại trường học.

Theo đó, khi học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020; xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục, bảo đảm thực hiện nghiêm túc kế hoạch năm học. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cách phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh theo mùa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Chuẩn bị các điều kiện y tế cho cán bộ, giáo viên, học sinh phòng dịch theo đúng quy định.

4. Bảo vệ môi trường

Tháng 5, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 07 vụ vi phạm môi trường, gồm xả thải và khai thác cát trái phép, số tiền xử phạt là 518,4 triệu đồng. Trong đó một vụ khai thác cát trái phép với quy mô lớn tại huyện Thanh Hà đã bị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt số tiền 510 triệu đồng. Ngoài tiền phạt, các cá nhân vi phạm còn phải cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác và bị tịch thu phương tiện vi phạm là tàu vỏ sắt và số cát trên tàu.

5. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy, làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại khoảng 2.750 triệu đồng. Thành phố Hải Dương có 02 vụ, 01 vụ cháy nhà dân làm 01 cụ bà 83 tuổi khuyết tật sống một mình tử vong và 01 người hàng xóm bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 150 triệu đồng; 01 vụ cháy quán Karaoke Dragon – đường Ngô Quyền, thành phố Hải Dương ước tính thiệt hại về tài sản 550 triệu đồng. Tại xã Đức Chính huyện Cẩm Giàng có 01 vụ cháy kho chứa giấy vệ sinh và nước tẩy rửa, ước thiệt hại là 2.050 triệu đồng. Tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà xảy ra 01 vụ cháy xưởng sản xuất rộng khoảng 400m2 nhưng không gây thiệt hại về người, hiện chưa thống kê được thiệt hại về tài sản.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay xảy ra 09 vụ cháy, nổ làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại ước tính 18.285 triệu đồng.

Về tai nạn giao thôngTháng 05/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 23 người, làm 09 người bị thương. Năm tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 96 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 85 người, làm bị thương 31 người; so với cùng kỳ năm 2019, TNGT giảm 09 vụ (-8,6%), giảm 12 người chết (-12,4%) và giảm 17 người bị thương (-35%).