Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 02 năm 2021 tỉnh Hải Dương

Tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp từ cuối tháng 01 ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động dịch vụ trước và trong Tết nguyên đán; đồng thời cũng ảnh hưởng đến khả năng giao thương, tiêu thụ nông sản vụ đông và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

  1. Kinh tế
  2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Hiện nay, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong cây rau mầu vụ đông; đồng thời tranh thủ thời tiết nắng ấm khẩn trương làm đất gieo trồng lúa, rau mầu vụ chiêm xuân. Đến ngày 15/02, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 20.000 ha cây rau vụ đông, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các loại cây trồng vụ đông năm 2021 cho năng suất cao hơn so với năm 2020; riêng các loại cây su hào, bắp cải, súp lơ ước tính năng suất tăng từ 15- 20% so với năm 2020. Vụ đông năm nay, diễn biến thời tiết thuận lợi cho nhóm cây rau lấy lá, quả sinh trưởng, phát triển tốt.

Hiệu quả sản xuất vụ đông năm nay đạt khá. Ước tính trừ chi phí thu nhập một sào bắp cải, su hào, súp lơ giao động từ 6 đến 8 triệu đồng/sào; riêng cây cà rốt vụ đông năm nay giá bán tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do dịch Covid nên giá bán cuối vụ giảm mạnh, nông dân phải bán lỗ để bù đắp chi phí và chuẩn bị gieo cấy vụ Chiêm xuân.

Bên cạnh việc thu hoạch và tiêu thụ cây rau mầu vụ đông, các địa phương tích cực gieo cấy lúa Chiêm xuân và trồng các loại cây rau, màu vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Đến ngày 22/02, toàn tỉnh gieo cấy được khoảng 42.000 ha, đạt 75% kế hoạch; ước tính đến hết tháng 02, sẽ gieo cấy được 56.000 ha lúa chiêm xuân, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các địa phương đang khẩn trương gieo trồng các loại cây rau, màu vụ xuân như: Ngô, Lạc, bí xanh, bắp cải, dưa hấu…Tính đến hết tháng 02, toàn tỉnh gieo trồng được trên 4.000 ha rau, màu vụ xuân, tương đương với cùng kỳ năm 2020.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng 2, tình hình chăn nuôi gia cầm ổn định; chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung lợn giống để khôi phục đàn sau dịch tả lợn Châu phi.

– Trâu, bò: tại thời điểm 28/2/2021, đàn trâu ước đạt 4.600 con, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 02 ước đạt 83 tấn, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020; đàn bò ước đạt 19.500 con, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 195 tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2020.

– Lợn: trong tháng 02, chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung lợn giống để khôi phục đàn sau dịch tả lợn Châu phi. Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 28/2/2020 ước đạt 200.000 con, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 4.500 tấn, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020.

– Gia cầm: do chăn nuôi lợn khôi phục chậm, nhiều hộ trang trại, gia trại chuyển sang nuôi gà để khai thác, duy trì quy mô chuồng trại đã xây dựng, nên đàn gia cầm tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Tại thời điểm 28/2/2021, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.500 nghìn con, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó đàn gà ước đạt 11.200 nghìn con, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn gà được duy trì, phát triển tốt do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng 02 ước đạt 5.200 tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng trứng ước đạt 44.000 nghìn quả, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

1.3. Thuỷ sản

Nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh, giá bán sản phẩm các loại thủy sản ổn định, hiệu quả nuôi trồng thủy sản đạt khá; phương thức nuôi cá lồng bè vẫn được duy trì và phát triển mạnh do phương thức nuôi lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao, với các chủng loại cá đa dạng như: Diêu hồng, Rô phi đơn tính, Trắm cỏ, Cá chép nuôi giòn…

Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 11.000 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt trên 7.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ 2020. Công tác quản lý môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản được duy trì thường xuyên, nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ, rải rác.

1.4. Tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch bệnh

Do thực hiện các biện pháp cách ly, phòng chống dịch Covid-19 nên tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn từ đầu tháng 02 và trở lên cấp thiết hơn từ sau Tết Nguyên đán. Tính đến 22/02, lượng nông sản tồn đọng cần tiêu thụ ngay còn rất nhiều:

– Về rau màu, còn gần 1.500 ha cây vụ đông đến kỳ thu hoạch, chiếm hơn 5% diện tích gieo trồng; trong đó, hơn 500 ha cà rốt tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP. Chí Linh với sản lượng 30.000 tấn; rau các loại còn 250 ha, sản lượng đạt 15.000 tấn ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành; hơn 630 ha hành, tỏi ở thị xã Kinh Môn cho sản lượng 20.000 tấn nhưng 80% người dân để khô và sấy.

– Về chăn nuôi, lượng lợn thịt đến kỳ xuất bán là 45.000 con, sản lượng khoảng 4.520 tấn; tổng gia cầm xuất chuồng hơn 950.000 con, đạt 2.250 tấn; trứng gia cầm thương phẩm gần 3 triệu quả; số lượng gia cầm con cần xuất bán từ 120.000-135.000 con/ngày.

– Về thuỷ sản, diện tích ao nuôi đến kỳ thu hoạch khoảng 3.320 ha, sản lượng được xuất bán khoảng 14.900 tấn. Số lượng cá lồng đến kỳ xuất bán khoảng 2.000 lồng, sản lượng 5.000 tấn.

  1. Sản xuất công nghiệp

Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh đang gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, nhà máy phải tạm ngừng hoạt động; tình trạng thiếu lao động và gián đoạn trong khâu trung chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu sản xuất do việc xuất, nhập khẩu hàng hoá qua cảng Hải Phòng gặp khó khăn.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, do chênh lệch về số ngày sản xuất cùng với ảnh hưởng từ lệnh phong toả, cách ly một số khu, cụm, địa bàn huyện, thành phố nên sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tháng 2 giảm 39,0% so với tháng trước. Cụ thể ngành khai khoáng giảm 44,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 43,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 9,9%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 6,6%.

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tháng 02 dự ước giảm 23,3%; trong đó, ngành khai khoáng giảm 32,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 28,5%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 0,1%. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 14,2%. Nguyên nhân là do Công ty TNHH điện lực Jack Hải Dương đã chính thức tham gia vào thì trường điện từ cuối tháng 11 năm ngoái.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương 2 tháng đầu năm dự ước giảm 5,7%; trong đó, ngành khai khoáng giảm 18,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 20,5%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,0%.

Nhiều sản phẩm quan trọng của tỉnh đều có lượng sản xuất giảm như thức ăn cho gia súc giảm 14,2%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 24,1%; xi măng portland đen giảm 8,9%; sắt thép không hợp kim cán phẳng không gia công giảm 8,7%; mạch điện tử tích hợp giảm 13,6%; Micrô và các linh kiện của chúng giảm 12,8%; máy khâu loại khác trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình giảm 40,6%; xe có động cơ chở được 5 người trở lên chưa được phân vào đâu giảm 41,5%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ giảm 8,8%;…

Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng như: vải dệt kim hoặc móc tăng 4,2%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, coppy,… tăng 15,3%; bộ phận và các phụ tùng dùng cho thiết bị ghi và tái tạo âm thanh, video tăng 35,8%; máy khâu loại dùng cho gia đình tăng 31,7%; điện sản xuất tăng 21,5%; điện thương phẩm tăng 13,2%; nước uống được tăng 7,8%.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2021 giảm 0,3% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kỳ, tính chung 2 tháng đầu năm giảm 5,2%. Trong đó đại đa số các ngành đều có số lượng lao động giảm, điển hình như khai khoáng khác giảm 21,0%; sản xuất đồ uống giảm 3,1%; dệt giảm 11,5%; sản xuất trang phục giảm 10,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 22,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 9,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,4%;…

  1. Hoạt động đầu tư

Với tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, một trong những biện pháp giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Ước tháng 2, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 62,3 tỷ đồng, đạt 1,8% kế hoạch năm, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó là kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán Tân Sửu nằm trọn trong tháng 2 đã làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 160,3 tỷ đồng, đạt 4,5% kế hoạch năm, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 69,2 tỷ đồng, đạt 4,5% kế hoạch năm, giảm 7,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 77,0 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch năm, tăng 0,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 14,1 tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch năm, giảm 0,5%.

  1. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngay lập tức có tác động tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế; ảnh hưởng nặng nhất là các ngành dịch vụ, do tổng cầu giảm, mất nhiều thời gian phục hồi do yếu tố tâm lý và thay đổi hành vi tiêu dùng.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021 tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 11.077 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 14,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá các mặt hàng chủ yếu giảm so cùng kỳ và tháng 01 năm nay tiêu thụ hàng hóa tốt hơn rất nhiều so với năm trước.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 02 năm 2021 ước đạt 4.328 tỷ đồng, giảm 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 9.636 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng:

– Nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 38,9% trong tổng số và đạt 3.744 tỷ đồng, tăng 26,0%;

– Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 15,9% trong tổng số, đạt 1.536 tỷ đồng, tăng 24,3%;

– Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 1.288 tỷ đồng, tăng 12,3%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 02 năm 2021 ước đạt 585 tỷ đồng, giảm 31,7% so với tháng trước và giảm 8,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 02 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế:

– Dịch vụ lưu trú đạt xấp xỉ 21 tỷ đồng, chiếm 1,4% trong tổng số và giảm 42,0% so với cùng kỳ;

– Dịch vụ ăn uống đạt 530 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng số và giảm 5,6% so với cùng kỳ;

– Dịch vụ khác đạt 889 tỷ đồng, chiếm 61,7% tổng số, tăng 11,0% so với cùng kỳ.

4.3. Vận tải

Chịu tác động trực tiếp và đầu tiên bởi đại dịch, hoạt động kinh doanh vận tải một lần nữa làm cho lao đao, nhất là vận tải hành khách.

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 2 năm 2021 ước đạt 483 tỷ đồng, giảm 49,4% so với tháng trước và giảm 25,2% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 52 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 59,4%, so với cùng kỳ giảm 34,1%; vận tải hàng hoá đạt 393 tỷ đồng, giảm 48,2% so với tháng trước và giảm 22,7% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 37 tỷ đồng, giảm 43,4% so với tháng trước và giảm 34,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 02 tháng đầu năm, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.436 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 179 tỷ đồng, giảm 4,7%; vận tải hàng hoá đạt 1.152 tỷ đồng, tăng 10,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 103 tỷ đồng, giảm 12,1%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 2 ước đạt 1,2 triệu hành khách, so với tháng trước giảm 61,4% và giảm 50,2% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 43 triệu hành khách.km, giảm 69,1% so với tháng trước và 45,3% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 4,1 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 181 triệu hành khách.km, 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 2 ước đạt 6,9 triệu tấn, so với tháng trước giảm 49,7% và giảm 21,8% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 401 triệu tấn.km, giảm 47,6% so với tháng trước và giảm 33,0% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 20 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.166 triệu tấn.km, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Chỉ số giá tiêu dùng

Theo quy luật hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn từ ngày 23 tháng Chạp và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết, dù chịu ảnh hưởng nhất định từ dịch bệnh. Tuy vậy, sức mua nói chung vẫn thấp hơn cùng kỳ do những ảnh hưởng chung từ tình hình kinh tế xã hội không mấy khả quan.

Bước sang năm mới Tân Sửu, nhu cầu mua hàng hóa không cao do ảnh hưởng bởi lệnh cách ly xã hội trong toàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh. Nhìn chung, giá cả thị trường trước, trong và sau Tết không có biến động lớn, mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 1,82% so với tháng trước; giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 02 tháng đầu năm giảm 1,42% so với cùng kỳ. Đây là năm hiếm hoi có chỉ số giá tháng Tết giảm trong nhiều năm trở lại đây.

Tác động làm tăng chỉ số giá tháng với tháng trước đầu tiên phải kể đến nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng (+8,0%) do ảnh hưởng của giá điện sinh hoạt (các tháng trước được Nhà nước hỗ trợ giá). Tiếp đến là nhóm đồ uống, thuốc lá (+1,22%) và nhóm giao thông (+1,21%),…

  1. Một số vấn đề xã hội
  2. Hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà Tết

Dịch bệnh quay trở lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán, việc chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách, người có công, các đối tượng trong khu cách ly, khu phong tỏa, các cán bộ, chiến sỹ, lực lượng tình nguyện tại các chốt trực, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm tặng quà để mọi người dân, mọi nhà đều có Tết. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định dành trên 47 tỷ đồng tặng quà Tết cho các gia đình, người có công với cách mạng, người cao tuổi, hộ nghèo và các trường hợp đang hưởng trợ cấp khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tổng kinh phí tặng quà Tết Nguyên đán Tân Sửu khoảng trên 47 tỷ đồng, được trích từ nguồn kinh phí đảm bảo xã hội năm 2021.

Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương, Sở LĐTBXH, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp thăm và tặng quà cho người lao động tỉnh ngoài ở lại Hải Dương ăn Tết.

  1. Văn hóa, thể thao

Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế – xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân, ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, không tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, không liên hoan, gặp mặt đầu xuân để phòng chống dịch.

  1. Y tế và hoạt động phòng, chống dịch Covid-19

Sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở thành phố Chí Linh vào ngày 26/1/2021, tỉnh Hải Dương đã tiến hành phong tỏa ổ dịch, truy vết xét nghiệm các F1 có liên quan. Kết quả trong ngày 27/1 đã phát hiện thêm 76 ca dương tính, chiều cùng ngày tỉnh Hải Dương đã quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh trong 21 ngày (từ 28/1 đến 22/2). Tiếp tục truy vết, tỉnh Hải Dương xác định có thêm 10 ca dương tính tại huyện Cẩm Giàng và phong tỏa toàn huyện vào 18h ngày 05/2.

Từ khi dịch bùng phát trở lại đến 6h ngày 23/2, toàn tỉnh có 620 ca nhiễm Covid-19 tại 83 xã, phường thị trấn thuộc 12/12 huyện, thị xã, thành phố. Có 15.057 người cách ly trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện là 88 người; cách ly tập trung tại các cơ sở khác: 4158 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 10.811 trường hợp. Số lượng người cách ly như trên chỉ bằng 18% so với lúc cao điểm nhất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh duy trì 949 chốt kiểm soát dịch bệnh (29 chốt tỉnh, 108 chốt huyện và 812 chốt xã); triển khai 203 khu cách ly tập trung, trong đó có 69 khu của cấp huyện và 134 khu của cấp xã; thực hiện phong tỏa hoàn toàn 74 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và huyện Cẩm Giàng, thành phố Chí Linh.

  1. Giáo dục

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã có quyết định cho học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh nghỉ học ở trường đến hết tháng 02 và triển khai, tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh các cơ sở giáo dục từ ngày 17/2/2021 để phòng, chống dịch bệnh.

Tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020-2021, tỉnh Hải Dương có 99 học sinh tham gia, kết quả có 81 học sinh đoạt giải (04 giải Nhất, 21 giải Nhì, 28 giải Ba và 28 giải Khuyến khích) ở cả 11 môn thi gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và lập trình trên máy vi tính môn Tin học. Tỷ lệ học sinh đoạt giải 81,8 xếp thứ 05 toàn quốc theo số lượng giải; xếp thứ 06 toàn quốc theo môn Olympic.

  1. Bảo vệ môi trường

Tháng 02, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm môi trường, số tiền xử phạt là 37 triệu đồng, hầu hết các vụ vi phạm là đổ chất thải rắn công nghiệp ra môi trường. Tính chung 02 tháng đầu năm, xảy ra 37 vụ, xử lý 33 vụ với tổng số tiền xử phạt 230 triệu đồng.

  1. Trật tự an toàn xã hội

Tình hình an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu tiếp tục được duy trì ổn định. Đã xử lý vi phạm pháp luật về trật tự xã hội có 26 vụ đốt pháo, 02 vụ trộm cắp, 18 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra trong dịp Tết.

Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy kho chứa đồ tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện; nguyên nhân đang được điều tra làm rõ, thiệt hại ước 150 triệu đồng. Tính chung 02 tháng đầu năm, xảy ra 02 vụ cháy, nổ không có thương vong về người; thiệt hại ước tính 230 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông; Tháng 02, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 06 người, làm 08 người bị thương. Hai tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 31 người, làm bị thương 21 người; so với cùng kỳ năm 2020, TNGT giảm 04 vụ (-10%), giảm 07 người chết (-18,4%) và tăng 12 người bị thương (133,3%)./.